21.02.2013
Tôi có thói quen
đi bộ như một cách tập thể dục hằng ngày. Vừa đi vừa mơ mộng và quan sát chung
quanh. Trong vô số những điều tôi nhìn thấy, có một chuyện, thoạt đầu, tôi thấy
bình thường, không để ý mấy, nhưng sau, càng ngày càng khiến tôi nghĩ ngợi. Đó
là những người đang cắt cỏ, đốn cây hay dọn dẹp rác rến trước nhà hoặc ngoài
đường. Có khi họ là công nhân vệ sinh, có khi chỉ là những người tự dọn dẹp vườn
tược và bãi cỏ trước cổng nhà mình. Tôi nhận thấy: Cứ hễ có người đi ngang qua,
tất cả đều ý tứ dừng tay lại. Đang quét rác: dừng tay. Đang cắt cỏ: dừng máy;
có người còn giảm tiếng máy nhỏ xuống. Chờ cho khách bộ hành đi qua hẳn, họ mới
bắt đầu làm việc lại. Lý do rất đơn giản: Người ta không muốn bụi và rác bắn
vào khách đi đường.
Những lúc ấy, tôi cứ nhớ đến Việt Nam. Sau năm 1975, ở đại học, bọn sinh viên Khoa Văn chúng tôi phải học thơ Tố Hữu khá nhiều. Trong đó có bài “Tiếng chổi tre”, đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ:
Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…
Những đêm đông
Khi cơn dông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...
Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.
Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!
Dạo ấy, tôi đọc và thuộc lòng bài thơ ấy, nhưng nhớ, dường như chưa bao giờ tôi liên hệ hình ảnh người quét rác được thi vị hóa trong bài thơ với những người lao công rách rưới tôi gặp hằng ngày trên đường từ nhà đến trường đại học. Tôi thấy họ, nhưng có lẽ không bao giờ nhìn họ. Họ, cái chổi của họ, tấm khăn họ thường bịt miệng và những đống rác hôi thối bên cạnh họ cứ trôi qua mắt tôi. Rồi biến mất. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Những năm tháng ấy, ai cũng cùng khổ như nhau. Là sinh viên, rồi sau đó, cán bộ giảng dạy, thực tình, tôi không hề thấy mình khá hơn bất cứ người công nhân lam lũ nào ngoài đường. Cũng đói. Cũng lo lắng vì những chuyện vô cùng lặt vặt. Và cũng tơi tả tuyệt vọng.
Tôi chỉ thực sự chú ý đến những người quét rác và công việc quét rác khi tôi về lại Việt Nam sau bao nhiêu năm sống ở hải ngoại. Thăm Hà Nội, tôi thường ở trong các khách sạn gần hồ Hoàn Kiếm. Sáng, cũng vẫn thói quen đi bộ vòng quanh bờ hồ. Hồ Hoàn Kiếm đẹp. Các sinh hoạt quanh bờ hồ cũng khá dễ thương với những người ung dung tản bộ hoặc tập thể dục. Nhưng thường, trước khi đến bờ hồ, tôi phải đi qua vài con phố nhỏ. Lúc ấy cũng là giờ người ta lục đục mở cửa tiệm. Một trong những công việc đầu tiên khi mở cửa tiệm là dọn dẹp. Đó cũng là việc mà tôi sợ nhất. Đang đi bộ, nhởn nhơ nhìn người đi ngược đi xuôi, bỗng nghe “ào”, một đống rác, và cùng với nó, một vùng bụi, từ trong tiệm văng tóe ra ngoài, có khi hắt cả vào người. Vội vàng nhào qua thật nhanh, lấy tay bịt mũi và ngưng cả thở. Nhưng qua đợt bụi và rác này lại đến đợt bụi và rác khác. Từ những tiệm khác. Cứ thế, cả một quãng đường dài. Mà hè phố ở Hà Nội lại hẹp. Không thể tránh được. Nhớ, nghe tôi kể chuyện ấy, bạn bè trong giới văn nghệ ở Hà Nội đều nói: “Còn may!”. Hỏi tại sao, họ đáp: Có khi còn lãnh nguyên cả một chậu nước dơ từ trên các tầng lầu cao hắt thẳng xuống đầu!
