Hà Tường Cát/Người Việt
May 15, 2017
BẮC
KINH (NV) – Trong khi Tổng Thống Donald Trump với chủ
trương “Nước Mỹ Trước Hết” muốn giảm vai trò quốc tế để rút về chú trọng vào
các mục tiêu quốc nội, thì Chủ Tịch Tập Cận Bình có thời cơ thuận lợi tiếp tục
đề cao toàn cầu hóa và đẩy mạnh sáng kiến “Nhất Ðới, Nhất Lộ” (Belt and Road),
một kế hoạch rộng lớn sẽ đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc hàng đầu thế giới.
Nhất Ðới, Nhất Lộ có nghĩa là “Một Vành Ðai, Một Con
Ðường,” dựa theo quá trình lịch sử của “Con Ðường Tơ Lụa,” tức hệ thống đường
giao thương Ðông-Tây trên biển và trên đất liền có từ hơn 2,000 năm trước giữa
các dân tộc Châu Á với Châu Âu.
Sáng kiến có động lực chính là kinh tế này do Tập Cận
Bình đề ra năm 2013, dùng khả năng tài chính dồi dào của Trung Quốc, với dự trữ
ngoại tệ tới $3,000 tỷ, nghĩa là hơn 1/4 của toàn thế giới, để trợ giúp các quốc
gia, đặc biệt là các nước Á-Phi quanh vùng phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng
đường bộ và đường xe lửa, mở bến cảng giúp cho việc chuyển vận hàng hóa, gia
tăng trao đổi mậu dịch. Kết quả sẽ đem quan hệ gần gũi đến hàng trăm triệu người
và kết nối trao đổi giữa hàng trăm thị trường.
Chương trình “Vành Ðai và Con Ðường” như vậy có thể
hợp lý, nhưng có vẻ chưa được hoàn toàn hợp tình vì cái mà Trung Quốc muốn chưa
hẳn đã là quan điểm của các nước khác trong đó có các đối tác chiến lược quan
trọng như Nga, Ấn Ðộ, Nhật Bản. Vả lại cho đến nay nhiều dân tộc và quốc gia
hãy còn thiếu niềm tin cậy Trung Quốc nhất là các nước Ðông Nam Á trước tham vọng
về biển đảo của Trung Quốc ở Biển Ðông. Một số dự án đầu tư trước kia của Trung
Quốc ở Nam Á và Châu Phi đã bị hoài nghi về ý đồ không tốt đẹp trong sự hợp
tác.
Hơn nữa dù đã đổ ra hơn $50 tỷ cho 62 nước trong ba
năm qua, theo Tân Hoa Xã, “Vành Ðai và Con Ðường” sẽ còn đòi hỏi thêm hàng ngàn
tỷ nữa. Những khó khăn về tài chính cũng bắt đầu xuất hiện vào lúc tăng trưởng
kinh tế Trung Quốc chậm lại, năm ngoái dự trữ dùng cho những dự án quốc tế giảm
khoảng 6%.
Về mặt kinh tế, một trong những mục tiêu quan trọng
của Trung Quốc là tiêu thụ những sản phẩm xây dựng như xi măng và thép đã được
sản xuất qua dư thừa. Tiếp theo là sử dụng tài nguyên nhân lực và kỹ năng của
chuyên viên cùng công nhân trong công tác xây dựng cầu đường, thiết lộ và bến cảng.
Giữa thế kỷ 19, nhiều công nhân lao động Trung Quốc
đến Mỹ để làm đường sắt, còn hiện nay Trung Quốc là nước có một mạng lưới đường
xe lửa cao tốc dài nhất thế giới đã được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục.
Phát triển hệ thống đường lộ ở Trung Á và Nam Á là một tiềm năng to lớn trong
sáng kiến “Nhất Ðới, Nhất Lộ.”
Trong năm ngoái, “Vành Ðai và Con Ðường,” có hoàn cảnh
tốt trên mặt quốc tế để tiến triển. Chủ nghĩa dân túy (populism) thắng lợi
trong các cuộc bầu cử Anh, Mỹ làm suy yếu đường lối toàn cầu hóa ở Mỹ và Liên
Âu. Chưa rõ trong tương lai, Mỹ sẽ thay thế chiến lược chuyển trục về Châu Á và
Hiệp Ðịnh Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Obama như thế
nào.
Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo quốc gia tham dự Diễn đàn Nhất Ðới Nhất
Lộ tại trung tâm hội nghị quốc tế Yanqi Lake, Bắc Kinh, hôm Chủ Nhật 15 Tháng
Năm 2017. (Hình: Getty Images)
Vụ bắn hỏa tiễn Tomahawk vào Syria và đưa chiến đoàn
1 hải quân với hàng không mẫu hạm Carl Vinson đến vùng biển Nhật Bản khiến dư
luận kỳ vọng vào phản ứng cứng rắn khi cần thiết của Tổng Thống Donald Trump,
tuy nhiên những hành động này không có giá trị gì hơn là tính cách phô diễn.
Các nước Á Châu chưa đủ tin tưởng khi không thể rõ
chính sách Á Châu của Mỹ bây giờ sẽ như thế nào. Thể hiện tâm lý ấy, Tổng Thống
Rodrigo Duterte giải thích với tờ Manila Times rằng không thể trông đợi gì ở Mỹ
lúc này và hòa hoãn với Trung Quốc là con đường duy nhất.
Ông nói: “Chiến tranh ư? Trong một ngày Philippines
sẽ không còn quân đội và cảnh sát.”
Trung Quốc không chỉ nhân cơ hội để làm nước dẫn đầu
thế giới về toàn cầu hóa bằng sự đẩy mạnh RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn
diện toàn khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước khác) cùng những thỏa hiệp tự do
mậu dịch khác, mà còn bành trướng tới Biển Ðông và Ấn Ðộ Dương bằng việc xây dựng
hải cảng cho Brunei và Sri Lanka, xây cầu “hữu nghị” trên quần đảo Maldives và
căn cứ hải quân ở Djibouti miền Ðông Châu Phi, đặt đường ống dẫn dầu tại
Pakistan. Những việc này đều nhân danh chương trình “Nhất Ðới, Nhất Lộ.”
Khoảng 30 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Việt Nam,
cùng đại diện hơn 100 quốc gia khác, tham dự hội nghị “Belt and Road” (Một Vành
Ðai, Một Con Ðường) theo sáng kiến của Trung Quốc. (Hình: Getty Images)
Trong hai ngày Chủ Nhật và Thứ Hai vừa qua, Diễn đàn
“Nhất Ðới, Nhất Lộ” họp lần đầu tiên ở Bắc Kinh với sự tham dự của 28 nhà lãnh
đạo quốc gia và các đại diện gần 100 nước khác. Nguyên thủ các nước ASEAN đều
có mặt trừ Thái Lan chỉ có đại diện cấp bộ trưởng. Ðại diện Mỹ là ông Matt
Poottinger, phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Trump. Ấn Ðộ và Nga là hai nước lớn
liên quan mật thiết với Con Ðường Tơ Lụa hơn hết nhưng Tổng Thống Vladimir
Putin đến Bắc Kinh còn Ấn Ðộ không có đại diện tham dự. Hiện diện còn có ông Tổng
Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, ông Jim Yong Kim chủ tịch Ngân Hàng Thế
Giới và bà Chritine Lagarde giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Ðây là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất từ trước đến
nay họp ở Bắc Kinh. Sự kiện này được coi là củng cố vị trí lãnh đạo đất nước
cho Tập Cận Bình và nâng cao vai trò quốc tế của Trung Quốc.
