Sunday 16 April 2023

VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ DƯƠNG - THÁI BÌNH DƯƠNG MỞ và TỰ DO (RFA)

 



Việt Nam trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do

RFA

2023.04.14

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-in-the-free-and-open-indo-pacific-strategy-04142023141652.html

 

Nhật Bản được coi là người tạo ra khái niệm chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” hiện do Hoa Kỳ và các đồng minh lớn dẫn đầu. Theo Reuters, khi đến thăm Ấn Độ vào ngày 20 tháng 3 năm 2023, như một sáng kiến chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố một kế hoạch mới cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do. Nhân dịp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Việt Nam từ ngày 14 đến 16 tháng 4, 2023, trước khi đến Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh Ngoại trưởng G-7 ngày 16 đến 18/4/2023, RFA phỏng vấn Giáo sư Carlyle Thayer ở  Đại học New South Wales, Australia, về vị trí của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mở và Tự do. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-in-the-free-and-open-indo-pacific-strategy-04142023141652.html/@@images/905d0c15-8704-432f-a53e-8f889cd727ca.jpeg

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lên máy bay rời Hà Nội hôm 16/4/2023 .  AFP

 

RFA. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm Việt Nam từ ngày 14-16/4, trước khi dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G7 tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 16-18/4/2023. Liệu có mối liên hệ nào giữa hai sự kiện này ?

Carlyle A. Thayer: Nếu “chiến lược” được định nghĩa là mục đích, cách thức và ý nghĩa, thì các chuyến đi của Bộ trưởng Blinken tới Nhật Bản và Việt Nam là phương tiện để đạt được mục tiêu chiến lược trong các chiến lược An ninh Quốc gia và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Biden. Hoa Kỳ đang cố gắng huy động và duy trì một liên minh quốc tế để phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine và ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan và đe dọa các quốc gia ven Biển Đông.

 

.

RFA. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do đặt ra hai vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia của Việt Nam: vấn đề Tự do và Mở trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông, và chương trình “Đối tác Mekong - Hoa Kỳ”. Xin cho biết lập trường của G-7 về hai vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Nhật Bản năm 2023? Vị trí của Việt Nam trong chiến lược này là gì?

Carlyle A. Thayer: Tất cả các thành viên của Nhóm 7 hoặc đã ban hành tài liệu về chính sách chiến lược quốc gia về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hoặc thuộc về một thực thể đa phương đã phê chuẩn chính sách chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như QUAD, Liên minh châu Âu và NATO .

Nhật Bản, Canada và Mỹ cũng như các nước châu Âu nhận thức sâu sắc rằng an ninh tương lai của họ phụ thuộc sống còn vào hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của họ với khu vực. 

Họ có chung quan điểm rằng Trung Quốc là thách thức lớn đối với trật tự dựa trên luật lệ hiện nay, ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. 

Tất cả các thành viên của G-7 đều chia sẻ mối quan tâm về một quan hệ đối tác Nga-Trung “không có giới hạn”. Đó là lý do tại sao tất cả họ đều ủng hộ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do. Ngoại trừ Ý, tất cả các thành viên khác của G-7 đều triển khai tàu chiến đến Biển Đông trong những năm gần đây.

Bởi vì G-7 là các nước công nghiệp tiên tiến, họ sẽ xem xét cách tốt nhất để sử dụng sức mạnh kinh tế của mình nhằm củng cố khả năng phục hồi của khu vực trước thách thức của các vấn đề phi truyền thống, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và con người. 

Chính trong bối cảnh này, việc hỗ trợ phát triển bền vững ở Tiểu vùng sông Mekong trở nên quan trọng. Hỗ trợ cho các quốc gia ven sông Mekong cung cấp các giải pháp thay thế cho việc phụ thuộc vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Phát triển bền vững của Tiểu vùng sông Mekong có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế của Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào.

Việt Nam luôn ủng hộ sự hiện diện của cái gọi là các quốc gia “ngoài khu vực” với tư cách là đối tác chiến lược hoặc toàn diện. Điều này bao gồm hỗ trợ cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do, cũng như sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-in-the-free-and-open-indo-pacific-strategy-04142023141652.html/carl_photo_copy.jpg/@@images/e1b5c513-3241-4936-b7d3-721edf3cf5ab.jpeg

Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Australia. (Ảnh: Đại học New South Wales.)

 

RFA Trong chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 20 tháng 3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói muốn cải thiện năng lực giám sát và cảnh báo hàng hải của ASEAN. Tại sao vấn đề này lại quan trọng?

Carlyle A. Thayer: ASEAN với tư cách là một nhóm đại diện cho một trong những động lực tăng trưởng chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. ASEAN đại diện cho một thị trường có 634 triệu dân với tổng GDP là 33,5 nghìn tỷ USD, ASEAN đã thông qua một tài liệu chính sách, “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP),” trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của khối trong các vấn đề khu vực, bao gồm cả cấu trúc an ninh của khu vực. AOIP cũng nhấn mạnh rằng ASEAN sẽ không đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc tác động đến an ninh ở Đông Nam Á, nhất là ở Biển Đông. Chính sách của Nhật Bản hỗ trợ năng lực cảnh báo và giám sát hàng hải của ASEAN phù hợp với chính sách của Ấn Độ, Hoa Kỳ và Úc được gọi chung là QUAD. Sự hỗ trợ này rất quan trọng trong việc xây dựng năng lực phát hiện và ngăn chặn các hoạt động đánh cá, khai thác và khảo sát của Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.

 

.

RFA. Theo ông, việc Việt Nam chấp nhận nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm đối tác chiến lược có khả thi trong năm nay?

