Ngô Nhân Dụng
May 23, 2017
Ông Võ Văn Thưởng là trưởng Ban Tuyên Giáo Trung
Ương của đảng Cộng Sản. Ông mới dạy dỗ các cán bộ, đảng viên rằng: “Chúng ta
không sợ đối thoại, không sợ tranh luận,…”
Ðáng lẽ ông Thưởng phải giảng bài đó trước cho các
ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Ðại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm, vân vân. Bao
nhiêu người muốn đối thoại và tranh luận với đảng Cộng Sản đều bị bịt miệng, bị
bắt, bị bỏ tù, hết lớp này đến lớp khác! Lý do? Vì đảng Cộng Sản không dám đối
thoại, không dám tranh luận!
Nếu muốn đối thoại và tranh luận, đảng Cộng Sản hãy
mời ngay những người như các luật sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Công Ðịnh, anh Trần Huỳnh
Duy Thức, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A tới nói chuyện. Chắc chắn họ sẵn sàng! Ðố mấy
lý thuyết gia như Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng có thể cãi lý với họ!
Nếu muốn đối thoại và tranh luận, đảng Cộng Sản hãy
chấm dứt không bắt bớ các blogers và những người đi biểu tình, như các bà Lê
Thu Hà, bà Trần Thu Nguyệt, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, anh Vũ Huy
Hoàng, vợ chồng nhà thơ Bùi Chát, Tiểu An, và các nhóm đang hoạt động ôn hòa
như Hội Anh Em Dân Chủ, Ðường Việt Nam, vân vân. Tại sao không đối thoại với
Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ? Tại sao không đối thoại với các vị mục sư đang bị cầm
tù, hoặc Phật Giáo Hòa Hảo?
Ðảng Cộng Sản ngăn cản, cấm đoán, đàn áp những người
trên chỉ vì họ không dám đối thoại và tranh luận với ai cả.
Lý do? Vì đầu óc họ hiện đang rỗng tuếch!
Cứ nghe ông trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương nói thì
chúng ta cũng thấy cái đầu ông trống vắng thế nào.
Ông Võ Văn Thưởng dạy các đàn em lý do tại sao đảng
ông khuyến khích tranh luận: “…bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học
thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận.”
Nói như vậy mà không cười, ông Thưởng là một nhà hài
hước đại tài. Trước hết, bây giờ còn nói đến “học thuyết cách mạng” kia à? Cái
học thuyết cách mạng nào vậy? Giờ này ở nước Việt Nam, giữa năm 2017, mà một
cán bộ nói đến “học thuyết cách mạng” thì chẳng khác nào các ông Sở Khanh, Mã
Giám Sinh giảng về việc bảo vệ trinh tiết của phụ nữ con nhà lành!
Ðảng Cộng Sản hiện là một đảng cực kỳ bảo thủ! Ðó là
tổ chức kiên quyết bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị mạnh nhất thế giới!
Ðảng theo đuổi những đường lối chính trị, kinh tế thủ cựu nhất trong lịch sử!
Nhân loại đã xóa bỏ lối làm ăn tư bản thời hoang đã từ lâu rồi mà đảng vẫn nuôi
nó ở Việt Nam! Loài người đã xóa bỏ bao nhiêu chế độ độc tài chuyên chế như họ
đang thi hành ở nước ta, cũng từ lâu lắm rồi! Bây giờ đảng sợ nhất là có ai muốn
làm cách mạng!
Một nhân chứng là ông Nguyễn Ðình Cống, 80 tuổi. Năm
ngoái ông đã viết thư xin từ bỏ đảng vì “càng ngày tôi càng nhận ra rằng chủ
nghĩa Mác Lênin có nhiều độc hại, rằng chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là ảo tưởng, rằng
thể chế hiện tại của Việt Nam là sự độc tài toàn trị của đảng. Tôi đã viết nhiều
bài phân tích sai lầm của Mác, viết nhiều thư gửi tổ chức đảng góp ý kiến về việc
từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin và thay đổi thể chế, viết ý kiến đóng góp cho Ðại Hội
12 với hy vọng đại hội sẽ có chuyển biến tốt về phía dân chủ. Thế nhưng Ðại Hội
12 vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối chính trị cũ. …Vậy tôi thông
báo từ bỏ đảng Cộng Sản Việt Nam!”
Ðảng Cộng Sản không chấp nhận đối thoại, không dám
tranh luận với ông Nguyễn Ðình Cống vì họ cần ôm lấy các quyền lợi quá lớn! Ðảng
sợ cách mạng lắm! Còn “học thuyết cách mạng” nào đâu mà ông Võ Văn Thưởng vẫn
bô bô nói?
Lý do là vì cái đầu của chính ông ta hoàn toàn “trống
vắng,” chỉ chất chứa những khẩu hiệu vô vị, tách rời thực tế, lỗi thời, mà loài
người đã bỏ vô thùng rác, từ hơn nửa thế kỷ nay, rõ rệt nhất là từ năm 1989!
Cho nên, những lời “tuyên huấn” của ông Võ Văn Thưởng
chứa đầy những mâu thuẫn.
Sau khi cổ động cho việc “đối thoại và tranh luận,”
mà ông nhấn mạnh “đây là vấn đề rất quan trọng” ông Thưởng lại sợ đám đàn em
đang ngồi nghe như vịt nghe sấm khi đứng dậy vội vã chạy ra đường kéo bà con cô
bác đòi đối thoại và tranh luận! Ông bèn dặn bảo ngay: “Khoan khoan ngồi đó chớ
ra! Chờ chút nữa!” Bởi vì, ông nói, cái “Ban Tuyên Giáo Trung Ương” mà ông nắm
đầu nó cũng đang chờ đợi! Tại sao? Chính “Ban Tuyên Giáo Trung Ương” đang chờ
Ban Bí Thư “thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại
với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan
điểm của đảng và pháp luật của nhà nước.”
Tóm lại, Võ Văn Thưởng kêu gọi đối thoại và tranh luận
nhưng chính ông ta cũng chưa biết mình phải đối thoại và tranh luận như thế
nào! Theo cách của đảng Cộng Sản thì chính Võ Văn Thưởng cũng không dám “đối
thoại và tranh luận” với cái “Ban Bí Thư” ngồi chễm trệ trên đầu mình! Mà cái
Ban Bí Thư đó cũng biết có mấy thằng khác nó ngồi trên đầu trên cổ họ nữa! Nhìn
lên họ sẽ thấy đó là bọn Nguyễn Phú Trọng, Trần Ðại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Tô
Lâm, hay là Tập Cận Bình?
Ông Võ Văn Thưởng giải thích rõ hơn tại sao phải chờ
cấp trên “thông qua,” bật đèn xanh và cho chỉ thị chi tiết: “Cần có quy định rõ
ràng để từng cấp từng ngành từng cơ sở từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của
mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại.”
Nói vậy thì ai cũng hiểu: Ðảng Cộng Sản nói đối thoại
và tranh luận tức là “đối thoại và tranh luận dưới sự hướng dẫn!”
Các đảng viên Cộng Sản Việt Nam nghe ông Thưởng nói
xong, có thể về nhà ngủ yên. Họ đã quen sinh hoạt trong đảng theo lề thói đó từ
lâu: Dân Chủ tức là Dân Chủ Tập Trung, Dân Chủ có hướng dẫn. Không đảng viên
nào cần suy nghĩ. Mỗi lần đi họp hãy cất cái đầu ở nhà, mang đi thêm nặng mà
còn nguy hiểm! Tất cả những gì đòi hỏi suy nghĩ đã có cấp trên làm giúp rồi! Cứ
việc “Noi Gương Bác!” Chính Hồ Chí Minh cũng từng từ chối không suy nghĩ, vì đã
có người giúp! Khi một nhà báo hỏi sao không thấy ông ta viết sách, như các
lãnh tụ cộng sản khác, Hồ Chí Minh giải thích: Những gì cần viết đã có Bác Mao
viết cả rồi! Hồ cũng nói nhiều lần, “Bác cháu cúng ta có thể lầm chứ đồng chí
Stalin không thể lầm được!” Cụ Nguyễn Văn Trấn đã nghe và thuật lại câu đó. Chỉ
việc nhờ Stalin và Mao suy nghĩ giúp là an toàn nhất!
Một người biết “bán cái” công việc suy nghĩ cho cấp
trên làm giúp, đó mới là một đảng viên Cộng Sản gương mẫu, biết “Noi Gương
Bác!”
Nhưng dân Việt Nam bây giờ không còn là những con cừu
ai bảo sao cũng cúi đầu nghe nữa. Hỏi đồng bào Xã Ðồng Tâm thì biết.
Cho nên, chúng ta cứ thiết lập những diễn đàn công
khai, nêu rõ mục đích đối thoại và tranh luận giữa người dân Việt Nam với nhau.
Tìm đường cho cả nước trong thế kỷ 21 này. Không cần ai ban chỉ thị hướng dẫn!
Không kiêng cữ, không sợ hãi, vấn đề nào cũng có thể đem ra thảo luận.
Một giáo sư Ðại Học Quốc Gia ở Hà Nội, Tiến Sĩ Vũ
Minh Giang, chủ Tịch Hội Ðồng Khoa Học Ðào Tạo, đã đề nghị một đề tài: “Việt
Nam cần thực hiện một cuộc đổi mới đất nước lần thứ hai.” Nếu không, ông lo nước
mình “sẽ tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới.”
Ðề nghị bàn với nhau về “Ðổi Mới Ðợt Hai” tức là nể
nang ông Nguyễn Phú Trọng lắm rồi. Nói như thế là vẫn coi như chỉ tiếp tục “con
đường đổi mới” của đảng. Nhưng đề nghị này là không tưởng. Vì Nguyễn Phú Trọng
không bao giờ dám cho ai bàn về một đề tài mà khi đọc lên ai cũng hiểu “Ðổi Mới
Ðợt Hai” tức là “Ðổi Mới Chính Trị!” Ðố đảng Cộng Sản Việt Nam dám để yên cho
người dân tự do thảo luận, rồi tranh luận về Ðổi Mới Chính Trị! Cho ăn kẹo cũng
không dám!
Nhưng có một đề tài thiết thực hơn và cấp bách không
kém, chúng ta cần bàn. Ðó là chuyện “Dân Việt Nam phải làm gì khi chế độ Cộng Sản
sụp đổ?” Bàn vấn đề này thì chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cho công an tới đối
thoại bằng dùi cui! Nhưng đồng bào chúng ta cứ việc đối thoại và tranh luận với
nhau! Không nên để nước đến chân mới nhảy!
----------------------------------
Kể từ khi nhậm chức, 2.2016, hơn một năm im
hơi lặng tiếng, nhạt nhòa và chìm khuất, sau hội nghị trung ương 5, tháng năm,
năm 2017, bỗng ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn
Thưởng xuất hiện với một câu nói sáo rỗng, rất tiêu biểu cho ngôn ngữ Tuyên
giáo cộng sản: “Cấp ủy các cấp phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong
cách của Bác, lấy tư tưởng của Người để soi rọi hành động, phải đổi mới lề lối
tác phong làm việc, thực sự dân chủ, khoa học, thực sự gần dân, sát dân” và
một đề xuất bất ngờ, độc đáo, táo bạo, như một người dân chủ, cấp tiến: “Chúng
ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận
và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận.
Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Nếu chỉ nói suông, câu này cũng sáo rỗng như câu
trên mà thôi nhưng ông Trưởng ban Tuyên giáo cho biết đã trình dự thảo và đang
chờ ban bí thư thông qua văn bản hướng dẫn về việc trao đổi và đối thoại với những
cá nhân có sự nhìn nhận khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng và
nhà nước cộng sản. Điều này làm cho nhiều người, nhất là những trí thức đang
canh cánh nỗi niềm về vận nước khấp khởi chờ đợi. Nhưng sự chờ đợi đó có cơ sở
không?
Với tất cả các loại hình nhà nước có trong lịch sử
loài người thì nhà nước cộng sản bằng ngôn từ đã đưa người dân lên vị trí cao
chót vót. Từ ngữ “Nhân dân”, “Người dân” có tần số sử dụng đến lạm phát đạt kỉ
lục ngày càng cao. Nhân dân làm chủ. Chính quyền nhân dân. Ủy ban nhân dân. Hội
đồng nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Nhà
nước của dân, do dân, vì dân. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra... Đến
những công cụ bạo lực chuyên chính vô sản của nhà nước cộng sản để nô dịch dân,
tước đoạt mọi giá trị làm người của người dân cũng mang tên nhân dân: công an
nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân...
Hiện nay nhà nước cộng sản còn sử dụng thêm một công
cụ mới, một lực lượng mới để đàn áp người dân đòi quyền sống, đòi quyền làm người
đó là côn đồ. Với cách sử dụng tràn lan lá bùa “nhân dân” có lẽ công cụ đàn áp
mới này rồi cũng sẽ được mang tên côn đồ nhân dân.
Người dân được ngôn từ nhà nước cộng sản đề cao như
vậy nhưng thực tế trong nhà nước cộng sản, người dân bị coi thường, bị khinh bỉ,
bị sỉ nhục nặng nề nhất, bị đối xử tàn tệ, nhẫn tâm nhất.
Mọi người dân sống trên lãnh thổ Việt Nam đều là nạn
nhân của một thực tế cay đắng: Người dân chỉ là “quần chúng cách mạng” để những
người cộng sản sử dụng cướp chính quyền và giữ chính quyền. Đất nước chỉ là kho
tài nguyên và người dân chỉ là kho sức người để những người cộng sản huy động
làm cách mạng và chiến tranh xác lập và củng cố quyền cai trị của đảng cộng sản,
để những người cộng sản cầm quyền vơ vét, bòn rút tài nguyên đất nước, bóc lột
người dân, làm giầu trên sự tan hoang của đất nước, trên nỗi thống khổ của người
dân. Ngôn từ tuyên truyền là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng
thực tế cay đắng là “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”. Quyền công dân, quyền
làm chủ đất nước của người dân bị điều 4 Hiến pháp tước đoạt. Người dân không có
quyền con người, không có quyền công dân, không có tư thế bình đẳng của những
công dân tự do, làm sao có thể đối thoại!
Với nhà nước cộng sản, người dân có mặt trong cuộc đời
chỉ mang thân phận thần dân, không có tư cách công dân, người dân có mặt trong
cuộc đời chỉ với tư cách công cụ, không có tư cách con người. Người dân nào
không cam tâm làm công cụ, đòi quyền làm người, người dân nào không cam phận
làm thần dân, cất tiếng nói công dân liền bị nhà nước độc tài cộng sản đẩy sang
thế lực thù địch, bị đàn áp, trừng trị bằng bạo lực côn đồ xã hội đen và bạo lực
công an nhà nước, bị tù tội bằng luật pháp bất công cộng sản với những điều luật
hình sự 79, 88, 258 như cạm bẫy giăng bủa. Chủ nghĩa Mác Lê trở thành một tôn
giáo, một thần quyền tạo ra quyền uy tối cao, khép kín để đảng cộng sản thống
trị xã hội như thời trung cổ. Xã hội đó, không gian luật pháp và không gian
chính trị đó không thể có đối thoại thực sự.
Có phải trong thời đại công nghệ thông tin, nhà nước
cộng sản không thể duy trì mãi chính sách ngu dân, không thể bưng bít tuyệt đối
thông tin, không thể bưng bít mọi sự thật được nữa. Ngày càng có đông đảo người
dân tiếp cận được nhịp sống thời đại dân chủ, càng có đông đảo người dân ý thức
được quyền con người, quyền công dân, quyền sống, quyền làm chủ đất nước của
mình, do đó ngày càng có đông đảo “thế lực thù địch” thách thức sự tồn tại của
nhà nước độc tài cộng sản đang nô dịch con người và kìm hãm sự phát triển của đất
nước. Và đối thoại chỉ là chiếc van xả bớt áp lực xã hội đối với nhà nước độc
tài cộng sản mà thôi.
Nếu thực sự muốn đối thoại với dân, đối thoại với những
quan điểm, ý kiến của dân khác biệt với nhà nước cộng sản thì những quan điểm,
ý kiến khác biệt của dân đã lên tiếng, đã mở lời suốt nhiều năm nay rồi đó. Những
kiến nghị, những tuyên bố, những bản lên tiếng của hàng trăm trí thức, của hàng
ngàn công dân về những vấn đề, những sự kiện đang đe dọa sự sống còn, sự toàn vẹn
của đất nước, đang đe dọa mạng sống của người dân và đe dọa cả sự tuyệt diệt của
giống nòi. Kiến nghị về Boxit Tây Nguyên, về thảm họa Formosa. Kiến nghị về xây
dựng bản Hiến pháp dân chủ để có một nhà nước thực sự của dân. Tuyên bố về những
tượng đài hàng ngàn tỉ đồng hoang phí, xa xỉ, kệch cỡm, lạc lõng trên sự đói
nghèo, bần cùng của người dân. Bản yêu sách đòi hỏi phải gấp gáp thay đổi chính
sách đất đai. Bản lên tiếng về cái chết thương tâm của người dân lương thiện dưới
tay công an nhà nước cộng sản. Những kiến nghị, tuyên bố, bản lên tiếng đó đòi
hỏi phải được trả lời, đối thoại của đảng cộng sản cầm quyền và của nhà nước cộng
sản. Nhưng hàng ngàn người dân kí kiến nghị, kí tuyên bố, kí bản lên tiếng chỉ
nhận được sự im lặng lì lợm, bất chấp văn hóa hành chính nhà nước của một thể
chế coi thường dân, khinh bỉ dân.
Nếu nhà nước cộng sản bỗng bừng tỉnh khỏi cơn say bạo
lực, muốn thay công cụ đối thoại là bạo lực bằng đối thoại ngôn từ, lí lẽ, thay
lực lượng đối thoại với dân là công an, tòa án nhà tù bằng tuyên giáo thì trước
hết phải xóa ngay những bản án, những bản cáo trạng bất công và bất lương đối với
nhà tư tưởng lớn Trần Huỳnh Duy Thức, đối với nhà báo trung thực Nguyễn Hữu
Vinh, đối với trái tim người mẹ nặng tình yêu nước thương nòi Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh, đối với luật sư khẳng khái Nguyễn Văn Đài... Vì những Trần Huỳnh Duy Thức,
Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Thúy Nga, Lưu
Văn Vịnh, Hoàng Đức Bình... chỉ là những người có tiếng nói, quan điểm khác biệt
với nhà nước cộng sản đã bị nhà nước cộng sản sử dụng những điều luật vi hiến,
mơ hồ, mù mờ buộc tội. Xóa bản án phi pháp mà nhà nước cộng sản đã gán cho họ
và trước hết hãy đối thoại với họ. Họ chính là trí tuệ, khí phách, tâm hồn Việt
Nam hôm nay. Họ chính là những người xứng đáng nhất đại biểu cho tư tưởng, ý
chí, nguyện vọng của nhân dân đối thoại với nhà nước cộng sản.
24/5/2017
--------------------------------
1) Nếu hiểu đối thoại theo nghĩa rộng là các tương
tác giữa người dân và chính quyền thì sự đối thoại là liên tục, thậm chí chả cần
nhìn nhau, nói với nhau gì cả. Dân bất bình với chính sách thì bỏ đi, lãn công,
làm việc khác,... chính sách hỏng và chính quyền thay đổi chính sách. Đấy là loại
đối thoại không lời. Rất phổ biến. Ở cực kia, dân có thể tổ chức biểu tình phản
đối, nêu đề xuất,...
Giữa 2 thái cực trên có đủ loại kiểu đối thoại theo
nghĩa rộng này.
2) Đối thoại theo nghĩa hẹp là dân (hay các đại điện
của họ) gặp nhau trao đổi trực tiếp về vấn đề nào đó. Có lẽ đây là cách hiểu phổ
biến. Cần làm rõ nhiều chuyện với loại đối thoại này.
Trước hết loại [đối thoại] này còn tùy thuộc vào chủ
đề đối thoại, cấp đối thoại, với cá nhân hay các tổ chức?
Dân cư mạng sôi nổi bàn tán về ý kiến của ông Võ Văn
Thưởng ủy viên BCT của ĐCSVN, người tỏ ý hoan nghênh, kẻ nghi ngờ. Tôi nghĩ phải
hỏi ông Thưởng đối thoại về CHỦ ĐỀ gì?
VỚI AI (cá nhân hay tổ chức hay cả hai)? Chỉ sau khi
rõ thì mới có thể có ý kiến xác đáng.
Thí dụ nếu các vị ấy nói chỉ đối thoại với các đảng
viên đã ký tuyên bố 61 [thì đó] là chuyện nội bộ của đảng họ; [còn nếu đối thoại]
với các tổ chức XHDS độc lập, [thì] đó là các chuyện rất rất khác nhau. Cho nên
phải ép ông Thưởng làm rõ thì mới có thể bàn.
CHỦ ĐỀ?
Chủ đề là quan trọng. Nếu bàn về các ý kiến khác
nhau trong học và làm theo HCM là một chuyện, còn về đường lối xây dựng đất nước
là chuyện khác, và về chuyển đất nước sang dân chủ lại là hoàn toàn khác. Cũng
phải ép họ làm rõ.
3) [Nếu] Không có đối thoại loại (1) sẽ chẳng bao giờ
có đối thoại loại (2) cả.
Phải lên tiếng, phải tập hợp lại thành các tổ chức đại
diện và liên tục đối thoại với họ bằng mọi hình thức loại (1) để gây áp lực
24/7 lên chính quyền một cách hợp hiến, bất bạo động mới ngõ hầu có cơ tiến đến
đối thoại loại (2) mà nhiều người hy vọng. Quan trọng là chúng ta có thể đối
thoại loại 1) mà chả cần họ đồng ý hay không. Đó là quyền của chúng ta.
4) Nên hoan nghênh mọi sáng kiến đối thoại, kể cả của
ông Thưởng, song phải đòi ông làm rõ và thúc đẩy cho đối thoại loại (2) bằng
cách gây áp lực liên tục với các loại đối thoại loại (1).
---------------------------
Thưa tác giả “đáng kính” trong xã hội ta vẫn duy trì bàn bạc dân chủ trong dân chúng đấy thôi, thông qua Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tiếng nói của nhân dân luôn được tôn trọng lắng nghe như góp ý kiến vào xây dựng Hiến pháp, được bàn bác những vấn đề liện quan đến khu dân cư, địa phương, gia đình và xã hội “quyền con người được ghi trong Hiến pháp”... Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn đây đó có hiện tượng sai trái, như ở Đồng Tâm mà tác giả nêu và còn một số chỗ, nhưng đấy chỉ là cá biệt không phải là tất cả. Còn những cái rất được trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước tác giả lại lờ đi không nhắc tới, không thèm đả động. Phải chăng đây là ý đồ của tác giả để kích động dân chúng thiếu hiểu biết.
ReplyDelete