Tuesday 11 April 2023

MẶT TRÁI và PHẢI CỦA AI (Phạm Phú Khải)

 



Mặt trái và phải của AI

Phạm Phú Khải

10/04/2023

https://www.voatiengviet.com/a/mat-trai-va-phai-cua-ai-/7043711.html

 

Vào ngày 22 tháng Ba, Elon Musk, các nhóm chuyên gia về TTNT và các giám đốc kỹ nghệ đã kêu gọi ngưng 6 tháng trong việc thiết lập một hệ thống mạnh hơn GPT-4, vì họ lo ngại có tiềm năng rủi ro đối với xã hội.

 

https://gdb.voanews.com/2eaf60a2-9c09-45e1-9077-6df4cb980d6b_w1023_r1_s.jpg

Tính đến lúc viết bài này có gần 19,000 chữ ký kêu gọi ngưng thử nghiệm trí tuệ nhân tạo.

 

Trong cuộc chạy đua công nghệ hiện nay, như trình bày trong bài trước, trí tuệ nhân tạo (TTNT, Artificial Intelligence) được xem là công nghệ quan yếu, nếu không phải hàng đầu. Nó có tiềm năng thay đổi cách suy nghĩ và làm việc của con người trên toàn thế giới trong hầu hết mọi lĩnh vực vào hai ba thập niên tới, sau những đột phá và hoàn chỉnh của thế hệ công nghệ. Khi được công xuất bởi máy tính lượng tử, có khả năng nhanh gấp 100 triệu lần máy tính hiện nay, như Google từng công bố, thì tiềm năng của TTNT là gần như vô hạn.

 

Có phải vậy không?

 

Hiện nay TTNT vẫn có một số giới hạn của nó. Những giới hạn này có được khắc phục qua thời gian không thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng, như mọi công nghệ, từng đợt thế hệ sẽ có một số đột phá (break-through) hay cải thiện, về phần mềm hay phần cứng nào đó, nhưng hoàn chỉnh luôn là vấn đề tương đối. Những thách thức, nhất là về mặt an ninh, luôn hiện hữu, trường kỳ, và chính nó cũng là cơ hội để cải thiện.

 

Một số chuyên gia trong lĩnh vực TTNT nhận định rằng những giới hạn của TTNT nằm ở khả năng sáng tạo, thấu cảm và khéo tay. TTNT không thể sáng tạo hơn con người, không có sự thấu cảm như con người, và động tác khéo tay như một con người thì khó thể đạt được. Một số giới hạn khác của TTNT, theo Rob Toews trên Forbes, là: một, thiếu sự suy nghĩ/cảm nhận thông thường (common sense); hai, thiếu khả năng học hỏi liên tục và thích nghi nhanh chóng; ba, thiếu khả năng hiểu mối tương quan nhân quả; bốn, thiếu khả năng lý luận có tính cách đạo đức.

 

ChatGPT (Chat Generative Pretrained Transformer), ra đời vào tháng 11 năm 2022, được xem là sản phẩm nổi bật hàng đầu hiện nay về TTNT. Kể từ khi ra đời, mỗi tháng ChatGPT  cả tỷ lần viếng thăm trang mạng, với ước đoán có 100 triệu người sử dụng thường xuyên. Được biết ChatGPT chứa 570 gigabyte dữ liệu văn bản, tương đương với khoảng 164.129 lần số từ trong toàn tập truyện Lord of the Rings (bao gồm cả The Hobbit). Không như Google liệt kê ra thông tin liên hệ khi tìm kiếm, ChatGPT có khả năng trả lời trực tiếp những gì người sử dụng muốn tìm hiểu. ChatGPT mở rộng tiềm năng và cơ hội cho bao nhiêu doanh nghiệp để ứng dụng nó, vừa vô cùng hiệu quả vừa cắt giảm được bao nhiêu chi phí. Cụ thể nhất là khả năng trả lời thắc mắc của khách hàng mọi nơi và mọi lúc. Nó cũng có thể tự động hóa nhiều công việc hiện nay do con người đảm trách.

 

Nhưng có thật ChatGPT thông minh không, và nói chung Artificial Intelligence/AI hiện nay có thông minh/trí tuệ (chữ có chữ I, Intelligence) trong đó không?

 

Jeff Hawkins không nghĩ như vậy.

 

Là người sáng tạo ra PalmPilot vào thập niên 1990s, Hawkins đã cùng với đội ngũ của mình hình thành cơ quan nghiên cứu Numenta kể từ năm 2005 để học hỏi bộ óc con người. Thật ra Hawkins đã quan tâm và hứng thú về lĩnh vực khoa học thần kinh hơn bốn thập niên qua. Năm 2021, Hawkins cho phát hành cuốn sách A Thousand Brains: A New Theory of Intelligence mà Bill Gates đánh giá là một trong cuốn sách đáng đọc nhất trong năm.

 

Một cách tóm tắc, tuy khoa học thần kinh đã tiến rất xa trong vài thập niên qua, những câu hỏi căn bản nhất về cấu trúc của tân não gọi là neocortex, phần mà chịu trách nhiệm cho suy nghĩ/lý luận, thì vẫn chưa được hiểu đầy đủ hay sâu sắc. Ngoài ra các tế bào thần kinh trong bộ óc con người hoạt động riêng lẽ ra sao, và hàng tỷ tế bào như thế tương tác với nhau thế nào, vẫn chưa được hiểu sâu và lý giải thoả đáng. Có rất nhiều giả thuyết và lý thuyết được trình bày từ những thập niên 1980 hay trước đó cho đến nay, nhưng vẫn chưa có lý thuyết nào được cho là chuẩn mực mà lý giải được bao nhiêu câu hỏi và vấn đề liên quan.

