Monday 17 April 2023

ASEAN và GIÁ TRỊ CỦA "CON ĐƯỜNG THỨ BA" (Kishore Mahbubani - Foreign Affairs)

 



ASEAN và giá trị của “Con đường thứ ba” (P1)

Kishore Mahbubani  -  Foreign Affairs

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

16/04/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/04/16/asean-va-gia-tri-cua-con-duong-thu-ba-p1/

 

ASEAN đã tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc như thế nào?

 

Cuộc cạnh tranh địa chính trị đang định hình thời đại của chúng ta là cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong lúc căng thẳng gia tăng xoay quanh vấn đề thương mại và Đài Loan, cùng nhiều vấn đề khác, có thể hiểu được tại sao nhiều quốc gia lại ngày càng lo ngại về một tương lai được định hình bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Tuy nhiên, một khu vực đã tự tạo ra con đường hòa bình và thịnh vượng xuyên qua kỷ nguyên lưỡng cực này. Nằm ở trung tâm địa lý của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á không chỉ cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh và Washington, đi dây ngoại giao để giữ vững lòng tin của cả hai bên, mà còn khiến Trung Quốc và Mỹ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng và phát triển của mình.

 

Đây là một kỳ công không hề nhỏ. Ba mươi năm trước, nhiều nhà phân tích tin rằng châu Á chắc chắn sẽ xảy ra xung đột. Như nhà khoa học chính trị Aaron Friedberg đã viết vào năm 1993, châu Á có khả năng trở thành “tuyến đầu của xung đột giữa các cường quốc” (the cockpit of great-power conflict) cao hơn nhiều so với châu Âu. Về lâu dài, ông dự đoán, “Quá khứ của châu Âu có thể là tương lai của châu Á.” Nhưng, dù sự ngờ vực và cạnh tranh vẫn tiếp diễn – đặc biệt là giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như giữa Trung Quốc và Ấn Độ – châu Á hiện đang ở thập niên thứ năm của một nền hòa bình tương đối, trong khi châu Âu một lần nữa xảy ra chiến tranh. (Xung đột lớn gần đây nhất ở châu Á, Chiến tranh Việt-Trung, đã kết thúc vào năm 1979.) Đông Nam Á vẫn có những xung đột nội bộ nhất định – đặc biệt là ở Myanmar – nhưng nhìn chung, khu vực này rất yên bình, không hề có xung đột giữa các quốc gia, dù các sắc tộc và tôn giáo ở đây cực kỳ đa dạng.

 

Đông Nam Á cũng đã phát triển thịnh vượng. Trong khi mức sống của người Mỹ và người châu Âu giảm sút trong 20 năm qua, người Đông Nam Á đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế và xã hội đáng kể. Từ năm 2010 đến năm 2020, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm 10 quốc gia với tổng GDP là 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020, đã đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với Liên minh châu Âu, vốn có tổng GDP là 15 nghìn tỷ USD.

 

Giai đoạn phát triển và hòa hợp đặc biệt này ở châu Á không phải chỉ là ngẫu nhiên trong lịch sử. Nhưng nguyên nhân phần lớn là nhờ ASEAN, bất chấp những thiếu sót trong tư cách là một liên minh chính trị và kinh tế, đã giúp hình thành một trật tự khu vực có tính hợp tác, được xây dựng trên nền văn hóa thực dụng và thỏa hiệp. Trật tự đó đã giúp dàn xếp những chia rẽ chính trị sâu sắc trong khu vực và giúp hầu hết các nước Đông Nam Á tập trung vào tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nghịch lý thay, sức mạnh lớn nhất của ASEAN lại nằm ở việc họ tương đối yếu và không đồng nhất, qua đó đảm bảo rằng không một cường quốc nào coi họ là mối đe dọa. Như nhà ngoại giao Singapore Tommy Koh đã nhận xét, “Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ không thể đảm nhận vai trò lèo lái khu vực này vì họ không có chương trình nghị sự chung. ASEAN tự lèo lái được chính là vì ba cường quốc trên không thống nhất được với nhau. Và chúng ta có thể tiếp tục làm như vậy chừng nào các cường quốc vẫn thấy chúng ta trung lập và độc lập.”

