Saturday, 18 March 2017

ÂU CHÂU SẮP RÃ : CỘNG HÒA PHÁP VỀ ĐÂU (Nguyễn Xuân Nghĩa)




18/03/2017

Sau bầu cử tại Hòa Lan và Pháp, hãy nhìn vào mầm tan rã của Liên Âu…

*
Vương quốc Hòa Lan hiền hòa tại Tây Âu là một trong sáu nước sáng lập hệ thống Âu Châu thống nhất từ 60 năm trước. Với diện tích có 41 ngàn cây số vuông và dân số 17 triệu, Hòa Lan lại giữ vai trò quan trọng trong cơ chế Liên hiệp Âu châu hiện nay vì là biểu tượng cho tinh thần hội nhập các quốc gia Âu Châu sau nhiều thế kỷ chinh chiến.

Ngày 15 tuần qua, Hòa Lan vừa có bầu cử và dư luận Âu-Mỹ thở phào nhẹ nhõm khi thấy lãnh tụ Geert Wilders thuộc đảng Tự Do theo xu hướng cực hữu bị thất cử và Thủ tướng Mark Rutt của đảng Nhân Dân Tự Do Dân Chủ theo khuynh hướng trung hữu đã tái đắc cử. Nhưng dư luận khắp nơi cứ mừng hơi sớm và đánh giá sai một trào lưu đáng ngại sẽ tái xuất hiện còn dữ dội hơn tại Pháp trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng tới….

Sự kiện một nhân vật kỳ dị - kỳ lạ và dị hợm - như Geert Wilders lại về nhì và đảng Tự Do của ông chiếm được 20 ghế trong Quốc hội Hòa Lan là điều khó tưởng tượng nổi mới chỉ mươi năm trước. Ông ta chống Âu Châu, chống di dân, ra mặt kỳ thị Hồi giáo và đề cao chủ nghĩa quốc gia dân tộc mà người ta cho là hẹp hòi và đáng khinh. Thế thì ai đưa một người như vậy vào hệ thống chính trị cổ điển và “phải đạo” của Hòa Lan? Tại Pháp cũng thế, việc bà Marine Le Pen của đảng Mặt Trận Quốc Gia (Front National) thuộc khuynh hướng cực hữu có thể dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 23 tháng tới là một chỉ dấu đáng quan ngại về một trào lưu mới trong hệ thống chính trị Âu Châu và Hoa Kỳ.

Bài này sẽ viết về trào lưu đó vì nó báo hiệu sự phân rã của Âu Châu mà cột báo này đã nói từ lâu, trước khi Donald Trump làm nhiều người xốn xang….

***

Sau khi dân Anh quyết định ra khỏi Liên Âu hôm 23 Tháng Sáu năm ngoái, giới lãnh đạo Âu Châu và truyền thông thuộc “dòng chính” đã lầm khi cho là các nhân vật như Donald Trump, Marine Le Pen hay Geert Wilders là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc có thể đe dọa nền dân chủ Âu Mỹ.

Người ta quên là chính chủ nghĩa quốc gia dân tộc phát sinh cùng trào lưu dân chủ hóa từ cuối Thế kỷ 18, khi bùng nổ hai cuộc Cách mạng vì độc lập tại Hoa Kỳ (1776) rồi vì dân chủ tại Pháp (1789). Người dân chứ không phải các Hoàng đế hay vua chúa mới quyết định về phạm vi của quốc gia và quyền lực của công dân. Nền dân chủ thành hình từ thời ấy được xây dựng trên nền móng của các quốc gia đã giành lại quyền tự chủ. Quyền tự chủ đó khiến các công dân ý thức được – và còn thấy hãnh diện – là họ thuộc về một quốc gia có khác biệt với một quốc gia bên cạnh, hay bên kia đại dương. Chủ nghĩa quốc gia dân tộc thành hình từ đó.

Nói cho gần với chúng ta, Hoa Kỳ là một quốc gia đa chủng, hình thành từ di dân. Khỏi đi quá xa về quá khứ với người Mỹ bản địa gốc Á bị gọi là dân Da Đỏ, lớp di dân đầu tiên sẽ lập ra Hoa Kỳ là những người Anh cập bến ở Jamestown (thuộc tiểu bang Virgnia ngày nay) vào đầu Thế kỷ 17. Sau đó, nhiều đợt di dân khác đã phát triển và củng cố quốc gia. Họ trở thành công dân của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ qua ba điều kiện.

Một bậc quốc phụ thời ấy là Thomas Jefferson vạch ra hai điều kiện đầu tiên là 1/ phải học và dùng ngôn ngữ chung là Anh ngữ; và 2/ phải hiểu được và chấp nhận trật tự chung của cả tập thể. Điều kiện thứ ba là một thực tế kinh tế là di dân phải có cơ hội mưu sinh, là làm lại cuộc đời để sống trên đất mới.

Lời thơ của bà Emma Lazarus khắc dưới chân bức tượng Nữ thần Tự do nói về lý tưởng mà không là một cơ sở thực tế nếu di dân lầm than không có cơ hội sống trong quốc gia này. Muốn sống - kiếm ra việc và làm ra tiền - thì di dân phải biết Anh ngữ và chấp nhận luật pháp quốc gia, rồi dần dần hội nhập để trở thành công dân Hoa Kỳ.

Điều kiện thứ ba này – không do các nhà lập quốc Hoa Kỳ đặt ra – là vấn đề của Âu Châu ngày nay.

Khi di dân chối từ hội nhập, như không muốn học ngôn ngữ chính thức hoặc không chia sẻ các giá trị tinh thần của quốc gia tiếp cư, họ không thể trở thành công dân mà chỉ là “khách trú”, kẻ tạm cư vì lý do tiện ích hoặc an ninh. Nếu họ lại đả phá nền móng tinh thần hay pháp lý của quốc gia tiếp cư thì họ gặp phản ứng tinh thần của người dân sở tại. Người dân có quyền, thể hiện một cách dân chủ, là nêu vấn đề về loại “di dân khách trú” đó. Người Mỹ đầy từ tâm khó chấp nhận một nước Trung Hoa trong Hoa Kỳ và càng e ngại một xứ Mễ trong nước Mỹ!

Chúng ta đang có cuộc tranh luận về di dân nhưng hình như nhiều người lại hiểu sai thực tế.

Các xã hội Âu-Mỹ có một thành phần ưu tú vẫn đề cao lý tưởng đại đồng – thiên hạ một nhà – và chủ trương rộng rãi đón nhận di dân. Nếu nước Mỹ rộng lượng mở cửa cho 2% của những người nghèo nhất thế giới trong tinh thần của lời thơ Lazarus thì nên nhận thêm 140 triệu người nghèo đói của tứ phương, chưa kể các nạn dân của chiến tranh ở nhiều nơi khác?

Thành phần ưu tú đó – có học hay có tiền – thật ra không sống cùng di dân, trừ phi đấy là gia nhân!. Họ cũng chẳng trả giá cho lòng hảo tâm vì có nhiều cách lách thuế. Chính là dân nghèo tại Âu Châu và Hoa Kỳ mới tiếp cận với di dân và đụng vào thực tế phũ phàng, như cách sống, cách nói, cách hành xử khác biệt với nhiều tệ nạn xã hội phần ưu tú không thể gặp trong cái không gian kín cổng cao tường của đám quyền thế có tiền. Hãy lảng vảng vào thành đồng của giới ưu tú đó tại San Francisco thì biết!

Mà vấn đề không chỉ là cạnh tranh nghề nghiệp để kiếm sống.

Vấn đề là các giá trị truyền thống của Hòa Lan, Pháp, Đức, Mỹ lại không được nhiều di dân tôn trọng. Khi thành phần trung lưu thấp hoặc hạ lưu (theo định nghĩa kinh tế, là dân nghèo, chứ không theo định nghĩa luân lý) có phản ứng vì thiết tha với bản sắc quốc gia hay căn cước công dân của họ trước làn sóng di dân thì họ lại bị thành phần ưu tú đả kích là dốt nát, kém văn minh, thậm chí có tinh thần kỳ thị chủng tộc: Chủ nghĩa quốc gia dân tộc của dân nghèo chỉ là chủ nghĩa phát xít, nguyên nhân của chiến tranh tại Âu Châu!

Hóa ra truyền thông dòng chính phản ảnh quan điểm lý tưởng mà xa vời của thành phần ưu tú nên đang vô tình mở ra một cuộc… đấu tranh giai cấp!

Thành phần thấp kém ở dưới thấy số phận của họ không được sự đoái hoài của giới ưu tú có tiền, có quyền hay có học ở trên vì thành phần thượng lưu ấy sống trong môi trường khác nhờ tài sản, khả năng di động tự do và nhờ vào quan hệ mở rộng ra khỏi biên cương quốc gia. Giới thượng lưu là công dân quốc tế trong khi những dàn xếp quốc tế lại làm giới bần cùng thấy họ nghèo hơn xưa trong một nước mà kỷ cương quốc gia bị pha loãng, thậm chí bị phá hoại. Ngoài yếu tố kinh tế là nhiều người thấy bị nghèo đi vì trào lưu toàn cầu hóa, yếu tố văn hóa là bản sắc hay căn cước quốc gia bị đe dọa. Không muốn rơi vào cảnh vong căn thất cước thì họ mang tội là rơi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hoặc đề cao chủ nghĩa phát xít.

Bối cảnh ấy mới giải thích những hiện tượng đáng ngại trong các cuộc bầu cử vừa qua tại Âu Châu và Hoa Kỳ.

***

Tại Hòa Lan, sự kiện ứng cử viên Geert Wilders lại thất cử chỉ là bọt sóng ở ngọn.

Chìm sâu ở dưới là người gọi dân Maroc là heo và đòi đóng cửa các đền thờ Hồi giáo lại có quần chúng để về hai trong cuộc bầu cử dân chủ cho thấy một hiện tượng bất thường của xứ này. Và giới thượng lưu càng đả kích ông ta là phát xít hay kỳ thị, như một ấn bản dị hợm của Donald Trump tại Hoa Kỳ, lại càng tung thêm màn khói che phủ sự thật là có nhiều người Hòa Lan tử tế không thấy yên tâm về tương lai xứ sở.

Liên Âu muốn xóa bỏ ranh giới và bản sắc quốc gia nhưng nhập nhằng về một thực tại là có nhiều khác biệt giữa các quốc gia đã cấu thành cơ chế quốc tế này và trong khi cơ chế Liên Âu coi chủ nghĩa quốc gia là cái tội lại vẫn phải bám vào đó. Mâu thuẫn giữa chủ quyền quốc gia và ước vọng dân chủ của người dân trong các nước thành viên là một nhược điểm của Liên Âu. Việc Geert Wilders vẫn hiện hữu cho thấy là cuộc bầu cử vừa qua chỉ là dấu mốc ở trên, chứ tâm lý quần chúng ở dưới vẫn có những hậu quả khác mà cái nón phát xít không che giấu nổi.

Bước qua Pháp có 60 triệu dân, tình hình còn nguy hơn vậy. Ra khỏi cái bóng phát xít của thân phụ là Jean-Marie Le Pen - tới độ trục xuất ông khỏi đảng Mặt Trận Quốc Gia - Marine Le Pen là một thực thể có dáng vẻ bình thường hơn mà còn đáng sợ hơn Geert Wilders của Hòa Lan.

Cuộc bầu tử Tổng thống Pháp sẽ qua hai vòng, ngày 23 Tháng Tư rồi ngày bảy Tháng Năm nếu không ai được đa số trên 50%. Hai ứng cử viên dẫn đầu ở vòng một sẽ tranh cử ở vòng hai và đấy là lúc người ta gom phiếu để đạt đa số. Từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tại Anh vào năm ngoái tới cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày tám Tháng 11, ta thấy đa số dự đoán đều trật lấc. Vì vậy, mình nên thận trọng khi muốn tiên báo việc này hay chuyện nọ.

Nhưng các cuộc khảo sát ý kiến tại Pháp đều cho thấy Marine Le Pen sẽ dẫn đầu ở vòng một. Như trước đây, qua vòng hai thì các chính đảng tả hữu đều tìm cách gom phiếu để Le Pen không thể là Tổng thống của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp. Nhưng vì sao Marine Le Pen dẫn đầu? Nước Pháp hết người rồi sao?

Hãy nhìn vào chuyện ngắn rồi mới nói tới những chuyển động sâu xa hơn của cường quốc này.

Kinh tế Pháp đang lụn bại với thất nghiệp trung bình khoảng 10%, mức cao nhất từ 35 năm nay. Trong số thất nghiệp, tỷ lệ cao nhất, tới 25%, là giới trẻ dưới 24 tuổi. Tình trạng lầm than đó tập trung tại hai khu vực địa dư là miền Nam và vùng Đông Bắc. Đây là nơi Marine Le Pen được ủng hộ nhiều nhất và đảng của bà đã thắng trong các cuộc bầu cử địa phương trước đây. Miền Nam của Pháp cũng tựa miền Nam Âu Châu, vốn có cái nghiệp suy sụp từ lâu. Nhưng vùng Đông-Bắc từng là một trung tâm kỹ nghệ tiên tiến bây giờ lại sa sút làm cư dân thất vọng.

