Thursday 31 October 2019

TIN BIỂN ĐÔNG : CÓ LÚC HẢI DƯƠNG 8 ĐƯỢC GẦN 35-40 TÀU BẢO VỆ (BTV Tiếng Dân)



BTV Tiếng Dân
31/10/2019

Báo Kiến Thức dẫn lời Trung tướng Trần Việt Khoa: Có thời điểm 35, 40 tàu xâm phạm chủ quyền biển Đông. Tướng Khoa thừa nhận: “Từ tháng 5 khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và nhất là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10 vừa qua, nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta hết sức phi lý. Đây là điều chúng ta không thể chấp nhận được. Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát và thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35 – 40 chiếc tàu xuống để bảo vệ”.

Mặc dù có tới 35-40 tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam, nhưng không thấy Trung tướng Khoa nói những tàu này là tàu của nước nào, chỉ thấy ông tướng gọi chúng là “nước ngoài”. Là tướng lĩnh trong QĐND Việt Nam, muốn “bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ” mà tướng Khoa không dám gọi tên kẻ xâm lược, thì bảo vệ đất nước bằng cách nào? Hay là ông bảo vệ chủ quyền đất nước bằng những giọt nước bọt?! Gọi tên kẻ xâm lược còn không dám thì khi giặc tới, đánh đấm nỗi gì?

Trung tướng Trần Việt Khoa. Ảnh: VGP

Trước đó, báo Hindustan Times của Ấn Độ dẫn lời đại sứ Phạm Sanh Châu, cho biết, có 28 tàu hải cảnh bảo vệ tàu Hải Dương Địa Chất 8 trong thời gian Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Nay tướng Khoa thừa nhận thế này, có thể thấy những gì đã diễn ra ngoài Biển Đông nghiêm trọng hơn cả những gì ông Châu và các nguồn tin nước ngoài và “lề dân” cảnh báo.

Một vấn đề nữa là tướng Khoa cũng đã xác nhận căng thẳng ở Biển Đông bắt đầu từ tháng 5/2019, trùng khớp với thông tin do các quan chức ngoại giao Trung Quốc cung cấp khi Bắc Kinh vu khống Việt Nam xâm phạm “chủ quyền” của họ ở Biển Đông. Vấn đề là tất cả những thông tin này đều được thừa nhận quá trễ, ít nhất một tuần sau khi nhóm tàu Hải Dương 8 rời khỏi EEZ của Việt Nam.

Quan chức CSVN luôn gán ghép các trang tin lề dân là “xấu, độc hại” và “xuyên tạc”, nhưng tất cả các thông tin trên đều được các trang lề dân cung cấp cho người dân kịp thời. Trong khi lãnh đạo CSVN biết những gì đang xảy ra ngoài khơi, nhưng không dám nói với dân, chẳng những vậy, họ cũng không dám nói trước mặt bọn bá quyền Trung Quốc. Nhóm tàu Hải Dương 8 rút lui, là vì chúng đã hoàn thành nhiệm vụ “khảo sát” kéo dài gần 4 tháng (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019), trong khi phía CSVN cho rằng, “đó là kết quả đấu tranh rất hiệu quả của Việt Nam”.

Cử tri đề nghị đưa vụ việc Biển Đông ra tòa quốc tế, theo báo Tuổi Trẻ. Phát biểu tại hội trường QH chiều 30/10, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo, khi Trung Quốc khai thác cạn kiệt tài nguyên từ biển của họ, họ sẽ vươn sang các vùng biển lân cận và thậm chí xa hơn trên Biển Đông: “Nước này khi đó sẽ chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng. Chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế, của họ”.

Ông Hiếu nói thêm: “Rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính mà phải đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam khi xây dựng trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá ở Biển Đông trong suốt thời gian qua mới có ý nghĩa dư luận quốc tế”.

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ông Nguyễn Lân Hiếu bình luận về “hiệu quả” của cách thức bảo vệ chủ quyền của lãnh đạo CSVN ở Biển Đông: ‘Biện pháp hòa bình không làm họ giảm lòng tham’. Ông Hiếu nói: “Các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình đã không làm giảm đi lòng tham của họ”.

Khó xử lý vụ xe có “đường lưỡi bò”?!

Báo Lao Động bàn về sản phẩm dính “đường lưỡi bò”: Tổn hại từ kinh tế đến uy tín. Bài báo điểm lại một số vụ TQ cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm văn hóa, từ game online Chinh Đồ đến Âm Dương Sư. Các game đó lúc đầu nội dung bình thường, không vấn đề gì, nhưng đến lúc cập nhật nội dung thì “đường lưỡi bò” xuất hiện, đẩy doanh nghiệp phát hành vào tình thế lưỡng nan: Hoặc chấp nhận mất hàng trăm tỉ, gồm tiền bồi thường cho những người chơi đã nạp tiền vào game, hoặc chấp nhận mất uy tín và thậm chí có thể đối mặt với hình phạt từ pháp luật.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ xe Volkswagen có ‘đường lưỡi bò’: Doanh nghiệp khai báo Hải quan ra sao? Vụ xe Volkswagen Touareg tạm nhập về trưng bày tại triển lãm Vietnam Motor Show 2019 có hình ảnh “đường lưỡi bò” nuốt trọn Biển Đông, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu cho biết, hiện chưa có quy định nào để xử phạt doanh nghiệp nhập khẩu với sơ suất do bản đồ định vị có đường lưỡi bò. Chỉ có thể xử phạt nếu hàng hóa vi phạm lỗi không đạt tiêu chuẩn khi đăng kiểm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Trong khi, lỗi ở đây là phần mềm bên trong xe, chưa có quy định nào xử lý”.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Thông tin hủy xe Volkswagen Touareg, Cục Đăng kiểm nói gì? Về thông tin cho rằng chiếc xe Volkswagen Touareg nói trên cần phải bị tiêu hủy ngay lập tức, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho rằng, ý tưởng này là quá đà và có phần phiến diện và “có thể gây tâm lý và nhận thức sai lệch trong dư luận”: “Cái xe nó không có lỗi, lỗi là người cài đặt phần mềm đó vào. Cho nên chúng ta xử lý loại bỏ phần mềm đó đi và khuyến cáo không cho bất cứ một tập thể hay cá nhân nào được phép vi phạm chuyện này”.

Vụ để lọt “đường lưỡi bò” phi pháp trong phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ”: Bài học sâu sắc trong công tác quản lý điện ảnh, theo báo Lao Động. Mỗi lần quan chức CSVN có được “bài học sâu sắc” là thêm một lần TQ thành công trong việc cài cắm ấn phẩm có “đường lưỡi bò” vào đầu người dân Việt. Hình ảnh “đường lưỡi bò” từ từ tiến vào VN trong nỗi bất lực của người dân.
______









No comments:

Post a Comment

View My Stats