Hiện Hữu
Tác
giả gửi tới Dân Luận
23/02/2017
Chống tham nhũng và làm sạch sẽ đội ngũ công chức
nhà nước là một vấn đề của tất cả các quốc gia trên thế giới, không thể có quốc
gia nào tự tuyên bố mình là trong sạch hoàn toàn mà chỉ có thể gia giảm tỷ lệ
này đến mức thấp nhất mà nó không trở thành một cục đá tảng to tướng giáng xuống
quốc gia đó khiến cho quốc gia bị sa lầy, thất thoát tiền tệ, đè bẹp sự phát
triển của đất nước, an sinh xã hội bị nghèo nàn bởi vì tiền bạc quốc gia đã chảy
vào “quỹ đen” của quan chức và xin nói một cách không chút áy này đó là đối với
vấn đề tham ô nhũng lạm thì hãy cố gắng làm cho những vấn đề này không trở nên
là một quốc nạn như Việt Nam hiện nay, Việt Nam đã có biết bao nhiêu Nghị quyết,
văn bản của Đảng Cộng sản đưa ra về phòng chống tham nhũng, chấn chỉnh cán bộ,
những Nghị quyết đó đã được phát biểu và trích dẫn ra rả nhưng tất cả những mục
tiêu được đề ra chỉ là những “hiện thực trên mặt giấy”, đã thế những vị lãnh đạo
bao giờ cũng là dùng những từ ngữ rất mạnh khi nói đến vấn đề này như “kiên
quyết, quyết liệt, thúc đẩy…” nhưng dường như thực tiễn vẫn thảm hại hơn
bao giờ hết, những đại án trong những năm vừa qua điển hình như vụ án Vinashin
mà chúng ta biết có một trong số các quan chức đã bị xử phải bồi thường một khoản
tiền lên đến 495 tỷ đồng kèm theo 19 năm tù! Như vậy chúng ta đã biết sức “công
phá” của các vị cán bộ trong vụ án này là như thế nào !Có thể nói Vinashin là một
vụ án gây thất thoát rất lớn cho kinh tế Việt Nam.
Có thể nhận thấy một cách không thể hoài nghi rằng vấn
đề chống tham nhũng, tiêu cực nếu như xuất phát từ việc đòi hỏi người công chức
nhà nước về đạo đức thuần túy, là phải nhất nhất diệt bỏ lòng tham của mình thì
dường như là điều rất khó khả thi bởi lẽ lòng tham cũng là một phần tâm tính
con người, nó có thể biểu hiện ra bất kỳ lúc nào mà không thể dự liệu sẵn, bất
cứ một viên chức nào khi có nhiều quyền lực trong tay cũng đều sẽ có khả năng
thèm thuồng một món hời đến từ một thỏa thuận mờ ám nào đó, một hợp đồng béo bở
nào đó, một khoản lót tay lại quả nào đó... từ những người muốn mua chuộc họ để
hòng qua “ải” của họ và vì thế cho nên nếu như xuất phát từ tâm lý con người để
lý giải về việc chống tham ô nhũng lạm thì tất cả các quốc gia khi xây dựng
phòng tuyến chống tiêu cực từ những cán bộ, nhân viên nhà nước thì có lẽ nên giả
định một cách chắc chắn rằng tất cả con người đều có lòng tham không đáy, điều
này nên là một tiền đề vững chắc, một sự chuẩn bị tâm thế để chống tiêu cực, tức
là hãy cứ cho rằng những người cán bộ sẽ có lúc không thể kiềm chế lòng tham của
họ vậy nên mới phải có một hệ thống luật lệ,một thế chế hợp lý, những quy định
kiểm soát khắt khe, thanh tra chặt chẽ để họ không có cơ hội cũng như là sẽ
không dám làm những hành vi tiêu cực.
Hình minh họa. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Những điều trên có lẽ là rất thích ứng với tình hình
của Việt Nam khi mà tham nhũng đã trở nên như loại “giặc nội xâm”.Trên Cổng
thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch đầu tư vào năm 2013 cũng đã đăng tải thông
tin là chỉ số nhận thức tham nhũng tại Việt Nam là không hề có cải thiện theo xếp
hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (CPI), chỉ xếp 31/100 điểm (trong đó 0 điểm
là mức độ tham nhũng cao) và đối với những người thuộc chóp đỉnh quyền lực của
đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải nói “...cái gì cũng phải tiền,
không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”, đó là phát ngôn
của TBT Trọng về tham nhũng và khi nói về việc chống tham nhũng thì chính ông
Trọng lại cho rằng “Bác Hồ đã dạy rồi, ông cha ta đã dạy rồi, đánh con chuột
đừng để vỡ bình, phải làm sao diệt được chuột mà đừng làm vỡ bình hoa, tức là
phải giữa cho được cái ổn định”.
Có thể nói chỉ hai câu trên của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng thôi cũng đã cho thấy cái tréo ngoe trong việc chống tiêu cực trong
thể chế chính trị Việt Nam hiện tại: đó là vừa phải chống tiêu cực mà vừa phải
làm sao cho nội bộ tổ chức không bị nhiễu loạn, không bị ảnh hưởng đến sự ổn định
của chế độ và đây có thể ví như là cục xương mắc ngang họng cho việc chống tham
nhũng tại Việt Nam, vấn đề về thể chế tại Việt Nam chính là cái làm cho tham
nhũng đến bây giờ vẫn là quốc nạn.
Chúng ta thấy tùy vào từng quốc gia mà họ có cách thức
phòng chống tham nhũng khác nhau nhưng nhìn chung đối với những quốc gia có sự
bảo đảm các quyền tự do, quyền công dân thì ở những quốc gia đó hình thành nên
những động thái phản biện lại giới cầm quyền từ xã hội dân sự, vậy cũng tức là
nhà cầm quyền của quốc gia đó nhận sự phê phán từ những tổ chức công dân trong
lòng xã hội và những tổ chức này có sự độc lập với chính quyền, đối với vai trò
của xã hội dân sự thì Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nêu trong buổi gặp mặt
các đại diện xã hội dân sự tại Việt Nam vào ngày 24/5/2016 nhân chuyến thăm Việt
Nam của ông: “...dù cho đôi khi họ chỉ trích tôi rất nhiều và làm cho cuộc sống
của tôi không phải lúc nào cũng dễ chịu nhưng cuối cùng tôi vẫn cho rằng điều
đó làm cho đất nước tốt hơn và giúp cho công việc của tôi ở vị trí Tổng thống
cũng tốt hơn bởi vì tôi chịu trách nhiệm giải trình cho việc đó”. Nếu
nhìn vào các quốc gia nào có thể chế tôn trọng sự tự do ngôn luận, chính quyền
chấp nhận sự phản biện ôn hòa từ các tổ chức công dân thì sẽ thấy thể chế chính
trị tại Việt Nam là khá khép kín và bảo thủ, việc phòng chống tiêu cực chắc chắn
không thể nào có hiệu quả cao trong một nền “Dân chủ Đảng viên”, trong
đó “phê bình và tự phê bình” như một khẩu hiệu quá mâu thuẫn, đó là những
lời tự nói cho nhau nghe, chẳng khác nào tự nhìn bản thân mình trong gương rồi
xin lỗi chính mình và nếu như cùng trong một hệ thống chính trị nhất nguyên của
Đảng Cộng sản thì cũng không thể làm mạnh tay được đối với số cán bộ tiêu cực
vì như thế sẽ “làm vỡ bình”, hơn nữa là đối với những sự chỉ trích, phản
biện, lên tiếng từ một phía khách quan nào đó từ xã hội đối với chính quyền thì
đã có những cá nhân trong xã hội lên tiếng mà cũng không ít người trong số họ
đã bị tống giam, câu lưu, bị kết án.
Thế nên việc chống tiêu cực tại Việt Nam oái ăm
chính là nằm ở thể chế chỉ ưa thích sự “tự bảo nhau nghe” đó và đó có
khi là một sự thuận lợi cho tiêu cực sinh sôi nảy nở ngày một nhiều mà xuất
phát từ những công chức nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện tại. Thế nên
vấn đề của Việt Nam khi chống tiêu cực đó chính là phải bắt đầu từ việc thúc đẩy
cải cách thể chế mà trong số đó là phải công nhận những tổ chức xã hội dân sự độc
lập như một sự khách quan đáp ứng nhu cầu phản biện của xã hội, chỉ đạt được điều
này thôi thì đó chính là một bước tiến rất xa trong việc cải cách thể chế tại
Việt Nam, đó là thể chế chính trị phải chấp nhận và tiếp thu những sự góp ý
hoàn toàn ôn hòa từ xã hội dân sự, xóa bỏ đi sự “bế quan” trong nhận thức của
chính họ, từ bỏ những định kiến về xã hội dân sự và thiết nghĩ rằng nếu như
không thể bảo đảm hoàn toàn về sự minh bạch và thẳng thắn trong việc chống tiêu
cực từ trong nội bộ chính quyền thì xã hội dân sự có lẽ là nơi khẳng khái nhất
để sẵn sàng chỉ ra, đề cập thẳng vào những chỗ tiêu cực đó.
Hiện
Hữu
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
No comments:
Post a Comment