Saturday, 4 February 2017

NHỮNG BÀI HỌC GÀ (Đinh Từ Thức)




26.01.2017

Trong mười hai con giáp, hay mười hai con vật biểu tượng cho địa chi, gà với chó là hai con vật gần gũi nhất với người. Tuy nhiên, có thể nói, gà chiếm địa vị độc tôn, cao hơn chó, vì gà được dùng làm biểu tượng của quốc gia, hay tôn giáo, trong khi chó chỉ là hình ảnh của một con vật trung thành.

Gà được nói tới trong Thánh Kinh Tân Ước. Tiếng gà gáy đã nhắc Thánh Phê Rô nhớ tới tội chối Chúa của mình. Gà được coi như hình ảnh nhắc nhở tội lỗi và ăn năn. Nước Pháp từng được coi là con cả của Hội Thánh, với biểu tượng là con gà trống. Tất nhiên không phải gà trống thiến, các vị nguyên thủ quốc gia Pháp thường bị tai tiếng về tình ái lăng nhăng. Thành phố Đà Lạt của Việt Nam cũng có ngôi nhà thờ nổi tiếng với con gà trên nóc, được gọi Nhà thờ Con gà.

Con gà trống chiếm địa vị cao nhất tại cổng Điện Elysée (Paris, 9/2015) (Hình Winfried R.)

Gà đẻ trứng vàng

Nổi tiếng thế giới là bài học gà đẻ trứng vàng, hầu như ai cũng biết, răn dậy người đời trước những hành động ngu xuẩn vì lòng tham làm mờ mắt. Đi tìm tông tích, được biết đây là câu truyện đã ra đời từ hai ngàn năm trăm năm trước, tác giả được cho là một người Hy Lạp, tên Aesop (Aisopos), sống vào thế kỷ thứ Sáu trước Thiên Chúa Giáng Sinh (Công nguyên). Aesop được coi là tác giả của hàng trăm truyện ngụ ngôn, nhằm mục đích răn dậy người đời về luân lý. Như mọi loại truyện cổ khác, ngụ ngôn của Aesop lúc đầu là truyện kể, và thường bị thay đổi, thêm bớt mỗi khi kể lại. Rất lâu sau khi tác giả qua đời, người sau mới góp nhặt lại. Khởi đầu là chép tay, phổ biến bằng tiếng Hy Lạp khoảng thế kỷ thứ bốn trước Công Nguyên, rồi được dịch sang tiếng Latin, phổ biến rộng thời cực thịnh của Đế quốc La Mã vào thế kỷ thứ nhất. Khi máy in được phát minh thời Trung Cổ, kho tàng truyện cổ tích của Aesop lan rộng khắp châu Âu. Sau đó, các truyện này theo chân các nhà truyền giáo du nhập vào châu Á, như Nhật Bản, Trung Hoa.

Câu truyện ngày nay nhiều người biết qua tên “Gà đẻ trứng vàng” còn mang tên “Ngỗng đẻ trứng vàng”, và có rất nhiều phiên bản khác nhau về tiểu tiết. Câu truyện được kể đi kể lại ở rất nhiều nước. “Con gà đẻ trứng vàng” ở Việt Nam, “La Poule aux oeufs d’or” được nhà thơ nổi tiếng Jean de la Fontaine kể bằng thơ ngụ ngôn ở Pháp, và “The Golden Egg” ở Anh, Mỹ… . Ngày nay có thể dễ dàng xem trên YouTube những phiên bản hoạt hoạ về truyện này nói đủ thứ tiếng, kể cả tiếng Tầu và tiếng Việt.

Trong số hàng trăm truyện ngụ ngôn của Aesop, mà vai chính có cả người và đủ thứ con vật, phần nhiều là con vật, không phải chỉ có một truyện liên hệ tới gà. Theo danh sách lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ và Đại Học Harvard, chỉ có phiên bản “Ngỗng để trứng vàng” (The Goose With the Golden Egg).

