Thứ
ba, ngày 12 tháng hai năm 2013
(Tiếp
theo)
Sen tàn cúc lại nở
hoa
Sầu dài ngày ngắn,
đông đà sang xuân
Hai câu Kiều của
Nguyễn Du chắc hẳn một số người Việt Nam cũng không biết đến. Thế nhưng, câu thơ đó đã được Tổng
thống Bill Clinton trích dẫn trong bài phát biểu tại bữa tiệc chiêu đãi quốc
khách của Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 đến 19/11/2000 [1].
Tổng thống Bill Clinton
Theo tôi, quả là
một thiếu sót lớn khi trong cuốn Bên Thắng Cuộc Huy Đức không nói đến những chi
tiết bên lề chuyến viếng thăm lịch sử của ông Clinton, vị Tổng thống thứ 42 của
Hoa Kỳ (1993-2001) tại Hà Nội và Sài Gòn.
Tổng thống Clinton đã thi vị hóa mối bang giao Hoa Kỳ -
Việt Nam qua thơ Kiều, ông ví von: “Những hình
ảnh băng giá của quá khứ đã bắt đầu tan và những phác thảo về nột tương lai ấm
áp chung đã bắt đầu hình thành. Chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng mùa xuân mới”
[2]
Không chỉ “lẩy”
Kiều, bài diễn văn của Clinton còn khiến cử tọa
ngạc nhiên vì sự hiểu biết khá sâu sắc của ông về văn chương và lịch sử Việt Nam. Ông
nhắc đến Nguyễn Trãi như “nhà chính trị người Việt vĩ đại” (the great
Vietnamese statesman) của hơn 500 năm về trước để dẫn ý “sau những năm chiến
tranh, chỉ có cuộc sống là tồn tại” (after so many years of war, only life
remains).
Clinton còn nhắc đến Hồ Xuân Hương nhân sự kiện cuốn sách Những bài thơ
200 năm tuổi về bà vừa được xuất bản tại Hoa Kỳ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và
thậm chí cả bằng nguyên bản chữ Nôm. Ông cũng nói đến hiện tượng chiếc áo dài
truyền thống Việt Nam đã là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết
kế thời trang nổi tiếng thế giới như Armani và Calvin Klein.
Tổng thống Clinton bắt tay người dân Hà Nội
Điều mà hầu hết
báo chí quốc tế chú ý đến cuộc viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Clinton là những bài diễn văn của ông. Trong
buổi nói chuyện với các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 17/11/2000,
được truyền hình trực tiếp, ông đã mở đầu bằng những lời lẽ thân mật:
“… I was given a
Vietnamese phrase; I am going to try to say it. If I mess it up, feel free to
laugh at me: Xin chào các bạn!” (Tôi được dạy một câu tiếng Việt, tôi sẽ cố
gắng nói câu đó, các bạn cứ cười thoải mái nếu tôi nói sai: Xin chào các bạn).
Quả nhiên sinh viên cười và vỗ tay. Họ cười có lẽ vì được nghe tiếng Việt lơ lớ
của ông nhưng họ vỗ tay vì cảm thấy hãnh diện khi một vị Tổng thống Hoa Kỳ lần
đầu tiên nói tiếng Việt.
Clinton cũng tạo
được sự gần gũi với giới trẻ khi ông
nhắc đến Trần Hiếu Ngân, nữ vận động viên Taekwondo, huy chương bạc Olympic
Sydney 2000, và cũng là người Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương tại Thế vận
hội. Ông còn nhắc đến các cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam: Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hồng Sơn.
Phải nói tài hùng
biện của Bill Clinton đã chinh phục cảm tình của cử tọa. Lúc thì dí dỏm, khi
lại rất nghiêm trang. Nhắc lại lời của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Pete Peterson, về chuyện quá khứ và
tương lai của mối bang giao Việt Nam và Hoa Kỳ, ông nói: “We cannot change the past. What we
can change is the future” (Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều mà chúng
ta có thể thay đổi là tương lai).
Tạp chí Newsweek,
ngày 27/11/2000, bình luận: “Getting over the past and making history seem to
be the two things on Clinton’s agenda these
days” (Vượt qua quá khứ và tạo nên lịch sử là hai điều trong chương trình hành
động của ông Clinton trong thời gian này).
Newsweek ám chỉ
thời gian ngắn ngủi trước khi nhiệm kỳ của ông Clinton chấm dứt vào năm 2001 mà
tiếng Anh gọi là thời kỳ “lame duck” (vịt què). Nội các “vịt què” (lame-duck
cabinet) của ông sẽ bàn giao vào ngày 20/01/2001, chỉ hơn 2 tháng sau chuyến thăm
Việt Nam.
Gia đình Tổng thống Bill Clinton
Bên Thắng Cuộc (Phần II, Chương 20: Lê
Khả Phiêu và ba ông cố vấn) nói đến cuộc viếng thăm chính thức của Bill Clinton dưới
một cách nhìn khác. Theo Huy Đức, có hai thái độ đón tiếp trái ngược nhau:
trong khi giới lãnh đạo dè dặt, chừng mực trong các nghi lễ tiếp đón thì người
dân Việt lại đón Clinton một cách thân thiện, cởi mở.
“Bill Clinton và tùy tùng tới sân bay
Nội Bài lúc 11 giờ đêm ngày 16/11/2000. Điều ngạc nhiên là vị tổng thống của
quốc gia mà chính quyền đang coi như kẻ thù lại được hàng ngàn người dân Hà Nội
và các địa phương lân cận đứng chờ trong đêm lạnh dọc hai bên đường cao tốc
Thăng Long - Nội Bài.
Dường như cảm kích trước sự chào đón
đó, Tổng thống Clinton đã bật đèn trong khoang xe của mình để vẫy tay đáp trả
người dân Hà Nội. Dân chúng cũng đã chen chúc đến khu Văn Miếu để nhìn thấy
Bill Clinton. Hai hôm sau, khi rời Hà Nội đến Sài Gòn cũng vào lúc mười một giờ
đêm, Bill Clinton lại được người dân đứng chờ và reo hò khi thấy ông xuất hiện
từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó, Bộ Chính trị đã phải tính
đến từng nụ cười, cái bắt khi đón vợ chồng Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Phan Văn
Khải kể, khi tiếp Clinton, ông đã không cười và bàn tay thì chỉ đưa ra nhẹ mà
không nắm lại. Ông Nguyễn Đức Hòa, trợ lý của ông hỏi: “Người ta đã sang tận
đây, tiếc gì anh không nở một nụ cười với họ?”. Ông Khải nói: “Không được đâu
mày ơi, Bộ Chính trị đã thống nhất là không được cười”
Trước đó vào tháng
6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành nhà lãnh đạo Cộng sản đầu tiên thăm
chính thức Washington. Chuyến đi của ông Khải gây chú ý đặc
biệt và người ta không khỏi bàn tán khi trước báo giới, ngồi bên cạnh một ông
Bush đầy tự tin, ông Khải tỏ vẻ bối rối, tay cầm tờ giấy để trả lời báo chí.
Ông Khải thừa nhận: “Quan hệ với Mỹ dễ dàng hơn nhiều so
với Trung Quốc. Tôi hội đàm hết sức thoải mái với Tổng thống G. W. Bush và Bill
Clinton trước đây nhưng đúng là tôi ngại báo chí. Chỉ cần báo chí đưa không
đúng một câu nói của mình thì sẽ có vấn đề ngay với Bộ chính trị. Sang Mỹ nhưng
thực ra chúng tôi phải lo đối nội nhiều hơn đối ngoại”
Thủ tướng Phan Văn Khải & Tổng
thống George Bush (2005)
Cuộc nói chuyện của Clinton với sinh
viên cũng được Bên Thắng Cuộc kể lại theo hướng khác: “Một
ngày trước khi Tổng thống Bill Clinton nói chuyện với sinh viên ở trường Đại
học Quốc gia Hà Nội, Tướng Nguyễn Chí Trung, trợ lý của Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu đã mấy lần xuống “quán triệt” với Ban Giám đốc các nghi thức, khi nào thì
đứng dậy, khi nào vỗ tay… Thay vì theo kịch bản, sinh viên đã vỗ tay gần như
liên tục ở các đoạn đầu”.