Trong hoặc sau lúc đi bộ, tôi thường tạt vào một quán cà phê nào đó. Tôi thích những quán cà phê lộ thiên, bày bàn ghế bên ngoài hơn là những căn phòng chật chội và kín mít. Thật thú khi vừa nhâm nhi cà phê vừa nhìn ngắm khung cảnh phố xá và các sinh hoạt chung quanh. Nhưng buổi sáng cũng là lúc các nhân viên vệ sinh làm việc: Họ quét rác ngoài đường hoặc ngay cả trên khoảnh sân thuộc quán cà phê. Bụi và rác văng tung tóe. Lấy tay bịt mũi thì bụi văng vào ly cà phê. Bịt cả hai thì bụi bay vào mặt, vào tóc, vào quần áo. Đành vội vã trả tiền rồi chạy biến. Và lại chui vào một quán cà phê chật chội và kín mít mà mình, thoạt đầu, không hề thích chút nào cả. Ngay trong những quán cà phê ấy, nếu đúng lúc người ta quét dọn thì cũng khiếp đảm lắm. Bụi không nhiều như ngoài sân hay ngoài đường, dĩ nhiên. Nhưng cũng vẫn là bụi. Những lúc ấy, tôi mới thấy ghét cái chổi tre và, nhất là, cách quét rác của người Việt.
Để quét dọn, ở Tây phương, người ta cũng dùng chổi. Chổi của họ khác với chổi của ta về cả hình dáng lẫn chất liệu: Ở ta, chổi thường làm bằng tre (chẻ mỏng) hoặc bằng lá dừa nước (còn gọi là chổi chà) hoặc bằng xơ dừa, bằng cọng đót, bằng rơm rạ, bằng cây thanh hao (một loại sim rừng). Ở Tây phương, người ta làm chổi chủ yếu từ các loại nhựa tổng hợp; và vì làm bằng nhựa, nên hình dạng cũng dễ dàng biến hóa, thành đa dạng hơn. Tuy nhiên, khác biệt quan trọng nhất là ở cách quét. Ở Tây phương, người ta thường lùa rác về phía mình, dồn lại thành đống rồi hốt vất vào thùng rác. Ở Việt Nam, người ta thường hất ngược cây chổi về phía trước, bụi và rác cứ bắn tung lên bất cứ người nào đang đứng hoặc đi ngang qua trước mặt họ. Điểm đến của các đống rác ấy thường ít khi đi vào thùng mà là ra ngoài đường. Còn bụi thì chia đều cho mọi người chung quanh.
Cách quét rác như thế có lẽ đã có từ lâu, rất lâu trước khi con người phát hiện ra vi trùng để biết sợ rác và bụi. Còn bây giờ? Nó chỉ tồn tại như một tập quán xấu. Nó không khác tật khạt nhổ nơi công cộng chút nào cả.
Mà không phải chỉ trong chuyện quét rác. Ở Việt Nam, cái chổi còn được sử dụng như một thứ vật dụng để đánh người khác: Với roi, người ta thường đánh vào tay và nhắm đến mục đích răn dạy; với gậy gộc, người ta có thể đánh vào bất cứ bộ phận nào trong thân thể người khác, từ đầu xuống vai, lưng, mông và tay chân, và nhắm đến mục đích trừng phạt, rửa hận hay cho bõ ghét; còn với chổi, người ta thường đánh thẳng vào đầu, với mục đích chủ yếu là sỉ nhục. Chổi càng cũ, càng dơ và càng cùn, mức độ sỉ nhục càng lớn. Cái chổi và cách quét rác còn là một “văn hoá”: Cái văn hóa hất chổi cho bụi và rác bay tung tóe vào mặt mũi người khác như vậy còn phổ biến trong mọi sinh hoạt, từ chính trị đến xã hội của người Việt Nam, kể cả, và đặc biệt trầm trọng nhất, từ những người có chức và có quyền.