 

Cách tiếp cận tinh tế và thực dụng của ASEAN trong việc quản lý cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng được coi là hình mẫu cho các nước đang phát triển. Đại đa số dân số thế giới sống ở các nước phương Nam, nơi mà các chính phủ chủ yếu quan tâm đến phát triển kinh tế, chứ không muốn chọn phe trong cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc đã tiến sâu vào khắp châu Phi, châu Mỹ Latinh, và Trung Đông. Nếu Mỹ muốn duy trì và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực này, thì họ nên học hỏi từ câu chuyện thành công của ASEAN. Một cách tiếp cận thực dụng, “có tổng là dương” – chủ trương không nhắc đến những khác biệt chính trị trong quá khứ và sẵn sàng hợp tác với tất cả mọi quốc gia – sẽ được đón nhận nồng nhiệt hơn ở các nước phương Nam so với cách tiếp cận “có tổng bằng không,” vốn có mục đích phân chia thế giới thành các khối đối đầu.

 

HÒA BÌNH VÀ THỰC DỤNG

 

ASEAN không phải lúc nào cũng được xem là công bằng. Được thành lập với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ vào năm 1967, tổ chức này ban đầu bị Trung Quốc và Liên Xô lên án là một sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc mới của Mỹ. Nhưng trong những thập niên gần đây, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế khổng lồ của mình, Bắc Kinh đã dần ủng hộ khối này. ASEAN ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào năm 2002, mở đường cho một sự phát triển thương mại ngoạn mục. Năm 2000, thương mại của ASEAN với Trung Quốc chỉ ở mức 29 tỷ USD – khoảng một phần tư thương mại của khu vực với Mỹ. Nhưng đến năm 2021, thương mại của ASEAN với Trung Quốc đã tăng vọt lên tới 669 tỷ USD, trong khi thương mại của khối này với Mỹ chỉ tăng lên 364 tỷ USD.

 

Thương mại với cả Trung Quốc và Mỹ đã giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế đáng chú ý của ASEAN. Tổng GDP của khu vực vào năm 2000 là 620 tỷ USD, bằng một phần tám GDP của Nhật Bản. Sang năm 2021, con số đã là 3 nghìn tỷ USD, so với 5 nghìn tỷ USD của Nhật. Và các dự đoán cho thấy nền kinh tế ASEAN sẽ lớn hơn Nhật Bản vào năm 2030. Rõ ràng, các quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa 680 triệu người sinh sống tại các nước Đông Nam Á và 1,4 tỷ người ở Trung Quốc đã mang lại lợi ích đáng kể cho ASEAN. Và quan hệ đôi bên cùng có lợi này chỉ mới khởi đầu. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, và các thành viên ASEAN – chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2022 và có khả năng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhảy vọt đáng kể hơn trong thập niên tới.

 

Dù đang có quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, ASEAN vẫn quyết tâm duy trì quan hệ gần gũi không kém với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như phớt lờ Đông Nam Á (như ông đã làm với phần còn lại của thế giới), nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực hết mình để hợp tác với ASEAN, và các quốc gia thành viên của tổ chức đã hưởng ứng nhiệt tình. Tháng 5/2022, Biden tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Nhà Trắng với sự tham dự của hầu hết các nhà lãnh đạo chủ chốt của hiệp hội. Cuối tháng đó, chính quyền Biden khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), nhằm mục đích tăng cường gắn kết kinh tế giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực. Bảy trong số mười quốc gia thành viên của ASEAN đã ký tham gia IPEF, cùng với Australia, Fiji, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, và Hàn Quốc, một lần nữa chứng minh rằng ASEAN muốn duy trì mối quan hệ bền chặt với Washington.

 

Sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc chắc chắn có nghĩa là ASEAN sẽ gặp nhiều thách thức khi đối phó với nước này hơn là với Mỹ. Hiện tại, đã nảy sinh các tranh chấp về Biển Đông và công nghệ 5G của Trung Quốc, cùng một số vấn đề khác. Trung Quốc hiện có tranh chấp lãnh thổ với bốn quốc gia ASEAN – Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – nhưng cách hành xử của nước này ở Biển Đông đã làm ảnh hưởng đến quan hệ với tất cả các thành viên hiệp hội. Ví dụ, vào năm 2012, Trung Quốc đã gây sức ép buộc Campuchia, lúc đó là chủ tịch ASEAN, loại trừ bất kỳ đề cập nào nhắc đến xung đột trên Biển Đông trong một thông cáo chung sau cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN. Indonesia đã can thiệp để giải quyết bế tắc bằng cách làm trung gian giúp ASEAN đưa ra quan điểm chung một tuần sau đó. Nhưng Bắc Kinh tiếp đến lại xử lý sai quan hệ với Jakarta. Dù cái gọi là đường chín đoạn trên các bản đồ Trung Quốc – thể hiện các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông – chạy sát quần đảo Natuna của Indonesia, Trung Quốc trước đó từng đảm bảo với Indonesia rằng hai bên sẽ không có yêu sách chồng chéo. Vào năm 2016 và 2020, các tàu cá Trung Quốc đã đi vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Indonesia, khiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo phải thực hiện các chuyến thăm cấp cao tới quần đảo Natuna để tái khẳng định chủ quyền của nước ông tại khu vực.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2023/02/14/ASEAN_Chart1.png.webp?itok=6Y3QrkMI

Trao đổi thương mại giữa ASEAN với Mỹ và Trung Quốc, 2003-2021.

 

Bản chất mơ hồ của đường chín đoạn có lẽ sẽ tiếp tục là một vấn đề gây khó chịu trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Và cả hai bên có lẽ sẽ không thể ký kết một bộ “quy tắc ứng xử” vốn đã được chờ đợi từ lâu ở Biển Đông, để làm giảm nguy cơ xung đột ở vùng biển tranh chấp. Nhưng cũng rõ ràng là văn hóa thực dụng đang bao trùm quan hệ ASEAN-Trung Quốc, ngăn xung đột lớn nổ ra. Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam đều đã tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, bất chấp việc đang tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong quá khứ, Trung Quốc cũng đã có những thỏa hiệp thực dụng với các nước láng giềng ASEAN nhỏ hơn, bao gồm việc loại bỏ hai đoạn khỏi đường 11 đoạn ban đầu, như một sự thể hiện tình hữu nghị với Việt Nam vào năm 1952. Sẽ là khôn ngoan nếu Trung Quốc đưa ra những thỏa hiệp thực dụng tương tự về vấn đề này trong tương lai.

 

Một nguyên nhân gây xích mích khác trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc là chiến dịch toàn cầu của Washington nhằm chống lại việc triển khai công nghệ 5G của Trung Quốc. Lựa chọn hệ thống viễn thông 5G là quyết định cấp quốc gia, vì vậy ASEAN không có quan điểm chung về cách từng thành viên ứng xử với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng đặc trưng của hiệp hội này đã chiếm ưu thế, khi mỗi quốc gia thành viên đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu của mình. Indonesia và Philippines đã ký hợp đồng xây dựng mạng 5G với Huawei, trong khi Malaysia, Singapore, và Việt Nam thì chưa. Những quyết định này chỉ ra rằng các nước ASEAN có cân nhắc đến quan ngại của người Mỹ, nhưng cân bằng chúng với lợi ích của chính họ trong việc tiếp cận công nghệ giá rẻ, mang lại lợi ích cho người dân nước họ.

 

Đôi khi, những lợi ích đó đòi hỏi các nước ASEAN phải phớt lờ những lo ngại của Mỹ. Mỹ đã vận động mạnh mẽ không kém để chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, nhưng chiến dịch này về cơ bản đã thất bại: toàn bộ 10 nước ASEAN đã tham gia vào các dự án BRI khác nhau, và khu vực này là một trong những nơi nhận đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc nhiều nhất. Theo Angela Tritto, Albert Park, và Dini Sejko của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, tính đến năm 2020, các nước ASEAN đã khởi động ít nhất 53 dự án dưới sự bảo trợ của BRI.

