Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 25-01-2017
Chính
quyền Trump chính thức điều hành nước Mỹ. Phong cách truyền thông không ngần ngại
tung tin thất thiệt của tân tổng thống Hoa Kỳ trong suốt thời gian tranh cử khiến
công luận, mà trước hết là báo giới chuyên nghiệp hết sức lo ngại. Đối mặt với
làn sóng vu khống, dối trá, bóp méo thông tin lan tràn trên internet, bùng phát
đặc biệt trong những chiến dịch tranh cử của các lãnh đạo dân túy, các tập đoàn
truyền thông internet lớn buộc phải chấp nhận vào cuộc. « Internet tung vũ
khí chống tin tức bịa đặt (intox) » là tựa đề bài tổng thuật của Libération
hôm nay 25/01/2017.
Tin giả : Mối đe dọa lớn đối với truyền thông lương thiện Ảnh : Pixabay
Kỷ nguyên « hậu sự thật » là cụm từ được từ
điển Oxford bầu chọn làm « từ của năm 2016 » trong bối cảnh nước Anh trước
cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Vào lúc đó, tổng biên tập tờ The Guardian nêu
nhận xét : « … Khi cử tri không còn tin tưởng vào truyền thông, tất cả mọi
người rốt cục tin vào ‘‘sự thật’’ của riêng mình. Mà kết quả của điều này, như
chúng ta thấy, có thể là hết sức tồi tệ ».
Không khí « hậu sự thật », thời kỳ ngự trị của
niềm tin vào tin tức giả mạo, tuyên truyền bịa đặt, còn trở nên hiển hiện hơn với
cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Các nhà khổng lồ của thế giới mạng như
Facebook và Google đã bị chỉ trích kịch liệt, ngay sau khi ông Donald Trump đắc
cử tổng thống ngày 08/11/2016.
Chẳng hạn, tập đoàn Google đã để cho một bài viết bịa
đặt đến từ một trang « fake news » (trang tin giả mạo) nằm ở vị trí số 2
trong danh sách các kết quả tìm kiếm của Google. Bài viết cho rằng ông Trump đã
giành được nhiều phiếu của cử tri hơn bà Clinton (trong khi thực tế là ngược lại
: Hillary Clinton được 2,9 triệu phiếu hơn). Về phần mình, ông chủ của Facebook
chối bỏ mọi cáo buộc đã tiếp tay cho ứng cử viên Trump, để mặc thông tin không
được kiểm chứng lan tràn trên mạng xã hội này, vốn được khoảng 1,5 tỉ lượt kết
nối mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo Libération, chỉ một tuần sau khi ông
Donal Trump đắc cử, hai tập đoàn internet Google và Facebook đã buộc phải thừa
nhận mức độ nghiêm trọng của hiện tượng tin tức giả mạo. Kể từ giờ trở đi, hai
nhà khổng lồ của internet liên tục tung ra nhiều biện pháp để loại trừ các
trang mạng tung tin giả.
Google đã lập thêm mục « check facts » (kiểm
chứng sự kiện), gắn liền với một số tin mới. Trên thực tế, các nỗ lực chống tin
tức giả mạo đã được nhiều phương tiện truyền thông và cơ sở đại học tiến hành
khá lâu trước các tập đoàn tin học lớn. Dự án « check facts » (do Đại học
Duke, ở California, chủ trì) mà Google mới tham gia, đã ra mắt từ hơn một năm
nay (Dự án này đã được hơn một trăm trang web sử dụng, theo Đại học Duke).
Facebook cũng khởi sự trong phiên bản tiếng Anh các chức năng mới, cho phép người
sử dụng thông báo về một bài viết bị nghi ngờ là « hoax » (tin bịa), để
chuyển cho các cơ sở có nhiệm vụ kiểm định.
Tại Pháp, các báo lớn như Le Monde (với mục « Les
Décodeurs ») hay Libération (« Désintox »)… cũng đã tham gia vào
trào lưu này. Vẫn theo Libération, « cuộc tranh cử tổng thống Pháp trong hiện
tại vẫn chưa rơi vào tình trạng ‘‘hậu sự thật’’ », vốn rất phổ biến ở những
nơi khác.
Không chỉ tấn công vào các bài viết loan tin bịa đặt,
nhiều phương tiện truyền thông còn phát triển các plug-in cho phép nhận diện
các trang mạng chuyên tung tin giả. Cách làm này tuy nhiên có nhược điểm là một
thông tin thật có thể bị đánh giá là giả, nếu nó đến từ một trang mạng bịa đặt.
Nở
rộ các dự án thẩm định tin thật/giả
Lật mặt nạ trong các mạng giả mạo là một hoạt động
quan trọng của giới truyền thông, đặc biệt với sự ra đời của liên minh truyền
thông First Draft, năm 2015, có nhiệm vụ khuyến khích việc kiểm chứng
các thông tin ngay trên các mạng xã hội, với sự tham gia của những người dùng
internet. Google News Lab là một trong những thành viên sáng lập của liên minh.
Facebook và Twitter tham gia kể từ tháng 9/2016.
Thiết kế các công cụ thẩm định thông tin tự động
cũng là mục tiêu của châu Âu. Ủy Ban Châu Âu đã tài trợ cho dự án Pheme,
được khởi sự từ năm 2014, với sự tham gia của nhiều trường đại học ở châu Âu. Ý
tưởng này nảy sinh trong bối cảnh nhiều tin đồn xuất hiện sau cuộc bạo động năm
2011 tại Luân Đôn. Các kết quả trắc nghiệm đầu tiên sẽ được công bố vào đầu
tháng 03/2017.
Theo Libération, hiện trên thế giới khoảng 10 dự án
thẩm định thông tin tự động như vậy. Vấn đề gây tranh luận hiện nay là, thiếu sự
tham gia của các nhà báo có tay nghề, các công cụ thuật toán có thể để lại nhiều
sai sót.
----------------------------
Trọng Thành – RFI 18-03-2017
.
Trọng Thành –
RFI ĐIÊM BÁO - Đăng ngày 13-03-2017
.
Ngô
Nhân Dụng | March 7, 2017
.
Lê
Phan | November 19,
2016
.
No comments:
Post a Comment