Chúng ta hay nói đến vấn đề dân chủ mà thường quên một số sự thật căn bản: Trung tâm của dân chủ là nhân quyền; trung tâm của nhân quyền là biết tôn trọng người khác; nhưng tôn trọng người khác không phải là tôn trọng tính người với những ý niệm trừu tượng như tự do và bình đẳng của họ mà còn phải tôn trọng cả sự hiện diện của họ.
Tranh đấu cho dân chủ, bởi vậy, tôi nghĩ, nên bắt đầu từ những việc cụ thể: cái chổi và văn-hóa-hất-rác-và-bụi vào người khác.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Những lúc ấy, tôi cứ nhớ đến Việt Nam. Sau năm 1975, ở đại học, bọn sinh viên Khoa Văn chúng tôi phải học thơ Tố Hữu khá nhiều. Trong đó có bài “Tiếng chổi tre”, đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ:
Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…
Những đêm đông
Khi cơn dông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...
Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.
Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!
Dạo ấy, tôi đọc và thuộc lòng bài thơ ấy, nhưng nhớ, dường như chưa bao giờ tôi liên hệ hình ảnh người quét rác được thi vị hóa trong bài thơ với những người lao công rách rưới tôi gặp hằng ngày trên đường từ nhà đến trường đại học. Tôi thấy họ, nhưng có lẽ không bao giờ nhìn họ. Họ, cái chổi của họ, tấm khăn họ thường bịt miệng và những đống rác hôi thối bên cạnh họ cứ trôi qua mắt tôi. Rồi biến mất. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Những năm tháng ấy, ai cũng cùng khổ như nhau. Là sinh viên, rồi sau đó, cán bộ giảng dạy, thực tình, tôi không hề thấy mình khá hơn bất cứ người công nhân lam lũ nào ngoài đường. Cũng đói. Cũng lo lắng vì những chuyện vô cùng lặt vặt. Và cũng tơi tả tuyệt vọng.
Tôi chỉ thực sự chú ý đến những người quét rác và công việc quét rác khi tôi về lại Việt Nam sau bao nhiêu năm sống ở hải ngoại. Thăm Hà Nội, tôi thường ở trong các khách sạn gần hồ Hoàn Kiếm. Sáng, cũng vẫn thói quen đi bộ vòng quanh bờ hồ. Hồ Hoàn Kiếm đẹp. Các sinh hoạt quanh bờ hồ cũng khá dễ thương với những người ung dung tản bộ hoặc tập thể dục. Nhưng thường, trước khi đến bờ hồ, tôi phải đi qua vài con phố nhỏ. Lúc ấy cũng là giờ người ta lục đục mở cửa tiệm. Một trong những công việc đầu tiên khi mở cửa tiệm là dọn dẹp. Đó cũng là việc mà tôi sợ nhất. Đang đi bộ, nhởn nhơ nhìn người đi ngược đi xuôi, bỗng nghe “ào”, một đống rác, và cùng với nó, một vùng bụi, từ trong tiệm văng tóe ra ngoài, có khi hắt cả vào người. Vội vàng nhào qua thật nhanh, lấy tay bịt mũi và ngưng cả thở. Nhưng qua đợt bụi và rác này lại đến đợt bụi và rác khác. Từ những tiệm khác. Cứ thế, cả một quãng đường dài. Mà hè phố ở Hà Nội lại hẹp. Không thể tránh được. Nhớ, nghe tôi kể chuyện ấy, bạn bè trong giới văn nghệ ở Hà Nội đều nói: “Còn may!”. Hỏi tại sao, họ đáp: Có khi còn lãnh nguyên cả một chậu nước dơ từ trên các tầng lầu cao hắt thẳng xuống đầu!