 

Những dự án này đã mang lại phần thưởng đáng kể. Lào vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng nhờ BRI, nước này hiện đã tự hào sở hữu một tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Viêng Chăn với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Với tốc độ tối đa 160 km/h, chuyến đường sắt cao tốc tiên tiến này đã giảm thời gian đi đường từ 15 giờ xuống còn dưới 4 giờ, hứa hẹn một làn sóng thương mại và du lịch mới từ Trung Quốc. Indonesia cũng nhờ Trung Quốc giúp xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ Jakarta đến Bandung, cách đó hơn 145 km. Nước này có thể mua tàu từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng họ đã chọn Trung Quốc sau khi Widodo đi thử một hành trình có độ dài tương tự ở Trung Quốc trong khoảng thời gian ngắn hơn thời gian ông uống xong một tách trà. Đơn giản là, Mỹ đã không đưa ra một giải pháp thay thế khả thi cho BRI, vậy nên cũng dễ hiểu khi người ta tiếp nhận sáng kiến của Trung Quốc bất chấp sự phản đối của Mỹ.

(Còn tiếp một phần)

 

                                                             *****

 

ASEAN và giá trị của “Con đường thứ ba” (P2)

Kishore Mahbubani   -   Foreign Affairs

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

17/04/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/04/17/asean-va-gia-tri-cua-con-duong-thu-ba-p2/

 

ĐẦU TÀU PHƯƠNG NAM

 

Cách tiếp cận của ASEAN trong việc quản lý cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ là bài học cho các nước đang phát triển. Khi Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia thuộc phương Nam, ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng cách tiếp cận thực dụng tương tự để cân bằng các mối quan tâm của Bắc Kinh và Washington. Điều này không có gì bất ngờ. Nhiều nước đang phát triển tôn trọng và ngưỡng mộ những thành tựu của ASEAN và coi kinh nghiệm của khu vực là kim chỉ nam cho họ.

 

Giống như ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã vun đắp các mối quan hệ kinh tế sâu sắc với châu Phi. Các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đã cảnh báo các chính phủ châu Phi nên cảnh giác với sự bóc lột của Trung Quốc, nhưng những lời cảnh báo như vậy đã bị hoài nghi, một phần là vì chính phương Tây cũng có lịch sử bóc lột châu Phi lâu dài và đau đớn. Hơn nữa, bằng chứng thực nghiệm cho thấy đầu tư của Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm mới ở một lục địa khan hiếm việc làm.

 

Theo nhà kinh tế phát triển Anzetse Were, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã gia tăng với tốc độ hàng năm là 25% kể từ năm 2000. Từ năm 2017 đến 2020, đầu tư của Trung Quốc đã tạo ra nhiều việc làm hơn bất kỳ nguồn đầu tư nước ngoài riêng lẻ nào khác, và chiếm 20% tổng đầu tư vào châu Phi. Các công ty Trung Quốc “không chỉ thuê người của riêng họ,” như một số nhà phê bình đã cáo buộc, Were viết. “Nhân viên gốc Phi chiếm trung bình từ 70% đến 95% tổng lực lượng lao động tại các công ty có vốn đầu tư Trung Quốc.”

 

Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây khác hầu như chỉ hứa suông mà không hành động. Trong phần lớn thập niên vừa qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào châu Phi chỉ bằng khoảng một nửa đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, và phần lớn viện trợ phát triển mà Mỹ cung cấp cho lục địa này – giống như phần lớn viện trợ của phương Tây nói chung – cuối cùng lại vào tay của các nhà tư vấn và công ty phương Tây. Như nhà báo Howard French đã nhận xét, Mỹ đã trở nên “ngày càng keo kiệt và lên mặt” về hỗ trợ phát triển, trong khi Trung Quốc “lại dốc hết sức tham gia vào trò chơi hàng hóa công toàn cầu.”

 

Thói đạo đức giả về biến đổi khí hậu, tham nhũng, và nhân quyền cũng đã làm suy yếu vị thế của các nước phương Tây ở châu Phi. Mỹ và nhiều cường quốc châu Âu từ lâu đã lên mặt giảng dạy người châu Phi về sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, nhưng chính họ đã đột ngột dừng lại sau khi Nga xâm lược Ukraine và họ cần dầu khí của châu Phi. Ngược lại, Trung Quốc không tỏ vẻ giáo điều, chỉ tập trung cung cấp viện trợ và đầu tư mà không đặt ra những điều kiện nặng nề như viện trợ của phương Tây. Như Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã nói vào tháng 1/2022, “Mối quan hệ đối tác của chúng tôi với Trung Quốc không phải là kiểu quan hệ đối tác mà Trung Quốc bảo chúng tôi phải làm gì. Đó là sự hợp tác của những người bạn, cùng làm việc để đáp ứng chương trình nghị sự kinh tế-xã hội của Kenya … Chúng tôi không cần những bài giảng rằng chúng tôi cần gì, chúng tôi cần các đối tác giúp chúng tôi đạt được những gì chúng tôi yêu cầu.”

 

Trung Quốc đã đạt được thành công tương tự trong việc thắt chặt quan hệ với Mỹ Latinh. Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ, từ năm 2002 đến năm 2019, tổng thương mại của Trung Quốc với Mỹ Latinh và Caribbean đã tăng từ dưới 18 tỷ USD lên hơn 315 tỷ USD. Đến năm 2021, thương mại của Trung Quốc với khu vực này đã tăng vọt lên 448 tỷ USD. Con số đó vẫn chưa bằng một nửa thương mại của Mỹ với Mỹ Latinh, nhưng 71% thương mại giữa Mỹ và Mỹ Latinh là với Mexico. Ở phần còn lại của khu vực, thương mại với Trung Quốc cao hơn thương mại với Mỹ tận 73 tỷ USD.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2023/02/14/RTS4F4FE.JPG.webp?itok=d-P8BVAT

Công nghệ 5G của Trung Quốc được trưng bày tại Kuala Lumpur, Malaysia, tháng 1/2022. Nguồn ảnh: Hussain Hasnoor / Reuters

 

Tăng trưởng thương mại của Trung Quốc với Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, là đặc biệt ấn tượng. Năm 2000, xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD mỗi năm. Giờ đây, cứ mỗi bốn ngày, Brazil lại xuất khẩu lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 1 tỷ USD sang Trung Quốc. Một phần trong giai đoạn tăng trưởng này xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Jair Bolsonaro, người rõ ràng thân thiết với Donald Trump hơn nhiều so với Tập Cận Bình. Ngay cả trong hai năm Trump và Bolsonaro cùng giữ chức tổng thống, Brazil vẫn tiếp tục hội nhập kinh tế sâu hơn với Trung Quốc, qua đó cho thấy rằng một nền văn hóa thực dụng giống như ASEAN đang hình thành ở Brasília.

 

Vùng Vịnh là một khu vực khác mà Trung Quốc đang xâm nhập. Theo truyền thống, các quốc gia giàu dầu mỏ ở Vùng Vịnh đã tìm đến sự bảo vệ của Washington. Tuy nhiên, quan hệ chính trị và an ninh chặt chẽ với Mỹ đã không ngăn cản các nước Vùng Vịnh thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Năm 2000, thương mại giữa Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và Trung Quốc chỉ ở mức dưới 20 tỷ USD. Nhưng đến năm 2020, nó đã tăng lên 161 tỷ USD, và Trung Quốc đã thay thế EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của GCC. Trong cùng thời kỳ, thương mại của Mỹ với GCC tăng cực kỳ khiêm tốn, từ gần 40 tỷ USD lên 49 tỷ USD. Vào năm 2021, thương mại của GCC với Trung Quốc, ở mức 180 tỷ USD, đã vượt qua thương mại của cả Mỹ và EU cộng lại.

