Saturday, 25 February 2017

CỰU TNLT ĐẶNG XUÂN DIỆU phát biểu trước HỘI NGHỊ GENEVA - NHÂN QUYỀN & DÂN CHỦ 2017 (Đoàn Hưng / SBTN)




Đoàn Hưng  - SBTN
22 tháng 2, 2017

Cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu- người vừa được thế giới can thiệp để rời nhà tù cộng sản sang tị nạn tại Pháp vào ngày 13/01/2017 vừa qua- đã có vinh dự được mời phát biểu tại Geneva Summit – Hội Nghị Geneva – Nhân Quyền và Dân Chủ.

Đặng Xuân Diệu (Ảnh: FB Việt Tân)

Geneva Summit là một hội nghị thường niên, năm nay đã là lần thứ 9, đươc tổ chức tại Thụy Sĩ. Mục đích của hội nghị là để lên án những đàn áp nhân quyền đang diễn ra trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông Hillel Neuer, Giám đốc Điều hành tổ chức UN Watch cho biết, Hội Nghị Geneva là “tâm điểm của các nhà đối kháng khắp thế giới.”

“…Các bài điều trần đầy thuyết phục và sinh động của các diễn giả sẽ giúp khuấy động lương tâm của Liên Hiệp Quốc để giải quyết vấn nạn vi phạm nhân quyền đang diễn ra trên thế giới…” – ông Neuer nói.

Cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu là một trong 15 diễn giả đến từ Iran, Iraq, Cuba, Venezuala, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Tây Tạng, Bắc Hàn, và Việt Nam. Ông Đặng Xuân Diệu vừa bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trục xuất hôm 13 tháng 1. Trước khoảng 500 người tham dự hội nghị, ông Đặng Xuân Diệu bắt đầu bằng cách kể về những bước đường tranh đấu của mình.

Ông dành phần chính của bài nói chuyện của mình để mô tả những vụ ngược đãi mà ông đã phải chịu đựng trong nhà tù cộng sản. Sau phiên tòa tháng 1 năm 2013, ông bị giam giữ lần lượt tại sáu nhà tù trên khắp nước Việt Nam. Ông cho biết tại mỗi nhà tù và vào mỗi giai đoạn, họ vận dụng những kiểu hành hạ khác nhau, phổ biến nhất là việc vận dụng các quy định của pháp luật một cách tùy tiện để hạ thấp nhân phẩm tù nhân, thậm chí áp dụng những biện pháp tra tấn dẫn đến việc tính mạng của tù nhân bị đe dọa, như cùm chân, biệt giam, không cho ăn, sử dụng tù nhân khác để đàn áp, không cho người nhà vào thăm gặp, và liên tục trừng phạt tù nhân vì bất cứ lý do nào.

Ông Đặng Xuân Diệu khẳng định nếu không có cộng đồng quốc tế lên tiếng bảo vệ, can thiệp thì chắc chắn ông đã bỏ mạng trong nhà tù. Ông mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục tạo áp lực và can thiệp cho những tù nhân lương tâm khác, nhằm buộc đảng CSVN ngừng trù dập, đàn áp, bắt bớ những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền, đồng thời trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.

Ông cũng không quên nhắc đến cuộc tuần hành khiếu kiện Formosa của linh mục và giáo dân xứ Song Ngọc vừa qua, như là một biểu tượng của hành trình gian khổ đi tìm tự do, công lý của dân tộc Việt Nam.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu của ông Đặng Xuân Diệu tại Geneva Summit.


TÙ ĐÀY TẠI VIỆT NAM – ĐẤT NƯỚC CỦA ĐÀN ÁP NHÂN QUYỀN VÀ PHI DÂN CHỦ

Kính thưa quí vị,

Trước hết, tôi xin được cám ơn ban tổ chức của diễn đàn Geneva Summit đã tạo điều kiện cho tôi có mặt ở đây để trình bày về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam qua sự trải nghiệm của chính bản thân tôi sau 6 năm lao tù.

Tôi bị bắt vào ngày 30/7/2011, bị xử 13 năm tù và bị trục xuất khỏi Việt Nam vào ngày 12/01/2017. Tôi đã bị bắt và bị xử tù vì sự dấn thân vào con đường tranh đấu nhằm thay đổi đất nước tôi. Sự dấn thân này khởi đầu từ năm 2006, khi chứng kiến hàng ngày những cảnh bất công, nên bị thôi thúc phải hành động để chấm dứt thảm trạng này. Nhờ internet, tôi biết được nhiều dân tộc đã giải quyết được chế độ độc tài trên đất nước họ bằng con đường đấu tranh bất bạo động, tại sao Việt Nam không thể làm được ? Câu hỏi này đã thúc dục tôi mở rộng liên hệ và đó cũng là lý do mà tôi đã tìm đến đảng Việt Tân. Họ đã mang đến cho tôi giải pháp. Thật tuyệt vời vì đó là điều tôi đang kiếm tìm. Bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động để xóa bỏ chế độ độc tài và xây dựng dân chủ.

Từ đó, mặc dầu còn nhiều sợ hãi, tôi bắt đầu tham gia đấu tranh bí mật với các hình thức như viết blog, ký tên kiến nghị, phát tờ rơi, tham gia chiến dịch phát áo, mũ có dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”. Đây là những việc làm nhỏ bé và đơn giản nhưng luôn bị nhà cầm quyền rình rập, nhiều người trong số đó đã bị bắt bớ, giam cầm. Tôi cũng phối hợp với một số sinh viên thành lập trung tâm bảo vệ sự sống Gioan Phaolo II tại Nghệ An. Đối tượng chúng tôi hướng đến là các bạn trẻ trong giáo phận Vinh, nhất là các bạn sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng tại Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tôi cho rằng con người là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng xã hội. Nên tôi đã ra nước ngoài để học tập những kỹ năng đấu tranh ôn hoà để canh tân con người và canh tân đất nước. Nhưng khi trở về sau khóa học, tôi bị công an bắt ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Họ đưa tôi vào một phòng kín và giao cho một đám người mặc thường phục. Đám người này đã cưỡng ép, lột hết áo quần để khám xét, mặc cho tôi vùng vẫy phản đối và ngang nhiên cướp hết tất cả tư trang của tôi.

Sau ba ngày đánh đập và đe dọa, tối ngày 2/8/2011, cơ quan an ninh mới chính thức ra quyết định bắt tôi và sau đó họ ra lệnh tạm giam tôi 4 tháng tại trại tạm giam B34, TP Hồ Chí Minh. Ngày 17 tháng 8 năm 2011, họ đưa tôi ra trại tạm giam B14 ở Hà Nội. Đến ngày 5 tháng 1 năm 2013 họ lại đưa tôi về trại tạm giam Nghi Kim, Nghệ An để tiến hành xét xử. Ngày 8 tháng 1 năm 2013, tòa án Nghệ An đã đưa 14 anh em của chúng tôi ra xét xử. Vụ án mà dư luận đặt tên là « vụ án các thanh niên Công Giáo » đã diễn ra như một màn kịch đã được soạn sẵn, tiếng nói của những người bị xét xử, của các luật sư không hề được tôn trọng. Cá nhân tôi trước tòa đã không hề nhận tội, vì đơn giản là tôi không thấy mình có tội gì khi hoạt động một cách ôn hòa cho sự thay đổi của đất nước.

Sau phiên tòa tháng 1/2013, họ đưa tôi ra trại giam số 5 thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá và tháng 12 năm 2014, công an Việt Nam tiếp tục chuyển tôi vào trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hành trình tù đày của tôi trải dài từ Nam ra Bắc rồi lại từ Bắc vào Nam. Tôi đã phải trải qua sáu nhà tù với hàng chục buồng giam trong những điều kiện khắc nghiệt khác nhau. Mỗi nơi, mỗi giai đoạn họ vận dụng kiểu hành hạ khác nhau, phổ biến nhất là vận dụng, diễn giải các quy định của pháp luật một cách tuỳ tiện. Trại giam đối xử với tù nhân theo tập quán đã có, không chịu thay đổi, mặc dầu tập quán này đi ngược lại những quy định mới. Trong tù, pháp luật chỉ nằm trên giấy mà thôi ! Ngay cả điều 1 trong bản nội quy trại giam cũng đã mở đường cho sự ngược đãi quyền con người. Theo đó, trong mọi trường hợp phạm nhân không thực hiện theo ý muốn của cán bộ, luôn bị xem là chống đối và bị xử lý kỷ luật. Ý của cán bộ là ý của trời, phạm nhân phải xưng ông, bà với quản giáo và gọi mình là cháu…Tôi không chấp nhận sự đối xử tù nhân theo cách đó, nên đã đấu tranh để thay đổi. Vì vậy, tôi đã bị liệt vào thành phần ngoan cố, nguy hiểm cho hệ thống ngục tù Việt Nam.

Tôi xin kể vắn tắt một vài mẩu chuyện về chế độ lao tù Việt Nam. Khi vào tù, tôi hy vọng sẽ có thời gian để học vẽ, học nhạc, học đàn và nhất là học ngoại ngữ. Nhưng vào trại giam được ba ngày, người ta cho một côn đồ với án tù chung thân do giết người vào ở chung với tôi. Anh ta được chỉ đạo để hành hạ và chà đạp đức tin của tôi, Anh ta đối xử với tôi như một nô lệ và nhiều lần đánh tôi, đe dọa giết tôi với mục đích bắt tôi phải viết đơn xin nhận tội và mặc áo tù của trại giam. Sau ba tháng chịu đựng, tôi đã yêu cầu cho tôi được chuyển buồng giam khác, nhưng họ không giải quyết. Tôi phải chịu đựng ba tháng nữa cho đến khi cơ thể suy sụp hoàn toàn, thần kinh suy nhược thì họ mới dừng lại.

Một lần khác tôi đã bị trại giam số 5 cùm chân tại buồng kỷ luật giữa trời giá lạnh với một bộ đồ mong manh không có một giọt nước để sinh hoạt. Lý do là vì tôi đã viết thư gửi ra ngoài kêu cứu Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh về cách đối xử tàn bạo vô nhân đạo đối với tù nhân của trại giam. Họ cho rằng tôi đã vi phạm nội quy và đã cùm chân tôi 10 ngày liền, trong một buồng giam hôi thối, bẩn thỉu, không một giọt nước để đánh răng rửa mặt. Nhục nhã không thể ăn cơm, tôi tuyệt thực và trại giam đã không cho tôi uống nước suốt ba ngày.

Vì bản án bất công, tôi từ chối quyền được nhận công tư trang do trại giam cấp phát cho phạm nhân. Trong đó có cả quần áo, nên tôi không có quần áo để mặc. Ngay cả việc tôi tuyệt thực họ cũng cho rằng tôi vi phạm nội quy. Việc tôi từ chối không ký vào biên bản tuyệt thực và các giấy tờ khác cũng bị cho là chống đối mệnh lệnh cán bộ. Vì vậy tôi đã tuyệt thực nhiều lần tổng cộng hơn 100 ngày và nhịn ăn chịu đói (ngày chỉ ăn một lần) trong thời gian gần 300 ngày liên tục. Khi thấy tôi sẵn sàng chịu chết thì họ không ép tôi nhận tội nữa. Sau đó họ chuyển tôi vào trại giam ở phía Nam, cách gia đình tôi hơn 1500km. Đây là thủ đoạn hành hạ gia đình tôi trong việc thăm nuôi.

Sự man rợ kinh khủng nhất mà tôi phải chịu đựng trong suốt thời gian ở tù là không hề được gặp mặt người thân. Gia đình, thân nhân của tôi đã 45 lần vượt hàng trăm hàng ngàn cây số, bỏ công bỏ sức và thời gian tiền bạc đến trại giam để mong gặp tôi. Nhưng không lần nào họ được gặp tôi, bởi vì trại giam không cho tôi ra gặp gia đình. Thô bỉ hơn, trại giam đã lừa người thân của tôi bằng cách đưa lý do là « tôi không chịu ra gặp gia đình! » Ngay cả khi trục xuất tôi sang Pháp, họ cũng không cho tôi gặp thân nhân để từ biệt. Đối với tôi, đây là sự phi nhân bản và chà đạp quyền con người một cách tồi tệ nhất

Còn với các tù nhân khác thì sao? Đối với các tù nhân vi phạm nội quy trại giam thường bị cán bộ « giáo dục bằng vũ lực » sau đó bị cùm chân 10 ngày rồi đưa vào khu biệt giam với thời gian từ 3 đến 12 tháng. Nếu không có sự quen biết chạy chọt, đút lót cho cai tù, thì chỉ sau 3 tháng người bị phù thũng nặng, có thể bị liệt luôn. Đây là cách hành hạ dã man mà tù nhân sợ nhất. Sự đánh đập tù nhân thì xảy ra thường xuyên và tôi đã chứng kiến nhiều người bị đánh đập bằng công cụ hỗ trợ, sau khi họ đã bị cùm chân tay.

Trong trại giam, quyền tự do tôn giáo đã bị chà đạp trắng trợn. Họ đã sử dụng Điều 11 trong bản nội quy để ngăn cấm tất cả Kinh sách, đồ dùng liên quan đến tôn giáo. Một số tù nhân lương tâm phải tuyệt thực dài ngày mới có được 1 quyển Kinh Thánh. Riêng tôi đã viết đơn khiếu nại và tuyệt thực dài ngày, ngay cả phái đoàn EU đã gửi cho tôi một quyển Kinh Thánh, nhưng tôi không hề nhận được. Vì vậy, quyền thể hiện niềm tin tôn giáo trong nhà tù Việt Nam đã và đang trở thành việc làm nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của tù nhân.

Kính thưa quí vị, bước vào con đường đấu tranh cho công bằng và tự do của đất nước, những người như chúng tôi luôn luôn đối diện trước nguy cơ bị bắt và bị xử tù. Ở trong tù, chúng tôi bị chà đạp nhân phẩm, bị phân biệt đối xử, bị đe dọa tính mạng nếu muốn làm người… chúng tôi bị bịt miệng bởi hệ thống ngục tù của đảng cộng sản Việt Nam. Nếu đây là những gì tôi đã trải nghiệm, thì nhiều nhà hoạt động khác cũng trải nghiệm. Những người như ông Hồ Đức Hoà, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha… và các bà Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thuý, hay những người mới bị bắt như Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Hoá, Trần Thị Nga… Tất cả họ đã mất quyền làm người ngay khi còn sống. Họ rất cần, vô cùng cần tiếng nói hỗ trợ của quý vị.

Riêng tôi, nếu không có cộng đồng quốc tế lên tiếng bảo vệ, can thiệp thì chắc chắn tôi đã bỏ mạng trong nhà tù. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quý vị có mặt cũng như vắng mặt. Sự có mặt của tôi tại đây là minh chứng hiệu quả của tiếng nói cộng đồng quốc tế. Tôi mong muốn quý vị tiếp tục tạo áp lực và can thiệp cho những tù nhân lương tâm khác, nhằm buộc đảng CSVN ngừng trù dập, đàn áp, bắt bớ những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền, đồng thời trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.

Trước khi dứt lời, tôi thấy có bổn phận phải đề cập đến những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Hôm ngày 14 tháng 2 năm 2017 tại Nghệ An, những nạn nhân của thảm họa môi trường do Formosa gây ra đã được Linh Mục JB. Nguyễn Đình Thục hướng dẫn đi đến tòa án Kỳ Anh ở Hà Tĩnh để đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng cuộc hành trình đã đẩm đầy máu và nước mắt của các nạn nhân này. Nhà cầm quyền đã chặn xe để họ không thể di chuyển. Với quyết tâm đòi công lý, hơn 1 ngàn người đã cùng LM Nguyễn Đình Thục đi bộ đến tòa án cách đó trên 170km. Nhưng mới đi được 20km, nhà cầm quyền đã huy động một lực lượng hùng hậu tấn công đoàn biểu tình. Hơn 100 người bị đánh trọng thương, trong đó có LM Nguyễn Đình Thục, hàng chục người bị bắt. Cá nhân tôi đã khóc khi nghe tin này, vì trong số các nạn nhân, có những người thân và bạn hữu của tôi.

Đề cập đến sự việc mới xảy ra nêu trên, tôi chỉ muốn kết luận một điều là con đường đi đến tự do, dân chủ và công bằng trên đất nước chúng tôi còn rất nhiều chông gai, đe dọa đến sự sống còn của nhiều người tranh đấu. Nhưng có sự sống còn nào quan trọng hơn sự sống còn của cả dân tộc đang bị chìm đắm trong độc tài và khủng bố? Do đó, chúng tôi sẽ phải hy sinh rất nhiều mới mong tương lai của dân tộc chúng tôi tốt đẹp hơn.

Xin cám ơn sự chú ý của quí vị.

Cựu Tù Nhân Lương Tâm
PX Đặng Xuân Diệu
21.2.2017
Geneva, Thuỵ Sỹ

--------------

BÀI LIÊN HỆ

11 tháng 1, 2017

14 tháng 1, 2017

13 tháng 1, 2017





No comments:

Post a Comment

View My Stats