Friday, 10 March 2017

WIKILEAKS & CIA : AI THEO DÕI AI ? (tin tổng hợp)




09/03/2017

FBI và CIA điều tra hình sự vụ 'rò rỉ phần mềm độc hại'
(BBC, 09/03/2017)
FBI và CIA tiến hành điều tra hình sự việc công khai các tài liệu được cho là chi tiết về những công cụ xâm nhập của CIA, các quan chức Mỹ cho hay.

Họ nói với truyền thông Hoa Kỳ rằng FBI và CIA đang phối hợp điều tra sau khi Wikileaks công bố hàng ngàn hồ sơ.
Tài liệu này cáo buộc CIA phát triển công cụ nghe lén trên micro điện thoại thông minh và TV thông minh.
CIA, FBI và Nhà Trắng từ chối bình luận về tính xác thực của các hồ sơ bị rò rỉ hôm 7/3.
Phát ngôn viên CIA nói với BBC hôm 8/3 rằng : "Công chúng Mỹ nên lo ngại trước bất kỳ việc để lộ tài liệu từ Wikileaks nhằm gây tổn hại tới năng lực của cộng đồng tình báo để bảo vệ nước Mỹ chống lại khủng bố và những kẻ thù khác".
"Việc để lộ tài liệu như vậy không chỉ gây nguy hiểm cho nhân viên và hoạt động tình báo Hoa Kỳ, mà còn giúp kẻ thù của chúng ta có công cụ và thông tin để làm hại chúng ta".
Hôm 8/3, các quan chức Hoa Kỳ - yêu cầu không nêu danh tính - nói với truyền thông Hoa Kỳ rằng cuộc điều tra hình sự đang tìm xem làm thế nào các tập tin này được chuyển cho Wikileaks.
Cuộc điều tra cũng nhằm xác định rằng liệu việc để lộ tài liệu có phải là vi phạm bên trong hay bên ngoài CIA, các quan chức nói thêm.

Lỗ hổng "zero day"
CIA không xác nhận các tài liệu - được cho là trong thời điểm 2013 - 2016 - là thật.
Nhưng một trong những cựu lãnh đạo của họ bày tỏ quan ngại.
Cựu giám đốc CIA Michael Hayden nói với BBC : "Nếu những gì tôi đọc được là đúng thì đây dường như là vụ rò rỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến chiến thuật, kỹ thuật, phương thức và công cụ được CIA sử dụng hợp pháp".
"Nói cách khác, việc này làm cho nước Mỹ và đồng minh bớt an toàn hơn".
Vụ rò rỉ cũng cáo buộc rằng CIA tạo ra phần mềm độc hại để tấn công các máy tính dùng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Phát ngôn viên của Microsoft cho biết : "Chúng tôi đang xem xét vụ việc".
Google từ chối bình luận về cáo buộc rằng CIA có thể "xâm nhập và kiểm soát" các điện thoại Android do khai thác lỗ hổng "zero day" trong hệ điều hành.
Tổ chức World Wide Web - nơi vận động cho bảo mật Internet - cho biết chính phủ Hoa Kỳ cần đưa ra phản ứng về việc này.

---------------------------

Vụ WikiLeaks – CIA : Người trong cuộc nói gì ?
(RFI, 09/03/2017)
Vụ WikiLeaks tiết lộ kho công cụ của Cơ Quan Tình Báo Mỹ (CIA) sử dụng để theo dõi công dân qua các thiết bị điện tử kết nối internet đã làm các tập đoàn lớn về công nghệ hiện đại ngỡ ngàng. Những phản ứng đầu tiên của những người trong cuộc là giảm thiểu quy mô vụ việc.
Cách đây không lâu, năm 2013, Edward Snowden đã phát giác Cơ Quan An Ninh Mỹ NSA xâm nhập vào các hệ thống máy chủ của Apple, Microsoft và Google để thu thập thông tin của người dân. Vụ việc khi đó đã khiến các nhà khổng lồ trong lĩnh tin học Mỹ gặp không ít khó khăn.
Lần này, theo các tài liệu Wikileaks vừa tung lên mạng, CIA có thể đã soạn hàng nghìn chương trình mã độc, phần mềm khác nhau để xâm nhập kiểm soát các thiết bị điện tử công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy thu hình có kết nối internet hay thậm chí cả xe hơi để theo dõi người sử dụng.
Ý thức được vụ việc có thể làm tổn hại đến uy tín, nhất là khi CIA chứng tỏ khả năng lách qua hệ thống bảo mật của nhiều ứng dụng trao đổi thông tin trên mang như WhatApp (Facebook) hay Signal, các nhà mạng lớn trong lĩnh vực này ngay lập tức đã có phản ứng để bảo vệ khả năng an toàn dịch vụ của mình.
Apple quả quyết rằng rất nhiều lỗ hổng an toàn đã được bịt kín bằng những phiên bản mới của iOS, hệ điều hành cho loại điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad. Trong một thông báo qua thư điện tử, nhà chế tạo mang nhãn hiệu quả táo nổi tiếng cho biết : "Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để nhanh chóng giải quyết tất cả các tính năng yếu kém đã được xác định. Hãng cũng nhắc lại là vẫn thường xuyên khuyến cáo người sử dụng sản phẩm Apple hãy tải các phiên bản iOS mới, có khả năng sửa chữa về cơ bản những kẽ hở an toàn của phiên bản cũ".
Về phần Samsung, mà theo các tiết lộ của Wikileaks thì các sản phẩm máy thu hình kết nối mạng đã bị CIA lợi dụng làm công cụ gián điệp, tập đoàn này cho biết đã kiểm tra "khẩn cấp" nội dung phát giác của WikiLeaks. Đồng thời hãng khẳng định lại việc bảo vệ đời tư của khách hàng và an toàn của các thiết bị là ưu tiên.
Cũng là đối tượng bị CIA nhắm tới qua hệ điều hành nổi tiếng Windows, Microsoft có vẻ bình tĩnh hơn. Hãng cho biết đã nắm được các thông tin của WikiLeaks và đang tiến hành kiểm tra.
Còn Google với hệ điều hành Android cũng bị nhắm tới, hiện nhà mạng hàng đầu trong dịch vụ tìm kiếm thông tin chưa có phản ứng gì.

Quy mô không lớn như vụ NSA
Hàng nghìn trang tài liệu phát giác CIA của WiliLeaks có thể khiến quan hệ giữa các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin và các cơ quan tình báo Mỹ thêm căng thẳng. Nhiều chuyên gia về an ninh mạng, tuy nhiên đánh giá quy mô những phát giác lần này không bằng vụ Snowden.
Ông Robert Graham, chuyên nghiên cứu về an ninh mạng thuộc hãng Errata Security, viết trên blog : "Snowden đã tiết lộ cách thức NSA theo dõi tất cả các công dân Mỹ. Các tài liệu của WikiLeaks về cách làm của CIA hoàn toàn không giống như vậy ….Đó là tất cả những công cụ hợp pháp để theo dõi, đặt giả thiết là việc theo dõi các đối thủ nước ngoài là hợp pháp". Chuyên gia này giải thích thêm là phần lớn các phương pháp tin tặc của CIA chỉ đơn giản là " đánh lừa để người sử dụng cài đặt phần mềm gián điệp của họ".
Còn ông Joseph Hall, một chuyên gia của tổ chức bảo vệ các quyền công dân có tên gọi Center for Democracy and Technology giải thích : Đó là những cơ chế có mục tiêu, không thể sử dụng để thu thập đại trà thông tin, nó buộc hoạt động theo dõi nhắm vào đối tượng cụ thể, vào thiết bị của một cá nhân cụ thể.
Giám đốc công nghệ của IBM Resilient, ông Bruce Schneier, người vẫn thường xuyên chỉ trích việc theo dõi thông tin của chính phủ, cũng thừa nhận "không có gì bất hợp pháp" trong nội dung tài liệu của WikiLeaks và đó chính là điều mà người ta đều nghĩ là CIA phải làm trong không gian mạng.
Tổng cộng, WikiLeaks đã công bố gần 8000 trang tài liệu ghi lại các cuộc thảo luận nội bộ của Cơ Quan Tình Báo Mỹ về các kỹ thuật tin tặc được sử dụng trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2016.
Trước sự việc trên, phát ngôn viên của CIA hôm qua đã phải lên tiếng nhấn mạnh rằng cơ quan không có quyền tiến hành các hoạt động giám sát theo dõi tại Hoa Kỳ và CIA "không làm việc đó". Tuy nhiên, đại diện tình báo Mỹ cũng nói rằng đó là việc CIA cải tiến hoạt động nhằm theo kịp các tiến bộ công nghệ và để có thể bảo vệ đất nước trước kẻ thù từ bên ngoài.
Những tiết lộ của WikiLeaks về CIA không chỉ khiến chính phủ Mỹ phải quan tâm. Tại Đức, các cơ quan của chưởng lý liên bang cho biết đang xem xét kỹ lưỡng các tài liệu vừa được công bố vì một số văn bản có nói đến một cơ sở tin tặc do CIA quản lý từ lãnh sự quán Mỹ tại Frankfurt.
Một số quan chức Mỹ cũng xác nhận có một toà nhà nằm kề bên căn cứ không quân Mỹ tại "Rhein-Main", Đức từng là cơ sở của CIA trong nhiều năm dưới biệt hiệu "Tefran" có nhiệm vụ thu thập thông tin về các hoạt động của Iran tại Châu Âu. Cụ thể cơ sở này theo dõi các lãnh đạo Iran và những nhân vật có khả năng đào thoát đang làm việc trong chương trình hạt nhân của Teheran.
Phát ngôn viên của chưởng lý liên bang Đức nói : "Chúng tôi đã xem xét việc này rất cẩn thận. Chúng tôi sẽ mở điều tra nếu thấy có biểu hiện phạm tội cụ thể hoặc có những cá nhân cụ thể tham gia".
Một quan chức ẩn danh của Châu Âu thì lại lý giải rằng, những tiết lộ của WikiLeaks thực ra có thể dẫn đến việc tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước Châu Âu, các nước phương Tây đều có chung một quan tâm về gián điệp Nga.
Quan chức này còn đi xa hơn khi cho rằng vụ WikiLeaks lần này lại càng khiến người ta thêm nghi ngờ Matxcơva đứng đằng sau những rò rỉ thông tin của Wikileaks. Ông nói : "Rất thú vị và cũng có ý nghĩa là việc rò rỉ lần này trùng hợp với những nỗ lực gia tăng của Nga nhằm tác động đến các cuộc bầu cử sắp tới ở Châu Âu và để răn đe các nước vùng Baltic hay một vài quốc gia đông Âu cũ. Mục đích chính là gây mất ổn định NATO và Liên Hiệp Châu Âu".
Những tiết lộ mới của WikiLeaks về cách thức do thám của tình báo Mỹ bung ra trong khi thứ Ba tuần tới, thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Donal Trump tại Washington để hâm nóng lại quan hệ hai nước gần đây đang có chiều nguội lạnh dần, bởi những chỉ trích không tiếc lời của ông Trump nhằm vào đồng minh Đức.
Về phần Washington, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết, tổng thống Mỹ "cực kỳ lo ngại" về các thông tin mà WikiLeaks vừa tung ra.
RFI tiếng Việt