 

Các quốc gia GCC có các quỹ đầu tư quốc gia vào hàng lớn nhất trên thế giới. Quyết định của họ về nơi đầu tư không bị thúc đẩy bởi những lo ngại về chính trị hay quan niệm về tình bạn. Chúng được thúc đẩy bởi những tính toán lạnh lùng, xem liệu khu vực nào có khả năng mang lại mức tăng trưởng cao nhất. Năm 2000, các quỹ đầu tư quốc gia của GCC đã đầu tư gần như toàn bộ tài sản vào phương Tây. Năm đó, các nước GCC chiếm chưa đến 0,1% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Nhưng đến năm 2020, hầu hết các quỹ đầu tư quốc gia của GCC đã tăng đáng kể khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc, dù rất khó để có được số liệu đầu tư chính xác, vì hầu hết các quỹ này không tiết lộ công khai cổ phần của họ.

 

Rõ ràng, các quốc gia Vùng Vịnh không muốn thỏa hiệp mối quan hệ của họ với Mỹ – và với Hiệp định Abraham, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được cho là đã xích lại gần Washington hơn vào năm 2020 – nhưng họ cũng không muốn từ bỏ những lợi ích kinh tế của việc hội nhập sâu hơn với Trung Quốc. Một cách tiếp cận thực dụng tìm cách dung hòa hai cường quốc đang dần chiếm được ưu thế.

 

SÚNG VÀ BƠ

 

Xét đến việc nhiều nước đang phát triển bắt đầu áp dụng cách tiếp cận của ASEAN để quản lý sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington nên học hỏi kinh nghiệm của hiệp hội này. Chiến lược mà ASEAN đã sử dụng để cân bằng các quan ngại và sự nhạy cảm của Trung Quốc và Mỹ (cũng như của các cường quốc khác, như Ấn Độ, Nhật Bản, và Liên minh châu Âu) có thể giúp các nước phương Nam còn lại làm điều tương tự. Trung Quốc đã và đang theo đuổi các quan hệ thương mại và đầu tư sâu sắc hơn ở khắp các nước đang phát triển. Mỹ phải quyết định xem có nên đối phó một cách thực dụng hơn với các khu vực này, hay tiếp tục duy trì cách tiếp cận có tổng bằng không để cạnh tranh với Trung Quốc, theo đó đối mặt với nguy cơ đẩy các nước đang phát triển ra xa hơn.

 

Một cách tiếp cận thực dụng hơn của Mỹ sẽ trông như thế nào? Hãy xem xét ba quy tắc đơn giản cần tuân theo khi hợp tác với ASEAN, và nói rộng ra, là với phần còn lại của thế giới phương Nam. Đầu tiên là không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington. Có một lý do thực tế cho điều này: so với Trung Quốc, Mỹ mang lại rất ít lợi ích cho ASEAN. Tình hình tài chính căng thẳng và sự phản đối của Quốc hội Mỹ đối với việc mở rộng viện trợ nước ngoài có nghĩa là Washington sẽ chỉ cung cấp một phần hỗ trợ rất nhỏ so với những gì Bắc Kinh đã cung cấp cho khu vực. Chẳng hạn, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào tháng 5/2022, Biden đã cam kết chi 150 triệu USD cho cơ sở hạ tầng, an ninh, chuẩn bị ứng phó với đại dịch, và các nỗ lực khác ở các nước ASEAN. Hãy so sánh con số đó với 1,5 tỷ USD mà Tập đã cam kết vào tháng 11/2021 nhằm giúp các nước ASEAN chống lại COVID-19 và xây dựng lại nền kinh tế của họ trong ba năm tới.

 

Đúng là Washington có thể hỗ trợ nhiều hơn về mặt hợp tác quốc phòng và bán vũ khí. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào hợp tác quân sự thay vì hợp tác dân sự có thể sẽ gây tổn hại cho Mỹ. Như Paul Haenle, một chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, đã nhận xét trên tờ The Financial Times, “Rủi ro là việc hình thành một quan niệm trong khu vực, rằng Mỹ mang đến súng và đạn dược, còn Trung Quốc lại tập trung đối phó với các vấn đề ‘bánh mì và bơ’ liên quan đến thương mại và kinh tế.” Sẽ là một sai lầm lớn nếu hình ảnh của Washington gắn với súng, trong khi Bắc Kinh gắn với bơ. Sự thật đơn giản là đối với hầu hết mọi người ở phương Nam, ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế.