 

Vì thế, trong tác phẩm này, Hawkins đưa ra một số lý thuyết về tân não neocortex hoạt động ra sao. Những câu hỏi, và biện luận, của Hawkins rất thú vị. Mấu chốt của vấn đề, theo Hawkins, là nghiên cứu xem chức năng của cột não (cortical column) trong mạch cơ bản của tân não (basic circuit of the neocortex) là gì, và cách thức hoạt động ra sao. Hiểu được cột não thì sẽ lý giải được cách thức hoạt động của tân não.

 

Tuy nhiên trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin đề cập đến phần nhỏ trong TTNT/AI thôi.

 

Hawkins biện luận rằng có hai phương cách giới nghiên cứu về AI đang theo đuổi để chế tạo máy móc thông minh. Hướng một, như đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, tập trung vào việc chế tạo máy móc mà có thể làm giỏi hơn con người, nhất là giỏi hơn đối với một người giỏi nhất về lĩnh vực đó, trong một chức năng cụ thể nào đó. Hướng hai, là chế tạo máy có khả năng co giãn, mà mục đích là máy đó có thể làm được nhiều thứ, và áp dụng những gì nó học được từ việc này sang việc khác. Thành công có nghĩa là chế tạo ra máy có khả năng như một em bé 5 tuổi, hay ngay cả khả năng của một con chó. Khi đã chế tạo thành công được điều này thì dựa trên nền tảng đó chế tạo ra hệ thống mà có thể bằng hoặc vượt trội con người sau đó.

 

Tuy nhiên cách thứ nhì được xem là quá khó. Giới nghiên cứu AI hiểu rằng muốn chế tạo máy có khả năng như em bé 5 tuổi đòi hỏi lượng thông tin khổng lồ về kiến thức cơ bản hàng ngày, nhưng họ không biết làm sao lập trình những kiến thức này vào trong máy tính, và không biết làm sao để máy tính học những điều này. Vấn đề này được gọi là cách thể hiện/trình bày kiến thức (knowledge representation) để cái máy hiểu. Hiện giờ những gì đạt được trong TTNT là hướng một, trong đó có ChatGPT. Hawkins tin rằng những phương thức học sâu mà không mô phỏng cách bộ óc con người hoạt động, và như thế tuy đạt được một số kết quả đáng nể, và có giá trị về mặt kinh doanh, họ không đi theo con đường để chế tạo bộ máy như một em bé 5 tuổi. Theo Hawkins thì bộ não là thứ duy nhất mà chúng ta biết là thông minh, và muốn có TTNT thật sự, và muốn chế tạo máy thông minh, thì phải hiểu biết cách bộ não con người hoạt động.

 

Trong lúc này, với những gì TTNT đã đạt được theo xu hướng một, nó đi kèm với không ít thử thách. Từ khi ChatGPT ra đời, cuộc chạy đua công nghệ TTNT giữa những công ty đã và đang đầu tư hàng tỷ đô la cho lĩnh vực này ngày càng tăng tốc. Vào ngày 22 tháng Ba, Elon Musk, các nhóm chuyên gia về TTNT và các giám đốc kỹ nghệ đã kêu gọi ngưng 6 tháng trong việc thiết lập một hệ thống mạnh hơn GPT-4, vì họ lo ngại có tiềm năng rủi ro đối với xã hội. Bill Gates cho rằng kêu gọi ngưng TTNT không giải quyết thử thách. Tính đến lúc viết bài này có gần 19,000 chữ ký kêu gọi ngưng thử nghiệm TTNT. Với tất cả những lợi ích mà TTNT có thể đem đến, nó cũng có bao nhiêu thử thách đi kèm, đặc biệt là khi tin giả, và tuyên truyền, được công xuất bởi TTNT, khoan nói đến máy tính lượng tử trong tương lai.

 

Một con dao bén nhọn được sử dụng bởi một đầu bếp giỏi để phục vụ khách hàng thì nó là một dụng cụ cần thiết và hữu ích. Nhưng khi nó lọt vào tay một kẻ giết người hoặc có âm mưu hãm hại ai thì hệ quả cũng không hề nhỏ. Mọi công nghệ lớn đều có ảnh hưởng mạnh mẽ lên đời sống con người, và TTNT dự đoán sẽ tạo ảnh hưởng vô cùng sâu sắc trong thời gian tới. Đó là nguyên do TTNT cần được quy định hay quy chế hóa. Đây là đề tài sẽ được bàn sâu vào dịp khác.

 

=====================

LIÊN QUAN

 

·       

ChatGPT: Quá thông minh, quá ‘nguy hiểm’

.

ChatGPT là gì, hoạt động ra sao?

.

Bill Gates: Lời kêu gọi tạm dừng AI không 'giải quyết được các thách thức'

.

Tỷ phú Elon Musk và những người khác kêu gọi tạm dừng AI, với lý do ‘rủi ro cho xã hội’





No comments:

Post a Comment

View My Stats