Trong hoặc sau lúc đi bộ, tôi thường tạt vào một quán cà phê nào đó. Tôi thích những quán cà phê lộ thiên, bày bàn ghế bên ngoài hơn là những căn phòng chật chội và kín mít. Thật thú khi vừa nhâm nhi cà phê vừa nhìn ngắm khung cảnh phố xá và các sinh hoạt chung quanh. Nhưng buổi sáng cũng là lúc các nhân viên vệ sinh làm việc: Họ quét rác ngoài đường hoặc ngay cả trên khoảnh sân thuộc quán cà phê. Bụi và rác văng tung tóe. Lấy tay bịt mũi thì bụi văng vào ly cà phê. Bịt cả hai thì bụi bay vào mặt, vào tóc, vào quần áo. Đành vội vã trả tiền rồi chạy biến. Và lại chui vào một quán cà phê chật chội và kín mít mà mình, thoạt đầu, không hề thích chút nào cả. Ngay trong những quán cà phê ấy, nếu đúng lúc người ta quét dọn thì cũng khiếp đảm lắm. Bụi không nhiều như ngoài sân hay ngoài đường, dĩ nhiên. Nhưng cũng vẫn là bụi. Những lúc ấy, tôi mới thấy ghét cái chổi tre và, nhất là, cách quét rác của người Việt.
Để quét dọn, ở Tây phương, người ta cũng dùng chổi. Chổi của họ khác với chổi của ta về cả hình dáng lẫn chất liệu: Ở ta, chổi thường làm bằng tre (chẻ mỏng) hoặc bằng lá dừa nước (còn gọi là chổi chà) hoặc bằng xơ dừa, bằng cọng đót, bằng rơm rạ, bằng cây thanh hao (một loại sim rừng). Ở Tây phương, người ta làm chổi chủ yếu từ các loại nhựa tổng hợp; và vì làm bằng nhựa, nên hình dạng cũng dễ dàng biến hóa, thành đa dạng hơn. Tuy nhiên, khác biệt quan trọng nhất là ở cách quét. Ở Tây phương, người ta thường lùa rác về phía mình, dồn lại thành đống rồi hốt vất vào thùng rác. Ở Việt Nam, người ta thường hất ngược cây chổi về phía trước, bụi và rác cứ bắn tung lên bất cứ người nào đang đứng hoặc đi ngang qua trước mặt họ. Điểm đến của các đống rác ấy thường ít khi đi vào thùng mà là ra ngoài đường. Còn bụi thì chia đều cho mọi người chung quanh.
Cách quét rác như thế có lẽ đã có từ lâu, rất lâu trước khi con người phát hiện ra vi trùng để biết sợ rác và bụi. Còn bây giờ? Nó chỉ tồn tại như một tập quán xấu. Nó không khác tật khạt nhổ nơi công cộng chút nào cả.
Mà không phải chỉ trong chuyện quét rác. Ở Việt Nam, cái chổi còn được sử dụng như một thứ vật dụng để đánh người khác: Với roi, người ta thường đánh vào tay và nhắm đến mục đích răn dạy; với gậy gộc, người ta có thể đánh vào bất cứ bộ phận nào trong thân thể người khác, từ đầu xuống vai, lưng, mông và tay chân, và nhắm đến mục đích trừng phạt, rửa hận hay cho bõ ghét; còn với chổi, người ta thường đánh thẳng vào đầu, với mục đích chủ yếu là sỉ nhục. Chổi càng cũ, càng dơ và càng cùn, mức độ sỉ nhục càng lớn. Cái chổi và cách quét rác còn là một “văn hoá”: Cái văn hóa hất chổi cho bụi và rác bay tung tóe vào mặt mũi người khác như vậy còn phổ biến trong mọi sinh hoạt, từ chính trị đến xã hội của người Việt Nam, kể cả, và đặc biệt trầm trọng nhất, từ những người có chức và có quyền.
Chúng ta hay nói đến vấn đề dân chủ mà thường quên một số sự thật căn bản: Trung tâm của dân chủ là nhân quyền; trung tâm của nhân quyền là biết tôn trọng người khác; nhưng tôn trọng người khác không phải là tôn trọng tính người với những ý niệm trừu tượng như tự do và bình đẳng của họ mà còn phải tôn trọng cả sự hiện diện của họ.
Tranh đấu cho dân chủ, bởi vậy, tôi nghĩ, nên bắt đầu từ những việc cụ thể: cái chổi và văn-hóa-hất-rác-và-bụi vào người khác.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment