Thursday 31 October 2019

GIỚI VẬN ĐỘNG HÀNH LANG ĐÒI 'BỨNG' ĐẠI SỨ MỸ Ở UKRAINE (Người Việt Online)




NỘI DUNG TRANG NÀY :




===============================

Người Việt Online
October 30, 2019

WASHINGTON, D.C. (NV) – Một cựu dân biểu Cộng Hòa, sau trở thành người vận động hành lang, đã nhiều lần thúc đấy việc giải nhiệm bà Marie Yovanovitch, đại sứ Mỹ ở Ukraine, điều sau đó được Tổng Thống Donald Trump chuẩn thuận, do sự hối thúc từ luật sư riêng của ông là Rudy Giuliani, theo lời khai của một giới chức ngoại giao Mỹ hôm Thứ Tư, 30 Tháng Mười.

Hai chuyên gia về Ukraine tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Catherine Croftông Christopher Anderson, là hai nhân vật mới nhất được gọi ra làm nhân chứng trong cuộc điều tra theo thủ tục luận tội tại Hạ Viện Mỹ, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters.

Bà Croft nói bà là nhân viên trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) tại Tòa Bạch Ốc từ Tháng Bảy, 2017, tới Tháng Bảy, 2018.

“Trong thời gian tôi làm việc tại NSC, tôi nhận được nhiều cú điện thoại từ người vận động hành lang Robert Livingston, nói với tôi rằng phải đuổi Đại Sứ Yovanovitch. Ông  Livingston gọi Đại Sứ Yovanovitch là ‘thành phần tàn dư thời Obama’ và có liên hệ với George Soros,” bà Croft nói trong lời phát biểu mở đầu cuộc điều trần, được tờ Washington Post đưa lên trang mạng.

Ông George Soros là một nhà tỉ phú, theo Do Thái Giáo và có khuynh hướng cấp tiến, thường bị phía đảng Cộng Hòa tấn công.

“Vào lúc đó, cũng như ngay trong lúc này, tôi không hiểu ông Livingston muốn đẩy Đại Sứ Yovanovitch đi nơi khác là theo chỉ thị của ai và ai chi trả điều đó,” theo lời bà Croft.

Bà cũng cho biết có báo với bà Fiona Hill, cựu cố vấn hàng đầu về Nga của Tổng Thống Trump, và ông George Kent, một giới chức cao cấp chuyên về Ukraine của Bộ Ngoại Giao,  “nhưng không thấy có phản ứng gì.”

Tổng Thống Trump đưa bà Yovanovitch ra khỏi chức vụ đại sứ Mỹ ở Ukraine hồi Tháng Năm năm nay.

Luật sư riêng của Tổng Thống Trump, ông Rudy Giuliani, từng nói rằng ông đã thảo luận với ông Trump và Bộ Ngoại Giao để thay bà Yovanovitch, khi ông vận động để Ukraine điều tra ông Joe Biden, đối thủ chính trị của Tổng Thống Donald Trump.

Ông Anderson, trong phần phát biểu mở đầu mà Reuters có được, cũng đề cập tới các hành động của ông Giuliani.

Ông Anderson nói rằng trước ngày ông Zelenskiy tuyên thệ nhậm chức tổng thống Ukraine, ông và các đồng sự đọc thấy một bản tweet do ông Giuliani gửi ra, nói rằng nhà tân lãnh đạo Ukraine “đang bị vây quanh bởi các kẻ thù của Tổng Thống Trump.”

Ông Anderson kể rằng vào Tháng Mười Một, 2018, khi Nga tấn công và bắt giữ các tàu của Ukraine đang trên đường về một cảng của quốc gia này, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã nhanh chóng soạn thông cáo lên án hành động của Nga, nhưng có “một số giới chức cao cấp” ở Tòa Bạch Ốc chặn không cho công bố.

Điều này khiến ông Kurt Volker, lúc đó là đặc sứ của Mỹ về Ukraine phải gửi ra bản tweet, tự mình lên án hành động của Nga. (V.Giang)

------------------------------------------

Người Việt Online
October 30, 2019

WASHINGTON, D.C. (NV) — Hạ Viện Mỹ hôm Thứ Ba, 29  Tháng Mười, thông qua một nghị quyết, theo đó chính thức xác nhận có vụ “diệt chủng dân Armenia” do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra.

Nghị quyết này tuy chỉ là một hành động chỉ có tính cách biểu trưng, nhưng làm chính phủ Ankara giận dữ trong khi đang có sự căng thẳng với Washington, theo bản tin của hãng thông tấn AFP.

Cộng đồng người Mỹ gốc Armenia biểu tình ở Hollywood đòi thế giới công nhận có vụ diệt chủng do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. (Hình: Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)

Tiếng hoan nghênh và vỗ tay nồng nhiệt vang lên sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố là 405 thuận với 11 phiếu chống, để thông qua nghị quyết nhằm “khẳng định hồ sơ của Mỹ về vấn đề Diệt Chủng Armenia.”