Clinton nói với
sinh viên Việt Nam: “Theo kinh nghiệm của
chúng tôi, giới trẻ sẽ có nhiều niềm tin hơn vào tương lai nếu họ có tiếng nói
trong việc định hướng tương lai, trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chính phủ
của họ và có một chính phủ có trách nhiệm đối với những người dân mà chính phủ
phục vụ”.
Mặc dù nhấn mạnh “chúng tôi không tìm cách và cũng không thể
áp đặt những ý tưởng này”, Bill Cliton giải thích: “Chỉ có các bạn mới quyết định xem có nên chăng tiếp tục mở cửa thị
trường, mở cửa xã hội của mình và củng cố nền pháp trị. Chỉ có các bạn mới
quyết định liên kết như thế nào giữa tự do cá nhân và nhân quyền trên nền tảng
giàu mạnh của bản sắc quốc gia Việt Nam”.
Diễn văn của Clinton cũng dẫn thêm một câu chuyện mà ít
người biết đến: hơn 200 năm trước, Thomas Jefferson đã cố gắng để đưa các giống
lúa Việt Nam về trồng trong trang trại của ông ở Virginia. Jefferson là tác giả của Bản Tuyên
Ngôn Độc Lập năm 1776 của nước Mỹ. Bản tuyên ngôn mà Clinton nói là đã “vang
vọng trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 1945” của Việt Nam.
Bill Clinton cũng
nhắc đến bức tường bằng đá màu đen Vietnam Veterans Memorial tại Washington
D.C, nơi ghi tên những người Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam. Ông nhắc đến điều mà các cựu binh Mỹ
gọi là “mặt sau của bức tường”, đó là “sự hy sinh lớn lao” (staggering
sacrifice) của ba triệu người Việt Nam thuộc hai miền Nam – Bắc.
Vietnam Veterans Memorial tại
Washington D.C
Cuối buổi chiều 18/11/2000, Tổng Bí thư
Lê Khả Phiêu chào đón Tổng thống Bill Clinton bằng một bài phát biểu dài.
Sau lời mở đầu
theo thủ tục, ông Lê Khả Phiêu bắt đầu bày tỏ chính kiến của mình:
“Tôi đồng ý với Ngài là chúng ta không
quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng
thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến
chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành…
Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân
sang đánh Việt Nam? Cuộc kháng chiến
chống xâm lược của chúng tôi là giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc và
đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên đối với chúng tôi, quá khứ không
phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh”.
Ông Lê Khả Phiêu
nói tiếp: “Bà bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
trong một lần gặp tôi có hỏi: chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói:
không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi…
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với
gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước. Đảng chúng tôi có quan hệ
với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền… Trong quan hệ quốc tế ngày
nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn
trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi
cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng
tôi”.
Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu kết thúc bài phát biểu “chào mừng” tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đến
Văn phòng Trung ương Đảng: “Chúng tôi quý
trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa
của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh
cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emily [3] con gái của Morrison [4] và mẹ cháu
cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng
đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
Tổng bí thư Lê Khả Phiêu
Phát biểu đáp từ
của Bill Clinton được lược thuật trên báo Nhân Dân ngày 19/11/2000: “Về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhiều người
ở Hoa Kỳ không nhất trí với nhau về chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ và về bản
chất cuộc chiến tranh. Nhiều người, trong đó có Đại sứ Peterson của chúng tôi,
đã tưởng rằng họ sang chiến đấu để giúp cho người Việt Nam được tự do và tự quyết. Ngày nay, tôi
thấy rất thú vị là đã có một nước Việt Nam thống nhất và tiến bộ”.
Sau này, trong
cuốn hồi ký My Life, Bill Clinton viết: “Lê
Khả Phiêu cố gắng sử dụng hành động phản đối chiến tranh Việt Nam của tôi để cáo buộc những gì Mỹ đã làm
là hành vi đế quốc. Tôi đã rất giận dữ nhất là khi ông ta nói vậy trước sự có
mặt của Đại sứ Pete Peterson, một người đã từng là tù binh chiến tranh.
Tôi nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng
khi tôi không tán thành các chính sách đối với Việt Nam, những người theo đuổi
nó cũng không phải là đế quốc hay thực dân, mà là những người tốt chiến đấu
chống cộng sản. Tôi chỉ Pete và nói, ông đại sứ không ngồi sáu năm rưỡi trong
nhà tù ‘Hà Nội Hilton’ vì muốn thực dân hóa Việt Nam” [5]
Hồi ký My Life, Bill Clinton
Ông Phan Văn Khải
nhớ lại: “Ông Phiêu nói như thời chiến
tranh làm cho họ [người Mỹ] rất khó chịu. Ông ấy muốn tỏ rõ thái độ của một
chính quyền cộng sản. Nhưng, ông Phiêu không hiểu tình hình thế giới giờ đây đã
khác. Phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã. Vấn đề là mối quan hệ giữa hai quốc gia,
chúng ta cần Mỹ. Nếu người Mỹ không vào thì những công ty lớn trên thế giới
không có ai vào cả”.
Theo Tổng thống
Bill Clinton, giữa ông và Thủ tướng Phan Văn Khải đã xây dựng được mối quan hệ
tốt đẹp trong lần gặp ở Auckland (New Zealand), khi đó ông Khải cũng nói là ông
cảm kích trước việc Bill Clinton đã từng phản đối chiến tranh Việt Nam. Clinton nhớ lại: “Khi tôi nói: những người Mỹ
phản đối hay ủng hộ cuộc chiến tranh đó đều là người tốt. Ông Khải nói: tôi
hiểu”.
Bill Clinton, Hillary Clinton và con
gái Chelsea xem biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội
Cũng trong cuốn
hồi ký My Life, Clinton đưa ra nhận xét, dường như những người mà ông gặp ở
Việt Nam, chức vụ càng cao thì ngôn ngữ càng “sặc mùi” cộng sản theo kiểu cũ.
Ông mô tả chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh: “Võ Viết Thanh ăn nói như những thị
trưởng năng nổ ở Mỹ mà tôi biết. Ông khoe về việc cân đối ngân sách, cắt giảm
chi tiêu, và nỗ lực lôi kéo thêm các nhà đầu tư nước ngoài”. Đối với Chủ tịch
nước Trần Đức Lương, Bill Clinton nhận xét: “Chỉ kém giáo điều hơn Lê Khả Phiêu
một chút”.
Tác giả Huy Đức
cho rằng ông Phiêu có “lý do đối nội” khi cố tình làm mất lòng Bill Clinton chỉ
vì muốn được lòng các nhân vật khác trong nội bộ Đảng Cộng sản. Nhưng sau này,
điều oái ăm đã xảy ra, chính những người mà ông nghĩ sẽ hài lòng với thái độ
cứng rắn trước Tổng thống Mỹ lại sử dụng điều đó để chống lại ông.
Hillary Clinton và con gái Chelsea với chiếc nón lá Việt Nam
Vào Sài Gòn, Tổng
thống Clinton đã nói chuyện với cộng đồng doanh
nghiệp Việt Nam tại Cảng Container Quốc tế (Vietnam
International Container Terminals – VICT), một liên doanh giữa Singaporevà Việt Nam. Ông lên tiếng ca ngợi những tiến bộ
tích cực trong công cuộc đổi mới về kinh tế và xã hội của Việt Nam trong thập niên vừa qua.
