Tuesday, 30 May 2017

NỖI ÁM ẢNH BUÔN BÁN NGƯỜI QUA BIÊN GIỚI (VnExpress)




VnExpress
Thứ ba, 30/5/2017 | 00:00 GMT+7

Tại cánh rừng săng lẻ xã Tam Đình, một trong những thắng cảnh đẹp nhất của huyện Tương Dương (Nghệ An), sáu cô gái Thái hàng ngày mang giỏ đi hái măng, lượm củi phụ giúp gia đình. Khăn piêu, áo cóm, váy đen thêu thổ cẩm, những cô gái tuổi mười bảy, mười tám, hồn nhiên cười nói, sáng cả góc rừng.
Các cô không biết mình đã lọt vào tầm ngắm của bọn buôn người.
Chúng dễ dàng khống chế họ bằng tay không. Và hình ảnh cuối cùng người ta nhìn thấy là gùi măng chỏng chơ trên mặt đất.

Tưởng tượng của họ không xa sự thật.

“Quê em nghèo, nhiều phụ nữ bỏ học giữa chừng đi kiếm sống rồi trở thành nạn nhân của bọn buôn người” - lớp trưởng Trinh nói về lý do thực hiện bộ ảnh. Ở vùng này, cứ dăm bữa lại nghe tin bắt cóc, chúng khiến Trinh “rùng mình”.

Công an huyện Tương Dương từng phải gửi thông báo đến từng xã, thị trấn trên địa bàn nhắc bà con phòng ngừa tội phạm buôn người.

Từ những cánh rừng như ở Tam Đình, không biết bao nhiêu phụ nữ đã mất tích. Chỉ khác là, những kẻ buôn người không phải tốn công theo dõi và khống chế các cô gái. Vài câu dụ dỗ làm ăn xa, kiếm nhiều tiền là đủ nhận được cái gật đầu của những sơn nữ ít giao tiếp với người ngoài.

Sau gùi măng chỏng chơ ấy, con người trở thành món hàng giá vài chục triệu đồng.

Đây không phải câu chuyện của riêng Nghệ An. Hàng năm, không dưới 1.000 phụ nữ  cả nước được nhận diện là nạn nhân bị buôn bán. Không thể có con số đầy đủ, vì khi một phụ nữ “đi làm ăn xa”, người ta không thể nào biết họ thực sự đi làm hay đã bị bán, hay mất tích vì tai nạn.
Đôi lúc, người ta chỉ biết sự thật khi họ tàn tạ trở về. Như chị Thương, 21 năm lưu lạc, chị thất thểu quay về từ bên kia biên giới.

Năm ấy, chị Thương bỏ lại cái nón nằm ngửa sau nhà.
Buổi chiều, Thương đi qua đồng. Người mẹ già đang cắt cỏ dưới ruộng. Chị dừng lại hỏi mẹ, nhà đã có người nấu cơm chưa. Bà nói "rồi". Thế là chị trốn đi. Người mẹ về không thấy con, chạy ra sau nhà, chỉ còn cái nón đánh rơi.
Chị nghe người ta rủ “đi Lạng Sơn hái chè”, Nhà đông người, túng thiếu, nghĩ mọi cách kiếm tiền giúp mẹ nuôi em, chẳng có lý do gì chị không đi. Người ta đưa gần đến biên giới, chị vẫn không biết gì.
Đó là ngày 9/2/1995, làng Sơn (Thanh Hóa) quê chị đang mùa làm cỏ lúa.

Cô thôn nữ 21 tuổi bị bán làm vợ ba người đàn ông gấp đôi tuổi mình, tên Vương Nhất Chấn, ở Quảng Đông. Hai vợ trước chịu không nổi cuộc sống kham khổ vùng biên viễn, lần lượt bỏ trốn để lại hai con gái, một con trai. Không hôn thú, chị Thương không có bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào.

Giao tiếp với nhà chồng, chị Thương chỉ ú ớ ra hiệu bằng cách khoa chân múa tay. Có lúc, “vợ” lãnh nguyên trận đòn thừa sống thiếu chết của “chồng” - vì chậm hiểu, hoặc tìm cách bỏ trốn. Đã có nhiều cuộc bỏ trốn bất thành vì chị Thương chạy tới chạy lui vẫn thấy mình quanh quẩn nơi núi non mịt mù. Có hôm đói lả, chị tự quay về. Sau, ông chồng không thèm đi tìm, cũng không đánh nữa.

Sống với nhau 13 năm, ông Vương bệnh rồi qua đời. Anh em chồng ở sâu trong rừng không quản được, chị Thương mới dám nghĩ đến việc về Việt Nam. Khi ấy, chị đã có bốn mặt con.
Năm 2016, chị thỏa thuận được với các con, đứa lớn 18, đứa nhỏ nhất 12, rằng mẹ con cùng về Việt Nam. Ở lại cũng khổ, cứ về xem thế nào, nếu không được thì quay lại Trung Quốc - họ nghĩ đơn sơ như thế.

Chị Thương không thể mô tả chính xác hành trình của mình. Đầu tiên chị không biết tiếng Trung - chỉ gọi được tên địa danh bằng thứ tiếng dân tộc nơi mình sống. Và hơn cả, chị cũng chẳng biết mình đang ở đâu trên bản đồ. Mảnh giấy cũ chị mang về, với những ký tự đã sờn, chỉ dẫn rằng chị ở thôn Hạn Bình, khu quản lý Mã Sơn, thị trấn Vĩnh Ninh, thành phố Dương Xuân, tỉnh Quảng Đông.

Họ rời nhà trong đêm, mang theo chút đồ ăn và lộ phí chắt chiu từ tiền bán nông sản, tiền lũ trẻ làm thuê. Đi bộ hơn 30 km rừng núi, mấy mẹ con ra được bến xe, rồi qua nhiều bến trung chuyển. Chặng cuối cùng, họ đi ca nô vượt biên về Móng Cái (Quảng Ninh) rồi bắt xe về Thanh Hoá.

Khoảng cách từ “nhà chồng” tới “nhà đẻ" là 950 cây số đường bộ. Năm mẹ con mất ba ngày ba đêm để về được đến đầu làng Sơn, cũng là lúc không còn đồng nào trong người.
Hôm ấy là 7/9/2016. Bảy nghìn tám trăm tám mươi mốt ngày đã trôi qua. Khi chị Thương đi, mái nhà tranh còn cả cha cả mẹ. Chị về, nhà không còn ai. Bố chị mất nhiều năm trước. Người mẹ già tha hương vào Tây Nguyên bế cháu.

Chỉ còn cái nghèo vẫn ở lại. Không nhà cửa, không một đồng, bốn đứa con không biết một từ tiếng Việt, chị Thương bắt đầu cuộc sống mới.

Năm 2012, ban nhạc rock nổi tiếng thế giới Simple Plan sang Việt Nam biểu diễn. Họ thăm Sapa. Trong một buổi giao lưu, thành viên của Simple Plan ngồi giữa nhóm các em gái dân tộc thiểu số.
“Bạn nào từng biết ai đó bị bắt đi, bị buôn bán, hãy giơ tay lên” - trưởng nhóm Pierre Bouvier hỏi.
Một cô bé giơ tay. Đó là Ly. “Chị họ của tôi làm nghề hướng dẫn du lịch” - cô nói bằng thứ tiếng Anh ngượng nghịu - “Chị ấy gặp một gã điển trai, rồi tin tưởng gã đó. Hắn bảo hãy đi cùng anh đến chỗ này, anh sẽ cho em tất cả. Chị ấy lên xe máy và đi”.

“Bạn không bao giờ gặp lại chị ấy nữa à?” - tay trống Chuck Comeau ngập ngừng. “Không, chị ấy đã biến mất một năm rồi. Tôi hay mơ thấy chị ấy lắm” - Ly trả lời.

“Tôi không thể nghĩ rằng hiện tượng này lại phổ biến đến thế” - guitarist Jeff Stinco nói vào ống kính. Bên cạnh bún chả, các thắng cảnh và lịch sử chiến tranh, Việt Nam còn được ghi danh trên bản đồ truyền thông thế giới bởi tình trạng buôn người. Năm ngoái, trên Indiegogo, một nhóm tác giả quyên được 62.000 USD để thực hiện bộ phim về nạn buôn bán phụ nữ tại Việt Nam. Nó tên là Sisters for Sale - Những chị em bị rao bán.

Simple Plan sau những chuyến đi khắp thế giới tìm hiểu về nạn buôn người, đã thực hiện music video mang tên “Bài hát này cứu đời tôi” (This Song Saved My Life).

MV kể về hành trình của chiếc áo sơ mi. Người đàn ông phương Tây bỗng một ngày phát hiện vật lạ trong cổ áo mình: đó là mảnh giấy với ký tự nguệch ngoạc. Nó dắt điều tra viên tới một công xưởng nô lệ ở châu Á - nơi những đứa trẻ bị nuôi nhốt và may những chiếc áo sơ mi bán ra toàn cầu. Cuối cuộc giải cứu, người lính đặc nhiệm rút phích điện chiếc máy khâu cô bé đang ngồi. Cô đã được tự do.

Đó cũng là tình huống cuối trong bộ ảnh của học sinh trường THPT Tương Dương. Từ manh mối một người bỏ trốn, bộ đội biên phòng tìm đến giải cứu các cô gái.
Nhưng bi kịch ngoài đời thật, thì chắc không kết thúc ở đây. Số phận không có những cú rút phích điện. Những quẩn quanh có thể sẽ đeo bám nạn nhân kể cả khi họ được giải thoát.

Tô Hà năm nay mười ba tuổi. Em thích chơi với chó con, bê con và hay cười. Em cười khi gặp người lạ, cười dù vừa đi bắt cua giữa chiều nắng về, cười khi đổ rổ cua ra chậu rửa. Mỗi ngày, Hà bắt được mười mấy nghìn tiền cua. Em có gương mặt đẹp của đứa con mang hai dòng máu.
Nhưng Tô Hà không có quyền nhân thân. Em đã phiêu bạt qua hai quốc gia quản lý nhân khẩu cẩn mật nhất hành tinh, nhưng chưa một lần có mẩu giấy tùy thân. Hà theo mẹ từ Trung Quốc vượt biên về Việt Nam. 

Năm mẹ con chị Thương không chứng minh thư, không hộ khẩu, hộ tịch cũng như giấy tờ tùy thân. Họ không dám bước chân khỏi xã.
Những đứa trẻ được đặt lại tên tiếng Việt theo họ mẹ. Tô Bình, Tô Lan, Tô Thìn và Tô Hà. Hai đứa lớn đã trên 18 tuổi.

Chị Thương đi giặt bao bì phế liệu. Công việc không đều, phụ thuộc vào thời tiết. Ngày nào có việc, chị kiếm được một trăm nghìn. Nhờ người làng giới thiệu, Tô Thìn đi bưng bê cho quán giải khát cách nhà mấy cây số. Tô Lan và Tô Hà đi cắt cỏ cho bê. Chập tối, hai đứa chân trần, soi đèn pin đi bắt cua, ếch về cho bà ngoại bán vào phiên chợ sáng mai.

Tô Lan từng học may, vì không nói được tiếng Việt nên đành bỏ. Tô Bình ngày càng ít nói, thấy người lạ là trốn ra sau vườn hoặc chạy vào ngõ. Có khi, nó trèo cả lên cây trốn. Cả bốn đứa đều bập bõm đôi ba câu tiếng Việt. Trong nhà, mẹ con giao tiếp bằng tiếng Trung.

Thi thoảng, chị Thương cứ ngẩn ngơ, đang nói chuyện mà quên tiếng Việt, chị lại đưa câu tiếng Trung vào. Chị thú nhận, đôi lúc thấy lạc lõng trên chính quê hương mình, bởi có “những điểm yếu lòng chưa vượt qua được”.

Tháng 7/2004, Thủ tướng ký Quyết định 130 phê duyệt Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, với mục tiêu từ 2007 đến 2010, giảm 50% tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trên toàn quốc.

Giai đoạn 1991-2002, có 2.269 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em bị khởi tố. Những năm sau, con số này liên tục tăng và hiện ở mức trung bình hơn 400 vụ được phát hiện mỗi năm. Tức là gấp đôi, chứ không phải giảm một nửa.
Các giải pháp được đưa ra dường như không thiếu hướng tiếp cận nào. Từ lực lượng công an tăng cường phát hiện, ngăn chặn; lực lượng biên phòng bảo vệ chặt đường biên; địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục;...

Một nguyên nhân không được xét đến - đó là vấn đề kinh tế. Ở phần đầu Quyết định 130 có 3 từ “kinh tế” xuất hiện, trong đó “mâu thuẫn trong đời sống kinh tế-xã hội” được chỉ ra như là nguyên nhân của nạn buôn người. Tất nhiên, kinh tế không thể là vấn đề được giải quyết trong một Chương trình hành động quốc gia.

GDP của Việt Nam tăng gấp đôi trong thời gian Chương trình hành động chống buôn bán phụ nữ trẻ em được thực hiện. Khoảng cách thu nhập giữa 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất đã tăng từ 7 lần lên 8,5 lần.
Tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với việc nhóm nghèo cùng cực thoát khỏi hoàn cảnh sống của họ. Thu nhập bình quân của nhóm dân tộc thiểu số, đến năm 2012, vẫn bằng 1/6 thu nhập trung bình cả nước.
Và họ chính là những người sống gần biên giới. Như cách mà học sinh trường Tương Dương đã khoác lên mình chiếc áo cóm cổ tim của người Thái trắng thực hiện bộ ảnh tốt nghiệp.

Hoàng Phương - Đức Hoàng
Ảnh: Đức Hoàng, Tập thể lớp 12A THPT Tương Dương






No comments:

Post a Comment

View My Stats