2.02.2017
Trên 2,000 cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn người tham dự đã diễn ra khắp
thế giới vào ngày 29 tháng Mười Một, 2015 trước khi Thoả hiệp Paris về khí hậu
thay đổi được ký kết giữa 195 quốc gia nhằm đối phó với hiện tượng nhiệt hoá
toàn cầu đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Trái, cuộc biểu tình tại
Helsinsk, Finland. Giữa, hai em bé trong cuộc biểu tình cùng ngày tại London,
England. Phải, cuộc biểu tình cùng ngày tại Tokyo, Japan. (Ảnh http://www.cbsnews.com/pictures/world-rallies-for-action-against-climate-change/)
Sau
28 năm làm việc, toàn thể 195 quốc gia cam kết đối phó với hiện tượng khí hậu
thay đổi đe doạ sự tồn vong của nhân loại; song TT đắc cử Donald Trump đe sẽ
rút ra khỏi thoả hiệp.
Trong
một cuộc tranh biện vài năm trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có lần
tweet đi — cái tweet ấy đã được truyền đi hàng trăm ngàn lần sau đó, và được
đưa ra trong cuộc tranh biện giữa hai ứng cử viên tổng thống hồi tháng Chín năm
rồi — rằng hiện tượng khí hậu thay đổi do nhiệt hoá toàn cầu gây ra bởi sinh hoạt
của loài người là bịa đặt của Trung Hoa – a Chinese hoax – nhằm làm suy yếu
ngành kỹ nghệ chế biến của Hoa Kỳ.
Trong
thời kỳ tranh cử vừa qua, ông Trump cũng cho biết sẽ rút ra khỏi Hiệp định
Paris 2015 về khí hậu thay đổi mà toàn thể 195 thành viên (gồm
194 quốc gia và Hiệp hội Âu châu, tức toàn thể các quốc gia trên thế giới) đã
cam kết thi hành. Và ông cũng đã giữ lời khi đề cử vào nội các tương lai của
ông một số nhân vật được biết tới như những người có liên hệ với giới tài phiệt
dầu hoả và chối từ hiện tượng khí hậu thay đổi là do con người tạo ra do sức
tiêu thụ ngày một tăng trưởng các nhiên liệu rút ra từ trái đất (fossil fuels)
của con người.
Tại
cuộc họp của Liên Hiệp Quốc ở Marrakesh, Morrocco, vào giữa tháng Mười Một sau
ngày bầu cử vừa qua, phó ngoại trưởng Trung Hoa Liu Zhenmin đã chỉnh ông Trump
khi trả lời phóng viên là: đúng ra thì chính nhị vị Tổng thống Ronald Reagan và
Phó Tổng thống George H.W. Bush (Cha) thuộc đảng Cộng hoà mới là những người có
công khởi động cuộc bàn thảo về hiện tượng nhiệt hóa toàn cầu khi đề nghị thành
lập ban Hội thẩm Các Chính phủ về Khí hậu Thay đổi vào cuối thập niên 1980
(Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC).
Tổ
chức IPCC được thành hình vào năm 1988 qua sự phối hợp của hai cơ quan Chương
trình Môi trường thuộc Liên Hiệp Quốc (UN Environment Program) và Thời tiết Thế
giới (World Meteorological Organization) trong thời kỳ Tổng thống Reagan còn tại
chức. Từ đó tới nay, sau gần 30 năm trời, IPCC đã phát hành năm bản tường trình
chi tiết dựa vào các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm của các chuyên viên khí hậu
toàn thế giới, cùng nhiều tài liệu liên hệ khác, hiện có tại Web site của IPCC.
Vào
năm 2007, cùng với cựu phó tổng thống Al Gore, đồng sản xuất phim tài liệu “An
Inconvenient Truth” (Một Sự Thật Phiền Toái), cơ quan IPCC đã được trao giải
Nobel Hòa bình sau khi công bố bản tường trình thứ tư, trong đó đề xuất các
phương cách để làm giảm hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu, gồm các nỗ lực giảm lượng
thán khí thải vào khí quyển và gia tăng sử dụng năng lượng thiên nhiên như mặt
trời và gió.
Thế
nào là nhiệt hoá toàn cầu và khí hậu thay đổi cùng ảnh hưởng của hiện tượng này
hiện nay và trong tương lai? Thỏa hiệp Paris là gì và gồm những gì? Tại sao nhiều
người thuộc đảng Cộng hoà vẫn phủ nhận mặc dù nhiều nhân vật thuộc các đảng bảo
thủ của các chế độ dân chủ tại Âu Châu và hầu hết các nhà khoa học về khí hậu
thay đổi công nhận là có thật, rằng hiện tượng khí hậu thay đổi do chính con
người gây ra. Các nhà khoa học còn có một cụm từ dành riêng cho hiện tượng đó,
đó là Anthropogenic Global Warming, có nghĩa là nhiệt hoá toàn cầu do sinh hoạt
của con người gây ra.
Hiện
tượng nhiệt hoá toàn cầu, khí hậu thay đổi và ảnh hưởng
Từ
nhiều thập niên nay chúng ta đã nghe nhiều về “greenhouse effect”. Giống như
hơi nóng được giữ lại trong nhà kiếng để cây trồng trong đó đủ ấm đặng tăng trưởng
trong mùa đông, trái đất chúng ta có một lớp khí quyển bao quanh để giữ lại một
phần hơi nóng mặt trời nếu không muôn loài sẽ bị cóng lạnh. Đó là tiến trình tự
nhiên.
Tuy
nhiên, trong vòng một thế kỷ qua, hiện tượng tự nhiên ấy đang bị đảo lộn vì các
hoạt động kỹ nghệ và nông nghiệp ngày một gia tăng của con người nhẳm thoả mãn
nhu cầu tiêu thụ và một dân số ngày một gia tăng, giúp thải vào bầu khí quyển một
lượng lớn khí độc chưa từng có so với các thế kỷ trước. Bên cạnh đó là nạn đốt
rừng khẩn hoang và chăn nuôi, mà cây cối vốn giúp hấp thụ bớt thán khí. Thế
quân bằng thiên nhiên do đấy đã bị đảo lộn.
Nhiệt hoá toàn cầu do hơi nóng mặt trời bị thán khí từ việc xử dụng nhiên
liệu như than, dầu hoả giữ lại trong bầu khí quyển không thoát ra ngoài không
trung được. Hơi nóng này đã thấm vào và hâm nóng nước biển đưa tới nạn băng rã,
nước biển dâng cao, và khí hậu thay đổi tạo nên hạn hán, cháy rừng và giông bão
lớn bất thường. Hiện tượng này từ một thế kỷ nay đã diễn ra với một tốc độ báo
động. (Ảnh
nasa.gov)
Kết
quả là trái đất bị bao quanh bởi một bầu thán khí dầy đặc, khiến sức nóng mặt
trời tới mặt đất không phản chiếu bớt ra ngoài không gian được mà ngấm vào nước
biển, gia tăng sức nóng đưa tới nạn băng rã, nước biển ngày một dâng cao. Trái
đất chúng ta ngày một nóng dần. Theo các khoa học gia và chuyên viên khí hậu,
trong 100 năm qua, mặt đất đã nóng thêm 0.85 độ C, tức 1.4 độ F, và 13 trong số
14 năm nóng nhất diễn ra trong đầu Thế kỷ 21, với năm 2015 là năm nóng hơn cả.