Carlyle A. Thayer: Có. Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhất trí trong cuộc điện đàm vào cuối tháng 3 về “tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương”. Ngoại trưởng Anthony Blinken hiện đang ở Hà Nội để thảo luận về thể thức cho các chuyến thăm trao đổi của Tổng thống Biden và Tổng bí thư Trọng lần lượt vào tháng 5 và tháng 7, theo các báo cáo chưa được xác nhận. 

Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí chỉ định “các cơ quan hữu quan của hai bên để thảo luận chi tiết nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước”.

Đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược là khả thi trong năm nay vì hai lý do. Thứ nhất, Tổng Bí thư Trọng đã đặt nền móng bằng chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10-11 năm 2022 để gặp Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Thứ hai, năm tới sẽ đánh dấu thời điểm bắt đầu vận động cho cuộc bầu cử năm 2024 ở Mỹ. Khi các chuyến thăm cấp cao diễn ra, sẽ có nhiều thời gian để hai bên đi đến thống nhất về nội dung của quan hệ Đối tác chiến lược.

 

.

RFA. Tại sao năm 1991, Việt Nam nhanh chóng đề nghị bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong khi Trung Quốc vừa tấn công chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa năm 1988 giết chết 64 bộ đội Việt Nam, nhưng Việt Nam lại chậm trễ đáp ứng đề nghị của Mỹ nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ? Mỹ đề nghị nâng cấp quan hệ với Việt Nam từ năm 2011, đến nay đã 12 năm, nhưng vì sao Việt Nam từ chối?

Carlyle A. Thayer: Tháng 10 năm 1991, cộng đồng quốc tế đã đạt được một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột ở Campuchia. Đây là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ Trung-Việt. Vào thời điểm đó, Việt Nam đang bị Hoa Kỳ cấm vận, và trong các tài liệu nội bộ của đảng, được coi là “kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp nhất của Việt Nam.” Việt Nam lo ngại trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự bất ổn chính trị ở Liên Xô.

Việt Nam đã tìm cách tạo ra một liên minh gồm các quốc gia xã hội chủ nghĩa bao gồm cả Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không muốn xa lánh Hoa Kỳ vì họ cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống lại Liên Xô. Người ta nói rằng Trung Quốc đã từ chối sáng kiến của Việt Nam bằng lời tuyên bố hai bên là “đồng chí, không đồng minh”.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ vào tháng 7 năm 1995 sau khi giải quyết những bất đồng của họ về việc giải trình đầy đủ đối với những người mất tích và tù binh Hoa Kỳ cũng như những đóng góp của Hoa Kỳ trong việc “hàn gắn vết thương chiến tranh” (bom đạn chưa nổ còn sót lại và chất độc da cam điôxin).

Ngoại trưởng Hillary Clinton thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược nhưng cuối cùng cả hai bên đều đồng ý rằng thời điểm chưa chín muồi. Đây là trường hợp “đồng sàng dị mộng”. Hà Nội và Washington đều có những ý kiến khác nhau về “quan hệ đối tác chiến lược”. Hoa Kỳ nhấn mạnh đến khía cạnh quân sự, trong khi Việt Nam nhìn nhận quan hệ đối tác trên các khía cạnh toàn diện hơn (kinh tế, chính trị, giáo dục, khoa học và công nghệ, v.v.). Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

 

.

RFA. Vậy trong tương lai, Việt Nam sẽ ưu tiên những lĩnh vực nào trong quan hệ với Hoa Kỳ?

Carlyle A. Thayer: Theo truyền thông Việt Nam, Tổng Bí thư Trọng đã kêu gọi quan hệ kinh tế và khoa học công nghệ là “động lực” trong quan hệ song phương. Dưới sự bảo trợ của quan hệ kinh tế, ông Trọng ưu tiên thương mại cân bằng và phát triển bền vững, chuỗi cung ứng và hậu cần mới, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, tăng học bổng cho người Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, chăm sóc sức khỏe, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các vấn đề di sản chiến tranh, hỗ trợ với hoạt động gìn giữ hòa bình, quốc phòng và an ninh của Liên hợp quốc, trao đổi thông tin và phòng chống tội phạm.

 

.

RFA. Nếu quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp trong năm nay, Mỹ sẽ được lợi gì? Việt Nam nhận được lợi ích gì?

Carlyle A. Thayer: Hoa Kỳ sẽ ưu tiên cho vấn đề thương mại cân bằng hơn, mở những cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư và hoạt động tại Việt Nam, ưu tiên cho sự tham gia của Việt Nam vào Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn. 

Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác chính trị-ngoại giao chặt chẽ hơn với Việt Nam trong các thể chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và các hiệp hội liên quan đến ASEAN. 

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi gián tiếp bằng cách hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực để giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông nhằm củng cố một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do. 

Việt Nam nhắm tới những lợi ích trên diện rộng, từ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Hoa Kỳ; những hỗ trợ trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hợp tác giáo dục; môi trường (chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh), và vấn đề y tế cũng như việc trao đổi thông tin; và giải quyết các di sản chiến tranh.

 

.

RFA xin cảm ơn Giáo sư Carlyle A. Thayer đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

 

============

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ bàn chuyện nhân quyền, hợp tác an ninh và động thổ tòa Đại sứ mới

 

Mỹ xóa bỏ ưu đãi của WTO với nhiều nước đang phát triển sẽ ảnh hưởng VN như thế nào?

 

Liệu Việt Nam có thể bị Mỹ trừng phạt như Trung Quốc?

 

Những cái nhìn khác nhau của người Việt hải ngoại về đối tác chiến lược Việt-Mỹ

 

Khó thể nói Việt Nam cần TPP

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats