Saturday 26 October 2019

VIỆT NAM : VÌ SAO DU LỊCH TÂM LINH NỞ RỘ NHƯ 'CƠN NGHIỆN' ? (Lam Nguyễn - Báo Đất Việt)




Lam Nguyễn  -  Báo Đất Việt
Thứ Sáu, 25/10/2019 13:38

PGS Phạm Trung Lương cho rằng đó là vì mục đích kinh doanh. Xây dựng dự án tâm linh nhưng lại kinh doanh trên lòng tin tín ngưỡng.


Kinh doanh trên lòng tin tín ngưỡng

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch cho rằng "xây dựng dự án tâm linh đang nở rộ như một cơn nghiện". Ông nói thẳng, có hiện tượng trên là do du lịch tâm linh tại Việt Nam đang bị méo mó, biến dạng về văn hóa, tín ngưỡng.

Núi đá vôi bị xẻ tan hoang để xây chùa ở phía đông bắc cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Tuổi trẻ

Điểm mặt hàng loạt những dự án đồ sộ được triển khai rộng rãi thời gian qua như: Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đang được triển khai ở xã Lũng Cú, vây quanh Núi Rồng - nơi có di tích cột cờ Lũng Cú - một điểm linh thiêng về chủ quyền biên giới của cả nước gây ra nhiều lo ngại. 

Chỉ cách đó ít ngày, tại Huế, Công ty cổ phần đầu tư Bãi Cả cũng xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép nghiên cứu phương án xây dựng khu du lịch tâm linh ở núi Hải Vân khiến dư luận xã hội ồn ào, bàn tán.

Hay hàng loạt những dự án tâm linh đồ sộ được xây dựng đã và đang chuẩn bị được đưa vào khai thác như Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam)... được nói đến nhiều thời gian qua.

PGS.TS Phạm Trung Lương cho hay, ở một số nước theo đạo Phật, mỗi quốc gia chỉ có một trung tâm Phật giáo. Đến những ngày nhất định người dân mới hành hương tới đó, đó được gọi là du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh là phải gắn với đức tin, khát vọng hướng về nguồn cội của con người.

Thông qua du lịch, du khách được trực tiếp tiếp xúc, cảm nhận, trải nghiệm, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tâm linh tín ngưỡng từ trong tiềm thức của mình.

Khi du khách đến đó vì tâm linh cũng sẽ thu hút các dịch vụ tiêu dùng khác, lúc đó là du lịch ăn theo.

"Du lịch tâm linh của các nước thu hút được du khách bởi vì đó là tâm linh. Du lịch tâm linh đúng nghĩa mới linh thiêng", PGS Phạm Trung Lương nói.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua việc xây dựng tràn lan các dự án tâm linh, trong đó bao gồm chùa, tượng phật được xây mới hoặc tu bổ, sửa chữa trên nền chùa cũ khá phổ biến tại hầu hết các tỉnh thành, địa phương.

Có hiện tượng trên, PGS Phạm Trung Lương cho rằng đó là vì mục đích kinh doanh. Xây dựng dự án tâm linh nhưng lại kinh doanh trên lòng tin tín ngưỡng.

Chính vì mục đích kinh doanh là tối thượng nên các dự án đều hướng tới mục tiêu là mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Ngay cả lợi ích của nhà chùa, của những nhà sư trụ trì tại các ngôi chùa này cũng có nhiều vấn đề phải xem xét.

"Dư luận nhắc nhiều tới "BOT cổng chùa" cũng không sai vì khi đã đầu tư nhà đầu tư phải tìm nguồn thu. BOT cổng chùa cũng là một cách để thu. Thu từ tiền đóng góp của con nhang, đệ tử, thu từ nguồn công đức cũng là một nguồn thu.

Thậm chí, tôi còn biết nhiều hoạt động kinh doanh ngay trong chùa để tạo nguồn thu, ví dụ, thu tiền từ việc bán các hốc đựng tro cốt người đã khuất. Hoạt động kinh doanh này rõ ràng, nhà chùa thu tiền từ việc bán các hốc đựng tro cốt đó.

Nếu tâm linh theo đúng nghĩa, nhà chùa không bao giờ thu tiền mà chỉ để di ảnh người quá cố để thờ cúng hàng ngày chứ không phải kinh doanh bằng cách bán đồ và thu tiền như vậy", PGS Phạm Trung Lương nói. 

Nhập nhèm nguồn thu, không rõ trách nhiệm

Một lý do khác cũng được PGS Phạm Trung Lương chỉ ra để lý giải cho hiện tượng đua nhau làm dự án tâm linh chính là nguồn thu từ các khoản trong chùa quá lớn, trong khi việc kiểm soát lại buông lỏng dễ nhập nhèm, thất thoát, tiền công chảy vào túi tư.

Nêu lại cậu chuyện của nhà sư Thích Thanh Toàn công khai khối tài sản hơn 300 tỷ sau khi bị phát hiện có sai phạm và được xả giới, hoàn tục, vị chuyên gia cho rằng đó là chuyện bất thường.

Theo vị chuyên gia, các nguồn thu tại các chùa hiện không minh bạch. Nếu xét về mặt tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, quản lý các nguồn thu.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội đã được công nhận thì phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp Việt Nam, trong đó có các quy định về mặt quản lý tài chính, các nguồn thu - chi.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, câu chuyện quản lý các nguồn thu tại các chùa đã bị buông lỏng. Rất nhiều câu chuyện bị thất thoát nguồn thu tại các chùa gây bức xúc thời gian qua, việc không kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu là nguyên nhân dung túng cho những nhà sư tha hóa, biến chất như sư Toàn.

Trong đó, có cả những câu chuyện dung túng cho những nhà đầu tư núp bóng tín ngưỡng để đầu tư tâm linh.

Vì lý do này, vị chuyên gia ủng hộ quan điểm của Kiểm toán Nhà nước là phải kiểm soát, kiểm toán công khai các nguồn quỹ công, quỹ chùa để minh bạch các nguồn thu - chi.

Nhập nhèm quỹ đất, thất thu tiền thuế

Ngoài ra, ông cũng đặt câu hỏi về vấn đề sử dụng quỹ đất, cấp đất cho nhà đầu tư xây khu tâm linh theo quy định nào? Ai cấp và tiền thuế thu từ đất được thực hiện ra sao?

PGS Phạm Trung Lương rất băn khoăn trước việc các địa phương sẵn sàng giao cả hàng nghìn héc-ta cho doanh nghiệp làm chùa, xây khu tâm linh thì rất nhanh gọn, dễ dàng nhưng lại không thể giải quyết được quỹ đất cho dân tái định cư. Đây là một nghịch lý.

Ông Còn băn khoăn, việc giao đất cho doanh nghiệp theo cơ chế nào, thu tiền thuế ra sao...? cũng không được quy định rõ ràng, có nguy cơlàm méo mó mục đích phát triển tâm linh, làm thất thoát nguồn lực công rất lớn.

"Chính vì khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh nên đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh. Thực tế chứng minh tại những dự án này, diện tích xây chùa chỉ chiếm một phần, còn lại để dành cho các dự án nghỉ dưỡng.

Từ góc độ quản lý nguồn lực của đất nước, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn héc-ta đất cho nhà đầu tư một dự án tâm linh thật quá lãng phí, trong khi, với nguồn lực đất đai đó để dành phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh sẽ đem lại lợi ích rất lớn, cần phải xem xét.

Cần lưu ý, đất là sở hữu toàn dân, là tài sản chung phải được tính toán đầu tư một cách hiệu quả nhất, mang lại nguồn lợi lớn nhất cho nhà nước và nhân dân", PGS Phạm Trung Lương nói rõ.


Từ những phân tích ở trên, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng cần phải xem xét lại tính hợp lý và mục đích khi quy hoạch xây dựng các dự án du lịch tâm linh.

Ông nhấn mạnh, du lịch tâm linh không thể bị biến thành công cụ kiếm lợi cho các đại gia, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị phải xem xét lại dòng vốn xây dựng những siêu dự án tâm linh, vì đó là biểu hiện của sự đầu tư bất thường, gây hại cho nền kinh tế.

Lam Nguyễn





No comments:

Post a Comment

View My Stats