Hoàng
Hạnh -
Nhịp Cầu
Đầu Tư
Thứ Ba, 14/03/2017 07:30
“Sự
giàu có không đi kèm với tính minh bạch khiến chúng ta nghi ngại”.
Nhìn kỹ hơn vào các chỉ số của Báo cáo Thịnh vượng
2017, tốc độ tăng người siêu giàu ở Việt Nam không đáng ngạc nhiên. Theo các
chuyên gia, đó cũng không phải là một tín hiệu vui khi chênh lệch giàu nghèo
đang ngày càng nới rộng.
Mấy ngày gần đây, thông tin tốc độ tăng người siêu
giàu (sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên) của Việt Nam trong thập niên tới
được dự đoán ở mức 170%, cao nhất trên thế giới khiến dư luân đặc biệt quan
tâm. Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Công ty Tư vấn Bất động
sản Knight Frank công bố cho biết, năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu, dự
kiến sẽ lên 540 người vào năm 2026. Tuy nhiên, những con số được truyền thông
trong nước đăng tải nói trên chưa thể giúp đưa ra cái nhìn tương đối khái quát.
Người viết bài xin đưa ra thêm một vài số liệu, cũng dẫn từ Báo cáo Thịnh vượng
2017 của Knight Frank.
Thứ nhất, tốc độ tăng người siêu giàu Việt Nam giai
đoạn 2016-2026 vừa được dự đoán còn thua xa mức tăng ở cùng kỳ thập niên trước.
Báo cáo Thịnh vượng 2017 ghi nhận, số người Việt Nam có tài sản 30 triệu USD
năm 2006 là 50 người, con số tương ứng cho tới hết năm 2015 là 170 người, tương
đương mức tăng 320%. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thập niên tới, số lượng người
siêu giàu được đự đoán sẽ tăng 340 người, gấp đôi so với mức tăng ở thập kỷ trước.
Hiện tượng tương tự đã và đang xảy ra ở các nền kinh tế có xuất phát điểm thấp
tương tự Việt Nam như Ethiopia, Mauritius (châu Phi).
Thứ 2, dù có tốc độ tăng cao nhưng so sánh với các nền
kinh tế trong khu vực, số lượng người siêu giàu Việt Nam ở mức rất khiêm tốn.
Trong năm 2016, số lượng người siêu giàu ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia lần
lượt là 620, 1.020 và 1.120 người. Dự đoán trong 10 năm tới, con số tương ứng sẽ
là 1.050, 1.730 và 1.140.
Không
đi kèm minh bạch
Trao đổi với NCĐT, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
cho rằng, không ít người giàu thật nhờ lựa chọn đúng lĩnh vực đầu tư, nhờ các
thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đình đám trong năm vừa qua. Tuy nhiên,
nhiều nhất trong số những người siêu giàu kể trên tích tụ tài sản nhờ đất đai,
một điều đặc biệt không công bằng khi đất đai là sở hữu toàn dân. Thực tế, tỉ
phú bất động sản chiếm một nửa top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
năm 2016. “Mấy năm qua, dù các chỉ số kinh tế vĩ mô không mấy khả quan, bất động
sản vẫn mang lại cơ hội lớn. Trong khi các ngành nông nghiệp, công nghiệp không
nhận được nhiều sự trợ giúp về tín dụng, thị trường bất động sản vẫn được tiếp
sức với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Động thái của cơ quan quản lý cũng khiến
cho bất động sản dễ dàng huy động các nguồn lực ngoài xã hội. Kết quả là người
giàu cứ làm giàu thêm trên đất. Sự giàu có không đi kèm với tính minh bạch hay
ít nhất là một sự cải thiện liên tục về tính minh bạch khiến chúng ta nghi ngại”,
bà Phạm Chi Lan cho biết.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện
trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận
xét: “Không thể tránh được thất thoát tài sản nhà nước khi nền kinh tế chuyển từ
kế hoạch tập trung sang thị trường phải phân chia lại tài nguyên, đổi mới thành
phần kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bố trí lại nông lâm trường”.
Vì vậy, ông đặt ra một loạt nghi vấn: “Những người siêu giàu được tổng kết
trong công bố của Knight Frank là ai? Họ đang ở đâu trong nền kinh tế thực? Có
bao nhiêu người giàu ẩn danh, những người không thể hiện vai trò trong sản xuất
kinh doanh, trong sáng tạo công nghệ hay hoạt động đầu tư nào?”.
Sự
phân hóa tiêu cực
Giàu có thông qua đầu tư, phát triển công nghệ hay
gia tăng sản xuất là nỗ lực đáng khen ngợi. Tuy nhiên, giàu có thông qua các đợt
tăng giá bất động sản trong một thị trường chưa rõ ràng không có lợi cho tăng
trưởng bền vững. Trong 4 năm từ năm 2010 đến năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt
Nam năm nào cũng cao hơn năm trước. Cho đến năm 2016, GDP đã chững lại ở mức
6,21%, chứng tỏ tăng trưởng đã sụt giảm. Điều này có nghĩa là vấn đề nợ
quốc gia của Việt Nam không đem lại hiệu quả kinh tế mà chúng ta mong muốn. Tỉ
lệ 170% người siêu giàu chưa phải là mức tăng nhanh nhất Việt Nam từng đạt được.
Trong thời gian 2000-2006, giới siêu giàu đã tăng tới 320%, cũng là tỉ lệ cao
nhất thế giới. Tuy nhiên, trong khi nợ công tăng nhanh gần sát ngưỡng, tăng trưởng
GDP thì chững lại, người Việt siêu giàu lại tăng nhanh là một hiện tượng rất
đáng quan tâm.
Trong điều kiện đất nước phát triển còn thấp như ở
Việt Nam, việc có hơn 200 người giàu có một tài sản lớn để giúp 3,2 triệu người
thoát nghèo là sự phân hóa mang nhiều ý nghĩa tiêu cực. Nó có thể cho thấy khoảng
cách lớn về thực hiện phúc lợi xã hội.
Hệ lụy tất yếu khi số người giàu tăng lên không
tương ứng với sự phát triển chung của nền kinh tế là sự kéo giãn chênh lệch
giàu nghèo, tạo thành hố sâu ngăn cách. Theo dữ liệu của World Bank, chỉ số
GINI (thể hiện sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Việt Nam năm 2014
là 37,59%, thuộc nhóm cao thứ hai trên thế giới. Báo cáo về Bất bình đẳng của
Oxfam công bố tháng 1.2017 cho thấy, thu nhập một ngày của người giàu nhất Việt
Nam còn nhiều hơn của một người nghèo nhất kiếm trong 10 năm.
Công khai, minh bạch tài sản nên là giải pháp hàng đầu
để xóa bớt nghi ngại về chuyện làm giàu không chính đáng, từ đó, xoa dịu mâu
thuẫn bất bình đẳng xã hội. Tiếc rằng, vấp phải trở lực thậm chí từ những nhóm
thân hữu dựa vào sự thiếu minh bạch của cơ chế để trục lợi, Việt Nam chưa thực
hiện được điều này.
Đối với nhóm người giàu mới nổi hiện nay, xin được dẫn
lại lời một vị giáo sư người Úc, gốc Việt: không ai lại xây một biệt thự đắt tiền
mà chung quanh toàn những căn nhà lá; tương tự, tiêu tiền một cách xa xỉ trong
khi đại đa số đồng hương còn nghèo khó.
Còn với các nhà quản lý, theo khuyến cáo của bà Phạm
Chi Lan, khoảng cách giàu nghèo đang tạo thành hố thẳm ngăn cách, đi ngược lại
mục tiêu của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội. Chắc
hẳn điều này sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Hoàng
Hạnh
No comments:
Post a Comment