Tuesday 14 March 2017

DỊCH ẤU DÂM & TRÒ ĐẤU TỐ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA (FB Le Hong Lam)





Chưa lúc nào các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, nạn ấu dâm lại được nhắc nhiều đến thế trên mạng xã hội. Cứ như một nạn dịch, từ khóa ấu dâm chắc được lan truyền nhiều nhất trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Từ vụ bắt giữ Minh béo tại Mỹ đến vụ ấu dâm có nguy cơ bị chìm xuồng ở Vũng Tàu; tiếp tục đến vụ ấu dâm ở một ngõ hẻm Hà Nội và trường tiểu học ở Thủ Đức (Sài Gòn) đang lây lan trên mạng gần đây. Dư luận chung là phẫn nộ với những lời nguyền rủa và đòi trừng trị đích đáng, đưa những kẻ ấu dâm biến thái ra ánh sáng. Đây cũng là những bài viết, chia sẻ bài báo nhận được lượt share nhiều nhất trên facebook. Nếu một người có lượng followers lớn lên tiếng, lượt share có thể lên đến vài ngàn. Nhận thức về ấu dâm được nâng cao, nhất là những người có con nhỏ.

Trong một bài share gần đây về bức thư của chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị không để vụ ấu dâm ở Vũng Tàu chìm xuồng gần đây, tôi có dẫn lại một câu thoại trong bộ phim Spotlight: “Cần một ngôi làng để giúp một đứa trẻ trưởng thành và cũng cần một ngôi làng để lạm dụng một đứa trẻ”. Một câu nói nổi tiếng khác về ấu dâm là: “Mọi người thường hỏi tôi: Làm sao một người lớn có thể lạm dụng một đứa trẻ? Tôi hỏi lại rằng: Làm sao mà nhiều người tốt không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn nó?”

Những vụ ấu dâm đã, đang và vẫn sẽ tiếp diễn. Ấu dâm là một thứ biến thái tình dục. Và có hàng loạt các bệnh lý về biến thái tình dục của con người như khổ dâm, bạo dâm, thông dâm, cưỡng dâm, phô dâm, loạn luân… Đó là những chứng, những bệnh lý liên quan đến các hành vi lệch lạc về tình dục, vừa liên quan đến não bộ, vừa lên quan đến nhân cách của người bệnh. Tình dục và các chứng biến thái về tình dục là sản phẩm của con người. Con người còn tồn tại, thì tình dục và các căn bệnh biến thái về tình dục còn tồn tại. Chúng ta không thể diệt trừ được nó, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nó. Các bệnh lý biến thái về tình dục có thể điều trị, có thể kiểm soát, có thể chữa được.

Những nạn nhân ấu dâm (và nạn nhân của các biến thái tình dục khác) có thể sống cả đời với nỗi ám ảnh và thậm chí để lại những di chứng tàn khốc. Rất nhiều nạn nhân tình dục sống trong sợ hãi, bị trầm cảm, thậm chí tự tử. Một nạn nhân của ấu dâm có thể trở thành thủ phạm của ấu dâm bởi họ không thoát khỏi những ám ảnh và di chứng đó.

Việc lên tiếng, lôi các thủ phạm ra ánh sáng, bảo vệ sự an toàn cho con trẻ là điều mà người lớn phải làm và phải nâng cao nhận thức về nó.

Chúng ta không im lặng và không thể để cho các thủ phạm của ấu dâm và các thủ phạm biến thái tình dục khác nằm trong vùng bóng tối và tiếp tục hành vi đồi bại của bọn họ. Nhưng, chúng ta cũng không thể hồn nhiên đưa một con người, khi chưa được pháp luật kết tội hoặc chưa có đủ bằng chứng kết tội, đang trong vùng nghi ngờ lên mạng xã hội, báo chí và ném đá họ. Hai hôm nay, tôi rùng mình khi nhìn thấy chân dung hai “nghi phạm” ấu dâm bị hồn nhiên đưa lên facebook và mọi người mặc nhiên chia sẻ chóng mặt như họ là những thủ phạm đã bị kết tội. Cả hai gương mặt đều bị đưa cận cảnh, bị công bố gia thế, thậm chí “thủ phạm” ở Thủ Đức bị công khai cả facebook cá nhân, số điện thoại, chỗ làm, hình ảnh người vợ bên cạnh. Các tờ báo online đưa tin về nạn nhân cũng chỉ mới nghe lời kể của phía nạn nhân với những lời khai không rõ ràng, chưa có bằng chứng cụ thể. Và cứ thế, chúng ta tiếp tay đưa họ lên sóng, ném đá và nguyền rủa không thương tiếc. Những bạn share chân dung và các thông tin về cá nhân, gia đình của hai “thủ phạm” chưa bị kết tội này, các bạn có nghĩ gì không? Có đặt ra phản biện không? Các bạn có đặt mình vào vị trí của họ, của người thân, của gia đình họ không? Các bạn có tin chắc vào lời khai của nạn nhân và những thông tin một chiều, đôi khi ngây ngô của những tờ online câu view không? Liệu bạn có tin một thủ phạm ấu dâm lại kéo nạn nhân vào trong hẻm và cưỡng hiếp tại chỗ, rồi hai đứa trẻ khác cầm roi vào đánh thủ phạm để hắn buông tha nạn nhân không? Liệu bạn có tin thủ phạm ở Thủ Đức cưỡng hiếp bé gái ngay tại trường học trong giờ nghỉ trưa không? Xin nói rõ là tôi không khẳng định có hoặc không? Nhưng những chứng cớ, lời khai này còn quá mơ hồ, không rõ ràng, thiếu dẫn chứng. Những lời khai của gia đình nạn nhân liệu có chính xác hoàn toàn? Bạn có nghĩ rằng họ đang trong cơn phẫn uất, trong nỗi lo lắng, có thể đặt ra các giả thiết nghi ngờ như vậy mà chưa có một bằng chứng cụ thể?…

Các biến thái về tình dục, đặc biệt là ấu dâm luôn là những đề tài nhạy cảm và đôi khi quá nhạy cảm để chúng ta có thể kết luận một cách dễ dàng. Nó liên quan rất nhiều đến phẩm giá và đạo đức của con người.

The Hunt – một bộ phim xuất sắc của điện ảnh Đan Mạch đã đặt ra một phản biện rùng mình, với tôi – có thể nói là chấn động về một thủ phạm bị-nghi-oan của ấu dâm. Người đàn ông trong bộ phim này, một ông giáo mẫu mực của một ngôi trường mẫu giáo, người yêu thương cô bé gái hết lòng nhưng cuối cùng bị cả cộng đồng và xã hội kết tội ấu dâm qua lời khai của cô bé gái 4 tuổi. Cô bé gái đó, một đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, tối hôm trước mới nhìn thấy hình dương vật trên chiếc máy Ipad của thằng anh trai khi nó xem phim porn, và trong một phút dỗi hờn vì thầy giáo khuyên nó nên về nhà sau giờ học trong khi nó muốn chơi cùng thầy giáo, đã nói dối với bà hiệu trưởng rằng thầy giáo cho nó xem dương vật. Một lời nói dối ngây thơ, một lời nói dối mà cô bé không lường được hết hậu quả, nhưng như một quả bom phá tan tành cuộc sống của ông giáo phẩm hạnh.

Từ một lời khai chưa được kiểm chứng của đứa bé gái 4 tuổi, cả xã hội, cả cộng đồng tấn công và dồn thủ phạm bị tình nghi vào tận chân tường. Một cuộc đi săn nhân phẩm tàn khốc, mà thủ phạm-nạn nhân không thể bảo vệ cho sự vô tội của mình. “Bạn phải phản ứng thế nào nếu bạn bị buộc tội ấu dâm, trong khi bạn vô tội?” – đó là một câu hỏi đau đớn mà người đàn ông trong bộ phim này thốt lên cay đắng khi bị cả cái xã hội văn minh săn đuổi.

Tôi hoàn toàn không dám đưa ra kết luận 2 thủ phạm bị tình nghi đang bị đám đông ném đá là vô tội hay có tội khi chưa có đủ thông tin. Tôi chỉ đưa ra ví dụ về bộ phim này để đưa ra một phản biện trước khi chia sẻ hay tố cáo một điều gì đó. Chúng ta không im lặng, chúng ta phải lên tiếng trước những điều tồi tệ, khốn nạn, vô nhân đạo trong xã hội, đặc biệt là liên quan đến những đứa trẻ ngây thơ chưa có đủ nhận thức để tự bảo vệ cho mình. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng nên suy nghĩ, đặt ra những phản biện trước những thông tin mà chúng ta nhận được, không thể cứ share tội vạ khi nó chưa được kiếm chứng. Không thể cứ hồn nhiên ném đá, đấu tố, lục tung cả facebook cá nhân, truy tìm nguồn gốc gia đình của thủ phạm đang bị tình nghi hay chỉ là qua lời khai của gia đình nạn nhân lên mạng khi họ chưa bị kết tội.



------------------


Sáng nay viết bài này, tôi biết đây là một góc nhìn nhạy cảm nhưng không thể không lên tiếng, bởi sự cuồng tín và cuộc đi săn của nhiều facebookers đã lên đến đỉnh điểm. Trong những comment hay share lại bài, tôi đọc được nhiều ý kiến đồng thuận, chia sẻ, nhưng cũng không ít những ý kiến phản bác, phản biện, chụp mũ, bóp méo, nâng cao quan điểm, công kích cá nhân. Tôi hoàn toàn không lạ với những chuyện này trên facebook và cá nhân tôi hầu như không sa vào những cuộc tranh cãi vô bổ, ngụy biện hoặc hiểu sai ý tôi chia sẻ, hoặc tách ra khỏi văn cảnh, khỏi chủ đề đang thảo luận. Tôi thích phản biện nhưng hoàn toàn không thích tranh cãi. Nhưng vì đây là một chủ đề nhạy cảm mà tất cả chúng ta cần được nâng cao nhận thức, cần được mở rộng tầm nhìn, cần phải lên tiếng và gây áp lực để không bị chìm xuồng nhưng cũng cần phải phá bỏ những single story (thông tin một chiều), cần được kiểm chứng, cần kiên nhẫn, cần tỉnh táo để không trở thành những kẻ đấu tố, ném đá trên mạng.. - nên tôi sẽ chia sẻ thêm một vài góc nhìn đáng quan tâm trên mạng xã hội hay từ những bạn đã share và comment.

* Một bài viết hay và đáng suy ngẫm của luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu
Trong đó, tôi đặc biệt thích ý này:
"Khi niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật xuống thấp, người ta chọn đến giải pháp hạ sách nhất, đó là đăng ảnh, công khai tên tuổi, địa chỉ, vợ con, gia đình của những nghi phạm và tự mình tuyên án hòng buộc cơ quan điều tra vào cuộc. Nhìn những hình ảnh đó, bản thân tôi cảm thấy rất khắt khe và chia rẽ. Tôi không biết mình phải trông chờ gì. Hành vi gây án là quá ghê gớm và nạn nhân lại quá đáng thương. Nhưng thử bình tĩnh và đặt một câu hỏi: chuyện gì sẽ xảy ra sau phán quyết? Tôi không thấy một câu trả lời nào tốt đẹp cả. Vì nếu quả thật những nghi phạm kia là thủ phạm, thì thật tội nghiệp cho đứa trẻ nạn nhân. Còn nếu những nghi phạm đó vô tội, thì trời ơi, ta đã làm chi đời họ?"

* Một chia sẻ của bạn Long Nguyen.
Chúng ta không im lặng trước cái ác, nhưng chúng ta cũng phải phân biệt đúng sai và chờ đợi đủ thông tin trước khi kết luận. Bởi suy cho cùng, khẩu nghiệp là cái dễ mắc phải nhất và share không đúng cũng tạo nghiệp ác như là im lặng trước cái ác.

* Trích dẫn hai quan điểm thú vị của bạn Melachan Ngố:
"Có trách nhiệm hơn khi share một thông tin nào đó. Hãy tự hỏi bản thân: Liệu mình có tin chắc 100% vào những gì mình đang share không? Liệu khi sự thật không giống như mình vẫn nghĩ, mình có thanh thản khi đã góp phần vào sự suy sụp của cuộc đời cũng như gia đình những người bị oan hay không? Liệu tay và miệng mình có bị đám đông cuốn đi trong khi óc mình đã ngừng suy nghĩ hay không?
Cuối cùng, lên án trên mạng mục tiêu chỉ nên tạo áp lực xét xử lên chính quyền, tuyệt đối không nên là bữa tiệc săn đuổi dựa trên danh nghĩa đạo đức của đám đông."

* Ý kiến của bạn Linh Hoang Vu:
"Mình ủng hộ các việc như ký tên, lấy chữ ký, gửi thư kiến nghị, hỗ trợ gia đình nạn nhân tìm kiếm luật sư, trao đổi thông tin...để gây sức ép lên các cơ quan điều tra trong việc không để buông xuôi các vụ ấu dâm. Thật sự mình nghĩ về cơ quan điều tra thì nếu không có sức ép, họ sẽ không mặn mà gì trong việc khởi tố do thường trong những vụ ấu dâm, các bằng chứng thực sự khá hiếm hoi và hầu hết phải dựa theo lời khai của nạn nhân (và ngay cả việc lấy lời khai các nạn nhân trẻ em này cũng rất phức tạp vì các bé có thể quá sợ hãi hay không hình dung được mức độ và lý do hay bản chất các hành động xâm phạm, dễ quên hay bị ảnh hưởng bởi người khác nên có thể có các lời khai bất nhất). Mới đây nhất, do sức ép của dư luận và báo chí cùng đơn kiến nghị của gia đình, Chủ tịch nước đã yêu cầu Vũng Tàu phải điều tra vụ xâm hại trẻ em. Điều này cho thấy gây sức ép tới các cơ quan điều tra bằng báo chí và dư luận mạng là cần thiết và có ích.
Nhưng mình không đồng ý với việc đưa hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, nơi ở...của nghi can lên mạng. Làm như vậy không khác gì tất cả ai có tài khoản FB đều trở thành quan toà và dễ dàng kết án chỉ căn cứ vào lời khai của một phía. Việc đó cũng có thể gây ra những hậu quả đối với cuộc sống không chỉ của nghi can mà cả gia đình họ cho dù họ mới chỉ là nghi can và còn chưa bị khởi tố vụ án hay khởi tố bị can."

Hết trích dẫn.

Còn dưới đây là vài quan điểm và thông tin thêm của tôi.

Tôi nhận được một vài ý kiến phản biện rằng, vì pháp luật ở Việt Nam không đáng tin cậy, vì công lý ở Việt Nam là một trò hề nên các facebooker phải thay trời hành đạo, phải lôi những nghi phạm trong bụi rậm (facebook) ra ánh sáng, và thà... bắt nhầm còn hơn bỏ sót - quả thật là nghe lạnh hết cả sống lưng. Và rất nhiều facebookers đã trở thành những vị quan tòa, những Bao Công xử án đanh thép đòi giết, đòi tùng xẻo và tung hê hình ảnh, số điện thoại của nghi phạm và gia đình anh ta. Không khí facebook ngày hôm nay khiến tôi liên tưởng đến những vụ đấu tố tập thể trong giai đoạn cải cách ruộng đất. Quá nhiều sự cuồng nộ và hung hãn, quá ít sự tỉnh táo và lý lẽ.

