Tuesday, 7 March 2017

PHONG TRÀO BÌNH DÂN THIÊN HỮU (Nguyễn Đạt Thịnh)




Monday, 06/03/2017 - 09:52:02

Sáu chữ “Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu” dịch từ hai chữ “Rightist Populism.” Phong trào bình dân (populism) dựa trên chủ thuyết cho là người bình dân bị một nhóm nắm giữ đặc quyền khai thác thủ lợi; trong Phong Trào Bình Dân Thiên Tả thì nhóm đặc quyền là tư bản, và trong Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu -một chủ thuyết chính trị mới- thì nhóm “đặc quyền” là khối di dân đang đổ vào những nước có nền kinh tế vững vàng, có nhiều việc hơn là cố hương nghèo đói, chiến tranh của họ.

Học giả Marc Saxer, người nghiên cứu và viết rất nhiều về Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu, cho là chính phong trào này đã tạo ra diễn biến Brexit -cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng Sáu, 2016, trong đó 17,410,742 người Anh bỏ phiếu quyết định rút Anh Quốc ra khỏi tổ chức EU (European Union-Liên Âu).

Người Anh xuống đường vận động rút Anh Quốc ra khỏi khối Liên Âu.

Bản đồ Liên Âu

Liên Âu là một sức mạnh kinh tế và quân sự đáng kể với 28 quốc gia hội viên, 510 triệu cư dân sống trên 4,475,757 cây số vuông.

Người Anh cho là họ phải đóng góp cho EU nhiều hơn những quốc gia thành viên khác của EU, nghèo hơn họ; do đó họ rút lui ra khỏi tổ chức EU.

Những chính khách đang khai thác Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu thuyết phục cho quần chúng tin là di dân đang đổ vào nước họ để cướp việc của họ, khiến họ trở thành thất nghiệp, nghèo đói. 

Ông Donald Trump đã thành công trong nỗ lực tuyên truyền cho quần chúng Mỹ tin người Mễ là mối đe doạ gây thất nghiệp và nghèo đói cho người Mỹ. Tại Âu Châu -nhất là tại Đức và Pháp- các chính khách thiên hữu đang ráo riết vận động để người Pháp, người Đức tin mối đe doạ của họ là người tị nạn Trung Đông và Bắc Phi. Họ có nhiều hy vọng thành công tại những quốc gia đó trong cuộc bầu cử sắp tới.

Gây phẫn nộ cho quần chúng để đoạt chính quyền là việc tuy khó nhưng còn có thể làm được, cụ thể là việc ông Trump đắc cử; khó hơn việc chiếm đoạt chính quyền là tìm ra chính sách để duy trì và phát triển Hoa Kỳ tốt hơn, mạnh hơn trước; đó là điều ông Trump cũng đang chứng minh -chỉ sau chưa đầy một tháng cầm quyền- là ông không làm được.

Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu tại Mỹ đang tạo hốt hoảng cho quần chúng bình dân tại cả Mỹ Quốc lẫn Âu Châu; truyền thông, cử tri, và giới trí thức Hoa Kỳ đang nỗ lực chống Tổng Thống Trump vì những quá đáng và lố bịch của ông.

Trong lịch sử Hoa Kỳ chưa bao giờ xảy ra một cuộc chống đối lớn lao và quy mô đến như vậy. Một số lớn quần chúng Mỹ bắt đầu nhận ra khả năng cầm quyền rất tài tử, thiếu kinh nghiệm của ông Trump; nhưng điểm quan trọng là họ còn nghi ngờ có bàn tay của người Nga giúp ông đắc cử; nếu nghi vấn này đúng, thì tổng thống Mỹ trở thành con tin trong tay người Nga -vốn là quốc gia thù nghịch với Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Nhì.

Cử tri trực tiếp nói thẳng điều đó với các dân biểu, nghị sĩ, trong những cuộc town hall meetings tổ chức nhân ngày lễ Presidents Day vừa rồi.

Cựu Thủ Tướng Anh Tony Blair viết, “Phản ứng của Âu Mỹ chống lại Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu hiện nay chỉ là chống bằng xúc động, chống qua thái độ bất bình và khinh thường; những bộc lộ tự nhiên đó rất hùng biện, nhưng lại không có khả năng đối phó kiến hiệu, chặn đứng và hoá giải Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu được.” 

Tony Blair mô tả cao trào the rightist populism

Phong trào bình dân thiên hữu tại Mỹ

Theo ông, muốn chống đối hiệu nghiệm “the rightist populism” người Mỹ phải bình tĩnh nghiên cứu hiện tượng Donald Trump, tìm xem nguyên nhân nào đưa đến hiện tượng đó, và liệt kê những nhược điểm nhiều vô số của chính quyền mới, rồi hoạch định kế hoạch đối phó với từng nhược điểm một.