Hậu
quả của hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu này là khí hậu thay đổi, bão lớn bất thường,
lụt lội, hạn hán, mùa màng bị ảnh hưởng. Trong số những người đi xin tị nạn năm
rồi bên Âu châu, ngoài dân Syrian còn nhiều dân đến từ các vùng bị hạn hán ở
Phi Châu, bị bật rễ do cả chiến tranh lẫn khí hậu thay đổi. Những vùng ven biển,
như Miami, đã bắt đầu chứng kiến nước biển tràn vào thành phố. Theo dự đoán, nếu
tình trạng hiện nay tiếp tục, vào năm 2100, toàn thành phố Miami sẽ chìm dưới
nước biển.
Đấy
cũng có thể là số phận của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của Miền Nam, mà chúng
ta ít nghe tới, hoặc không để ý. Thực ra từ cuối năm 2014, tại cuộc hội thảo quốc
tế tại Cần Thơ với chủ đề “Hạ tầng nước và các thách thức trong biến đổi khí hậu,”
các chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo: đó là 45% diện tích của vùng đồng bằng
sông Cửu Long, nơi sản xuất hơn 50% sản lượng lúa gạo của cả nước, chưa kể những
sản phẩm nông nghiệp và hải sản khác, sẽ bị ngập nước mặn vào năm 2030.
Nhiều
quốc gia hải đảo, đặc biệt trong vùng Nam Thái Bình Dương, đang bị đe dọa, đã
và đang kêu cứu tới các quốc gia thưa dân giúp định cư dân của họ, hoặc những
quốc gia hiện tiêu thụ nhiên liệu dầu hoả nhiều, như Hoa Kỳ, Trung Hoa và một số
nước phát triển khác hãy giảm bớt mức tiêu thụ của họ để làm chậm lại hiện tượng
nhiệt hoá. Danh từ “tị nạn môi trường” (environmental refugees) đã bắt đầu xuất
hiện từ nhiều năm nay.
Đức
Dalai Lama, Đức Giáo Hoàng Francis cùng lên tiếng cảnh báo
Quan
tâm về môi trường và tồn vong của muôn loài trên trái đất không chỉ của riêng
các chính phủ và các nhà khoa học. Hai vị lãnh đạo tinh thần quan trọng nhất của
thế giới là Đức Giáo hoàng Francis và Đức Dalai Lama cũng đã lên tiếng về quan
tâm này.
Tại
trang Web của Ngài, Đức Dalai Lama dậy: “Hoà bình và sự sinh tồn trên trái đất
như chúng ta vẫn biết đang bị đe doạ bởi hoạt động của con người thiếu gắn bó với
các giá trị nhân bản. Sự tàn phá thiên nhiên và nhiên liệu là kết quả của sự
ngu dốt, tham lam và thiếu tôn trọng đối với các sinh vật của trái đất. Sự thiếu
tôn trọng này ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai của nhân loại, là những người
sẽ thừa hưởng trái đất đang bị suy thoái nếu hoà bình không trở thành hiện thực
và sự tàn phá môi trường thiên nhiên tiếp tục với vận tốc hiện nay.”
Trong
bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc ngày 25 tháng Chín, 2015, ba tháng trước khi
Thoả hiệp Paris về khí hậu thay đổi được ban hành, Đức Giáo Hoàng Francis cảnh
báo: “Bất cứ tổn hại nào tới môi trường là tổn hại tới nhân loại. Khủng hoảng
môi sinh và sự tàn phá ở mức độ lớn lao tới hệ sinh hoá đa dạng có thể đe doạ tới
sự hiện hữu của chính loài người vậy.”
Nói
với 1.2 tỉ con chiên của Ngài, tức 16 phần trăm của tổng số 7.4 tỉ dân số thế
giới hiện nay, Đức Giáo Hoàng gọi sự xúc phạm tới môi trường là một cái tội
(sin). Theo Ngài, “Giới nghèo của thế giới, mặc dù ít trách nhiệm nhất đối với
hiện tượng khí hậu thay đổi, song lại là giới bị tồn thương và khốn khổ nhất vì
khí hậu thay đổi.” Ngài kêu gọi các chính phủ, tổ chức quốc tế, nói chung nhân
loại, hãy cùng chung sức để giải quyết nạn khí hậu thay đổi do các sinh hoạt của
con người gây ra này.
Hầu
như mọi người, mọi giới đều công nhận hiện tượng khí hậu thay đổi đang đe dọa tới
sự tồn vong của trái đất và nhân loại.
Tài
tử Leonardo DiCaprio bỏ ra hai năm đi khắp thế giới thu hình và phỏng vấn các
giới liên hệ, trong đó có các nạn nhân của hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu, cuối
năm rồi đã trình làng phim tài liệu “Before the Flood”, cảnh báo về một Cơn Hồng
Thủy có thể xẩy ra hủy diệt mọi loài trên trái đất. Trước đó, vào cuối năm
2015, cùng với một liên hợp các tổ chức môi trường và tài chính với trên 2,000
cá nhân và 400 đoàn thể, DiCaprio cũng đã đồng ý rút vốn đầu tư của mình trong
tổng số 2,600 tỉ Mỹ kim ($2.6 trillion) của liên hợp ra khỏi các hãng khai thác
nhiên liệu (fossil fuels).
Cách
đây mấy năm, nhà báo về môi trường Elizabeth Kolbert cho ra đời cuốn “The Sixth
Extinction” (Cuộc Đại Tuyệt Chủng Lần thứ Sáu) đã trở thành best-seller, mô tả
trái đất đang trong tiến trình đi tới cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu do chính
loại người gây ra bởi sự gia tăng tiêu thụ và phí phạm nhiên liệu thiên nhiên.
Lần đại tuyệt chủng cuối cùng xẩy ra cách đây 66 triệu năm, đã đưa tới cuộc tuyệt
chủng của giống khủng long (dinosaurs) và nhiều loài khác thời ấy.
Hầu
như cả thế giới, kể cà nhiều nhà lãnh đạo thuộc khuynh hướng bảo thủ của Tây
Âu, hiểu cái gì đang chờ đợi nhân loại, và biết cần phải làm gì để ngăn cuộc đại
tuyệt chủng này.
Mọi
người, trừ một số đảng viên đảng Cộng Hoà. Trong đó có Tổng thống đắc cử Donald
Trump. Thế giới gọi họ là những kẻ chối từ hiện tượng khí hậu thay đổi –
Climate Change Deniers.
Thoả
hiệp Paris về khí hậu thay đổi
Cho
đến nay, thế giới đã họp nhau cả thẩy 21 lần trong gần ba thập niên, để trình bầy
các nghiên cứu khoa học về hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu và khí hậu thay đổi,
và đưa ra những đề án nhằm cứu vãn trái đất.
Một
trong những lần họp đáng nhớ nhất, và đã xúc động tôi mãnh liệt, là kỳ Earth
Summit (Thượng đỉnh về Trái Đất) vào năm 1992 ở Rio de Janeiro, Brazil, trong
đó có cô bé Severn Cullis-Suzuki, 12 tuổi, đã cùng các bạn để dành tiền tới Rio
để trình bầy quan tâm về môi trường của mình. Cả hội trường Earth Summit hôm ấy
đã lặng im trong sáu phút để nghe cô Suzuki trình bầy mối quan tâm của cô và
các bạn đồng lứa về hiện trạng của trái đất, và thành khẩn kêu gọi các vị lãnh
đạo thế giới hãy hành động, thay vì chỉ tuyên bố xuông. Toàn bài diễn văn bằng
âm thanh, video clip, và nguyên văn bằng tiếng Anh có thể tìm thấy tại các link
trong chú thích bên dưới.(*)
Tại Hội nghị Earth Summit ở Rio de Janeiro, Brazil, năm 1992, cô bé
Severn Cullis-Suzuki, 12 tuổi, đã khiến cả hội trường và thế giới lặng im trong
sáu phút để nghe cô trình bầy mối quan tâm của cô và các bạn đồng lứa về hiện
trạng của trái đất, và thành khẩn kêu gọi các vị lãnh đạo thế giới hãy hành động,
thay vì chỉ tuyên bố xuông. “Cha cháu thường bảo: ‘Con là hiện thân của
điều con làm, không phải điều con nói,’” cô Suzuki nói. “Điều quý vị làm đã khiến
cháu khóc hằng đêm. Quý vị người lớn nói quý vị yêu chúng cháu. Cháu thách thức
quý vị hãy hành động phản ảnh lời nói của quý vị. Cháu chỉ là một đứa bé nhưng
cháu biết nếu tất cả những tiền bạc tiêu hao vào chiến tranh mà được dùng đề chấm
dứt nghèo đói và tìm giải đáp cho các vấn đề môi trường, trái đất này đã là một
nơi thần tiên rồi vậy!” (Ảnh Internet)
Tuy
vậy, cô bé Severn và các bạn trong nhóm Trẻ Em Vì Môi Trường (Environmental
Children Organization) này đã phải chờ tới năm 2015, tức gần một phần tư thế kỷ
sau, tại Paris, các nhà lãnh đạo thế giới mới đi tới Thỏa hiệp Paris về thay đổi
khí hậu. Lần họp ở Paris cuối năm 2015, khi cuối cùng 195 quốc gia cùng ký kết
Thoả Hiệp và thỏa thuận những gì cần làm để cứu vãn trái đất, đó là lần thứ 21,
có tên là COP 21 (COP có nghĩa là Hội nghị các thành viên – Conference of the
Parties).
Các
chính phủ, kể cả Trung Hoa là nước dẫn đầu trong danh sách sả thán khí nặng nhất
hiện nay (25 phần trăm) và Hoa Kỳ xếp hàng thứ hai (12 phần trăm, một phần nhờ
những nỗ lực từ hơn chục năm nay để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí),
cùng đồng ý với gần 200 thành viên của Thỏa hiệp Paris về một chương trình hành
động.
Chương
trình đó có thể tóm tắt vào năm điểm chính: Thứ nhất, giữ nhiệt độ toàn cầu dưới
2 độ C, tức 3.6F, tốt nhất là ở mức 1.5C. Thứ hai, đây là thỏa hiệp toàn cầu đầu
tiên và mỗi quốc gia cùng cam kết góp phần để đương đầu với hiện tượng khí hậu
thay đổi. Thứ ba, đồng ý giới hạn thán khí “lồng kính” (greenhouse gases) sả ra
do các hoạt động của loài người xuống mức mà cây cối, đất đai và đại dương có
thể thu thập tự nhiên bắt đầu vào khoảng từ năm 2050 tới 2100. Thứ tư, mỗi năm
năm sẽ xét lại chương trình của mỗi quốc gia trong việc cắt giảm việc các cơ sở
kỹ nghệ sả thán khí vào khí quyển. Và thứ năm, các nước giầu giúp các nước
nghèo bằng cách đóng góp tài chính để giúp họ đáp ứng với hiện tượng khí hậu
thay đổi, trong đó có các công trình khai triển hệ thống thu dụng năng lượng
xanh, như gió và mặt trời.
