Wednesday, 31 May 2017

PHÁP : SỰ CHIA RẼ TẢ HỮU ĐÃ ĐI ĐẾN HỒI KẾT ? (Ian Buruma - Project Syndicate)




Ian Buruma  -  Project Syndicate
Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Posted on 31/05/2017 by The Observer

Sau Cách mạng Pháp năm 1789, những nghị sĩ Quốc hội ủng hộ các thành quả cách mạng ngồi phía bên trái, trong khi những người phản đối cách mạng và khao khát trật tự cũ của chế độ quân chủ và nhà thờ thì tập hợp phía bên phải. Từ đó thuật ngữ chính trị “cánh tả” và “cánh hữu” ra đời. Nhiều nhà bình luận về cuộc bầu cử tổng thống Pháp đã chỉ ra rằng cách phân loại như vậy không còn phù hợp nữa với nền chính trị đương đại ở Pháp – hay ở bất cứ đâu. Emmanuel Macron tự hào rằng mình không thuộc cánh hữu cũng như cánh tả.

Marine Le Pen thuộc Đảng Mặt trận Dân tộc liên kết với cánh cực hữu thì phản đối: với bà, Macron, cựu bộ trưởng trong một chính phủ của Đảng Xã hội – là người cánh tả. Tuy nhiên, giống như Donald Trump, bà Le Pen mới chính là người tranh cử với tư cách “tiếng nói của nhân dân” (hàm ý tả khuynh – NBT) trong khi Macron, giống như Hillary Clinton, được mô tả là con rối của các ông trùm nhà băng, giới tinh hoa văn hóa, và các nhà tài phiệt quốc tế (hàm ý hữu khuynh – NBT).

Vậy thì cánh tả và cánh hữu nếu còn có chút ý nghĩa nào đó, thì ý nghĩa đó là gì?

Chắc chắn đã có một sự chuyển biến nào đó trong những thập niên cuối của thế kỷ 20. Các đảng cánh tả bắt đầu mất dần sự ủng hộ của tầng lớp lao động công nghiệp – với tốc độ ở một số quốc gia nhanh hơn hẳn so với các quốc gia khác. Việc tái phân phối của cải dần trở nên ít quan trọng bằng sự giải phóng xã hội của các nhóm thiểu số sắc tộc và giới tính. Liên minh cũ giữa giới trí thức theo chủ nghĩa lý tưởng và công đoàn đã nhường chỗ cho các liên hiệp đa dạng của giới trí thức, người da màu, giới nữ quyền, và người đồng tính.

Trong khi đó, các đảng cánh hữu, như Đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ, hứa hẹn đãi bôi với chủ nghĩa bảo thủ xã hội, và đôi khi hoàn toàn làm ngơ giới cử tri ít đặc quyền ở các vùng nông thôn và tỉnh lẻ, trong khi lại làm mọi thứ tốt nhất cho các tập đoàn lớn một khi họ lên nắm quyền.

Những gì có lợi cho các tập đoàn lớn – hợp tác quốc tế, các thể chế xuyên quốc gia, và sự cởi mở với người nhập cư – không phải lúc nào cũng đi ngược lại lợi ích của các đảng cánh tả vẫn đang trong quá trình tiến hóa. Các tập đoàn lớn hưởng lợi từ lao động giá rẻ, và cánh tả thì ủng hộ chủ nghĩa đa văn hóa.

Như vậy, cũng phần nào có lý khi các nhà dân chủ xã hội châu Âu thường xuyên hình thành các chính phủ liên minh với những người bảo thủ ôn hòa ủng hộ thương mại hay những người theo đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo. Xu hướng này được đẩy mạnh nhờ sự sụp đổ của đế chế Xô viết, do các nền dân chủ tự do phương Tây không còn phải chịu áp lực trước đây là phải chống lại mô hình Cộng sản bằng những dàn xếp bình quân chủ nghĩa của phương Tây. Những thành công trong bầu cử như Bill Clinton ở Mỹ và Tony Blair ở Anh nhờ phần nhiều vào việc họ có chủ ý nghiêng về những người trung lập thực dụng, tân tự do, và thân thiện với thương mại.

Về khía cạnh này, sự khác biệt giữa cánh tả và cánh hữu đã sụp đổ. Ý tưởng cũ về một cánh tả đại diện cho giai cấp vô sản bị áp bức chống lại lợi ích của các tập đoàn lớn và giai cấp tư sản đã biến mất. Một lý do làm Công đảng Anh gặp tình trạng lộn xộn như vậy là đảng này được dẫn dắt bởi Jeremy Corbyn, một người mà tư duy chính trị chưa hề thay đổi kể từ những năm 1970.

Nhưng sự khác biệt truyền thống giữa cánh tả và cánh hữu không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế. Còn có một sự chia rẽ sâu sắc hơn bên trong Quốc hội Pháp, được xác định bởi sự chia rẽ giữa phe ủng hộ Dreyfus và phe chống Dreyfus trong những năm 1890, hay giữa liên minh Mặt trận Bình dân của Léon Blum và phong trào Người Pháp Hành động (Action française) trong những năm 1930. Sự chia rẽ này vẫn tồn tại cho đến thời của Macron và Le Pen.

Những người bảo vệ nền Cộng hòa Pháp, coi trọng Tự do, Bình đẳng và Bác ái, xem quyền công dân là một khái niệm pháp lý, chứ không phải là một thứ quyền dựa trên “máu và đất.” Họ tin tưởng các thể chế hơn những truyền thống thiêng liêng, và tin vào chủ nghĩa quốc tế hơn chủ nghĩa sô vanh. Đại úy Alfred Dreyfus, sĩ quan người Do Thái bị kết oan tội phản quốc năm 1894, là một nhân vật gây phân cực tại Pháp bởi những người đối địch coi ông là biểu tượng của sự suy đồi dân tộc, của một dân tộc mà bản sắc thiêng liêng bị dòng máu ngoại lai làm mất chất.

Những người theo chủ nghĩa bài Do Thái, và những người khác có cái nhìn kiểu máu và đất về xã hội, luôn luôn coi “những ông chủ nhà băng máu lạnh” (cách bà Le Pen gọi đối thủ của mình trong cuộc tranh luận tranh cử tổng thống) là kẻ thù của “nhân dân thực sự… những người bình thường, tử tế” (lời của Nigel Farage trong một cuộc vận động tranh cử của Donald Trump ở Mississippi). Theo ý nghĩa này, Macron, người quả thật từng làm việc tại ngân hàng Rothschild và là người tin vào các đường biên giới mở và các thể chế quốc tế, là một con người cánh tả. Và Le Pen, người đấu tranh cho La France profonde (“Nước Pháp sâu sắc”), “nước Pháp đích thực” của những người Cơ Đốc giáo ở nông thôn và những người da trắng giận dữ, những người tin rằng người Pháp và người Hồi giáo là một sự đối lập lẫn nhau, là hậu duệ đích thực của những người chống Dreyfus và phong trào Người Pháp Hành động.

Macron đã đánh bại được Le Pen lần này. Nhưng cánh tả dân chủ xã hội vẫn đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Công đảng Anh đang hấp hối. Những người thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Hà Lan đã bị xóa sổ. Và Trump, một kẻ ái kỷ kém hiểu biết với kinh nghiệm chính trị bằng không, đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ bằng cách khuấy động sự phẫn nộ của dân chúng đối với giới tinh hoa trí thức, giới ngân hàng, người nước ngoài, người nhập cư, và các thể chế quốc tế.

Vấn đề của các nhà dân chủ xã hội hiện nay là làm sao tồn tại được nếu một số lượng lớn những người chịu thiệt thòi quyền lợi nghiêng sang cánh hữu thay vì cánh tả. Liệu có khả năng hình thành một liên kết mới hay không? Khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo có thể đưa ít nhất một phần tầng lớp lao động da trắng xích lại với người nhập cư và các nhóm thiểu số khác hay không? Liệu một Chính sách kinh tế mới (New Deal) nữa có khả thi? Làm sao hòa hợp được với lợi ích của các doanh nhân và chủ nhà băng theo chủ nghĩa quốc tế?

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của cánh hữu cũng không kém phần nghiêm trọng. Trump có thể đã tập hợp được các cựu nhân viên của Goldman Sachs và những người tài giỏi từ các tập đoàn làm việc cho mình, ngay cả khi ông tuyên bố phục vụ lợi ích của những người dân thường. Và nhiều người thuộc Đảng Cộng hòa vẫn đứng về phía ông với hy vọng đạt được mục tiêu chính sách của họ. Nhưng Trump về cơ bản đã chiếm được đảng bảo thủ cũ kỹ ủng hộ thương mại và chủ nghĩa quốc tế. Liệu thương hiệu chủ nghĩa dân túy sô vanh, bản địa bài ngoại của riêng ông có thể cùng tồn tại với kiểu chủ nghĩa tư bản vốn phát triển mạnh mẽ nhờ vào dòng người nhập cư liên tục, quyền tự do đi lại, và các thể chế toàn cầu hay không?

Nước Pháp đã may mắn tránh được viên đạn bài ngoại lần này, nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Cánh tả và cánh hữu có thể đang thay đổi, nhưng những sự chia rẽ cũ xuất hiện sau năm 1789 vẫn còn đó, và có lẽ còn sâu sắc hơn bao giờ hết. Macron có nhiều thiện ý. Nhưng nếu chính quyền của ông thất bại, phe chống Dreyfus thời hiện đại sẽ quay trở lại báo thù.

*
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance” và “Year Zero: A History of 1945.”

Copyright: Project Syndicate 2017 – The End of the Left/Right Divide?

Nguồn: Ian Buruma, “The End of the Left/Right Divide?” Project Syndicate, 08/05/2017.





No comments:

Post a Comment

View My Stats