----------------------------------

Wikileaks nói CIA có công cụ rình mò qua TV
(BBC, 08/03/2017)
Wikileaks công bố chi tiết về những gì họ gọi là các công cụ xâm nhập trên diện rộng được CIA sử dụng.
Các loại vũ khí mạng được dẫn ra gồm những phần mềm độc hại nhắm vào các máy tính dùng hệ điều hành Windows, Android, iOS, OSX và Linux cũng như router.
Cơ quan Tình báo Anh MI5 được cho là đã giúp phát triển một phần mềm gián điệp chuyên tấn công các TV Samsung.
Phát ngôn viên CIA không xác nhận các chi tiết này.
"Chúng tôi không bình luận về tính xác thực hoặc nội dung của những thứ được nói là tài liệu tình báo", ông nói.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh không bình luận.
Wikileaks nói rằng nguồn tin của họ chia sẻ chi tiết để gây tranh luận về việc liệu khả năng xâm nhập của CIA có vượt quá phạm vi quyền hạn của họ.

'Rất nghiêm trọng'
Gordon Corera, phóng viên về An ninh của BBC, phân tích :
"Vụ rò rỉ mới nhất - dường như cung cấp chi tiết về các biện pháp kỹ thuật mang tính nhạy cảm cao - sẽ là một vấn đề rất nghiêm trọng với CIA.
Có một điều đáng ngượng là một cơ quan chuyên ăn cắp những bí mật của người khác lại không thể giữ được bí mật của riêng họ.
Tiếp đó là nỗi lo ngại của giới tình báo về việc mục tiêu của họ có thể thay đổi hành vi vì bây giờ họ đã biết những gì gián điệp có thể làm.
Và rồi sẽ có những câu hỏi về việc liệu khả năng xâm nhập của CIA có quá mở rộng và quá bí mật hay không.
Nhiều tài liệu ban đầu chỉ ra khả năng giới tình báo nhắm mục tiêu là các thiết bị tiêu dùng.
Làm thế nào để cân bằng lợi ích cho công chúng khi nói với nhà sản xuất về điểm yếu của sản phẩm để họ có thể cải thiện tính bảo mật cho người dùng với lợi ích của cơ quan gián điệp khi tận dụng việc này để thu thập thông tin tình báo.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã phải đối mặt với những câu hỏi về việc liệu có sự cân bằng này khi nhiều bí mật của họ bị Edward Snowden tiết lộ, và bây giờ có thể đến lượt CIA.
Leo Kelion

-----------------------------

Wikileaks tiết lộ một chương trình tin tặc của CIA
(RFI, 08/03/2017)
CIA có thể biến TV thành máy nghe lén, có thể vượt qua hàng rào mật mã hay khống chế xe hơi của bạn. Trên đây là nội dung của hàng ngàn tài liệu mật về vũ khí tin học của CIA, mà trang mạng Wikileaks của Julian Assange, đang bị cô lập trong sứ quán Ecuador, ở Luân Đôn, phát tán.
Theo AFP, ngày 08/03/2017, Wikileaks công bố 9.000 trang tài liệu được xem là của CIA bị đánh cắp và cho đây là những hồ sơ về vũ khí tin học quan trọng nhất của tình báo Mỹ CIA, cũng như khả năng tấn công mạng của cơ quan này.
Theo web site của Julian Assange, các tài liệu này chứng tỏ CIA cũng hoạt động như Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA, nhưng ít bị kiểm soát hơn.
Một phát ngôn viên của CIA không phủ nhận, cũng không xác nhận thông tin này. Trong khi đó phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố ngắn "đây là một vấn đề chưa hoàn toàn được thẩm định".
Trái lại, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo ở Hạ viện Devin Nunes cho biết "vụ tiết lộ này rất nghiêm trọng".
Theo AFP, nếu các tài liệu do Wikileaks tố giác là chính xác, vụ này sẽ gây khó khăn không ít cho tình báo Mỹ, mà thông tin về một phần lớn hệ thống theo dõi điện tử đã bị cựu nhân viên Edward Snowden đánh cắp và phổ biến trước khi bay sang Nga xin tị nạn. Năm 2016, cảnh sát Mỹ cũng bắt được một cựu cộng sự viên tình báo và phát hiện nhiều hồ sơ mật ghi ngày từ 20 năm trước.
Tú Anh





No comments:

Post a Comment

View My Stats