Tuesday, 21 February 2017

SẼ CÓ QUY TẮC BIỂN ĐÔNG ? (Trần Khải)




21/02/2017

Có thực chính phủ Trung Quốc ưng chịu một bản Quy tắc Biển Đông? Nghĩa là, TQ sẽ tuân một bộ quy tắc ứng xử nào đó? Bù lại, nếu như thế, thế giới, hay Châu Á sẽ có gì bù đắp cho Hoa Lục?

Bản tin VOA kể rằng ASEAN-Trung Quốc đang có nỗ lực với Quy tắc Biển Đông.

Philippines loan báo Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á đang nỗ lực hết mình để hoàn thành khung sườn của Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) trước thời hạn đã đề ra.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose, ngày 19/2 cho báo giới biết ASEAN và Trung Quốc đã có cam kết tới giữa năm nay phải đạt được khung sườn COC.

Vẫn theo lời ông Jose, giới chức đôi bên đang nỗ lực hết mình để hoàn tất trước thời hạn này.

Trước đó, Philippines, nước chủ tịch ASEAN năm nay, cho hay ASEAN nhắm đạt được khung sườn COC trong năm, một thỏa thuận mang tính ràng buộc hầu đảm bảo hòa bình-ổn định Biển Đông.

Khung sườn COC là bước quan trọng tiến tới việc chung quyết một Bộ quy tắc COC thực thụ.

VOA ghi rằng các cuộc thương lượng giữa ASEAN với Trung Quốc về COC đã kéo dài hơn chục năm nay.

Phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Philippines được đưa ra trong lúc Ngoại trưởng các nước ASEAN chuẩn bị họp tại Boracay vào ngày 21/2. Trong số các đề tài thảo luận dịp này có phần chắc sẽ đề cập đến tân chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, cùng các mối quan tâm khác trong khu vực.

Trong khi đó, VnExpress nêu ra rằng TQ đang muốn gây thách thức mới: Dự luật an toàn hàng hải mới của Trung Quốc có thể cản trở hoạt động tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ, làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson của hải quân Mỹ ngày 18/2 bắt đầu chuyến tuần tra thường lệ trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang xem xét thay đổi luật an toàn hàng hải với những quy định mới có thể đặt ra thách thức lớn cho tàu chiến Mỹ hoạt động trên vùng biển này, theo Stripes.

Bản tin này ghi rằng Văn phòng Lập pháp của Quốc vụ viện Trung Quốc đang chuẩn bị lấy ý kiến công luận về bản dự thảo luật An toàn giao thông và Hàng hải năm 1984, trong đó yêu cầu các tàu thuyền nước ngoài phải xin phép trước khi tiến vào "vùng biển Trung Quốc", tàu ngầm phải nổi lên mặt nước, treo cờ và báo cáo với nhà chức trách.

Dự thảo luật cũng cho phép chính quyền Bắc Kinh cấm tàu thuyền nước ngoài tiến vào lãnh hải của mình nếu họ cảm thấy tàu đó "có khả năng gây nguy hiểm tới giao thông và trật tự".

VnExpress viết:

“Theo bình luận viên Erik Slavin, các quy định mới mà Trung Quốc đang xem xét áp dụng này đặt ra thách thức rất lớn với quan điểm của Mỹ về tự do hàng hải trên Biển Đông và các vùng biển quốc tế khác, làm gia tăng nguy cơ nổ ra hiểu lầm và đụng độ ở các khu vực này.”

Trong khi đó, bản tin RFI viêt về Biển Đông cho biết: Việt Nam bắt đầu có chiến lược mới chống Trung Quốc.

Theo các chuyên gia quân sự, đối sách chủ yếu chống Trung Quốc trên Biển Đông của Việt Nam gần đây là chiến lược gọi là sea denial - chống tiếp cận từ ngoài biển -nghĩa là dùng các phương tiện thông thường ngăn không cho lực lượng đối phương thâm nhập.

Tuy nhiên, trong bài phân tích đăng trên trang mạng tờ báo Mỹ The National Interest ngày 16/02/2017, chuyên gia về Hải Quân Đông Nam Á Koh Swee Lean Collin thuộc trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore cho rằng Hải Quân Việt Nam đã thay đổi đối sách để chuyển sang sử dụng chiến lược counter-intervention – chống can thiệp – mà chủ lực sẽ là 6 tàu ngầm lớp Kilo có trang bị tên lửa hành trình Klub-S đã được Nga bàn giao đầy đủ.

Với tầm bắn 300 km, loại tên lửa này - gọi là SLCM (sea launched land-attack cruise missile), phóng đi từ ngoài biển nhắm vào các mục tiêu trên bờ - có thể đánh vào các căn cứ và sân bay Trung Quốc, chẳng hạn như căn cứ hải quân gần Tam Á (Sanya) ở phía nam đảo Hải Nam, nơi tập trung chủ lực các lực lượng Trung Quốc phụ trách Biển Đông.

RFI ghi rằng, theo National Interest, vào lúc Hải Quân Việt Nam vừa nhận được đầy đủ 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga và sắp sửa vận hành được một đội tàu ngầm hoàn chỉnh trong năm 2017, mọi người vẫn nghĩ rằng chiến lược hải quân đặt trọng tâm vào việc chống tiếp cận trên biển của Việt Nam vẫn đang được áp dụng.

Nhưng, theo nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin, quả đúng là tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm quy ước, thường được gắn với một chiến lược chống tiếp cận, tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, cần phải nhìn xa hơn bình thường. Cả 6 chiếc tàu không chỉ được trang bị bằng các loại vũ khí chống tiếp cận truyền thống như ngư lôi và thủy lôi chẳng hạn, mà còn có tên lửa hành trình hải đối địa Klub-S – tên tắt tiếng Anh là SLCM (sea launched land-attack cruise missile), có thể bắn trúng mục tiêu cách xa đến ba trăm cây số...

Nhà quan sát kỳ cựu về quân đội Việt Nam Carlyle Thayer đã cho rằng loại tên lửa này của Việt Nam sẽ được dùng để tấn công các cảng và các sân bay Trung Quốc, chẳng hạn như căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam, hơn là nhắm vào các thành phố trải dọc theo bờ biển phía nam lục địaTrung Quốc.

RFI ghi thêm:

“Tóm lại, theo nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin, để đối phó với tiềm lực quân sự to lớn của Trung Quốc, Việt Nam đang từng bước chuyển hướng chiến lược, từ chống tiếp cận trên biển qua một chiến lược mới sẽ làm tăng chi phí mà Trung Quốc phải trả cho hành động xâm lăng của họ. Việc hoàn chỉnh hạm đội tàu ngầm của Việt Nam vào năm 2017 này chỉ là bước quan trọng đầu tiên theo hướng đó.”

Biển Đông vẫn là nỗi lo vậy.



No comments:

Post a Comment

View My Stats