Theo Clinton, Hiệp
định Thương mại Việt - Mỹ sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam nhiều hơn. Ông tuyên bố chính phủ Hoa
Kỳ sẽ dành một khoản tín dụng 200 triệu đô-la để hỗ trợ các dự án đầu tư của Mỹ
vào Việt Nam.
Nhân dịp này, Clinton cũng đề cao vai trò của những người
Việt tại nước ngoài. Theo ông, họ đầu tư vào Việt Nam không những bằng tiền bạc mà còn với
cả tấm lòng. Nước Mỹ vui mừng khi giúp họ trở về làm ăn, cũng xin cám ơn chính
phủ và nhân dân Việt Nam đã chào đón họ
tại quê nhà [6].
Và có lẽ cũng để
ủng hộ việc kinh doanh của người Mỹ gốc Việt tại Sài Gòn, Tổng thống Bill
Clinton, phu nhân Hillary, con gái Chelsea cùng đoàn tùy tùng đã dùng bữa trưa
tại Phở 2000, góc đường Lê Lai, bên hông chợ Bến Thành. Đây là mạng lưới các
tiệm Phở 2000 tại Sài Gòn do Alain Huỳnh Trung Tấn từ Hoa Kỳ về kinh doanh. Kể
từ đó, Phở 2000 có thêm khẩu hiệu “Phở for the President”.
Bill Clinton chụp hình kỷ niệm với nhân
viên Phở 2000
***
Chú thích:
[1] Hai câu Kiều
của Nguyễn Du:
Sen tàn cúc lại nở
hoa
Sầu dài ngày ngắn,
đông đà sang xuân
đã được chuyển ngữ
sang tiếng Anh trong bài phát biểu của Tống thống Bill Clinton tại Hà Nội như
sau:
Just as the lotus
wilts, the mums bloom forth
Time softens
grief, and the winter turn to spring
Chắc chắn những cố
vấn người Việt của Tổng thống Clinton đã phải làm việc tích cực trong việc soạn những bài diễn
văn cho ông. Clinton đã tỏ ra rất am hiểu về lịch sử cũng
như văn hóa Việt Nam, ông rất tự tin khi trình bày những
vấn đề này.
[2] Nguyên văn tiếng
Anh: “Frozen images of the past have begun to thaw and outlines of a warmer
shared future have begun to take shape. Let us make the most of this new spring
together”.
[3] Emily rất nổi
tiếng ở Việt Nam sau khi bài thơ Ê-mê-ly, Con ơi! của
Tố Hữu được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy suốt nhiều thập niên. Bài thơ có
những câu như:
Ê mi ly con ơi!
Ê mi-ly, con đi
cùng cha
Sau khôn lớn con
thuộc đường, khỏi lạc...
- Đi đâu cha?
- Ra bờ sông
Pô-tô-mác
- Xem gì cha?
Không con ơi, chỉ
có Lầu ngũ giác.
…
Oa-sinh-tơn
Buổi hoàng hôn
Còn mất?
Đã đến phút lòng
ta sáng nhất
Ta đốt thân ta
Cho ngọn lửa chói
loà
Sự thật..........
[4] Morrison: Một
người Mỹ ở Pennsylvania, ngày 2/11/1965, bế con gái Emily một
tuổi tới trước văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng McNamara rồi tự thiêu để phản đối
chiến tranh Việt Nam.
[5] My Life, Bill
Clinton, Vintage Books 2005, trang 930.
[6] Nguyên văn:
“Overseas Vietnamese want to invest in your country, not only with their money,
but with their hearts. We are glad to be helping them to return and we thank
you, the people and the government of Vietnam, for welcoming them home”
***
(Trích Hồi Ức Một
Đời Người, Chương 8: Thời mở cửa)
Hồi Ức Một Đời
Người gồm 9 Chương:
Chương 1: Thời thơ
ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời
niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời
thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời
quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải
tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời
điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở
lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở
cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội
nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết
tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày
xuống lỗ)!
Thứ bảy, ngày 09 tháng hai năm 2013
Thứ năm, ngày 07 tháng hai năm 2013
No comments:
Post a Comment