Wednesday, 16 October 2019

BẢN TIN NGÀY 16/10/2019 (Báo Tiếng Dân)




16/10/2019

BÀI MỚI
16/10/2019
16/10/2019
16/10/2019
16/10/2019
16/10/2019
16/10/2019
16/10/2019
16/10/2019
15/10/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 16/10/2019

Chống tham nhũng

VOV có bài: Tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng là hiện tượng có thật. Trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/10, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thừa nhận vấn nạn tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng:

“Từ thực tế phát hiện sai phạm của một số thanh tra viên Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT bị khởi tố, bắt tạm giam trong thời gian gần đây cho thấy, đây là một hiện tượng có thật, tuy không phổ biến nhưng tác hại, hậu quả mà nó gây ra trong dư luận xã hội là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân”.

Báo Giáo Dục VN đưa tin: Cử tri ủng hộ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quyết tâm chống tham nhũng. Một cử tri quận Hoàn Kiếm phát biểu: “Nhân dân phấn khởi tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ tình hình trật tự xã hội ổn định. Dù tình hình diễn biến phức tạp, thiên tai, bệnh dịch xảy ra trên khắp cả nước nhưng tình hình GDP vẫn ổn định”.

“Nhân dân” nào phấn khởi, tin tưởng? Chỉ có những kẻ lạm dụng từ nhân dân và chỉ biết tuyên truyền, bất chấp đúng sai mới thấy “nhân dân” tin tưởng. Còn những người bị cướp nhà, cướp đất, những làng xã phải sống chung với ô nhiễm trên khắp cả nước, những người đã tỏ rõ thái độ bất tín nhiệm đối với đảng CSVN, không đáng được tính là “nhân dân” à?  

Chuyện chống tham nhũng, nhà báo Trần Thị Sánh viết: “Hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý và 7 tổ chức Đảng bị kỷ luật, truy tố, nhiều ‘đồng chí đảng viên ưu tú’ bị đuổi ra khỏi Đảng. Theo cụ: ‘Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác. Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta’.

Mình thiển nghĩ: Hội nghị TU nào cũng đau xót và liên tục rút ra bài học sâu sắc và đắt giá. Hội nghị sau lại đau xót và đắt giá hơn hội nghị trước trong khi tham nhũng không giảm mà ngày càng phát triển tràn lan và trắng trợn, tràn cả vào chùa chiền và các cơ quan Đảng…


Thực thi chuyện “đốt lò”

Ngày 15/10/2019, Bộ Công an công bố thi hành kỷ luật ba phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Đại tá Lý Quang Dũng bị kỷ luật giáng chức, từ PGĐ Công an tỉnh Đồng Nai xuống làm trưởng phòng. Còn đại tá Nguyễn Văn Kim và đại tá Trần Thị Ngọc Thuận bị thi hành kỷ luật cảnh cáo. Các lãnh đạo này liên quan đến sai phạm Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2010-2015, đã để Phòng CSGT xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm.

Từ trái qua: Đại tá Lý Quang Dũng, Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận và Đại tá Nguyễn Văn Kim. Photo Courtesy

Bên cạnh trường hợp đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, GĐ Công an tỉnh Đồng Nai, đã bị cách tất cả chức vụ trong đảng, còn có Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, cựu GĐ Công an tỉnh, Đại tá Ngô Minh Đức và Đại tá Nguyễn Xuân Kim, đều là cựu PGĐ Công an tỉnh, Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận và Đại tá Nguyễn Văn Kim, đều là PGĐ Công an tỉnh bị cảnh cáo về mặt đảng.
Đang nằm viện, Trưởng ban tiếp dân Hải Phòng nhận hỏa tốc cho thôi chức, theo báo Dân Việt. Đó là trường hợp cựu Trưởng Ban Tiếp công dân của UBND TP Hải Phòng Đào Văn Thuấn bị UBND TP ban hành công văn hỏa tốc điều chuyển, thôi giữ chức vụ. Ông Thuấn đã trải qua 13 năm nay làm công việc tiếp công dân, tham mưu cho thành phố để giải quyết các khiếu kiện của người dân.

Ông Thuấn kể: “Khi tôi đang điều trị tại bệnh viện là lúc cần một lời hỏi thăm động viên của lãnh đạo. Thế nhưng, lãnh đạo lại ban hành công văn hỏa tốc gửi về nhà cho vợ con tôi để yêu cầu tôi đi họp gấp. Khi tôi vì bệnh tình không đến được thì cấp trên vẫn họp vắng mặt tôi để nhanh chóng thông qua việc cho tôi thôi chức”


Vụ xét xử gian lận thi cử ở Sơn La và Hà Giang

Một ngày sau khi TAND tỉnh Hà Giang mở lại phiên tòa xử vụ gian lận thi THPT 2018 ở tỉnh Hà Giang, ngày 15/10/2019, đến lượt TAND tỉnh Sơn La mở lại phiên xét xử vụ án gian lận điểm thi ở tỉnh này. Cả hai vụ xử đều bị trì hoãn khoảng một tháng với lý do giống nhau: Rất nhiều quan chức, cán bộ đảng viên được triệu tập nhưng đã “vắng mặt tập thể”. 

Diễn biến mới của phiên tòa xử vụ sửa điểm thi ở Sơn La: Áp giải một loạt nhân chứng đến tòa, Infonet đưa tin. HĐXX xác nhận, họ đã cho áp giải một loạt chứng nhân đến tòa, do đã có giấy triệu tập nhưng vẫn vắng mặt, gồm: ông Nguyễn Văn Hải, ông Ngần Văn Lói, ông Nguyễn Minh Khoa, bà Phạm Phương Loan, ông Nguyễn Hồng Hà. Đến buổi chiều 15/10, HĐXX đã tiến hành xét hỏi các bị cáo.

Quang cảnh phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La. Ảnh: VTV

Hành vi cố tình chống đối pháp luật CSVN nhưng được dung túng trong phiên tòa xử vụ gian lận thi cử Sơn La: Hai lần ông Hoàng Tiến Đức vắng mặt tại tòa, theo VOV. Ông Hoàng Tiến Đức, cựu GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, người được cho là có liên quan đến vụ gian lận thi cử THPT 2018 ở tỉnh này, tiếp tục vắng mặt “với lý do đang điều trị bệnh. Sau khi thảo luận, HĐXX xét thấy việc ông Đức có lý do chính đáng nên sẽ công bố lời khai tại tòa”.

LS Trần Xuân Yên phát biểu: “Tôi đề nghị HĐXX làm rõ lý do của việc ông Đức vắng mặt nếu không phải vì lý do  bất khả kháng thì đề nghị áp giải ông Đức đến phiên Tòa. Nếu như trường hợp ông Đức đến phiên tòa, HĐXX cần làm rõ những nội dung trong lời khai của ông Đức tại cơ quan điều tra”. Chưa rõ HĐXX của phiên tòa này sẽ tuân theo luật pháp của chế độ hay họ tôn trọng tình đồng chí hơn.


Thêm lời khai trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Nâng điểm 4 thí sinh, bị cáo khai nhận hơn 1 tỷ đồng, theo VTC. Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, khai, đã nhận danh sách 4 thí sinh từ ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm GD thường xuyên TP Sơn La: “Anh Trần Văn Điện đưa bốn thẻ học sinh cho bị cáo, trong đó có 3 thẻ học sinh nhờ nâng lên 24 điểm, 1 thẻ học sinh nhờ nâng lên 27 điểm”.

Bà Nga khai tiếp, ông Điện đã hứa sau khi hoàn thành sẽ cảm ơn bằng tiền, với 3 trường hợp là 230 triệu đồng, 1 trường hợp còn lại là 350 triệu đồng. Ông Trần Văn Điện đã đưa tổng số tiền 1 tỉ 40 triệu đồng cho bà Nga, ngay sau kỳ thi kết thúc.

Về phiên tòa xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, bị cáo Triệu Thị Chính, cựu PGĐ Sở Hà Giang “tung hê”, đề nghị lật lại điều tra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Infonet đưa tin. Sau khi được luật sư “gợi ý”, bà Chính đã đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Hà Giang điều tra về những sai phạm (có thể) xảy ra tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 ở tỉnh này.

Trong quá trình trả lời HĐXX chiều 15/10, bị cáo Chính luôn khẳng định mình là người chống tiêu cực, nên không có chuyện can thiệp vào việc nâng điểm thi cho các thí sinh. Bà Chính nói: “Để có sự công bằng và xem xét cả một quá trình, tôi mong muốn giữ lại kết quả chấm thi năm 2017 và đề nghị HĐXX kiến nghị với cơ quan ANĐT điều tra về kỳ thi năm 2017”

VietNamNet có bài: Cựu công an tỉnh Hà Giang nhờ nâng điểm để tạo phúc và trả ơn ân nhân. Khai trước tòa, bị cáo Lê Thị Dung, Phó đội trưởng PA83, công an tỉnh Hà Giang thừa nhận, bà ta là người gửi danh sách 20 thí sinh cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài để nhờ nâng điểm, có người được nâng tới 29,5 điểm: “Các thí sinh này là con cháu của người thân và các ân nhân đã giúp đỡ bị cáo. Bị cáo nhờ giúp đỡ để trả ơn họ”.  



Tin giáo dục

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Gắn camera tốt mà, sao thầy cô không vui? Người viết nhận định, “camera giúp quản lý nhà trường thực hiện thường xuyên chức năng giám sát, kiểm soát an ninh, bảo vệ trong từng lớp học, đến từng thầy cô và học sinh. Khi đội ngũ nhà giáo chưa đạt đến một trình độ nhất định (tạm hiểu là chuẩn nghề nghiệp), lắp camera trong lớp học là việc nên làm. Mới đây thôi, học sinh trường tôi phản ảnh có giáo viên vào lớp mắng học sinh hết một tiết! Nếu có camera, điều đó sẽ không xảy ra”

Petro Times đưa tin: Xuất hiện hình thức “lạm thu” dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục. Đối với các trường hợp lạm thu này, mục đích tài trợ thường không rõ ràng, như yêu cầu sửa sang cơ sở vật chất, làm mái che, sân chơi, sửa cổng trường, nhà vệ sinh, hệ thống điện… nhưng việc chi tiêu trên thực tế thường không minh bạch, là nỗi ám ảnh “đối với những gia đình người lao động, làm công ăn lương, hoặc có thu nhập thấp, không ổn định vì số tiền đóng góp trong một số trường hợp không phải là nhỏ”


Ô nhiễm môi trường

Báo Phụ Nữ TP HCM có bài phỏng vấn ông Cao Tung Sơn, GĐ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP HCM: Ô nhiễm không khí nằm ngoài dự đoán, xử lý không kịp. Ông Sơn nhận định: “Năm nay, tình trạng ô nhiễm nằm ngoài dự đoán. Thông thường, hiện tượng mù quang hóa xảy ra vào tháng Mười, nhưng năm nay lại diễn ra vào tháng chín nên chúng tôi xử lý không kịp. Chúng tôi sẽ cố gắng xử lý số liệu trong thời gian ngắn nhất”.

Ô nhiễm do con người gây ra, nhưng những người có trách nhiệm lại đổ lỗi cho ông Trời, rằng đó là “hiện tượng mù quang hóa” nên mới không dự đoán được. Chẳng lẽ quan chức CSVN nghĩ, họ có thể làm cho dân tin rằng, các nhà máy, dự án được xây tràn lan, vô tội vạ của họ có thể vô tư xả thải mà con người không hít phải không khí ô nhiễm?

Báo Pháp Luật TP HCM viết: Tỉ lệ sẩy thai tăng do ô nhiễm không khí. Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Natural Sustainability ngày 14/10 chỉ ra, việc tiếp xúc nhiều với các tác nhân ô nhiễm trong không khí, như bụi mịn hay SO2 và CO, có khả năng gia tăng tỉ lệ sẩy thai, chết lưu ở phụ nữ. Đó là hiện tượng bào thai chết mà không có biểu hiện cụ thể, khiến cha mẹ nghĩ thai vẫn phát triển bình thường.



***
Chính trường Mỹ: 

Căng thẳng Trung Đông:

***






No comments:

Post a Comment

View My Stats