Vào ngày 12 tháng Mười hai, 2015, 195 quốc gia cam kết cùng hiệp lực đối
phó với hiện tượng khí hậu thay đổi tại Paris. Lần đầu tiên sau gần ba thập
niên toàn thể các quốc gia trên thế giới đồng ý phải hành động để giảm hiện tượng
khí hậu thay đổi và giúp các quốc gia nghèo khai triển hệ thống năng lượng
xanh. Tuy vậy, với chính phủ Donald Trump sẽ lên cấm quyền vào ngày 20 tháng
Giêng này, gồm nhiều nhân vật từ chối tin là hiện tượng khí hậu thay đổi hiện hữu
và do con người gây ra, tương lai của Thỏa hiệp Paris chưa biết sẽ ra sao, mặc
dù các chính phủ thành viên của Thỏa hiệp cho biết họ sẽ vẫn tiến hành. (Ảnh Arnaud Bouissou-COP21/Anadolu Agency/Getty
Images)
Thoả
hiệp Paris và chính phủ của ông Trump
Tất
nhiên vì Thỏa hiệp Khí hậu không có các biện pháp chế tài nên các quốc gia có
thể chọn thi hành hay không thi hành các điều đã thoả thuận. Tuy nhiên, vì hiện
tượng toàn cầu hoá (globalization) hiện nay khiến các quốc gia liên hệ, nếu
không là buộc phải liên đới với nhau ở mọi khía cạnh để tồn tại, từ chính trị,
an ninh tới kinh tế, xã hội của đời sống nhân loại. Do đấy, hậu quả của sự thiếu
hợp tác của bất cứ quốc gia nào cũng sẽ ảnh hưởng tới mọi người ở mọi nơi trên
trái đất.
Tổng
thống đắc cử Trump có thể không cần rút ra khỏi Thoả hiệp Paris mà chỉ cần
không thi hành các thoả thuận mà người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barrack
Obama, đã ký kết, trong đó có việc đóng góp tài chính để giúp các quốc gia kém
hoặc đang phát triển đối phó với hiện tượng khí hậu thay đổi và phát triển các
công trình kỹ nghệ năng lượng xanh. Ngoài ra, ông cũng có thể tháo gỡ những luật
lệ hạn chế việc khai thác các nhiên liệu rút ra từ trái đất, như than và dầu hoả;
và tháo gỡ các hạn chế áp đặt trên các cơ sở kỹ nghệ trong việc sả thán khí, bất
chấp những tính toán tốn kém xã hội (social cost analysis) do Tổng thống Reagan
đã ra lệnh thiết lập để đo đạc kết quả của mỗi điều luật về môi trường, và đã
được công nhận bởi án lệnh của toà.(**)
Mặc
dù vậy, đây không phải là những việc làm nhẹ nhàng, nhanh chóng, như gửi đi một
vài cái tweet là xong. Như ông Trump vẫn làm.
Nhiều
tiểu bang, cơ quan, tổ chức liên hệ tới các chương trình đối phó với hiện tượng
khí hậu thay đổi từ mấy thập niên qua, kể từ khi Tổng thống Reagan khởi động việc
thành lập tổ chức quốc tế IPCC, cho biết họ sẽ tiếp tục các công trình nhằm cứu
vãn trái đất. Và nếu cần sẽ đưa chính quyền Trump ra toà.
Trước
khi chấm dứt, xin giới thiệu độc giả tới một công cụ do cơ quan Climate Central
đưa ra để đo ảnh hưởng của mức độ nước biển đối với các vùng ven biển. Tại
trang Web này, bạn có thể viết tên thành phố ở gần biển, như Miami chẳng hạn,
vào hộp Search, để xem mực nước biển ngày càng dâng cao ảnh hưởng tới nơi này
ra sao.
surging
seas risk zone map
http://ss2.climatecentral.org/#12/40.7296/-74.0070?show=satellite&projections=0-rcp85-slr&level=5&unit=feet&pois=hide
http://ss2.climatecentral.org/#12/40.7296/-74.0070?show=satellite&projections=0-rcp85-slr&level=5&unit=feet&pois=hide
Chú
thích:
(*)
Severn Suzuki, Speech at U.N. Conference on Environment and Development, Rio de
Janeiro, Brazil, 1992, https://www.youtube.com/watch?v=oJJGuIZVfLM; http://www.americanrhetoric.com/speeches/severnsuzukiunearthsummit.htm
(**)
Donald Trump Should Know: This Is What Climate Change Costs Us, http://www.nytimes.com/2016/12/15/opinion/donald-trump-should-know-this-is-what-climate-change-costs-us.html
[TD,
2017/01]
No comments:
Post a Comment