Tuesday, 21 February 2017

CHIẾN HẠM MỸ VÀO BIỂN ĐÔNG (Nguyễn Đạt Thịnh)




Monday, 20/02/2017 - 11:17:29

Hôm thứ Bảy, 18 tháng Hai, Hải Quân Hoa Kỳ công bố cuộc hành quân vào Biển Đông; lực lượng tham dự hành quân là nhóm chiến hạm trong hệ thống hàng không mẫu hạm Carl Vinson.

Tuần trước, tờ nội san Navy Times đã loan tin này, căn cứ vào những dữ kiện của giới thẩm quyền Hải Quân. Bài báo viết, “Ngày 18 tháng 2, 2017, Hạm Đội 1 Tấn Kích (Carrier Strike Group 1 (HĐ1TK)) sẽ tiến vào Biển Đông, thực hiện một cuộc tuần hành thường lệ.”

Hạm đội gồm chiếc hàng không mẫu hạm Carl Vinson, nhóm khu trục hạm DESRON 1, Không Lực 2 Hải Chiến Carrier Air Wing 2, khu trục hạm trang bị hỏa tiễn Wayne E. Meyer.

Trước cuộc tuần tiễu, HĐ1TK đã thao dượt bằng cuộc hải hành từ Hawaii đến Guam. Đề đốc James Kilby, tư lệnh HĐ1TK tuyên bố, “Chúng tôi thao dượt để biểu diễn khả năng của Hải Quân Hoa Kỳ, và thắt chặt tình thân hữu giữa Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh, các quốc gia bằng hữu trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.”

Năm 2015 hàng không mẫu hạm Vinson đã thao dượt cùng với Hải Quân và Không Quân Mã Lai trên Biển Đông; trong 35 năm hiện hữu trên biên cả chiếc Vinson đã tham dự 16 cuộc dàn quân.

Trong chuyến hải hành này, cùng với 7,500 quân nhân cơ hữu, chiếc Vinson còn chở theo 60 phi cơ chiến đấu, gồm nhiều chiếc F/A-18 tối tân.

Hàng không mẫu hạm Carl Vinson

Đề Đốc James Kilby, tư lệnh Hạm Đội 1 Tấn Kích

Câu tuyên bố của đề đốc Kilby nặng tính chất chính trị khiến hôm thứ Năm, 16 tháng Hai, trong cuộc họp báo hàng ngày phát ngôn viên Geng Shuang của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, khuyến cáo Hoa Kỳ “không nên có hành động xâm phạm vào chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng, và khuấy động tình hình yên tĩnh trên Biển Đông mà Trung Quốc và các lân quốc đã khổ công tạo ra.”

Phát ngôn viên Geng Shuang

Shuang còn trình bày là, “Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, nhưng sẽ mạnh mẽ chống lại mọi toan tính của bất cứ quốc gia nào lạm dụng danh nghĩa những tự do này để xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.”

Trong số báo phát hành ngày Chủ Nhật, tờ báo Anh ngữ Global Times của chính phủ Bắc Kinh viết, “Quan sát viên thế giới tin là tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang can thiệp vào tình hình Biển Đông.”
Tờ báo ghi nhận đây là cuộc phiêu lưu đầu tiên của ông Trump sau một tháng cầm quyền.

Giáo sư Shi Yinhong, giám học bộ môn “Văn Hóa Hoa Kỳ” tại viện đại học Renmin University of China nhận xét, “Tổng Thống Barack Obama đã sử dụng áp lực quân sự để ngăn cấm Trung Quốc tạo dựng hải đảo trên biển Nam Hải (Biển Đông); nhưng chúng ta vẫn cứ tạo dựng, và vẫn cứ thành công. Giờ này tổng thống Donald Trump lại sử dụng áp lực quân sự. Rồi cũng vậy thôi."

Giáo sư Shi Yinhong

và một bức hài họa của Shen Lan

Ông Shi cho là cuộc chuyển quân nhẹ tính quân sự, và nặng tính chính trị, ông nhắc lại là năm ngoái hàng không mẫu hạm John C. Stennis cũng đã thực hiện một cuộc “tuần tra khiêu khích” trên Biển Đông.

Tuy nhiên với chính sách “American First” của Tổng Thống Trump và với lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Rex Tillerson cấm không cho hải quân Trung Cộng chiếm giữ các hải đảo Biển Đông, hai cuộc “tuần tra khiêu khích” không nhất thiết phải giống nhau.

Hãng tin United Press International (UPI) loan báo Hạm Đội 1 Tấn Kích sẽ vào sát các hải đảo trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nơi có sự hiện diện của quân đội Trung Cộng. Chỉ riêng trong tháng Hai 2017 hải quân Hoa Kỳ đã ba lần hải hành trên Biển Đông, hai lần trước với chiến hạm Coronado, đang thả neo ngoài khơi Tân Gia Ba, và mới tuần trước, với chiến hạm Louisville, vừa được gửi tới Subic Bay.

Hoa Kỳ tuyên bố những chiến hạm đó là lực lượng tăng phái cho Đệ Thất Hạm Đội để thực hiện những cam kết của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và Biển Đông.

UPI nhắc lại cuộc điên đàm giữa Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn và Tổng Thống đắc cử Donald Trump, cùng với lời hứa mới đây của Trump là sẽ tôn trọng chính sách “chỉ có một nước Trung Hoa” trong cuộc điện đàm với Tập Cận Bình.

Cho đến giờ này, chưa một chính khách quan trọng nào của Mỹ hay của Trung Cộng chính thức lên tiếng về cuộc hải hành của HĐ1TK, cả Bạch Cung lẫn Bắc Kinh đều im lặng, để mặc dư luận xôn xao.

Để nói với độc giả ngoại quốc, tờ báo Anh ngữ của Bắc Kinh, viết, “Gửi HĐ1TK vào Biển Đông là hành động khiêu khích vô cùng rõ rệt của Hoa Kỳ, và làm cho chiến tranh Hoa-Mỹ trở thành hiểm họa khó tránh khỏi.”

Người chủ trương chính sách “cấm người Tầu vào Biển Đông” là Ngoại Trưởng Rex Tillerson; vốn là tổng giám đốc hãng dầu Exxon -hãng đã ký với chính phủ Việt Cộng khế ước khai thác nhiều giếng dầu ngoài thềm lục địa Việt Nam, rồi không thi hành được vì áp lực của Trung Cộng- ông cương quyết đòi giải quyết sự hiện diện của Trung Cộng trên Biển Đông.

Ngoại Trưởng Rex Tillerson

Giáo sư Amitai Etzioni giảng dạy về khoa “Ngoại Giao Quốc Tế” tại George Washington University, và tác giả quyển Foreign Policy: Thinking Outside the Box, vạch rõ là nguy cơ chiến tranh tại Biển Đông rất nhỏ, vì “Trung Quốc không đủ khả năng đối phó với Hải Quân Hoa Kỳ, do đó dù Hoa Kỳ có chiếm giữ Biển Đông họ cũng không kháng cự. Tuy nhiên họ vẫn có cách trả đũa: khích động Bắc Hàn phát triển kế hoạch nguyên tử.

Mỹ vào Biển Đông là điều người Việt Nam cầu mong, vì không có gì tuyệt diệu hơn là hàng tỉ tấn hải sản trên Biển Đông lại trở thành ngư trường do ngư phủ Việt Nam khai thác, và hàng chục tỉ tài nguyên dầu hỏa dưới lòng biển do hãng Exxon bơm lên, dù sao cũng được ấn định bằng những khế ước tương đối công bằng hơn là chính sách hải phận 9 vạch dành tất cả cho người Tầu.




No comments:

Post a Comment

View My Stats