Nạn suy thoái kinh tế Pháp không chỉ kết tinh vào nạn thất nghiệp. Mô hình phát triển của Pháp đã đụng đỉnh và tốc độ tăng trưởng chỉ lập lờ ở mức 0,1% hay 0,2% như trong quý ba năm ngoái là mừng! Kinh tế Pháp lệ thuộc vào xuất cảng, tới 30% của Tổng sản lượng, hơn gấp đôi Hoa Kỳ, và ngoại thương sút giảm là kinh tế khó tăng trưởng. Marine Le Pen đã hốt phiếu của thành phần lao động xưa nay vẫn bỏ phiếu cho cánh tả ngay trong thành trì của các đảng Xã Hội và đám mây mù từ cực tả tới cộng sản.

Trong khi nước Pháp lụn bại như vậy thì quốc gia láng giềng là nước Đức tương đối vẫn xoay trở khả quan hơn và chính là vai trò trưởng tràng của Đức trong khuôn khổ Âu Châu và khối tiền tệ Euro mới là vấn đề khác khả dĩ giải thích vì sao Marine Le Pen lại dẫn đầu.

Xưa nay, Pháp từng là cường quốc Âu Châu, lại còn là ngọn hải đăng cho quốc tế với bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 (Déclaration des droits de l'homme et du citoyen) và dạy dỗ thế giới về ba lý tưởng Tự do, Công bằng và Bác ái. Nhưng sau khi lật đổ nền quân chủ và chặt đầu ông vua, Pháp thành lập Đế chế của Napoléon Bonaparte và gây chiến với cả Âu Châu lẫn Đế quốc Nga trong 10 năm từ 1804 tới 1814, rồi lụn bại dần trước trào lưu thống nhất và vững mạnh hơn của nước Đức.

Bị Đức khuất phục ba lần, vào các năm 1871, 1914 và 1939, Pháp chỉ còn là vang bóng thời xưa và trong 40 năm Chiến tranh lạnh liên kết với Đức để có tiếng nói cao hơn khả năng kinh tế, lại còn nhấp nhổm dựng ra tam giác Mỹ-Pháp-Nga để có ảo giác là cường quốc thế giới.

Khi Liên Xô tan rã và nước Đức tái thống nhất thì mâu thuẫn giữa thế và lực của Pháp đã hiện hình. Nhiều người Pháp có thể tự hỏi rằng nước Pháp là gì, có còn là một cường quốc như xưa không, mà tại sao không? Muốn chinh phục lại ưu thế cũ thì tính sao về nước Đức, về Liên Âu và đồng Euro như một bệ phóng của kinh tế Đức?

Đã vậy, từng là cường quốc thực dân, Pháp đón nhận dân Hồi giáo từ các nước Bắc Phi hay Phi Châu. Thành phần này hiện hữu từ lâu trong xã hội Pháp và không ít người lại chẳng hội nhập mà cư xử như “khách trú” trong nhiều khu vực riêng. Pháp có mật độ Hồi giáo cao nhất Âu Châu (7,5% tính tới năm 2010) mà không kiểm tra dân số nữa để chứng minh tính chất đại đồng, không phân biệt chủng tộc: đã sống trên đất Pháp thì là người Pháp!

Có hai thành phần không chấp nhận điều ấy: một số cư dân Hồi giáo và một số công dân Pháp. Cư dân Hồi giáo càng chống Pháp hay càng dung túng hoạt động khủng bố thì công dân Pháp càng khó chịu. Họ chống chánh sách xóa bỏ biên cương của Âu Châu trong Hiệp ước Schengen, đả kích chủ trương tiếp nhận di dân của Đức và ào ạt… bỏ phiếu cho Marine Le Pen.

Những chuyển động nói trên tại Anh, Pháp hay Hòa Lan không chỉ hạn chế vào kết quả bầu cử trong ngắn hạn. Dù không đắc cử, Geert Wilders hay Marine Le Pen vẫn là biểu tượng của cái gì đó sâu xa lâu dài hơn. Cái gì đó là sự tan rã của trật tự cũ. Sự hình thành của một trật tự mới có thể kéo dài cả chục năm, trên những mảnh vụn của Liên Âu và đồng Euro bị sứt mẻ. Còn lạnh mình hơn kịch bản Marine Le Pen là Tổng thống Pháp!






No comments:

Post a Comment

View My Stats