Sunday, 26 February 2017

HOA KỲ : CHI PHÍ AN NINH CHO TỔNG THỐNG TỶ PHÚ & GIA ĐÌNH SẼ LÀ "TIỀN TỶ" ? (Minh Anh - RFI)




Minh Anh - RFI
Phát Thứ Bảy, ngày 25 tháng 2 năm 2017

Ai cũng biết rằng chi phí bảo vệ an ninh cho một nguyên thủ và gia đình là rất tốn kém, nhất là tại một quốc gia lớn như Hoa Kỳ. Với việc nhà tỷ phú địa ốc Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Hoa Kỳ có lẽ sẽ phải tăng chi gấp bội cho việc bảo đảm an ninh do việc các thành viên gia đình Trump sống rải rác và phải di chuyển nhiều cho công việc kinh doanh.

Sân đánh golf Mar-a-Lago, còn được gọi là «Nhà Trắng ở phía nam » của gia đình tổng thống Mỹ Donald TrumpREUTERS/Carlos Barria/File Photo

Thông tín viên Anne Marie Capomaccio tại Washington giải thích :

« Báo chí liệt kê chi tiết về chi phí các chuyến đi và bảo vệ gia đình tổng thống. Chưa bao giờ các cơ quan an ninh phải bảo vệ đến ngần ấy địa điểm. Ngoại trừ Nhà Trắng, họ còn phải bảo đảm an ninh tòa tháp Trump ở New York, nơi sinh sống của Đệ Nhất Phu Nhân; các chuyến đi kinh doanh của hai cậu con trai, gia đình cô con gái Ivanka tại Washington, và các chuyến đi tới nơi nghỉ ở Mar-a-Lago.

Trang mạng Judicial Watch, chuyên giám sát các khoản chi tiêu công, đã công bố một báo cáo về gia đình Obama. Trong tám năm, chi phí cho các chuyến đi công vụ và nghỉ ngơi của hai vợ chồng ông Obama là 100 triệu đô la. Theo tổ chức thuộc phe bảo thủ này, thì có thể giảm bớt được khoản chi tiêu đó.

Tuy không bình luận gì về các khoản chi cho gia đình ông Trump, nhưng báo chí Mỹ đưa ra vài phép tính. Việc giám sát tòa tháp Trump ngốn mất 500.000 đô la/ngày, cả năm sẽ là 183 triệu. Một giờ bay của chiếc chuyên cơ tổng thống Air Force One giá 200.000 đô la, các chuyến đi nghỉ tới Mar-a-Lago đã gây tốn kém lớn, đó là chưa tính đến giờ làm thêm của lực lượng cảnh sát ở những nơi này, rồi rất nhiều chuyến đi lại của mấy cậu con trai ông Trump.
Judicial Watch gợi ý là ông Trump đến nghỉ cuối tuần ở Camp David, như vậy chỉ cần dùng trực thăng đi từ Washington đến nơi đó. Thế nhưng chưa chắc điều này lại phù hợp với sở thích của tổng thống. »

Đây chỉ mới là khúc dạo đầu. Đương nhiên gánh nặng này có lẽ còn đè nặng lên ngân sách của Hoa Kỳ. Liệu rằng người dân Mỹ, nhất là những người đã bỏ phiếu ủng hộ ông Trump có tiếp tục sẵn lòng chịu đóng thuế để bảo đảm an ninh cho cả nhà ông Trump trong suốt bốn năm nhiệm kỳ tổng thống hay không?

Donald Trump: Khi con hơn cha, ….
Ông Donald Trump, không biết là nên hãnh diện hay là phải ganh tị, nhưng tiếng tăm của Ivanka, con gái ông Trump giờ đang « nổi lên như cồn » tại Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong khi mà bản thân tổng thống đang là tâm điểm của mọi lời chỉ trích tại đây.
Theo ghi nhận của Angelique Forget, thông tín viên RFI tại Thượng Hải, kể từ khi cha cô đắc cử tổng thống, hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc đã ồ ạt nộp đơn xin dùng tên cô để đăng ký thương hiệu cho nhiều dòng sản phẩm:
« Hiện tại tất cả các đơn xin của những doanh nghiệp nào muốn đăng ký thương hiệu Ivanka đều đang trong quá trình xem xét, và chưa có trường hợp nào được cấp phép. Nếu như Cơ Quan Đăng Ký Bản Quyền Thương Hiệu Quốc Gia có cho phép, người ta có thể sẽ sớm tìm thấy tên của Ivanka xuất hiện trên các chai rượu, các sản phẩm giúp giảm cân, mỹ phẩm hay các loại băng vệ sinh
Bởi vì tại Trung Quốc, Ivanka Trump rất nổi tiếng, còn hơn cả cha cô. Nhất là kể từ khi cô đến thăm đại sứ quán Trung Quốc ở Washington hồi Tết Âm lịch vừa qua. Nhân dịp đó, cô con gái Arabella Trump 5 tuổi, đã đọc một bài thơ bằng tiếng Hoa.
Nhưng chưa chắc gì Ivanka Trump cảm thấy thích thú khi thấy tên mình được đặt cho các sản phẩm Trung Quốc. Đặt một thương hiệu bằng tên nước ngoài là một hiện tượng rất phổ biến tại Trung Quốc, nhưng việc này không phải lúc nào cũng làm cho những người liên quan hài lòng.
Ngôi sao bóng rổ Michael Jordan đã được tòa án Trung Quốc xử thắng kiện, không cho phép một nhà cung cấp trang thiết bị thể thao sử dụng tên của mình. Về phần Ivanka, hiện chưa có kiện tụng gì. Khoảng bốn chục doanh nghiệp đã sử dụng tên của cô, nhưng ghi bằng chữ Hoa ».

Lắp GPS: Trung Quốc theo dõi xe hay là người ?
Tại Trung Quốc, xe không lắp thiết bị định vị kiểu GPS thì không được quyền mua xăng dầu. Đây là thông báo của cảnh sát Trung Quốc vừa được đưa ra. Nơi thí điểm đầu tiên là vùng tự trị Ba Âm Quách Lăng (Bayingolin).
Giải thích vì sao chính quyền Bắc Kinh lại chọn khu vực trên làm thí điểm đầu tiên, thông tín viên Angelique Forget tại Thượng Hải cho rằng đấy không phải là một sự ngẫu nhiên. Khu vực này nằm trong tỉnh Tân Cương, cực tây Trung Quốc. Tình hình tại đây luôn căng thẳng vì là nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ, một sắc tộc theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là sắc tộc bị trấn áp nhiều nhất, do Trung Quốc lo sợ các ý đồ ly khai, đòi độc lập.
Ở đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ bạo động tự phát. Gần đây nhất là một vụ tấn công bằng dao do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện làm 5 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Bắc Kinh lập tức triển khai ồ ạt lực lượng chống khủng bố.
Nhưng điều làm cho chính quyền lo ngại nhất là các vụ tấn công bằng xe hơi cài chất nổ. Tháng 12/2016, một chiếc xe cài bom đã phát nổ ở Tân Cương, làm một người chết. Đây cũng chính là nguyên do thúc đẩy Trung Quốc ra quy định buộc các xe phải lắp hệ thống định vị, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn người dân trong vùng và ở khắp nơi.
Tuy nhiên, theo thông tín viên Angélique Forget thì biện pháp này, tuy có thể giúp chính quyền theo dõi người dân dễ dàng hơn, nhưng lại có nguy cơ làm gia tăng mối oán thù giữa người Duy Ngô Nhĩ với chính quyền Trung Quốc :
« Nhất là hệ thống định vị sẽ được lắp đặt này thuộc mạng lưới vệ tinh Trung Quốc « Bắc Đẩu –Beidu » và do vậy chính phủ có thể theo dõi dễ dàng hơn. Từ nay đến 30/06, những người sử dụng xe hơi phải lắp đặt hệ thống định vị Bắc Đẩu và biện pháp này áp dụng đối với tất cả các loại xe : Xe tư nhân, xe công vụ, xe tải, xe ủi…
Theo chính quyền địa phương, thì biện pháp này sẽ cho phép bảo đảm an ninh, đồng thời tạo nên một sự « hài hòa xã hội » hơn. Thế nhưng, biện pháp nói trên có nguy cơ làm gia tăng sự thù oán của người Duy Ngô Nhĩ đối với chính quyền Trung Quốc. »

Thái Lan: Tham nhũng trong ngành cảnh sát, vô phương cứu chữa ?
Tham nhũng thì đâu cũng có nhưng có lẽ chẳng đâu tệ hại bằng Thái Lan, nhất là trong ngành cảnh sát. Tệ nạn này đã trở thành một căn bệnh mãn tính, gần như là vô phương cứu chữa.
Người dân Thái Lan ngày càng bất bình và bắt đầu trỗi dậy tố cáo cảnh sát thao túng tư pháp và tham nhũng. Các cáo buộc này không phải là mới nhưng thời gian gần đây xảy ra một loạt các sự cố có dính líu đến nhiều sĩ quan cảnh sát. Nghiêm trọng nhất là vụ một giáo viên bị kết án tù gây tai nạn giao thông làm tử vong một người đi xe đạp, trong khi các nhân chứng đều khẳng định thủ phạm là một người đàn ông. Bị cáo đã bị cảnh sát đe dọa và sách nhiễu khi bà cho biết sẽ kiện lên tòa phúc thẩm.
Một vụ việc khác gây chú ý công luận là người dân phát giác giám đốc cảnh sát Thái Lan, ngoài tiền lương chính thức mỗi tháng còn có thêm một khoản lương kha khá với tư cách là cố vấn của một công ty tinh chế rượu lớn nhất của Thái Lan. Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus, giải thích thêm về tệ nạn này trong ngành cảnh sát Thái Lan :
« Cảnh sát thường bị đánh giá là một trong những định chế tham nhũng nhất Thái Lan. Ví dụ, các sĩ quan muốn được thăng tiến lên những chức vụ cao thì phải mua. Nạn tham nhũng tràn lan, từ cấp thấp nhất cho đến chóp bu. Cuộc điều tra về việc nữ giáo viên dường như bị kết án oan sai trong một vụ tai nạn chết người, cho thấy trường hợp này thường xuyên xẩy ra. Điều tra vội vã, cẩu thả, đôi khi hoàn toàn do sơ ý, nhưng cũng nhiều khi là chủ ý. Tại Thái Lan, có một thành ngữ « bẻ cong công lý ». Có nghĩa là nếu hối lộ tiền, thì cảnh sát có thể biến nạn nhân thành phủ phạm và thủ phạm thành nạn nhân. »
Đương nhiên đó chỉ là những « con sâu làm rầu nồi canh », không phải toàn bộ các nhân viên cảnh sát đều xấu xa, nhưng nạn tham nhũng và thiếu trách nhiệm rõ ràng đang tàn phá bộ máy cảnh sát từ bên trong. Tuy nhiên, theo quan điểm của phóng viên Arnaud Dubus, một cuộc cải cách sâu rộng để cải thiện ngành này có lẽ sẽ là khó.
Cách nay hai năm rưỡi, sau khi tiến hành đảo chính để nắm chính quyền, chính quyền quân sự đã nói đến việc này nhưng mọi chuyện vẫn đâu hoàn đó.

Thuyền buồm Tara tới Nhật Bản để nghiên cứu rạn san hô
Cuối cùng, mời quí vị hãy cùng với thuyền buồm nghiên cứu khoa học Tara, khám phá đại dương trong khuôn khổ chuyến viễn chinh khoa học hai năm tại vùng Thái Bình Dương. Điểm đến lần này là Nhật Bản, kéo dài hai tháng.
Nhóm chuyên gia trên thuyền Tara nhận thấy trong vùng biển Thái Bình Dương, các rạn san hô ngầm một dạng động vật – đã bị mất đi lớp tảo tạo ra mầu sắc và là nguồn dinh dưỡng. Các rạn san hô ở đây trở nên trắng bệch giống như xương người.
Theo giải thích Romain Troublé, giám đốc Quỹ Tara, với thông tín viên Fréderic Charles, thường trú tại Tokyo, thì nhiệt độ nước biển tăng, chẳng hạn như tại Okinawa là 31° đã làm suy hại nghiêm trọng các rạn san hô này. «Ở Okinawa, vào tháng trước, các rạn san hô có hiện tượng bị trắng ra một cách nghiêm trọng, rồi chết. Một số rạn khác bị mắc bệnh tới 70%.»
Các nhà khoa học của Quỹ Tara cố gắng tìm hiểu san hô có phản ứng ra sao trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng biến đổi khí hậu. Tại một số khu vực khác, như Futuna, một hòn đảo ở Polynésia, thì các rạn san hô không bị mắc bệnh.
Từ đó, chuyên gia Romain Troublé nêu câu hỏi : « Chính sự hiểu biết các hiện tượng này có thể giúp làm rõ được cách thức mà các rạn san hô thích ứng hay không do biến đổi khí hậu ? Và làm thế nào giúp các rạn san hô thích ứng tốt hơn trong tương lai ? Làm thế nào thúc đẩy các rạn san hô nhân tạo phát triển trong tương lai ? Phải chăng có điều gì cần phải tìm hiểu rõ hơn đối với các vi thể tồn tại xung quanh các rạn san hô này ? Tại sao lại có những loài có thể kháng bệnh tốt hơn các loài khác ? »
Các rạn san hô đóng vai trò như những nhà trẻ của các loại cá còn nhỏ. Tuy chỉ chiếm khoảng 0,2% diện tích các đại dương, nhưng chúng quy tụ tới một phần ba các loài hải sản.
Xuất phát từ Lorient, phía tây nước Pháp, vào cuối tháng 05/2016, tàu nghiên cứu khoa học Tara sẽ rong ruổi gần 100 000 cây số, từ Panama đến quần đảo Nhật Bản, từ New Zealand tới Trung Quốc và sẽ quay lại Lorient vào tháng 09/2018.

Thuyền buồm Tara đến Fukuoka, Nhật Bản.© Sarah Fretwell / Fondation Tara Expéditions





No comments:

Post a Comment

View My Stats