 

Và họ có lý do chính đáng cho điều đó. Lớn lên ở Singapore vào những năm 1950 và 1960, khi thu nhập bình quân đầu người của đất nước thấp ngang với Ghana, tôi hiểu nghèo đói có thể gây khốn khổ tinh thần đến mức nào. Tôi cũng hiểu việc người dân của một nước nghèo có thể cảm thấy phấn chấn ra sao khi đạt được những thành công trong phát triển kinh tế. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã cảm nhận rõ chất lượng cuộc sống của mình được cải thiện khi gia đình chúng tôi dần mua được bồn cầu xả nước, tủ lạnh, và TV đen trắng.

 

Đây là lý do tại sao việc Washington vận động chống lại BRI của Trung Quốc là một sai lầm. Các chính phủ và phương tiện truyền thông phương Tây đã mô tả BRI như một kế hoạch nguy hiểm, khiến các quốc gia rơi vào chính sách ngoại giao bẫy nợ. Nhưng trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, 140 quốc gia đã bác bỏ cách giải thích đó và ký các thỏa thuận tham gia BRI. Những lợi ích mà nhiều nước gặt hái được khi làm vậy đã nhấn mạnh sự điên rồ của việc yêu cầu các quốc gia phải chọn phe.

 

Quy tắc thứ hai là tránh phán xét hệ thống chính trị trong nước của các quốc gia. ASEAN là minh chứng tại sao quy tắc này lại quan trọng. Mười quốc gia thành viên của hiệp hội bao gồm các nền dân chủ, chuyên chế, cộng sản, và cả quân chủ chuyên chế. Tại các nước đang phát triển khác, sự đa dạng về chế độ chính trị thậm chí còn lớn hơn. Và vì vậy, quyết định của Biden khi coi chính trị thế giới là cuộc đấu tranh giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế là một sai lầm. Thực ra, Biden hiểu rằng thế giới phức tạp hơn thế, và đó là lý do tại sao ông đến Trung Đông để gặp Thái tử Mohammed bin Salman vào tháng 7/2022, dù trước đó đã gọi Ả Rập Saudi là “quốc gia bị bài xích.”

 

Mỹ chỉ đang tự hạ thấp tầm vóc của mình khi kêu gọi các nước xa lánh Trung Quốc. Cả hai nền dân chủ lớn nhất trên thế giới – Ấn Độ và Indonesia – đều không tham gia vào cuộc đấu tranh ý thức hệ với Bắc Kinh, dù đúng là họ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ cũng không cảm thấy rằng Bắc Kinh đe dọa nền dân chủ của họ. Bằng cách phân loại thế giới theo chế độ chính trị, Washington chỉ đang phơi bày những tiêu chuẩn kép của chính mình, trong khi các quốc gia khác đang ngày càng khôn ngoan và phức tạp hơn trong các phán đoán chính trị của họ.

 

Chừng nào các nhà hoạch định chính sách và những người dẫn dắt quan điểm công chúng của Mỹ còn giữ niềm tin sâu sắc rằng Mỹ phải luôn được coi là người bảo vệ nền dân chủ, Washington sẽ khó từ bỏ cam kết của mình một cách rõ ràng. Tuy nhiên, người Mỹ đã học cách hợp tác với các chế độ phi dân chủ (bao gồm cả Trung Quốc cộng sản) trong Chiến tranh Lạnh. Nếu họ chịu hồi sinh nền văn hóa thực dụng đó, họ có thể hợp tác mà không quan tâm đến chế độ chính trị.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2023/02/14/RTS4H6QSe.jpg.webp?itok=JkJWoAC_

Một tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng ở Bentong, Malaysia, tháng 1/2022. Nguồn ảnh: Hasnoor Hussain / Reuters

 