Tại Hoa Kỳ mọi công thức chính trị đang bị thay đổi, mọi nguyên tắc cũ đang bị đập phá, mặc dù chính phủ Trump chưa biết lấy gì thay vào những giá trị cũ họ phá đi, và cao trào đập phá mọi sinh hoạt cũ đó có nhiều triển vọng vượt Đại Tây Dương, tàn phá một vài quốc gia Âu Châu đang giầu mạnh. 

Ngay sau Thế Chiến Thứ Nhì, Phong Trào Bình Dân Thiên Tả đã tàn phá rồi cướp chính quyền tại nhiều quốc gia Á Châu, Đông Âu và Nam Mỹ. Vào thời điểm đó chính phủ Nga khai thác nhu cầu đòi độc lập của nhân dân các nước đang là thuộc địa Anh và Pháp, rồi thuyết phục những nước đó ngả theo chủ thuyết cộng sản để được giúp đỡ trong cuộc chiến giành lại chủ quyền quốc gia. Nhân dân các nước khác cũng được thuyết phục theo cộng sản chống Mỹ để chống “tư bản bóc lột,” mặc dù nước họ có hay không có liên hệ với tư bản Mỹ.

Giờ này Phong Trào Bình Dân Thiên Tả đã bị nhiều căn bệnh nội tạng giết chết, những lãnh tụ của phong trào này hiện nguyên hình là những cán bộ cộng sản lên nắm chính quyền tại Trung Quốc và Việt Nam; Nga không còn là một nước cộng sản nữa (trên danh nghĩa), nhưng Tổng Thống Vladimir Vladimirovich Putin vẫn là một cán bộ cộng sản trung kiên, đang kiên nhẫn mai phục, chờ cơ hội tái tạo Liên Bang Nga Sô Viết bằng mọi cách, kể cả cách lấn chiếm các lân quốc, thành viên của một Liên Âu đang yếu hơn, sau khi Anh rút lui, và Mỹ đòi các nước Liên Âu phải đóng góp nhiều hơn nếu muốn tiếp tục được bảo vệ.

Cơ hội lấn chiếm lân quốc sắp tới của ông Putin, đang có nhiều triển vọng tốt, với cuộc thắng cử của luật sư Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc Gia của Pháp; bà này vốn là thành viên trung kiên của Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu chủ trương không gánh vác thiên hạ sự, và đặt trọng tâm của mọi nỗ lực vào mục đích France First.

Thiếu sự ủng hộ tối cần của ba cường quốc Anh, Pháp, và Mỹ, Liên Âu -nếu chưa chính thức tan vỡ- cũng sẽ chỉ còn là một cái xác chưa chôn.
 
Luật sư Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống Pháp

Triết gia Francis Fukuyama -người Nhật quốc tịch Mỹ mô tả cuộc “đổi đời” đang diễn ra trên thế giới bằng bốn chữ “the End of History” (Đoạn Kết của Lịch Sử), qua ba vị tổng thống Pháp, Nga và Mỹ, những chính khách ông cho là mị dân để thực hiện sách lược bài ngoại với khẩu hiệu AMERICA (hay NGA, hoặc PHÁP) FIRST.

Cuộc trả thù của lịch sử

Fukuyama gọi Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu là The Revenge of History (cuộc phục thù của lịch sử); trả lời một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông nói, "25 năm trước tôi không hình dung được một kịch bản hay một lý thuyết nào giải thích khả tín sự thoái hóa của dân chủ -hình thức chính trị tôi cho là tuyệt hảo. Giờ này tôi lo là cuộc thoái hóa đó đang được thực hiện."

Người viết bài báo nhỏ này không hiểu nguyên nhân nào khiến ông Fukuyama lại bỏ tên bà Thủ Tướng Anh Theresa Mary May ra ngoài danh sách những người đang thực hiện cuộc trả thù của lịch sử. Có thể vì bà không chủ động cuộc Brexit, mà chỉ là người hưởng ứng?

Triết gia Francis Fukuyama

Fukuyama đang cộng tác với ba viện đại học George Mason University, Johns Hopkins University, và Stanford University. Ông nổi danh là nhà tiên tri chính trị.

Mong là lần này quẻ bói của ông trật lấc; vì Phong Trào Bình Dân Thiên Hữu đang sắp xụm, vì Tổng Thống Donald Trump sắp bị truất phế và vì luật sư Marine Le Pen sắp thất cử. Cả ba chữ “sắp” đó lại cũng chỉ là mong ước. (ndt)




No comments:

Post a Comment

View My Stats