The Goose That Laid the Golden Eggs (Con Ngỗng Đẻ Trứng Vàng)
Hình minh họa của Milo Winter cho lần xuất bản năm 1919

Trong Thư Khố cổ điển về giáo dục tại MIT (classics.mit.edu/Aesop/fab.html), do George Fyler Townsend dịch, trong số các truyện ngụ ngôn của Aesop, có tới mười truyện liên hệ tới gà. Truyện “Con Gà đẻ Trứng Vàng” bằng tiếng Anh như sau:

The Hen and the Golden Eggs 
A cottager and his wife had a Hen that laid a golden egg every day. They supposed that the Hen must contain a great lump of gold in its inside, and in order to get the gold they killed it. Having done so, they found to their surprise that the Hen differed in no respect from their other hens. The foolish pair, thus hoping to become rich all at once, deprived themselves of the gain of which they were assured day by day.

Tạm dịch: Cặp vợ chồng ở nông thôn có một con gà mái mỗi ngày nó đẻ một trứng vàng. Họ cho rằng trong bụng con gà phải có cả mớ vàng, và để lấy vàng, họ đã giết nó. Làm vậy rồi, họ ngạc nhiên thấy con gà này chẳng có gì khác những con gà khác. Cặp vợ chồng khùng này, vì hy vọng trở thành giầu ngay, đã tự làm mất những gì chắc chắn có được hàng ngày.

Con gà trên đỉnh tháp tại First Presbyterian Church ở 125 S. Third Street, Wilmington, North Carolina (Hình: StarNews)
Theo Mục Sư Chánh xứ (pastor), Tiến Sĩ Ernest Thompson: Tại châu Âu, các nhà thờ Tin Lành thường có con gà trên đỉnh tháp, đề phân biệt với nhà thờ Công Giáo thường có thánh giá. Theo ông, con gà, ngoài sự tích liên hệ tới Thánh Phê Rô, còn báo hiệu bình minh của một ngày mới.

Trong những truyện về gà của Aesop, có truyện rất ý nghĩa, như Những Kẻ Trộm và con Gà Trống (The Thieves and the Cock). Truyện kể vài tên trộm đột nhập một căn nhà, chẳng kiếm được gì, ngoài một con gà trống, bèn mang về làm thịt. Trước khi chết, con gà van xin; “Hãy tha mạng tôi, vì tôi rất ích lợi cho loài người. Hàng đêm, tôi đánh thức họ dậy để đi làm”. “Đó chính là lý do tụi tao càng cần phải giết mày”, bọn trộm nói; “mày đánh thức người ta dậy thì tụi tao hết đường làm ăn”. Giá trị luân lý ở đây là, những việc làm tốt, đáng quý với người tốt, nhưng tối kỵ với bọn xấu. Tuy là câu truyện từ hai mươi lăm thế kỷ trước, vẫn còn đúng với ngày nay. Nhiều bạn trẻ, cất tiếng như những con gà trống, làm công việc chính đáng và hữu ích, đánh thức người dân về ý niệm tự do dân chủ và nhân quyền, nhưng bị bọn xấu tìm mọi cách để tiêu diệt.

Truyện hay như thế, nhưng không được biết tới nhiều. Ngụ ngôn Gà đẻ Trứng Vàng, mới đọc qua, các tình tiết có vẻ vô lý. Trộm bắt gà, không hiếm trong đời thường, nhưng gà đẻ trứng vàng, không bao giờ có trong thực tế. Rồi người dân nông thôn, ai cũng biết, khi giết gà, dù trong thời kỳ đẻ trứng, trong bụng nó cũng chỉ có một chùm trứng non, không cái nào lớn bằng trứng đã đẻ ra. Truyện gà đẻ trứng vàng nổi hơn các ngụ ngôn gà khác, có lẽ chính nhờ những chi tiết có vẻ vô lý này. Nó nhấn mạnh vào điểm lòng tham làm cho người ta mù quáng, bất chấp phải trái và đạo lý.

“Trứng vàng” ở đây là kết qủa đem lại từ công trình của một cá nhân, hay một tập thể, ở mức vượt trội về giá trị so với bình thường. Vào thập kỷ đầu sau “Cách Mạng Mùa Thu,” bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) là con gà đẻ trứng vàng đầu tiên đã bị chủ nông trại họ Hồ ra lệnh giết. Ngoài mục đích lấy ngay được tất cả số vàng thuộc về gà, còn hy vọng nhận được sự giúp đỡ quý hơn vàng của đại huynh phương Bắc.

Gần đây hơn, kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, được huyện Tiên Lãng trao cho hơn 40 ha đất bồi ở bờ biển để khai thác. Sau hàng chục năm cực nhọc trả bằng giá đắt, gồm cả mạng sống của đứa con gái đầu lòng, anh đã tạo dựng được một cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đồ sộ. Nếu mọi chuyện êm đẹp, với tiền thuế từ số hoa lợi thu hoạch hàng ngày, đối với công quỹ, chẳng khác gì gà đẻ trứng vàng. Thay vì tạo điều kiện thuận lợi đề con gà ĐVV tiếp tục đẻ trứng vàng, do lòng tham làm mờ mắt, nhà cầm quyền địa phương đã giết cơ sở làm ăn của anh Vươn, với hy vọng nắm trong tay mớ vàng lớn hơn quả trứng mỗi ngày. Kết quả ra sao, mọi người đã biết.

Với cà phê, trà, hồ tiêu … ngày càng được xuất cảng nhiều đi khắp thế giới, đất đai mầu mỡ miền Tây Nguyên Việt Nam không phải chỉ là con gà, mà là con ngỗng đẻ trứng vàng. Lòng tham của tập đoàn cầm quyền đã khiến con ngỗng bị mổ bụng thê thảm, để lại bùn đỏ loang lổ, như những vũng máu khổng lồ.

Còn nữa. Hà Tĩnh, thoát đi từ ngư nghiệp với phương tiện thô sơ, nhờ kỹ thuật hiện đại như điện thoại di động, GPS, tiên đoán chính xác về thời tiết cũng như địa điểm cá tập trung, kết quả thu hoạch của ngư dân hàng ngày từ biển cả, cộng với dịch vụ du lịch của những người không đi biển, lợi tức đem lại từ vùng này quý như những quả trứng vàng. Nhưng lợi tức bảo đảm của người dân không hấp dẫn bằng triển vọng ngoại quốc bỏ ra hàng chục tỉ đô la xây nhà máy thép. Gà đẻ trứng vàng là mấy trăm cây số bờ biển đã chết, vì lòng tham làm mờ mắt băng đảng cầm quyền.

Câu truyện ngụ ngôn từ hơn hai chục thế kỷ trước, ngày nay vẫn có người chưa chịu học.

Gà Nguyễn Mạnh Tường
Luật sư, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, như nhiều người từng biết, là một nhân vật nổi tiếng vào thế kỷ trước. Ông nổi tiếng tuổi trẻ tài cao, đậu hai bằng tiến sĩ văn chương và luật tại Pháp ở tuổi 22. Ông nổi tiếng là một luật sư có tài hùng biện. Ông nổi tiếng là người yêu nước đã tặng tài sản cho nhà nước và theo Kháng Chiến lên Việt Bắc chống Pháp. Ông nổi tiếng tại Đại Hội Luật gia Dân chủ ở Bỉ năm 1956, nhờ vận động thành công sự ủng hộ của quốc tế đối với chủ trương thống nhất đất nước bẳng quân sự. Ông nổi tiếng qua việc nhà cầm quyền Cộng Sản đền ơn bằng cách trao cho ông hàng chục chức vụ quan trọng, chức nào cũng đứng đầu bằng chữ “phó”. Ông tiếp tục nổi tiếng qua việc công khai chỉ ra những sai trái về phương diện luật pháp của chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Và khi bị trừng phạt, ông nổi tiếng qua thành tích sợ hãi quá mức, đến nỗi không chu toàn được nhiệm vụ đối với vợ con và bản thân mình.

Cộng Sản đã không bỏ tù ông, mà trừng phạt gia đình ông một cách dã man, quỷ quyệt hơn, là cắt hộ khẩu. Trong một chế độ mọi người sống nhờ hộ khẩu, mà bị cắt hộ khẩu, sống cũng như chết. Chết dã man, chết từ từ. Cuối cùng, gia đình ông đã thoát chết, một phần, nhờ một con gà. Con gà đẻ trứng thường, nhưng với gia đình ông, trong hoàn cảnh khốn cùng, mỗi cái trứng của nó, đúng là trứng vàng.

Tuy không có bằng tiến sĩ chăn nuôi, ông Nguyễn Mạnh Tường đã biết nuôi gà đúng nguyên tắc. Trong cuốn hồi ký Un Excommunié do Quê Mẹ xuất bản năm 1992, chỉ trong vỏn vẹn nửa trang sách (trang 256), ông đã mô tả đầy đủ về con gà cứu tinh của gia đình mình. Qua đó, có thể rút được vài bài học quý.

Trước hết, muốn cho gà đẻ trứng, phải cho nó ăn. Người không có gạo ăn, lấy gì cho gà ăn? Mỗi buổi chiều, ông Nguyễn Mạnh Tường làm như nhàn du tản bộ ra chợ, lén nhặt những lá rau rơi rụng, kín đáo mang về cho gà. Nhờ thế, gà đẻ trứng đều đặn, đẻ hoài.

Trên hai chục năm trước, vào thời Việt Nam mới mở cửa, người viết biết một vài viên chức làm cho xí nghệp lớn của Mỹ, đi VN thăm dò cơ hội đem vốn tới đầu tư. Sau một vài chuyến đi về, hỏi thăm triển vọng làm ăn, được trả lời: “Họ ngu quá, không làm ăn được”. Hỏi tại sao, tham nhũng hả? Đáp: Tham nhũng ở đâu chả có. Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương… đều có tham nhũng. Nguyên tắc cơ bản người cầm quyền ở VN không biết, là muốn tham nhũng, trước hết, phải cho xí nghiệp cơ hội sống. Không cho gà ăn mà chỉ đòi trứng, kiếm đâu ra trứng?

Thứ nhì, con gà chỉ có thể làm những gì theo khả năng bẩm sinh. Gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường gồm ba người, hai ông bà và cô con gái. Con gà cứu tinh chỉ có thể đẻ mỗi ngày một trứng. Hoặc trứng dầm nước mắm cả nhà ăn chung với rau luộc, hoặc luân phiên, cứ ba ngày một người được nguyên quả trứng. Không thể ép gà đẻ mỗi ngày hai hay ba trứng, để ai cũng có phần. Dù Mẹ Âu Cơ, có khả năng đẻ trăm trứng, nhưng hàng ngàn cán bộ, ai cũng đòi phần trứng của mình, Mẹ cũng đành chạy ra biển thoát thân.

Nếu ví toàn dân như con gà đẻ trứng, Gà Việt Nam đã và đang bị cưỡng bách đẻ mỗi ngày ít nhất hai trứng, một trứng nuôi Đảng, một trứng nuôi Nhà Nước; hai hệ thống cầm quyền song hành, cùng được cung phụng bằng tiền thuế của dân đóng cho ngân quỹ quốc gia.

Gà Key West

Tranh gà rất thịnh hành tại Key West

Trong một dịp đi chơi với con cháu tại Key West, hòn đảo tận cùng của tiểu bang Florida, cũng là điểm tận cùng của nước Mỹ, được nối với đất liền bằng chiếc cầu — một trong những kỳ công của thế giới — và đường xe hơi, người viết đã có cơ hội biết thêm về gà. Ngụ tại hotel Hyatt ngay bờ biển, sáng dậy xem mặt trời mọc. Nghe tiếng gà gáy vang, tưởng khách sạn phát tiếng gà để đánh thức khách. Bèn tìm hiểu, hóa ra tiếng gà gáy thật. Key West có rất nhiều gà, không phải gà nuôi trong chuồng, hay trại gà, mà sống chung với người. Dân số Key West cỡ ba chục ngàn, tổng số gà ở đây khoảng một ngàn rưởi.

Key West chỉ cách Cuba 90 dặm. Vào thế kỷ 19, gà là nghiệp vụ quan trọng tại Cuba. Các nhà gây giống mua gà gốc Philippines từ Spain, đem về pha giống với gà gốc châu Âu, tạo ra một giống gà rất hung hãn, để làm gà chọi, đặt tên là Cubalaya. (Thử tưởng tượng ngày nay, có ai pha giống Duterte với Trump, sẽ tạo ra dòng nguyên thủ quốc gia như thế nào. Mang danh Philusa?).

Sau Thập Niên Chiến tranh (Ten Year’s War: 1868-1878), nhiều người Cuba bỏ nước tới Key West, mang theo cả gà chọi lẫn gà thường. Rồi người nọ theo người kia, vào thập niên cuối thế kỷ 19, quá nửa dân Key West là người Cuba. Chọi gà trở thành môn “thể thao” phổ thông hàng đầu. Ngay cả giới thượng lưu cũng đầu tư vào trò chơi này. Tiếc cho Tướng Kỳ tới Mỹ trễ khoảng một vài thập niên, nếu không, ông đã tìm thấy thiên đàng, đúng như tên gọi ngày nay của Key West, là Đảo Thiên Đàng (Paradise Island).

Vào thập niên 70 thế kỷ trước, trò chơi chọi gà bị luật cấm. Cùng lúc, gà công nghiệp cùng với trứng rẻ rề, nuôi gà ăn thịt hay để lấy trứng không bõ công. Thế là gà được phóng sinh, tự do lang thang kiếm ăn trên đường phố. Những chàng Cubalaya phong độ, được mặc tình giao du với những nàng gà tơ óng mượt, thế là những gia đình nho nhỏ tự nhiên thành hình, cùng nhau tự lực cánh sinh. Chúng lai vãng tới bất cứ chỗ nào có cái ăn, từ thực phẩm rơi rụng của người, đến sâu bọ tại bụi cây, vườn tược. Nhiều vườn rau organic đem chúng về bắt sâu, thay cho thuốc sát trùng. Từ gà chuồng, bỗng chuyển sang gà hoang, được luật pháp bảo vệ, xã hội gà phát triển nhanh chóng.

Cùng với tự do kiếm ăn, chúng cũng tự do phóng uế, khiến người dân phải quan tâm, và gây tranh cãi. Khách du lịch từ phương xa tới, thấy những con gà trống sặc sỡ thỉnh thoảng gân cổ gáy, hay gà mẹ dẫn một đàn con xinh xắn lang thang trên lối đi hay qua đường, khiến xe cộ ngừng lại nhường lối, trông thật dễ thương. Một cơ hội hiếm có để chụp hình. Nhường bước trước gà, cũng còn là cơ hội tỏ ra mình là người văn minh. Nhưng với cư dân sống thường trực tại đây, nạn phân gà và nước bị ô nhiễm, khiến họ muốn tiêu diệt xã hội gà đi bộ này. Trên lối đi vào những căn biệt thự hàng triệu đô, thỉnh thoảng điểm một vài đống phân gà, hay hai ba giờ sáng bị đánh thức bởi tiếng gà gáy, thật bất tiện.

“Vấn đề gà” đã trở thành sôi nổi tại Key West, chẳng kém gì vấn để di dân trên toàn nước Mỹ trước Năm Con Gà. Một nửa dân muốn gà ở lại, nửa kia muốn gà biến đi. Phát sinh “Cuộc chiến gà” tại Key West (The Key West "Chicken War").

Một “sử gia” tại Key West là Whitfield Jack đã mô tả một cảnh khá sống động cuộc chiến gà này:
“Ôi! Không thể tưởng tượng được. Thật là ngoài sức tưởng tượng!” một nữ du khách từ New York kêu lên trong ngày đầu tiên tới Key West. Bà mới nhìn thấy một con gà đi qua phố chính. Đúng ra, đó là cả một gia đình gà: một gà mẹ với bộ lông lốm đốm, một gà cha khệnh khạng, và ba gà con yên lành đi trên vỉa hè Đường Duval, dọc theo bức tường gạch phía trước toà nhà băng cổ kính nhất Key West.
Một ông có xe bán hot dog bên lề đường nhún vai, than: “Chắc lần đầu tiên nhìn thấy gà, phải không?” Ông ta nói với bà, vẫn tỏ ra thân thiện, nhưng không giấu được vẻ bực tức. “Chúng chưa bị tuyệt chủng đâu”.
“Nhưng người ta không thấy chúng đi trên đường phố. Chắc chắn ông không thể thấy cảnh này trên Đại lộ Số Năm”, bà ta nói với vẻ phấn khởi, trong lúc giơ máy ảnh lên chụp đàn gà.

Gia đình gà tại Key West (Hình: Marc Averette)

Gữa lúc bà bấm máy, ông nhảy ra từ phía sau xe hot dog, úp chụp xuống trọn gia đình gà bằng chiếc vợt khổng lồ. Cảnh đàn gà hỗn loạn, dẫy dụa, chân đạp, cánh vẫy, lông lá tơi bời, được thu hết qua ống kính.
“Đồ dã man!” Bà la lên. “Tội nghiệp những con gà!”
“Con trống này chuyên phóng uế trên cái dù của tôi”, ông bán hot dog với cây vợt trong tay, vừa lẩm bẩm, vừa chỉ vào cây dù che xe hot dog đầy vết bẩn, vừa chỉ lên cành cây phía trên xe hot dog, nơi con gà trống vẫn ngự trị canh giữ giang sơn của mình.
“Ông sẽ làm gì với chúng”, bà du khách hỏi, đau khổ như sắp khóc. Ông bán hot dog liếc nhìn về phía con chó lớn mầu đen đang nằm dài dưới xe hot dog. Với cái lưỡi dài thoòng, nó liếm qua liếm lại quanh mép, ánh mắt nhìn về phía cái vợt với nhiều hứa hẹn.
“Đưa cái vợt cho tôi”, bà nói như ra lệnh, và cảm xúc làm mất tự chủ, bà giằng cái vợt khỏi tay ông hot dog. Rồi lật ngửa nó lên, lắc mạnh.
Gia đình gà phóng ra tứ phía, lông lá tả tơi, bụi mù, tản mát trong nháy mắt. Con trống phóng ngay lên cành cây, xù lông, lấy hơi, gáy một tràng muốn thủng lỗ nhĩ. Gà mẹ và các con chạy vào cái cửa mở của một quán rượu bên cạnh, chẳng ai thèm để ý.
Con gà trống trên cành cây nhìn xuống, vỗ cánh, (như cử chỉ dũ áo phủi bụi để tỏ sự bất bình Chúa khuyên các thánh tông đồ khi xưa nên làm, mỗi khi không được dành cho nơi tạm trú). Một cái lông đỏ rớt xuống, chao qua đảo lại trong không khí, trước khi đáp nhẹ xuống vệ đường. Bà du khách, mắt lưng tròng, nhặt lấy như một chiến tích. Từ vị trí ngay trên đầu ông hot dog, con gà trống lấy thế, cong đuôi, rướn người, nhắm mắt. “Ôi, bọn trời đánh”, ông nhìn lên. Nhưng quá chậm. Một trái bom loãng đã rơi trúng đầu ông, tung toé, chảy xuống cả mớ tóc đuôi ngựa buộc sau gáy.
Bà du khách thích thú, nhắm máy hình vào đầu ông, bấm lia lịa.
“Tôi sẽ kiện bà”, ông gầm lên, cùng lúc dứ nắm tay đe doạ, trong khi bà chạy về phía cuối phố, một tay cầm máy ảnh, tay kia cầm chiếc lông đỏ thắm. Tối hôm đó, bà trông tuyệt vời với kỷ vật cuộc chiến giắt trên đai mũ, ngồi nhâm nhi một ly Margarita tại quán rượu trên bờ biển, hãnh diện kể lại câu truyện cho một đám đông bạn bè.

Truyện chưa chấm dứt ở đây. Whitfield Jack kể thêm:

Với tất cả sự kính trọng dành cho ông bán hot dog, tưởng cũng nên ghi nhận rằng, vài tuần sau, ông đã có một quyết định rất sáng suốt về mặt kinh doanh. Ông đã di chuyển xe hot dog chừng vài mét xuống phía cuối phố, để tránh tầm oanh tạc của con gà trống từ cành cây. Và cũng khám phá ra rằng, sự hiện diện của gia đình gà đã giúp doanh nghiệp của ông phát triển đáng kể. Người ta thường nhìn thấy ông xé bánh kẹp hot dog cũ ném cho mẹ con nhà gà. Và (giống trường hợp Tướng Khánh đã cạo nhẵn bộ râu dê), để đánh dấu việc đoạn tuyệt với quá khứ, ông cắt bỏ chòm tóc đuôi ngựa của mình.
Về phần con chó mực khổng lồ, nó cảm thấy sung sướng như trên chín tầng mây, từ khi khám phá ra rằng, cứ nằm bất động một lúc, những con gà nhỏ xíu sẽ nhảy lên lưng nó, chân bới, mỏ mổ, vừa gãi ngứa, vừa nhặt từng con bọ ẩn náu trong bộ lông dầy của nó. Nhìn cặp mắt lim dim mơ màng, và cái đuôi thỉnh thoảng nhẹ đong đưa, đủ biết nó tận hưởng hạnh phúc như thế nào.

Ai được ai thua trong cuộc chiến gà, hoàn toàn tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Có những tình huống tưởng kẻ trong cuộc không thể đội trời chung, nhưng chỉ thay đổi một chút, trong ý nghĩ hay nếp sống, mọi việc thành tốt đẹp lạ thường. Cũng nên ghi nhận thêm, những con gà theo chân người Cuba tới Key West, chỉ là công cụ giải trí, hay một thứ thực phẩm tươi dự trữ. Nhờ sống trong một xã hội có kỷ cương, luật pháp được tôn trọng, gà Cuba tại đất mới đã được giải phóng trước người Cuba ở quê nhà.

Sau hết, nhiều người vẫn tưởng gà chỉ gáy khi trời gần sáng, là sai lầm. Gà Key West gáy bất cứ lúc nào, khi có ánh đèn xe, khi có tiếng chó sủa, nhất là khi có ai dại dột bào nó câm miệng. Có lẽ, vì sống chung với người, chúng bị lây bệnh từ người, nhất là giới mới tập tễnh làm chính trị. Hễ thấy ánh đèn truyền thông là cất tiếng gáy. Và nếu có ai bảo “shut up”, lại càng gáy to.

***
Trước thềm năm Gà, mấy trăm triệu dân Mỹ đã bị đặt trước một quyết định vô cùng khó khăn. Làm giám khảo cho một trận thư hùng chưa từng có trong lịch sử: Chọn bên thắng trong trận đấu giữa hai con gà, một mái, một trống. Cuối cùng, con trống đã thắng điểm kỹ thuật, gây cảnh phản đối ồn ào.

Trận đấu gây chấn động dư luận, vì cả hai con gà đều thuộc loại bất thường, nổi đình đám vì tiếng gáy inh tai nhức óc. Gà trống gáy là chuyện thường. Nhưng con này có tật gáy bừa, gáy nhảm, gáy thô tục, vô nguyên tắc, thuộc loại “gáy càn.” Thiến, là biện pháp thông thường dân gian đối phó với loại gà này. Gà mái gáy là chuyện lạ, thỉnh thoảng mới xuất hiện trên giang hồ. Người đời gọi là “gáy gở”, thường báo hiệu một điềm không hay, khiến người mê tín lo sợ, tìm cách loại bỏ hầu tránh tai hoạ.

Gáy gở hay gáy càn, đều mất vệ sinh. Hy vọng đó là chuyện năm cũ, và mọi sự sẽ tốt đẹp bằng năm bằng mười trong năm mới.




No comments:

Post a Comment

View My Stats