Những vụ án mạng xâm phạm cơ thể con người nói chung và ấu dâm nói riêng luôn rất phức tạp, nhiều uấn khúc, thay đổi khó lường qua lời khai của nạn nhân, nghi phạm, nhân chứng, qua sự kém cỏi của cơ quan điều tra, qua sự can thiệp của tiền bạc và quyền lực. Và không chỉ ở Việt Nam, các vụ án về ấu dâm trên thế giới cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rất nhiều khó khăn để đưa thủ phạm ra ánh sáng.

Vụ ấu dâm ở hệ thống các nhà thờ Công giáo ở Boston từng bị chìm xuồng nhiều lần trước khi nhóm nhà báo Spotlight, với sự quyết liệt và ánh sáng của lương tri đã đưa rất nhiều thủ phạm ra ánh sáng. Nạn ấu dâm trong các nhà thờ ở Boston tồn tại từ vài chục năm trước, qua lời kể của nhiều nạn nhân là từ thập niên 80 của thế kỷ 20 và chỉ được tờ Boston Globe phanh phui vào năm 2002 qua loạt bài điều tra gây chấn động. Vụ điều tra này cũng góp phần đưa ra ánh sáng hàng trăm vị linh mục bị kết tội ấu dâm ở hàng trăm nhà thờ Công giáo trên thế giới.

Về nạn ấu dâm trong các nhà thờ công giáo, các bạn đọc thêm ở đây:

Ở Pháp cũng có một vụ án mạng liên quan đến ấu dâm gây chấn động và kéo dài suốt gần 3 thập kỷ. Một cô bé 14 tuổi sang Đức nghỉ hè với mẹ và ông bố dượng trong mùa hè và sau đó chết bất đắc kỳ tử. Vụ khám nghiệm tử thi sau đó kết luận cô bé chết vì đột tử, nhưng người bố ruột của cô không cam tâm, mất rất nhiều năm trời đăng đẳng đưa vụ án mạng này ra ánh sáng. Ông đòi dẫn độ nghi phạm sang Pháp để xét xử, thậm chí phải cho khai quật xác cô con gái sau 3 năm để khám nghiệm ADN và phát hiện cô bé bị cắt mất bộ phận sinh dục. Vì nghi phạm là một bác sỹ có tiếng ở Đức nên hành trình đi tìm công lý càng thêm gian nan. André Bamberski - người bố đau khổ đó thậm chí còn trả tiền thuê giang hồ để bắt cóc nghi phạm, truy tìm các bằng chứng liên quan đến lạm dụng tình dục và ấu dâm của hắn ta. Vụ án này kết thúc vào năm 2009, đúng 27 năm sau cái chết của cô con gái. Người bố đó đã tìm lại công lý cho đứa con mình ở tuổi 74 và thủ phạm bị bắt ở tuổi 76. Một hành trình đi tìm công lý quá cay đắng.


Bộ phim của Pháp chuyển thể từ vụ án này, do hai diễn viên kỳ cựu của Pháp Daniel Auteuil và Đức Sebastian Koch đóng. Phim này tôi xem trên máy bay, hơi lê thê nhưng cũng đáng xem:
http://www.imdb.com/title/tt4228810/?ref_=nm_flmg_act_3

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ: Những vụ án về ấu dâm rất nhạy cảm, rất phức tạp và đòi hỏi rất nhiều thời gian để điều tra, để phá án. Chúng ta hãy cùng lên tiếng, hãy tạo sức ép lên luật pháp, báo chí, hãy nâng cao nhận thức về ấu dâm, hãy bảo vệ con cái chúng ta an toàn nhất có thể. Và chúng ta hãy cùng kiên nhẫn để chờ đợi vì chúng ta chỉ là những người dự cuộc, chứ đừng biến mình thành những vị quan tòa facebook, đừng biến mình thành những kẻ cuồng tín, đừng biến mình chạy theo những thông tin một chiều chưa được kiểm chứng, đừng biến mình thành những kẻ đấu tố và ném đá tập thể trên mạng. Bởi cuối cùng, nếu không thể tin ai được nữa, vẫn còn một thứ để chúng ta tin tưởng. Đó là lương tâm của chúng ta.






No comments:

Post a Comment

View My Stats