Đây là lần đầu tiên nghị quyết này được thông qua tại Quốc Hội Mỹ, nơi trong mấy thập niên qua đã từng có các nghị quyết với nội dung tương tự được đưa ra nhưng không hề được chấp thuận.

Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, nói rằng bà rất vinh dự được cùng với các đồng viên “để cùng tưởng nhớ các nạn nhân của một trong những hành vi tàn bạo nhất của thế kỷ 20: đó là hành động sát nhân có hệ thống nhắm vào hơn 1.5 triệu người Armenia, cả đàn ông, đàn bà và trẻ em của Đế Quốc Ottoman.”

Người Armenia nói rằng việc tàn sát tập thể các nạn nhân này, xảy ra từ năm 1915 tới 1917, là một hình thức diệt chủng. Ba mươi quốc gia trên thế giới đồng ý với lời lên án này của người Armenia.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc diệt chủng, nói rằng cả người Armenia và người Thổ Nhĩ Kỳ đều chết rất nhiều do Đệ Nhất Thế Chiến. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng số người Armenia thiệt mạng chỉ lên tới con số hàng trăm ngàn.

Chính quyền Ankara nhanh chóng có phản ứng, bác bỏ nghị quyết của Hạ Viện Mỹ và gọi đây là “hành động chính trị vô nghĩa”, đồng thời cũng cảnh cáo là điều này làm hại mối quan hệ giữa hai quốc gia “vào thời điểm vô cùng nhạy cảm” cho an ninh khu vực và quốc tế.

“Chúng tôi tin rằng những người bạn Mỹ của Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiếp tục có mối quan hệ đồng minh và thân thiện giữa hai quốc gia sẽ đặt vấn đề về sai lầm trầm trọng này và những kẻ có trách nhiệm sẽ bị lương tâm của người dân Mỹ lên án,” theo bản thông cáo của Bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Hạ Viện Mỹ thông qua nghị quyết này cũng được sự hoan nghênh của những người bên ngoài vòng chính trị.

Ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian, người gốc Armenia, gửi tweet thông báo về cuộc bỏ phiếu cho khoảng 62 triệu người ái mộ.

“Đây là điều quan trọng với cá nhân tôi, cũng như hàng triệu người Armenian sống sót sau cuộc diệt chủng,” theo bà Kardashian.

Theo các ước tính hiện có, tại Mỹ có chừng 500,000 đến 1.5 triệu người gốc Armenia.
Cố Thống Đốc George Deukmejian của tiểu bang California  (1983 tới 1991) cũng là người gốc Armenia. (V.Giang)


------------------------------------------

Người Việt Online
October 30, 2019

WASHINGTON, D.C. (AP) – Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) hôm Thứ Tư, 30 Tháng Mười, loan báo việc cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay để giúp duy trì sự phát triển kinh tế trước các đe dọa của khó khăn thế giới. Tuy nhiên, Fed cũng cho thấy sẽ không giảm lãi suất trong những tháng tới đây, trừ khi là tình hình kinh tế trở nên tệ hại hơn.

Fed công bố quyết định giảm lãi suất ngắn hạn, ảnh hưởng tới việc vay mượn tiền của giới tiêu thụ và doanh gia, xuống mức dao động giữa 1.5% và 1.75%.

Bản thông cáo của Fed về việc này, đưa ra sau khi có quyết định giảm lãi suất, nay không còn thấy có một câu vốn thường được dùng để cho thấy là Fed sẽ còn cắt giảm lãi suất nữa.

Và trong một cuộc họp báo, Chủ Tịch Fed Jerome Powell có lời phát biểu cho thấy việc giảm lãi suất sẽ ngưng lại, trừ khi là tình hình kinh tế trở nên đen tối.

“Nếu có những biến chuyển khiến có thay đổi nhiều trong ước tính của chúng tôi, chúng tôi sẽ có phản ứng thích đáng,” theo ông Powell.

Câu mà Fed vẫn thường dùng từ hồi Tháng Sáu và đã không còn thấy trong thông cáo của Fed lần này là: “Fed sẽ có hành động thích đáng để duy trì sự phát triển.” Câu này vẫn được coi là chỉ dấu rằng Fed tiếp tục chính sách bơm tiền để trợ giúp nền kinh tế.

Nền kinh tế Mỹ hiện đang trong tiến trình phát triển kéo dài đã 11 năm, nhờ vào sự chi tiêu của dân chúng và tình hình công ăn việc làm tốt đẹp. Khi cắt giảm lãi suất, Fed muốn giúp tránh tình trạng bất ổn gây ra do cuộc thương chiến, sự suy yếu của nền kinh tế thế giới và sự sút giảm trong mức sản xuất của Mỹ. (V.Giang)





No comments:

Post a Comment

View My Stats