Quy tắc thứ ba để thu hút sự tham gia của ASEAN và các nước đang phát triển khác là sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào trong các thách thức toàn cầu chung như biến đổi khí hậu. Ngay cả khi Washington không thoải mái với ảnh hưởng kinh tế toàn cầu ngày càng tăng của Bắc Kinh, thì họ cũng nên đón nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch và công nghệ tái tạo. Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất và là nước sử dụng than đá lớn nhất hiện nay, nhưng các khoản đầu tư của nước này vào công nghệ xanh sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo, sản xuất pin mặt trời, tua-bin gió, và pin xe hơi điện nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nói tóm lại, không thể có kế hoạch chống biến đổi khí hậu khả thi nào lại không có sự tham gia của Trung Quốc và các đối tác kinh tế toàn cầu của nước này.

 

Đầu tư của Trung Quốc cũng sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng các quốc gia khác có thể thực hiện nghĩa vụ khí hậu của họ, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu phát triển và cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời và gió lớn trên toàn thế giới, bao gồm nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Mỹ Latinh ở Jujuy, Argentina và một trang trại gió lớn ở Coquimbo, Chile. Trung Quốc cũng đang thực hiện các bước cần thiết để làm cho BRI trở nên thân thiện với khí hậu hơn, bao gồm việc phát triển các dự án năng lượng xanh, giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất. Và họ đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính xanh – chẳng hạn bằng cách hợp tác với EU để phát triển một nguyên tắc phân loại chung cho tài chính bền vững. Tổng hợp lại, những nỗ lực này đã vượt xa bất cứ điều gì mà Hệ thống Bretton Woods đã làm để chống biến đổi khí hậu.

 

Nói tóm lại, các nhà hoạch định chính sách Mỹ ít nhất cũng nên thừa nhận một cách không công khai rằng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc có thể là một lợi thế để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ngoài biến đổi khí hậu, nghèo đói và đại dịch cũng có thể được giải quyết hiệu quả hơn thông qua việc gia tăng hợp tác Mỹ-Trung. Tuy nhiên, sẽ rất khó để hợp tác, trừ phi Washington chịu ngừng coi bất kỳ chiến thắng nào của Trung Quốc là một tổn thất đối với Mỹ, và ngược lại.

 

Ba quy tắc này phản ánh một thực tế đang nổi lên mà Washington cần phải thích nghi: các nước đang phát triển đang ngày càng khôn ngoan và có khả năng đưa ra các quyết định tự chủ tốt hơn. Mỹ đã tự gây bất lợi lớn cho mình bằng cách đóng khung thế giới thành hai khối đối đầu, phân tách rõ ràng giữa thiện và ác, dân chủ và chuyên chế. Nếu Washington chỉ có thể làm việc hiệu quả với các chính phủ có cùng chí hướng, thì họ sẽ không được chào đón ở các nước phương Nam, nơi hầu hết mọi người có một quan điểm khác về thế giới.

 

Đại đa số các nước đang phát triển rõ ràng sẵn sàng làm việc và hợp tác với Trung Quốc. Kết quả là, mọi nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt hoặc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở phương Nam đều sẽ thất bại. Mỹ nên ngừng cố gắng cắt đứt liên kết của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới và bắt đầu cố gắng xác định các lĩnh vực mà hai cường quốc có thể hợp tác cùng nhau. Đối với các nước đang phát triển muốn hợp tác với cả Bắc Kinh và Washington, Mỹ nên nhớ đến bài học từ ASEAN. Hành động cân bằng thực dụng của hiệp hội này chính là tương lai cho các nước đang phát triển.

 

---------------------------

Kishore Mahbubani là nghiên cứu viên xuất sắc tại Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Quốc gia Singapore và là tác giả cuốn “The Asian 21st Century.” Ông từng là Đại diện thường trực của Singapore tại LHQ từ năm 1984 đến năm 1989 và từ năm 1998 đến năm 2004.

 

Nguồn:

 

Kishore Mahbubani, “Asia’s Third Way,” Foreign Affairs, Tháng 3-Tháng 4/2023

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats