Monday 20 March 2017

AI MUỐN XÂY NHÀ CAO TẦNG TRÊN 'VŨNG LẦY PVN ?' (Thiền Lâm)




Thiền Lâm
March 18, 2017

Có thể xem loạt bài “Tài chính dầu khí và ‘vũng lầy’ PVN” đăng vào giữa Tháng Ba, 2017, là sự khởi đầu cho chiến dịch tổng công kích của truyền thông nhà nước dành cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN).

Để sau đó hẳn phải là “cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc” với căn cứ là “báo nói như vậy…”

Đây mới chỉ là vài bài đầu tiên của Thanh Niên, sau đó sẽ “còn tiếp.” Và những bài đầu tiên mới chỉ đề cập một vụ việc khá “nhẹ nhàng”: Những sai phạm ở Tổng Công Ty Tài Chính Cổ Phần Dầu Khí (PVFC) đã tạo thêm một “vũng lầy” cho PVN có phần nghiêm trọng hơn cả khoản thua lỗ của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) và khoản góp vốn mất trắng theo OceanBank. Phần thiệt hại của PVFC là trên 500 tỷ đồng.

500 tỷ đồng tất nhiên vẫn chưa bằng với số mất trắng 800 tỷ đồng mà PVN đã góp vào OceanBank, và còn thua xa con số thất thoát 9,000 tỷ đồng tại các Ngân Hàng Xây Dựng trong vụ đại án Phạm Công Danh.

Nhưng xin nhắc lại, PVFC mời chỉ là đối tượng đầu tiên bị “đánh.” Nếu không có gì thay đổi, chính trường được hứa hẹn sẽ diễn biến những cú đánh tiếp theo, dành cho những “cá mập” trong ngành dầu khí còn lớn hơn hẳn PVFC.

Cũng cần nhắc lại, tín hiệu PVN bị “đánh” đã xuất hiện ngay trước Hội nghị trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” vào Tháng Mười, 2016, nhưng sau đó bất chợt “chìm” đi, cùng lúc chẳng nghe tin tức khai báo gì của Vũ Đức Thuận trong trại giam Bộ Công An. Nhưng sau Tết Nguyên Đán 2017, lại xuất hiện tín hiệu PVN sắp bị “mổ.” Có thông tin cho rằng chính Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương là cơ quan “nắm rất chắc vụ PVN.”

Khác hẳn Ban Nội Chính Trung Ương của Cựu Ủy Viên Trung Ương Kiêm Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương lại được chủ nhiệm bởi một ủy viên Bộ Chính Trị là ông Trần Quốc Vượng – người trước đây là chánh văn phòng trung ương đảng và được xem là “cánh thân hữu” với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ sau Đại Hội 12 và kể cả từ sau mệnh lệnh “việc cần làm ngay” của ông Trọng phát ra từ Tháng Sáu, 2016, câu chuyện cần mô tả là cho đến giờ Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương vẫn chưa có nổi một thành tích đáng kể nào, ngoài việc kiểm tra xe hơi của Trịnh Xuân Thanh và một số công việc mang tính hành chính khác.

Do vậy, vụ PVN có thể là một cơ hội để ông Trần Quốc Vượng “lấy điểm” trước Tổng Bí Thư Trọng, nhất là trong quan điểm của ông Trọng vẫn ngầm mang hơi hướng so sánh giữa Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng Cộng Sản Việt Nam với Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Làm thế nào để Trần Quốc Vượng có thể trở nên Vương Kỳ Sơn?

Và làm thế nào Việt Nam tạo dựng được một chiến dịch “Săn Cáo” khá thành công như Tập Cận Bình đã làm từ năm 2013 cho đến nay?

Đó hẳn là ấp ủ tràn đầy của ông Nguyễn Phú Trọng mà các đối thủ chính trị của ông, dù đương chức hay đã về hưu, phải luôn dè chừng.

Cho tới nay, dù chưa có gì thật sự nổi trội trong Thường Vụ Đảng Ủy Công An Trung Ương, nhưng Tổng Bí Thư Trọng vẫn cơ bản “nắm” được hệ thống truyền thông báo nhà nước thông qua Phó Trưởng Ban Thường Trực Ban Tuyên Giáo Trung Ương Kiêm Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn.

Thanh Niên hẳn là một tờ báo không chỉ về truyền thống là “cánh tay phải của đảng,” mà còn phải làm sao để đảng phục hồi độ tin cậy, nhất là sau vụ tung tóe của tờ báo này khi nhận tiền quảng cáo của đại gia để đánh nước mắm truyền thống và khiến người sản xuất điêu đứng mà đảng vẫn để yên cho tổng biên tập tờ báo này.

Sau loạt bài mở màn trận công kích đối với Bí Thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, báo Thanh Niên tiếp tục chinh phục lãnh địa của PVN tập đoàn được xem là giàu nhất Việt Nam với gần $35 tỷ tài sản và 166 ngàn tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng lấy lãi.

Bàn cờ chính trị đang biến thế từng tuần và có thể đảo lộn lớn trong thời gian tới. Cho dù PVN bị xem là “vũng lầy,” hẳn không ít thế lực chính trị vẫn muốn cơi nới nhà cao tầng ngay trên vũng lầy đó.

--------------------------------------

Phạm Chí Dũng
March 15, 2017

Tương lai của nền ngân sách độc đảng sẽ là một hình ảnh khá tương đồng với “con tàu đắm” Vinashin hiện hồn cách đây một con giáp.

Xác chết chưa chôn
Vinashin (Tập Ðoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam) thực ra đã “chết” từ rất lâu rồi, nhưng cứ như một “tục lệ,” vài ba năm một lần giới quản lý tài chính lại “ai điếu” với cái xác chưa thể chôn này.
Vào thời gian sắp diễn ra kỳ họp Quốc Hội mới vào cuối quý 1 năm 2017, phía chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ Tài Chính lại một lần nữa “tố”: dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63.2 nghìn tỷ đồng.
Không “tố” sao được! Chẳng lẽ ông Phúc lại chịu đưa đầu “chết thế” cho những kẻ còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
Vào thời thủ trưởng cũ của ông Phúc là Nguyễn Tấn Dũng, số nợ của Vinashin đã lên tới khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ đôla, chiếm đến 2.5% GDP vào thời gian đó. Chẳng có cách gì trả nợ nổi, Vinashin đã trở thành một vụ án mang tầm cỡ quốc gia với thật nhiều quan chức tham nhũng và vô trách nhiệm. Nhưng phán quyết của tòa án đã chỉ dừng ở chính giới lãnh đạo Vinashin mà không có bất kỳ quan chức chính phủ nào phải trả giá.

Cho đến tận giờ này…
Ðến giờ này, lấy đâu ra số tiền hơn sáu chục ngàn tỷ để trả nợ thay cho Vinashin, trong lúc ngân sách còn “phải chạy ăn từng bữa” – theo cách ví von còn chút liêm sỉ của một chuyên gia nhà nước?
Quả là chưa có một đời thủ tướng cộng sản nào phải “đổ vỏ” ghê gớm như thời ông Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ riêng trong khu vực các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà con số nợ vay đã lên đến 237 tỷ đôla, các đời chính phủ đã bảo lãnh đến 21 tỷ đôla, để chính phủ còn đang tồn tại phải có trách nhiệm trả nợ cho số tiền vào thời buổi “không biết đào đâu ra” này.
Vậy chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm gì đó để “đóng cửa bảo nhau”?

Thuật ướp xác
Không thể rút ngân sách để “bù đắp khó khăn” cho Vinashin, vào năm 2005, chính phủ Việt Nam đã tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7.125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.
Về sau này, một chuyên gia tài chính là ông Bùi Kiến Thành đã phải nói rằng việc chính phủ giao toàn bộ 750 triệu đôla vào tay Vinashin mà không cần có các dự án cụ thể để giải ngân là “lỗi cực kỳ lớn.”
Do chẳng ai thấy cần phải chuộc lỗi, đến năm 2010, số dư nợ của Vinashin đã lên đến 86 ngàn tỷ đồng và trở nên “vô phương cứu chữa.”
Cũng vào năm 2010, chính phủ Việt Nam lại phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6.75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin.” Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.
Vào năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam lại xoay sở phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu. Tuy nhiên lần này có vẻ không còn “thành công” như hai lần trước đó. Ðây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên khốc liệt hơn hẳn trên cung đường “lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng.”
Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành 3 tỷ đôla trái phiếu đặc biệt ra quốc tế.” Nhưng đến lúc này, mọi thứ chỉ còn là ảo mộng. Giữa năm 2016, kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.
Còn bây giờ là năm 2017. Món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là “tân chính phủ” của người vẫn còn bị một số dư luận xem là “tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.”

“Sám hối”
Từ quý 4 năm 2016, thần sắc và phát ngôn của ông Phúc đã khác với gương mặt hớn hở khi nhận lẵng hoa từ người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng ngay sau đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Trầm tư và có vẻ co thủ hơn, có lẽ Thủ Tướng Phúc bắt đầu “rút kinh nghiệm sâu sắc” và thận trọng xử lý những gì thuộc về dĩ vãng.
Sau hai cảnh báo có hơi hướng “sám hối” – “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào cuối năm 2016, đến đầu năm 2017 chính phủ của ông Phúc bắt đầu có vài động thái “làm chuồng sau khi mất bò”: Năm 2017, chính phủ chỉ bảo lãnh vay 1 tỷ USD cho doanh nghiệp.
Thông tin trên được phát ra bởi Cục Quản Lý Nợ và Tài Chính đối ngoại (Bộ Tài Chính). Cơ quan này giải thích rằng hạn mức quá khiêm tốn như thế là để không tăng thêm gánh nặng nợ công.
Như vậy, hạn mức bảo lãnh vay năm 2017 sẽ giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2.5 tỉ đôla và 2016 là 1.5 tỉ đôla), và giảm rất mạnh so với mức 6.6 tỷ đôla của năm 2014.
Cùng lúc và như một hiệu lệnh, giới quan chức từ cao xuống thấp trong chính phủ đồng loạt tuyên bố sẽ không chấp nhận đưa nợ vay của các doanh nghiệp vào nợ công quốc gia. Những doanh nghiệp nào không thể trả nợ thì phải phá sản.
Ðó là hậu quả không cách nào tránh khỏi của những năm trước, khi nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan để đầu tư trái ngành đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm, thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Kết cục, có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008 khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái.

Nếu bạn là Thủ Tướng Phúc?
Tình thế đã bí lắm rồi.
Nếu tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam phải lên đến 210% GDP chứ không còn “đã sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” như một báo cáo mới đây của chính phủ.
Còn nếu phải “ôm” núi nợ đến 237 tỷ đôla của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà chiếm đến 120% GDP hiện thời, chính phủ của ông Phúc chỉ còn nước từ chức toàn diện.
Cho dù đã không ai chịu từ chức vào năm 2015, khi thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam phải trả nợ đến 20 tỷ đôla. Còn vào năm 2016, người “may mắn” thế chỗ cho ông Dũng là Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam phải trả 12 tỷ đôla.
Chưa có thông tin chính thức về trả nợ năm 2017, nhưng nhiều khả năng Việt Nam cũng phải trả cho các chủ nợ khoảng một chục tỷ đôla…
Nhưng Vinashin lại không phải là “con tàu đắm” duy nhất trong một nền ngân sách đang ruỗng mục với tốc độ ngang ngửa lạm phát thực tế. Nếu trước đây xã hội đã phải phát sốt với hiện tượng tập đoàn kinh tế nhà nước ăn theo kiểu “đào tận gốc trốc tận rễ” như Vinashin và Vinalines, thì từ năm 2012 đến nay các vụ án quốc gia đã chuyển dần sang giới ngân hàng – xây dựng, đại dương, dầu khí toàn cầu – với vụ án nào cũng thất thoát đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ngân hàng lại là tử huyệt của nền tài chính. Những Vinashin và Vinalines tuy thất thoát và nợ lớn nhưng sẽ không dễ khiến thị trường tín dụng chao đảo đổ bể và gây hoảng loạn xã hội như khối ngân hàng thương mại.
Nếu bạn là Thủ Tướng Phúc, bạn sẽ phải “kiến tạo và hành động” ra sao để cứu vãn ngân sách quốc gia khỏi chìm sâu dưới đáy đại dương?





No comments:

Post a Comment

View My Stats