Trong bài diễn văn khai mạc, ông Tập nói đến Trương
Khiên, một quan võ và nhà ngoại giao thời nhà Hán hơn 2,000 năm trước, ông là
người góp công mở ra Con Ðường Tơ Lụa. Trong thời gian từ năm 140 đến năm 115
trước Tây lịch, Trương Khiên hai lần đi sứ Tây Vực (các xứ phía Tây Trung Quốc)
trong đó nhiều năm bị Hung Nô (dân bộ tộc thiểu số sống ở vùng sa mạc và thảo nguyên)
bắt giữ nhưng không giết. Thời đó, quân đội của vua Hán Vũ Ðế đã chinh phục các
xứ miền Trung Á, cưỡi ngựa hay đi bộ vượt qua vùng hoang mạc, tương lai Trung
Quốc hy vọng sẽ làm đường xe lửa cao tốc đi ngang các vùng này.
Ông Tập cũng nhắc đến Trịnh Hòa, đô đốc thời nhà
Minh, từ 1405 đến 1430 đã nhiều lần dẫn hạm đội gồm hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ
thám hiểm các vùng biển từ Ðông Nam Á, Ấn Ðộ Dương đến Châu Phi. Dấu tích các
nơi hạm đội của Trịnh Hòa ghé ngang vẫn được Trung Quốc sử dụng như là bằng chứng
xác định chủ quyền của họ trên các quần đảo ở Biển Ðông.
Ông Tập cũng nhắc đến các nhà thám hiểm từ phương
Tây đi đến phương Ðông như Marco Pollo, Ibn Batutah,… và theo lời ông, Con Ðường
Tơ Lụa chính là nhịp cầu hợp tác hòa bình Ðông Tây, từ Châu Á đến Châu Âu và
Châu Phi. Nhưng thật ra Trung Quốc không coi “Nhất Ðới, Nhất Lộ” chỉ là sáng kiến
kinh tế trong một phạm vi khu vực mà là kế hoạch đưa Trung Quốc tiến tới vị trí
cường quốc dẫn đầu thế giới.
Tân Hoa Xã cho biết, Chủ Tịch Tập Cận Bình nói với
các phóng viên rằng tất cả các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn “Nhất Ðới, Nhất Lộ”
đều hoàn toàn đồng ý với sáng kiến này, nền móng mới cho sự hợp tác, tái quân
bình toàn cầu hóa và chia sẻ tương lai của nhân loại. Kỳ họp sắp tới sẽ diễn ra
vào năm 2019.
Bản tuyên cáo chung do hội nghị đưa ra hôm Thứ Hai mạnh
mẽ lên án chủ nghĩa cô lập.
Tuyên cáo viết: “Chúng tôi tái xác định cam kết xây
dựng nền kinh tế mở cửa, bảo đảm hoàn toàn tự do mậu dịch chống lại mọi hình thức
bảo hộ, phát triển một hệ thống toàn diện, đa phương, công bình, trên căn bản của
WTO (Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới).
–––––––––––
Shu Zhang và Matthew Miller | DCVOnline
Posted on May
15, 2017 by editor — 0
Comments
BEIJING | Đằng sau nỗ lực xây dựng một con đường tơ lụa hiện đại của Trung
Quốc là một chương trình cho vay sâu rộng chưa từng thấy, nó sẽ giúp xây dựng hải
cảng, xa lộ và đường sắt, nhưng cũng có thể khiến một số ngân hàng và nhiều quốc
gia đi tới một tình trạng hỗn loạn.
Những
thòng lọng (Made in China) quanh cổ các nước nghèo trên thế giới
Tháp quan sát Khu Olympic Bắc Kinh chụp khi Diễn đàn Vành đai và Xa lộ
đang diễn ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14 tháng 5 năm 2017. Nguồn: REUTERS /
Stringe
Ở trung tâm là hai ngân hàng chính sách của Trung Quốc,
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc
(EXIM), đã cho các nước nghèo ở khắp châu Á, Trung Đông và thậm chí là châu Phi
vay 200 tỷ USD.
[Vai trò chính của “Ngân hàng chính sách” là cho các
dự án của chính phủ vay và hỗ trợ chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong
tất cả mọi hoạt động của nó. Chen Yuan, chủ tịch của CDB và là một “Thái tử Đảng”
thế hệ thứ ba – DCVOnline]
Theo thông báo đã đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh
vành đại và Xa lộ, kéo dài hai ngày ở Bắc Kinh kết thúc hôm thứ Hai, 15/5/2017,
họ sẽ cho vay thêm ít nhất 55 tỷ đô la nữa.
Nhờ quỹ tài trợ rẻ hơn, CDB và EXIM đã giúp ngăn chặn
cái mà Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping hôm Chủ nhật gọi là “thách thức nổi bật”
đối với con đường tơ lụa: nút cổ chai tài chính.
Giới quản lý ngân hàng và các nhà phân tích nói, tuy
nhiên, khi dự án Belt and Road phát triển, thì rủi ro đối với các ngân hàng
chính sách, các nhà cho vay thương mại và những người vay nợ, tất cả đều kẹt cứng
trong các dự án có logic kinh doanh đáng ngờ.
Để be bờ rủi ro, EXIM nói rằng nó đã áp đặt một trần
nợ cho mỗi quốc gia đi vay.
CDB cho biết họ đã áp dụng các giới hạn chặt chẽ đối
với hạn mức tín dụng của các quốc gia vay nợ và kiểm soát mức tập trung của nợ.
Sun Ping, Phó Thống đốc của EXIM, nói với các phóng
viên tuần trước, “Đối với một số nước, nếu chúng tôi cho họ vay quá nhiều, họ nợ
quá nhiều, thì sự bền vững của khoản nợ của họ có vấn đề.”
Hiện tại, nhờ Bắc Kinh, các quỹ cho vay rất rẻ và dồi
dào.
Giới phân tích và các ngân hàng cho biết các khoản
cho vay trong dự án Vành đai và Xa lộ để xây dựng cơ sở cho đến nay phần lớn đã
được thương lượng giữa các chính phủ với nhau, với lãi suất thấp hơn lãi suất của
các ngân hàng thương mại và thời hạn hoàn trả dài hơn.
Việc bơm vốn lớn của chính phủ, trái phiếu có giá
như nợ quốc gia và sự hứa hẹn cho vay bổ sung của Ngân hàng Trung ương giữ chi
phí tài chính của CDB và EXIM ở mực thấp nhất.
Ở Indonesia, CDB đã đưa ra khoản vay ưu đãi 40 năm,
không đòi hỏi chính phủ phải đảm bảo nợ, để tài trợ 75% chi phí 5,29 tỷ đô la để
xây đường xe lửa Jakarta-Bandung, con đường sắt cao tốc đầu tiên của Indonesia
và là một dự án cơ sở hạ tầng mô hình cho nỗ lực của Trung Quốc trong chính
sách Vành đại và Xa lộ.
Khoản vay này có ân hạn 10 năm. Theo một báo cáo của
Bank of China International, 60% khoản nợ ghi bằng đô la Mỹ với lãi suất 2% và
40% còn lại được tính bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, theo lãi suất 3,4%.
Phó Chủ tịch Ding CDB Xiangqun nói với các phóng
viên vào tuần trước là CDB, tổ chức tài trợ phát triển lớn nhất thế giới, không
tìm cách “tối đa hóa lợi nhuận”.
Rủi
ro và Phần thưởng
Việc tài trợ ưu đãi đã cho phép giới sản xuất lớn và
các nhà phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc xông xáo cạnh tranh với các nhà
thầu nước ngoài.
Theo thống kê của chính phủ TQ thì 47 trong số 102 tập
đoàn của chính phủ trung ương của Trung Quốc đã tham gia vào 1.676 dự án Vành
đai và Xa lộ.
Riêng Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc đã có hợp đồng
40 tỷ USD và xây dựng 10,320 km đường bộ, 95 cảng nước sâu, 10 sân bay, 152 cầu
và 2,080 tại nhưng quốc gian trong dự án Vành đai và Xa lộ.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou
Xiaochuan là một trong số những người cảnh báo rằng sự phụ thuộc vào các khoản
vay rẻ này làm tăng “rủi ro và gây ra vấn đề”, bắt đầu với nguy cơ về đạo đức
và không bền vững.
Trước đó Trung Quốc đã bị hớ; Venezuela nợ TQ 65 tỷ
USD, hiện đang bị khủng hoảng.
Jack Yuan, một chuyên viên phân tích ngân hàng của
Fitch Ratings ở Thượng Hải, cho biết, “Khu vực hiện đang có nhiều khoản nợ này
là những nơi gặp khó khăn khi đi vay vốn từ các ngân hàng thương mại phương Tây
– xếp hạng tín dụng của họ không tốt, hoặc các dự án đang vay nợ thường không
khả thi về mặt thương mại”.
“Mối quan tâm lớn khác là vốn tiếp tục bị các ngân
hàng Trung Quốc phân bổ sai.”
Nhữngngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc
đang bị thúc đẩy để hỗ trợ sáng kiến của chính phủ. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Yi Huiman của Ngân hàng Công thương
Trung Quốc cho hay họ đã tham gia vào 212 dự án Vành đai và Xa lộ, cung cấp
67,4 tỷ đô la tín dụng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dự định sẽ cho vay
100 tỷ đô la cho các dự án này vào cuối năm.
Một nhân viên cao cấp của một ngân hàng cho vay
thương mại lớn của Trung Quốc nói,
“Trên thực tế, các ngân hàng thương mại không hứng
thú lắm. Chúng tôi không cung cấp các khoản cho vay ưu đãi, và chúng tôi thực sự
không muốn các nước đó nghĩ rằng tất cả các khoản cho vay Vành đai và Xa lộ đều
được giảo giá.”
Sự hụt hẫng lớn nhất có thể vẫn là đối với những quốc
gia đi vay.
Đối với Lào, một trong những nước nghèo nhất châu Á,
chi phí 7 tỷ đô la cho con đường sắt Trung Quốc-Lào lớn hơn một nửa tổng sản lượng
quốc gia năm 2015. Khoản vay ưu đãi của Lào từ EXIM được đặt dưới mức lãi suất
3%.
Theo chuyên viên kinh tế trưởng của chính phủ
Pakistan thì tại Pakistan, khi Trung Quốc cam kết đầu tư 56 tỷ USD vào đường sắt,
đường bộ và năng lượng, nợ của nước này và các khoản phải hoàn trả khác thuộc dự
án Vành đai và Xa lộ sẽ lên đến khoảng 5 tỷ USD vào năm 2022.
Ông Ding của CDB, cho biết các khoản vay của Ngân
hàng Phát triển Trung Quốc cho các nước nghèo đang nợ lớn đều nằm trong giới hạn
do Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt ra, gồm cả lãi suất và thời hạn cho vay.
Nhưng các quốc gia cho vay nói rằng họ không có một
sự lựa chọn khác khi Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực phát triển quốc tế lần đầu
tiên.
Sima Kamil, Giám đốc điều hành của Ngân hàng United
Bank của Pakistan nói,
“Hầu như không phải suy nghĩ nhiều. Thật dễ dàng để
nói rằng sẽ có tất cả khoản nợ này, nhưng nếu chúng tôi không mắc nợ loại này,
chúng tôi sẽ đi đâu?”
Hòi sinh Con đường Tơ Lụa của Trung Quốc. Nguồn: Reuters
*
(Bản tin của Shu Zhang và Matthew Miller được Clara
Ferreira Marques và Will Waterman hiệu đính.)
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net
---------------------
Nguồn: Behind China’s Silk Road vision: cheap
funds, heavy debt, growing risk. By Shu Zhang and Matthew Miller, Reuters,
ngày 15 tháng 5, 2017.
No comments:
Post a Comment