Sunday, 28 May 2017

HOA KỲ TRÔNG CHỜ GÌ Ở CHUYẾN THĂM CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC ? (RFA)




RFA
2017-05-26

Vào ngày 31 tháng 5 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa vị Tổng thống mới của nước Mỹ với một lãnh đạo Việt Nam và cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump với một lãnh đạo ASEAN. Giới phân tích quốc tế cho rằng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy chính quyền mới của Mỹ tỏ ra quan tâm tới Việt Nam. Nhưng điều mà Mỹ quan tâm nhất nhân chuyến thăm này có thể là vấn đề kinh tế.

Không còn đa phương chỉ còn song phương

Ngay khi mới nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) bao gồm 12 nước trong đó có Việt Nam. Tuyên bố rút khỏi TPP của nước có GDP chiếm đến hơn 60% tổng GDP của cả 12 nước trong khối đã khiến TPP vừa được ký kết vào năm 2016 đi vào bế tắc, và có những lo ngại cho rằng Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất nhiều vì mất đi sự tiếp cận dễ dàng hơn vào một thị trường lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó lên tiếng rằng mất TPP Việt Nam vẫn còn những thỏa thuận thương mại khác với các nước khác. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn muốn thuyết phục Hoa Kỳ xem xét để quay lại TPP. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên của Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp quốc cho biết:

Tôi nghĩ là Việt Nam vẫn tiếp tục quan tâm đến TPP vì TPP là một tập hợp 12 nước và xuyên Thái Bình Dương và đặc biệt là TPP đã đạt được những thỏa thuận rất sâu rộng về cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch lẫn giảm thuế, xác định thống nhất các quy trình của các cơ quan nhà nước và đặc biệt là nếu như 12 nước thực hiện TPP thì đây là sự tập hợp có tính chiến lược về mặt kinh tế và điều này có lợi cho Việt Nam vì kinh tế Việt Nam và kinh tế Hoa Kỳ hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, hai bên cùng có lợi cho nên Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục quan tâm và có thể Việt Nam ngầm mong mỏi rằng có một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ lại quay trở lại TPP.

Trong cuộc gặp các quan chức APEC tại Hà Nội trong tháng Năm, đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer cho biết sẽ không có khả năng Hoa Kỳ quay trở lại với TPP và Hoa Kỳ muốn có các thỏa thuận song phương hơn là đa phương. Ông Lighthizer cũng cho biết ông hy vọng sắp tới Hoa kỳ sẽ có một loạt những thỏa thuận như vậy với các nước trong khu vực.

Hiện Việt Nam đã có thỏa thuận thương mại song phương BTA ký với Mỹ vào năm 2001 và Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (FITA) ký vào năm 2007. Những hiệp định này dù đã giúp thúc đẩy thương mại hai chiều giữa hai nước nhưng đây chỉ là những nền tảng ban đầu cho quan hệ thương mại song phương, trong khi TPP được coi là sẽ thúc đẩy hơn nữa kim ngạch buôn bán không chỉ giữa Việt Nam với Mỹ mà còn nhiều nước khác. Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng với thị trường xuất khẩu rộng lớn của TPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm hơn 35 tỷ đô la tới năm 2025.

Mỹ mong chờ gì?

Sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bên cạnh Trung Quốc và EU. Theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2016, kim ngạch hàng hóa hai chiều đạt hơn 52 tỷ đô la. Số liệu của Bộ Công thương Việt Nam cho biết năm 2016, Mỹ đã nhập siêu từ Việt Nam là hơn 29 tỷ đô la.

Với chính sách tập trung vào đối nội, thúc đẩy xuất khẩu, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức đã ban hành một sắc lệnh điều tra 16 nước được cho là có thặng dư thương mại với Mỹ. Việt Nam xếp thứ 6 trong danh sách này. Nhận xét về những gì Hoa Kỳ trông đợi trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ lần này, chuyên gia Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington DC nói:

Tôi nghĩ nhìn chung thì phía Mỹ muốn chờ xem Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ít nhất có đưa ra được một kế hoạch giải quyết một số vấn đề mà các công ty Mỹ đang phải đối mặt khi buôn bán và đầu tư ở Việt Nam. Với việc nhiều công ty Mỹ được làm ăn với Việt Nam thì thâm hụt cán cân thương mại sẽ giảm xuống.

Sau BTA và FITA ký với Mỹ, Việt Nam đã loại bỏ rất nhiều những hàng rào phi thuế quan nhưng các công ty Mỹ làm ăn với Việt Nam hiện vẫn còn gặp những khó khăn trong quá trình khai hải quan và tình trạng quan liêu. Nạn tham nhũng cũng bị coi là yếu tố gây quan ngại phổ biến với các công ty Mỹ muốn làm ăn ở Việt Nam. Theo trang export của Mỹ, một trang cập nhật thông tin về các thị trường xuất khẩu cho các công ty Mỹ, xe hơi nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam vẫn phải chịu thuế cao. Bên cạnh đó là những rào cản khác như hạn chế thông tin trên internet, các quy định giới hạn đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, sự bất bình đẳng trong đối xử giữa công ty tư nhân và các công ty nhà nước.

Thủ tướng Việt Nam mang gì đến Washington

Trong bất cứ chuyến thăm cấp cao nào giữa hai nước từ trước đến nay, giới chức hai bên đều cố gắng thu xếp để có thể đạt được một số những thỏa thuận nào đó cho thấy sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ. Chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ vào năm 2005, Việt Nam đã ký hợp đồng mua máy bay Boeing của Mỹ được nói có trị giá đến 500 triệu đô la. Chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ năm 2007 cũng mang đến một loạt các thỏa thuận giữa các công ty được ước tính đến gần 5 tỷ đô la.
Chuyên gia Murray Hierbert cho rằng có khả năng Việt Nam cũng có thể sẽ ký thỏa thuận mua máy bay Boeing lần này. Bên cạnh đó cũng có những tin đồn về khả năng Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ.

Đề cập đến vấn đề thâm hụt cán cân thương mại với Mỹ, chuyên gia Murray Hierbert cho rằng rất có thể Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ít nhất cũng phải mang đến Washington những lời hứa giảm rào cản cho các công ty Mỹ:

Theo tôi thì ít nhất ông ấy cũng có thể thừa nhận rằng có những rào cản và hứa là trong một khoảng thời gian, ví dụ như 3 tháng chẳng hạn thì giới chức Việt Nam sẽ làm việc với đại diện thương mại Mỹ để cố gắng giảm một số rào cản cho các công ty Mỹ. Thời gian bây giờ không còn nhiều để có thể giải quyết được vấn đề nhưng lời hứa là ông ấy sẽ làm thì có thể được coi là tốt.

Với chính sách hướng tới các thỏa thuận song phương nhiều hơn đa phương, còn một câu hỏi nữa có thể đặt ra trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ là liệu hai bên có thể đề cập đến một hiệp định thương mại tự do FTA như Việt Nam đã có với nhiều quốc gia khác hay không? Chuyên gia Murray Hierbert nhận định:

Đó có thể là một lựa chọn mà hai nước xem xét. Nhìn chung thì thỏa thuận thương mại song phương giữa một nền kinh tế lớn với một nền kinh tế nhỏ rất khó, trong khi thỏa thuận thương mại đa phương thì dễ hơn vì một nước có thể buôn bán một lúc với nhiều nước. Nếu nước này không có thứ anh muốn thì anh có thể tìm ở nước khác và sản phẩm cuối cùng anh có được là điều anh muốn. Nhưng với thỏa thuận song phương thì rất khó. Hoặc là anh mở cửa hoặc là không. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ rất cẩn trọng đối với một FTA với Mỹ. Họ sẽ phải xem các điều kiện mà Mỹ đòi hỏi là gì và Việt Nam phải chờ xem họ có được lợi gì từ đó hay họ chỉ cần TPP 11 nước và FTA với EU là đủ.

FTA giữa Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán nhưng hiện vẫn phải chờ quốc hội các nước thuộc EU phê chuẩn trước khi hiệp định có hiệu lực.

Cho đến lúc này chính phủ mới của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có thông tin cụ thể về những yêu cầu mà Mỹ muốn trong các FTA song phương với các nước khác là gì. Hiện Mỹ đã có FTA với 20 nước. Việt Nam đã và đang tham gia 16 FTA bao gồm cả FTA đang chờ duyệt với EU.

---------------------

Tin, bài liên quan








No comments:

Post a Comment

View My Stats