Friday 7 April 2023

MACRON KÊU GỌI TẬP THẢO LUẬN VỚI NGA CHẤM DỨT CHIẾN TRANH UKRAINE (Người Việt)

 



Macron kêu gọi Tập thảo luận với Nga chấm dứt chiến tranh Ukraine

Người Việt

April 6, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/macron-keu-goi-tap-thao-luan-voi-nga-cham-dut-chien-tranh-ukraine/

 

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Nhân chuyến công du đến Bắc Kinh, ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, kêu gọi ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, thảo luận với Nga nhằm hỗ trợ chấm dứt chiến tranh Ukraine, và ông Tập cũng bày tỏ hy vọng hai bên có thể tổ chức đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt, theo Reuters trích dẫn nội dung cuộc gặp giữa hai bên ở Bắc Kinh hôm Thứ Năm, 6 Tháng Tư.

 

Cuộc họp cũng có sự tham gia của bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Trong cuộc họp, ông Macron cho biết Tây phương cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong nỗ lực chấm dứt khủng hoảng và ngăn chặn căng thẳng có thể chia rẽ các cường quốc toàn cầu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/TS-macron-xi-1-1536x1024.jpeg

Ông Tập Cận Bình (trái), chủ tịch Trung Quốc, đưa ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, duyệt hàng quân danh dự hôm Thứ Năm, 6 Tháng Tư. (Hình: Lintao Zhang/Getty Images)

 

Cả ông Macron và bà von der Leyen đều muốn thuyết phục Trung Quốc tận dụng mối quan hệ mật thiết với Nga để đem đến hòa bình cho Ukraine, hoặc ít nhất là ngăn chặn Bắc Kinh hỗ trợ Moscow trực tiếp trong cuộc chiến.

 

Ngay lúc bắt đầu cuộc họp, ông Macron phát biểu: “Hành động gây hấn của Nga tại Ukraine giáng một đòn mạnh vào sự ổn định quốc tế. Tôi tin rằng Trung Quốc có thể đem nước Nga ngồi vào bàn đàm phán.”

 

Trong các bình luận sau cuộc gặp với ông Macron, ông Tập kêu gọi hai bên đàm phán và đưa ra một giải pháp chính trị cho chiến tranh Ukraine.

 

Điện Elysee nhận định các cuộc trò chuyện với Trung Quốc là “thẳng thắn và mang tính xây dựng,” còn Bắc Kinh nhận xét bằng các từ “thân thiện” và “có chiều sâu.” 

 

Ngoài vấn đề chiến tranh Ukraine, ông Macron cũng đề nghị ông Tập gây áp lực buộc Nga phải tuân thủ các quy tắc quốc tế về không phổ biến vũ khí nguyên tử. Trước đó ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, tuyên bố sẽ bố trí vũ khí nguyên tử ở nước láng giềng của Ukraine là Belarus. Đây được xem là hành động leo thang nguy hiểm trong cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua.

 

Đáp lại, ông Tập cho biết mọi nước đều phải tôn trọng quy định không phổ biến vũ khí nguyên tử nhưng không đề cập đến Nga. 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/TS-macron-xi-2-1536x1024.jpeg

Cảnh ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, và phu nhân, đón vợ chồng ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, tại Bắc Kinh, hôm Thứ Năm, 6 Tháng Tư. (Hình: Lintao Zhang/Getty Images)

 

Chuyến thăm Trung Quốc của các nhà lãnh đạo Châu Âu diễn ra sau nhiều năm quan hệ hai bên xấu đi vì những cáo buộc lạm dụng quyền ở Tân Cương, hiệp ước đầu tư bị trì hoãn và Trung Quốc chần chừ không lên án Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine.

 

Phát biểu với báo giới sau khi đến Trung Quốc hôm Thứ Tư, 5 Tháng Tư, ông Macron cho biết Châu Âu không nên giảm quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc. Đồng thời ông bác bỏ thứ gọi là “vòng xoáy căng thẳng không thể tránh khỏi” giữa Trung Quốc và Tây phương. 

 

Bà Von der Leyen, trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu năm 2019, cũng lập kế hoạch tổ chức đàm phán ba bên với ông Macron và ông Tập vào tối Thứ Năm, 6 Tháng Tư.

 

Trong những bản tin của hãng truyền thông nhà nước CCTV, ông Tập cho biết Trung Quốc và Pháp có khả năng và trách nhiệm vượt qua “khác biệt” và “hạn chế” trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi lịch sử sâu sắc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/TS-macron-xi-3-1536x1035.jpeg

Ông Tập Cận Bình (phải), chủ tịch Trung Quốc, và ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 6 Tháng Tư. (Hình: Jason Lee-Pool/Getty Images)

 

Một số nhà phân tích cho rằng ông Macron và bà von der Leyen đang sử dụng chiến lược “vừa đấm vừa xoa” ở Bắc Kinh, trong đó Pháp thì vui vẻ “thiết lập lại” mối quan hệ với Bắc Kinh, còn người đứng đầu Liên Minh Châu Âu (EU) đặt ra những vấn đề gai góc hơn. 

 

Trước khi đến Trung Quốc vài ngày, bà von der Leyen cho biết hai bên cần thảo luận về mọi khía cạnh trong mối quan hệ song phương. Về phần mình, Trung Quốc mong muốn Châu Âu không tham gia vào thứ mà họ gọi là nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy.

 

Trong khi đó, hãng truyền thông nhà nước Global Times nhận định rằng chuyến thăm sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Pháp, đồng thời bày tỏ rằng một số thế lực ở Mỹ và Châu Âu không muốn chuyến thăm diễn ra suôn sẻ. (MPL) [qd]

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats