Saturday 1 April 2023

DU KHÁCH ÈO UỘT - DOANH NGHIỆP NGƯỜI CẦM CỰ, KẺ BỎ NGHỀ (Nguyễn Lại)

 



Du khách èo uột – doanh nghiệp người cầm cự, kẻ bỏ nghề

Nguyễn Lại

31/03/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7029596.html

 

Mùa du lịch biển 2023 ở Việt Nam đã được nhiều địa phương và doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp không khói này khởi động từ cuối tháng 3 với nhiều hy vọng khi mà cuộc sống trở lại bình thường sau 3 năm đại dịch, các tuyến bay đưa khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… đã hoàn toàn được khôi phục.

 

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết họ không kỳ vọng gì vào mùa du lịch hè năm nay và dự đoán năm nay sẽ tiếp tục là một năm ‘đói kém’ vì khách từ Trung Quốc và Nga, vốn chiếm phần lớn tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam sẽ tiếp tục giảm mạnh bởi những khó khăn nội tại trong nền kinh tế Trung Quốc sau 3 năm đóng cửa với chính sách zero-Covid và cuộc chiến kéo dài tại Ukraine hiện nay cũng khiến cho người Nga phải thắt chặt chi tiêu.

 

Tại những thành phố lớn bao gồm thủ đô Hà Nội, khách du lịch nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại. Việc kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ giải trí khác cũng đã được khôi phục, nhưng theo các doanh nghiệp thì lượng khách bây giờ chỉ đủ cho họ duy trì hoạt động cầm chừng. Chẳng hạn như trong hoạt động kinh doanh khách sạn, hiện trung bình các khách sạn ở trung tâm Hà Nội chỉ có khoảng 20% đến 30% số phòng được lấp đầy, theo thông tin từ các doanh nghiệp. Tỉ lệ này chỉ đủ trả tiền lương nhân viên và tiền điện tiền nước vì muốn có lãi thì tỉ lệ phòng có khách thuê phải đạt từ 50 đến 60%.

 

Chị N.T. H, chủ một khách sạn tại quận Hoàn Kiếm,cho biết gia đình chị đã mua lại cơ sở kinh doanh này từ nhiều năm trước, chứ nếu là đi thuê để kinh doanh thì chắc chị đã đóng cửa từ lâu vì không thể kiếm đủ tiền thuê mặt bằng trong hoàn cảnh hiện tại. Việc khách sạn túc tắc hoạt động trở lại vào thời điểm này đã là tốt lắm rồi, chị nói, vì giờ đây chị có nguồn thu để trả lương cho nhân viên chứ không phải lấy tiền tiết kiệm ra chi phí như trong suốt 3 năm đại dịch.

 

“Cũng gọi là đỡ hơn một chút thôi. Mình đang cố thúc để nó trở lại như cái ngưỡng trước đây. Hơn 2 năm đại dịch đến chết mệt vì mình có dám cắt lương của nhân viên đâu. Bạn bè thường hỏi là cái gì bạn không cắt lương của nhân viên à? Vâng mình có cắt lương được đâu,” chị H tâm sự và cho biết sẽ cố gắng cầm cự với hy vọng nguồn khách từ Ấn Độ sang Việt Nam đang có xu hướng tăng và khách sạn của chị sẽ đón được những vị khách mới mẻ này.

 

Theo anh N.P.N, một phóng viên chuyên trách trong lĩnh vực du lịch, khách du lịch quốc tế èo uột và các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng tại Hà Nội phản ánh rõ tình trạng khó khăn chung của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023 khi mùa du lịch biển đã tới gần.

“Các trung tâm du lịch lớn như Nha Trang, Đà Nẵng chẳng hạn, cũng có khách thêm nhưng chưa ăn thua, kinh doanh các thứ vẫn còn ế ẩm lắm,” anh nói.

 

Theo anh, lượng khách du lịch quốc tế năm nay tới Việt Nam sẽ hoàn toàn không khả quan vì khách tới từ Trung Quốc và Nga giảm mạnh trong khi khách nội địa cũng gặp nhiều khó khăn phải thắt chặt chi tiêu trước tình hình ảm đạm chung của nền kinh tế.

 

“Sức mua tính chung thì giảm tới 40% rồi. Du lịch thì dân mình cũng có đi mấy nữa đâu. Tôi tiếp xúc, gặp gỡ nhiều thì thấy du lịch và các hàng xa xỉ đều không bán được, sa thải nhân công nhiều. Dân hết tiền rồi. Dân mình thì tiền chủ yếu là từ bất động sản và chứng khoán mà trong khi mấy cái đồ đấy thì giờ đóng băng hết rồi,” anh P cho biết.

 

Anh N.Q.Đ, quản lý tại một công ty lữ hành chuyên tổ chức tour cho khách trong nước và quốc tế, cho hay lượng khách đặt tour vẫn còn rất ít. Để đảm bảo duy trì hoạt động, công ty anh đã cho nghỉ việc hầu hết nhân viên và mở rộng hệ thống cộng tác viên là các bạn sinh viên để không phải trả lương hàng tháng. Anh Đ dự đoán tình hình ảm đạm của thị trường khách du lịch quốc tế và những khó khăn nội tại bắt nguồn từ chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ khiến cho sự trì trệ của nền kinh tế nói chung, và những khó khăn của ngành du lịch trong nước nói riêng, còn kéo dài.

 

“Nói tóm lại, cái bầu không khí chung hiện nay nó phản ảnh từ tình hình chính trị và kéo sang kinh tế. Nó phải ổn định thì nó mới có thể tốt được,” anh Đ chia sẻ.

 

Thay vì tiếp tục cầm cự chờ thời, không ít chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam đã tìm con đường khác cho mình.

 

Anh D.P.N, chủ một cơ sở lưu trú và lữ hành có tiếng ở Hà Nội, cho biết từ trước đại dịch, những khó khăn từ chiến dịch ‘đốt lò’ khiến đầu tư công giảm mạnh, mọi người hạn chế chi tiêu, anh đã mạnh dạn đầu tư sang Australia và giờ đây khi mọi thủ tục giấy tờ đã được chấp thuận, anh chỉ còn chờ bán lại khách sạn và toàn bộ tài sản ở Hà Nội để tìm cơ hội khác ở miền đất mới thay vì quanh quẩn trong nước với tình cảnh khó khăn dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài.

 

“Mở cửa cả năm nay rồi, nhưng vẫn không làm cái gì được ở Việt Nam cả. Quá tệ luôn. Việt Nam thì thực tế toàn lừa nhau. Người này lừa móc của người kia. Bây giờ thì chả móc được cái gì nữa khi đất đai chết và cả làng chết hết,” anh N than thở.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 15/3 tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch 2023 “Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển” ra mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh du lịch và rằng đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP.

 

Theo anh N.P.N, người trực tiếp tham dự chương trình hội nghị, mục tiêu ấy là khá ‘viển vông’. Anh nói ngay trong năm nay, ngành du lịch dự kiến may lắm cũng chỉ đón được khoảng 8 triệu khách quốc tế mà thôi. Như vậy làm sao trong vòng 7 năm mà số này có thể tăng lên gấp 6 lần như ông Chính nói giữa lúc hai nguồn khách chính từ Trung Quốc và Nga dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn?

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats