25/05/17
Trong khi Tổng thống Donald Trump chủ trương thu nhỏ
nước Mỹ lại về cả kinh tế, chính trị lẫn quân sự với khẩu hiệu "Nước Mỹ
trước hết", Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh "Sáng kiến
Vành đai và Con đường" tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/5/2017 với chủ
đề : "Tăng cường hợp tác quốc tế, chung tay xây dựng 'Vành đai và Con đường',
phát triển cùng có lợi".
Hội nghị thượng đỉnh "Sáng kiến Vành đai và Con
đường" tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/5/2017
Đây là dự án xây dựng các con đường đi xuyên qua
trên 60 quốc gia dựa trên ý tưởng hồi sinh "Con đường Tơ lụa" từng kết
nối Trung Quốc với Trung Á và Châu Âu ngày xưa, thành "Con đường Tơ lụa
thế kỷ 21". Mục đích chính của kế hoạch này là giúp Trung Quốc duy
trì tăng trưởng kinh tế thông qua thương mại bằng cách đầu tư vào hạ tầng cơ sở
tại các nước, tạo ra các đối tác thương mại cho chính Trung Quốc.
"Con đường Tơ lụa thế kỷ 21"
Có đại diện của 29 quốc gia và đối tác đến tham dự,
trong đó có các viên chức Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế
giới. Người ta cũng nhìn thấy có một số nhà lãnh đạo quốc gia như hai tổng thống
Vladimir Putin của Nga, Nursultan Nazarbayev của Kazakh (Đông Âu), và các thủ
tướng Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Hungary và Cambodia,
Donald Trump vốn là một nhà kinh doanh có nhiều tiểu
xảo (trick) và mánh mung (dodge), nhưng lại không có tầm nhìn chiến lược, chỉ
thích làm những chuyện lặt vặt để "biểu dương khí thế". Lợi dụng thời
cơ, Trung Quốc đã đưa ra "Sáng kiến Vành đai và Con đường" để
thực hiện "Giấc mơ Trung Quốc" là trở thành một cường quốc lãnh đạo
thế giới về kinh tế trong thế kỷ 21.
Khái lược
về Sáng kiến Vành đai và Con đường
Đây là một vấn đề khá phức tạp, nhất là khi nó được
diễn tả bằng những ngôn từ trừu tượng và bí hiểm của người cộng sản, nhưng
chúng tôi sẽ cố gắng giãn dị hóa để nhiều người có thể theo dõi.
1.
Từ "Một vành đai, Một con đường"
"Con đường Tơ lụa thế kỷ 21" được Chủ tịch
Tập Cận Bình lần đầu tiên đề cập ngày 7/9/2013 tại Kazakhstan. Lúc đầu kế hoạch
này được gọi là "Nhất đới Nhất lộ" (chữ Hán Việt)
hay "Một vành đai Một con đường" (One Belt One Road – viết
tắt là OBOR)
Theo quan niệm sơ khởi của Tập Cận
Bình, "Nhất đới Nhất lộ" là một vành đai kinh tế trên bộ
và một con đường tơ lụa mới trên biển. Đây là một chiến lược rộng lớn, một sáng
kiến xây dựng các cơ sở hạ tầng kết nối 3 châu lục (Châu Á - Châu Phi và
Châu Âu) và 3 đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải).
Trên đường này sẽ hình thành những khu vực ảnh hưởng địa-chính trị, kinh tế và
an ninh của Trung Quốc. Nội dung dự án gồm 5 trọng điểm như sau : (1) chính
sách khai thông, (2) hạ tầng liên thông, (3) thương mại thông suốt, (4) nguồn vốn
lưu thông và (5) lòng dân tương thông.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường" là một
chiến lược rộng lớn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối 3 châu lục
và 3 đại dương
Lỗ Tấn từng nói "Trái đất xưa vốn chưa có đường,
do người đi mà thành". Tập Cận Bình cho rằng nếu các bên nỗ lực đổi mới tư
duy nhận thức và hành động, "Con đường Tơ lụa thế kỷ 21" sẽ trở
thành hiện thực.
2.
Đến "Sáng kiến Vành đai và Con đường"
Ngày 30/3/2015, Trung Quốc công bố "Kế hoạch
hành động về Sáng kiến Vành đai và Con đường", trong đó cụm từ "Một
vành đai, Một con đường" được đổi thành "Sáng kiến Vành đai và
Con đường" (Belt and Road Initiative - viết tắt là BRI). Có
sự giải thích rằng sở dĩ phải đổi lại như vậy bởi vì không phải chỉ có một con
đường mà có đến 6 con đường.
Bản kế hoạch nói rằng mục tiêu của sáng kiến này là "Tăng
tốc độ xây dựng đường vành đai có thể giúp thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của
các quốc gia dọc theo vành đai và hợp tác kinh tế khu vực, tăng cường trao đổi
và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh khác nhau, và thúc đẩy hoà bình và
phát triển thế giới. Đó là một cam kết tuyệt vời sẽ đem lại lợi ích cho mọi người
trên thế giới".
Những kế
hoạch dự tính thực hiện
Trung Quốc cần hệ thống giao thông thuận lợi để nhập
khẩu nguyên vật liệu và dầu lửa từ Châu Phi và Trung Đông, và vận chuyển hàng
hóa sản xuất ở trong nước ra nước ngoài, chủ yếu là đến các nước đang phát triển
ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
1.
Tại vùng nối liền Châu Á và Châu Âu
Xây dựng một con đường cao tốc từ Tân Cương đến
Kyrgystan, Uzbekistan, Tadjikistan, Turmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và một con đường
khác nối liền Trung Quốc với Kazakhstan, Nga và Châu Âu. Hai công trình này tạo
điều kiện để các tỉnh vùng nội địa của Trung Quốc tiếp xúc với bên ngoài, thu hẹp
sự phát triển mất cân đối giữa các vùng ven biển phía Đông và các vùng sâu,
vùng xa ở phía Tây Trung Quốc.
Bắc Kinh thuê một phần cảng Piraeus của Hy Lạp trong
35 năm để có thể chuyển hàng hóa của Trung Quốc đến các thị trường Đức,
Hungary, Áo nhanh hơn so với trước từ 7 đến 11 ngày. Đây là hải cảng ở Địa
Trung Hải gần kênh đào Suez nhất.
2.
Tại vùng Ấn Độ Dương
- Hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn dầu từ
Myanmar đến Côn Minh dài 2.400km với công suất 22 triệu tấn/năm. Đường ống này
vừa rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển, vừa không phải đi qua eo biển
Malacca có nhiều rủi ro tiềm ẩn.
- Tài trợ xây dựng cảng chiến lược Gwardar tại eo biển
Hormuz ở Pakistan, và cảng nước sâu Hambantota ở Sri Lanka. Hai hải cảng này sẽ
trở thành nơi tiếp tế nhiên liệu cho hải quân Trung Quốc.
- Xây căn cứ hải quân của Trung Quốc tại hai đảo quốc
Seychelles và Malpe ở Ấn Độ Dương.
- Tại Cộng Hòa Djibouti ở Đông Bắc Châu Phi, Trung
Quốc đang thương lượng để xây dựng một căn cứ hải quân ở đó. Đây là vùng
biển sân sau của Ấn Độ.
- Xây kinh đào Kra dài 102km ngang qua đoạn
hẹp nhất trên bán đảo Malaysia, phần thuộc Thái Lan, để tàu thuyền không phải
đi qua eo biển Malacca của Malaysia nữa. Kinh đào này sẽ rút ngắn cuộc hành
trình khoảng 1.200km, tàu sẽ đi nhanh hơn và ít nguy hiểm hơn. Phí tổn xây cất
được ước tính khoảng 28 tỷ USD.
3.
Tại vùng Nam Mỹ
- Xây dựng kênh đào Nicaragua nối liền Đại
Tây Dương với Thái Bình Dương. Kinh đào này dài 280 km, rộng và sâu hơn kênh
đào Panama, trị giá 50 tỷ USD, dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2019. Cuối năm
2014, Tập đoàn Hongkong Nicaragua Development (HKND) của Trung Quốc đã trúng thầu
xây dựng kênh đào này.
- Xây dựng đường sắt xuyên lục địa từ Brazil đến
Peru. Tháng 5/2015, Trung Quốc và Brazil ký hợp đồng Xây dựng đường sắt xuyên lục
địa dài 3.500km, được ví như là "kênh đào Panama trên cạn".
Nguồn
tài chánh cần thiết
Để thực hiện "Sáng kiến Vành đai và Con đường",
Trung Quốc phải giữ vị trí thống trị trong một số định chế tài chính. Vị trí
then chốt trong kế hoạch này là Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Châu Á (Asian
Infrastructure Investment Bank - AIIB). Trung Quốc cũng kêu gọi nhiều quốc gia
hỗ trợ cho các dự án được nói là có lợi ích chung này, nhưng đây không phải một
ưu tiên lớn đối với các nhà tài trợ Tây phương nên họ đang do dự. Vốn ban đầu của
AIIB được dự trù là 100 tỷ USD, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2015, Trung Quốc
đóng góp nhiều nhất là khoảng 30% và nắm giữ quyền "phủ quyết".
Bắc Kinh đã công bố kế hoạch đầu tư 900 tỷ USD vào
các quốc gia dọc khu vực có Vành đai và Con đường đi qua, trước tiên là xây dựng 6
hành lang kinh tế : (1) Trung Quốc - Mông Cổ - Nga ; (2) Cầu lục địa Á - Âu mới
; (3) Miền Trung Trung Quốc - Tây Á ; (4) Trung Quốc - Ấn Độ ; (5) Trung Quốc –
Brazil và (6) Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar.
Trung Quốc hy vọng "Sáng kiến Vành đai và Con
đường" khi hoàn thành sẽ tạo thành một mạng lưới kinh tế thương mại bao gồm
4,4 tỷ dân với tổng số GDP khoảng 21.000 tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có
thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ.
Những vấn
đề trước mắt
Năm 2016, Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc tại
đảo Hải Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo trong hai ngày 8 và 9 tháng 12 về đề
tài "Sáng kiến Nhất đới Nhất lộ và sự phát triển chung của khu vực Biển
Đông mở rộng". Có 55 đại diện quốc tế và Trung Quốc đã tham dự, trong đó
có 2 đại diện Việt Nam.
Năm nay, Trung Quốc đưa "Sáng kiến Vành đai và
Con đường" ra thảo luận. Reuters cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tận dụng
hội nghị với sự góp mặt của các lãnh đạo và các viên chức hàng đầu thế giới, để
thúc đẩy tham vọng của Bắc Kinh giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump củng cố
chính sách "Nước Mỹ trên hết" và nghi ngờ các thỏa thuận thương mại tự
do toàn cầu hiện có.
Trong bài diễn văn khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình
nói : "Chúng ta nên xây dựng một nền tảng hợp tác, duy trì và tăng
trưởng trong một nền kinh tế thế giới mở". Ông cam kết khoản ngân
sách 121 tỷ USD cho dự án "Con đường Tơ lụa thế kỷ 21" nhằm thúc đẩy
thương mại tự do, bao trùm và hòa bình, đồng thời kêu gọi từ bỏ các mô
hình cũ dựa trên quyền lực ngoại giao và sự thù địch. Credit Suisse Group dự
báo Trung Quốc có thể rót hơn 500 tỷ USD vào 62 quốc gia trong 5 năm tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhong Shan cho biết nước này dự định nhập khẩu
2.000 tỷ USD các sản phẩm từ những quốc gia tham gia vào sáng kiến trong 5 năm
tới.
Tập Cận Bình nói tiếp : "Trung Quốc sẵn
sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với tất cả các nước. Chúng tôi sẽ
không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ không
xuất khẩu hệ thống xã hội và mô hình phát triển và thậm chí sẽ không áp đặt quan
điểm của mình vào các nước khác. Để thúc đẩy "Sáng kiến Vành đai và
Con đường", chúng tôi sẽ không đi lại lối mòn cũ. Thay vào đó, chúng
tôi sẽ tạo ra một hình mẫu mới của sự hợp tác và các bên cùng có lợi".
Mặc dầu có những hứa hẹn tốt đẹp như vậy, vẫn còn
nhiều bất đồng tại hội nghị. Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Philip Hammond
phát biểu tại hội nghị rằng Anh là một đối tác tự nhiên (a natural
partner) của Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, còn Thủ tướng Pakistan Nawaz
Sharif khen ngợi "tầm nhìn và sự khéo léo" của Bắc Kinh. Trong khi đó
Ấn Độ đã tẩy chay hội nghị này vì cho rằng tham vọng của Bắc Kinh là thiết lập
một vành đai từ Âu sang Á xuyên qua Kashmir, vùng có tranh chấp chủ quyền lãnh
thổ, là một mối đe dọa. Nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu từ chối
ký kết văn bản về thương mại trong dự án. Đa số nói rằng họ sẵn sàng hỗ trợ
"Sáng kiến Vành đai và Con đường" nhưng cần phải có thêm sự minh
bạch.
Với bài "Con Đường Tơ Lụa Mới : Ý đồ
mở rộng thế lực của Trung Quốc gây lo ngại" đài RFI của Pháp ngày
12/5/2017 đã đi đến kết luận : "Điều oái oăm là bất chấp các nhận định
đó, từ ngày lên cầm quyền, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã mặc nhiên để
cho Trung Quốc tự do tung hoành, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối
Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, được cho là một công cụ tốt, khả dĩ để cản trở
được Trung Quốc". Dĩ nhiên, khi Donald Trump bỏ rơi thế giới, các nước
đang phát triển đành chọn con đường hướng về Trung Quốc.
Trên đây mới chỉ là những khái niệm căn bản. Còn rất
nhiều vấn để phức tạp chung quanh "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của
Trung Quốc, chẳng hạn như ý đồ mở rộng thế lực của Trung Quốc, những thách thức
về sự lãnh đạo của Mỹ, chiến lược trở thành cường quốc của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng
đến tương lai địa chính trị của các nước Châu Á như thế nào… Đó là những vấn đề
chúng tôi sẽ bàn sau.
Ngày 25/5/2017
Lữ
Giang
----------------------
RFA
2017-05-25
2017-05-25
Trung Quốc không có ý định sử dụng sáng kiến Vành
đai - Con đường cho mục đích quân sự hay gây ảnh hưởng đến các vấn đề quốc tế.
Đó là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra hôm 25
tháng 5.
Nói tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn
nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc không tìm cách để lèo lái những
vấn đề quốc tế hay gây ảnh hưởng và sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của
các nước khác.
Sáng kiến Vành đai - Con đường được Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình đề xướng và được coi như là một chính sách quan trọng mở rộng
kết nối giữa châu Á, châu Âu và châu Phi.
Tại thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai Con đường diễn ra
vào hồi giữa tháng này, Trung Quốc cam kết đầu tư 124 tỷ đô la cho kế hoạch, hứa
là sẽ thúc đẩy con đường hòa bình và tự do thương mại.
Tuy nhiên tham vọng của Trung Quốc đã khiến một số
nước lo ngại, đặc biệt là Ấn Độ và một số nước châu Âu. Những nước này nghi ngờ
Trung Quốc đang sử dụng kế hoạch này để tạo ảnh hưởng, thiết lập các cơ sở quân
sự tại nước ngoài bằng việc xây dựng các cảng biển ở Pakistan, Sri Lanka và Hy
Lạp.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết
cáo buộc này là không có căn cứ.
No comments:
Post a Comment