Saturday 4 February 2017

NHẠC SĨ LÊ THƯƠNG - CHÚNG TA ĐÃ BIẾT GÌ VỀ PHẨM CÁCH, TÀI NĂNG CỦA ÔNG ? (Đặng Phú Phong - Da Màu)




03/02/2017

Nhạc sĩ Lê Thương 1914-1996

I. Tóm lược tiểu sử.

Từ khoảng 1933-1934 ở Việt Nam, sự ra đời của những "Bài hát ta điệu tây" do các nghệ sĩ tiền phong như Tư Chơi (Huỳnh Hữu Trung) và Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) đề xướng trên các gánh Trần Đắt và Phước Cương, gọi là “Âm nhạc cải cách” có thể được xem như là thời phôi thai của nền Tân nhạc Việt Nam.

Đến năm 1937, những bài hát này được phổ biến rộng rãi hơn. Tại đài phát thanh Radio Saigon cũng như tại Hà Nội, Huế, đâu đâu cũng thấy ca hát theo giọng Tino Rossi, từ các rạp hát, tiệm khiêu vũ, quán rượu, đến thư phòng, gác trọ. Nhiều hãng dĩa như Béka, đã bắt đầu tung ra thị trường những bài hát ấy do các cô Ái Liên và Kim Thoa ca.

Trong thế hệ những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt như: Dương Thiệu Tước, Văn Chung, Lê Yên, Thẩm Oánh, Nguyễn Xuân Khoát, Dzoãn Mẫn, Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức nhạc sĩ Tô Vũ), Phạm Ngữ… có một nhạc sĩ lấp lánh tài ba xuất hiện, đó là nhạc sĩ Lê Thương. Từ những nhạc phẩm Tiếng Đàn Âm Thầm (1934) và Trưng Vương (1937) sau đó là Bản Đàn Xuân, Một Ngày Xanh, Trên Sông Dương Tử, Tiếng Đàn Đêm Khuya, Thu Trên Đảo Kinh Châu… tên tuổi nhạc sĩ Lê Thương đã rất quen thuộc, được dân chúng hết sức mến mộ. Và, sau đó trở nên sáng chói trên vòm trời âm nhạc nhờ trường ca Hòn Vọng Phu. Bài Hòn Vọng Phu I (còn có tên là Đoàn Người Ra Đi) ra đời năm 1943. Bài Hòn Vọng Phu II (còn có tên Ai Xuôi Vạn Lý) năm 1946 và Hòn Vọng Phu III (còn gọi là Người Chinh Phu Về) viết năm 1947. Tên tuổi của nhạc sĩ Lê Thương vang dội từ bấy đến giờ (hơn 70 năm) và vẫn còn tiếp nối nhiều thế hệ nữa.

Bút danh Lê Thương là ông ghép họ của mẹ với tên con sông Thương, dòng sông của tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm trong những dịp nghỉ hè ở một đồn điền tại Đồng Đăng của gia đình một người bạn học. Nơi đây ông cũng có dịp nhìn ngắm tượng đá vọng phu, nội dung của huyền thoại Tô Thị đã in vào lòng ông, để sau này thành một trong những tố chất làm nên trường ca Hòn Vọng Phu bất tử.

Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1914 tại Yên Viên, Hàm Long, Hà Nội. Ông mồ côi mẹ từ năm chín tuổi, cha tục huyền, bốn anh em gồm ba trai một gái, được bà nội đem về nuôi. Bà nội là Trùm một họ đạo Thiên Chúa ở khu phố Hàm Long thời ấy nên Lê Thương được bà dưỡng dục trong môi trường của gia tộc sùng đạo. Kiến thức âm nhạc do năng khiếu bẩm sinh và hấp thụ trong môi trường nhà Dòng, chứ không được học ở một trường lớp nhạc lý nào khác. Khi tu ở nhà Dòng ông có tên là Bénilde (theo nhà thơ Huy Trâm) tu được một thời gian rồi hoàn tục, 1935 ông đi dạy học. Thuở còn đi học, Lê Thương rất tích cực tham gia các phong trào ca hát. Khoảng năm 1937, khi thuyên chuyển về dạy học ở Hải Phòng, ông đã cùng với Văn Cao, Hoàng Quý, Hoàng Phú, Phạm Ngữ, Canh Thân… cùng với một số ca sĩ thời bấy giờ thành lập nhóm Đồng Vọng để sáng tác và hát phụ diễn cho ban kịch của Thế Lữ mỗi khi ban kịch này có chương trình biểu diễn tại Hải Phòng. Năm 1941 Lê Thương vào Nam dạy học ở tỉnh Kiến Hòa và Sài Gòn. Ngày 23/9/1945 Pháp đánh Sài Gòn, ông chạy xuống Mỹ Tho, theo kháng chiến ở các vùng quê, bị Pháp ruồng đuổi, phải chạy trốn trở lại thành phố Mỹ Tho để rồi ngồi tù vào khoảng cuối 46 qua 47. Cuối 1947 ông được thả và trở về Sài Gòn.

Năm 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Hải Phòng diễn thuyết, Lê Thương đến dự và do thính giả yêu cầu, Lê Thương có trình bày một bản tân nhạc. Theo cách phân chia của Lê Thương trong bài viết “Nhạc Tiền Chiến- Lời thuật của Lê Thương” thì nền Âm Nhạc Mới (Tân Nhạc) của Việt Nam bắt đầu vào thời điểm này:

Năm xuất hiện chánh thức của phong trào Âm Nhạc Mới là tháng 3 năm 1938, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên từ Saigon ra hô hào tại đất Bắc.

Ông giải thích thêm :

Ông Tuyên được thống đốc Nam Kỳ thời đó là Rivoal trợ cấp để đi diễn thuyết về âm nhạc cải cách tại Bắc Hà.”, “Sau đó nhân kỳ hội của trường Nữ Học Hoài Đức, ông Tuyên còn trình bày nhạc mới tại rạp chớp bóng Palace một lần nữa. Lần này cử tọa rất tán thưởng giọng hát của ông trong bài “Bông Cúc Vàng”.
Đến đây báo Ngày Nay, một cơ quan ngôn luận rất được đọc thời bấy giờ, mới nhóm khởi việc hô hào và đăng tải những “tác phẩm đầu” của nền nhạc mới.”, “Một cái dây bứt động cả rừng, người ta mới thấy những người yêu nhạc đăng và xuất bản những bài hát mới để dùng vào khiêu vũ hay để hòa nhạc vui vẻ.
Từ đầu 1939, một số bài nhạc của vài nhóm đã thấy treo bán tại các hiệu sách.”
(nguồn: khanhly.net/phoxua)

Tháng 9 năm 1938, trên Báo Phong Hóa do nhà văn Nhất Linh làm chủ bút đăng các nhạc phẩm như "Bông Cúc Vàng", "Kiếp Hoa" của Nguyễn Văn Tuyên, "Bình Minh" của Nguyễn Xuân Khoát, "Khúc Yêu Đương" của Thẩm Oánh… Và ca khúc "Bản Đàn Xuân" của Lê Thương. Bản Đàn Xuân là nhạc phẩm chính yếu giúp tên tuổi ông nổi trội lên. Ca từ và âm điệu của bài này đều mang tính trữ tình rất vừa phải, nhẹ nhàng, quyện với nhau nghe rất du dương thơ mộng. Âm hưởng ngũ cung mang tính hoài niệm rất hợp với cách vui xuân của dân Việt. Xin dẫn nguyên bài để độc giả lãm tường:

Đàn xuân tủi lòng nẩy cung đợi mong/ Reo ai oán trong khuê phòng/ Tình tang tang tính tính tình/ Tình tang tang tính tính tình/ Lạnh lùng hơn gió ngoài đồng/ Ngồi se chỉ hồng/ Hỏi ai hiểu không/ Tiếng oanh muốn nhắn lời thay những tiếng ngân/ Như chiếc bóng người chưa dám nhắc chân/ Chờ tin thơ chim hoàng oanh đưa/ Còn xa bay trong áng sương mờ.
Đàn ca cảnh vườn/ Nhủ hoa thả hương/ Hương hoa luyến theo cung đàn/ Tình tang tang tính tính tình/Tình tang tang tính tính tình/ Để cùng bay khắp trần hoàn/ Lời hoa kể rằng/ nhiều đêm rạng trăng/ Thấy ai ướm má hồng ru những tiếng êm/Hoa cũng muốn trời cho có trái tim/ Để yêu riêng nhân tình hoa/ Và xuân tươi, tươi đến muôn mùa
Đàn bao tuổi rồi, đàn ca chẳng ngơi/ Bao giây đứt trong quãng đời/ Tình tang tang tính tính tình/ Tình tang tang tính tính tình/ Của tình duyên số mạng người/ Đàn ca nửa lời/ Để cung nhẹ lơi/ Có dây nắn tiếng cười dây nắn tiếng than/ Dây nắn tiếng trầm dây nắn tiếng vang/ Tuỳ theo dây tơ tình tơ duyên/ Và theo dây lưu luyến u huyền.” 

Lê Thương cũng là nhạc sĩ đi tiên phong trong thể loại “truyện ca” như Nàng Hà Tiên (1940) rồi được tiếp nối với Hoa Thủy Tiên, Lịch Sử Loài Người, Truyền Kỳ Lịch Sử… Thời kỳ kháng chiến, ông có soạn một ca khúc rất nổi tiếng Lòng Mẹ Việt Nam hay Bà Tư Bán Hàng nói về một bà mẹ thành phố có các con tham gia kháng chiến. Và bài hát đó là một trong những lý do Lê Thương bị Pháp bắt giam vào khám Catinat cùng Phạm Duy và Trần Văn Trạch năm 1951.

Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Lê Thương năm 1949 (hình trên internet)

Từ khi vào miền Nam năm 1941, Lê Thương phổ một số bài thơ như Lời Kỹ Nữ (thơ Xuân Diệu), Lời Vũ Nữ (thơ Nguyễn Hoàng Tư), Bông Hoa Rừng (thơ Thế Lữ), Tiếng Thùy Dương (tức Ngậm Ngùi thơ Huy Cận) và Tiếng Thu (thơ Lưu Trọng Lư).

Lê Thương là nhạc sĩ tiên phong của nhiều thể loại âm nhạc. Ông thuộc những người đầu tiên viết truyện ca và đã để lại những bản truyện ca hay nhất như Nàng Hà Tiên, Lịch Sử Loài Người, Hoa Thủy Tiên… Đặc biệt hơn cả là bộ ba Hòn Vọng Phu, được xem như một trong những tác phẩm lớn nhất của tân nhạc Việt Nam.

Ngoài ra, Lê Thương cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết nhạc hài hước với những bản Hoà Bình 48 (phê phán sự mỵ dân đội lốt hoà bình), Làng Báo Sài Gòn” (đả kích báo giới bồi bút, bất tài và ham tiền), Đốt Hay Không Đốt (châm biếm máu Hoạn Thư), Liên Hiệp Quốc Những bản này được nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn nhiều lần vào thập niên 1940. Lê Thương còn đặt lời cho những bản nhạc ngoại quốc ngắn như Nhớ Lào (nhạc Lào), Bông Hoa Dại tức Ô Đuồng Chăm Pá (nhạc Lào), Lòng Trẻ Trai (nhạc Hoa Kỳ), Hoa Anh Đào tức Sakura (cổ nhạc Nhật Bản), Màn Brúc Đánh Giặc (dân ca Pháp)…

Lê Thương cùng Nguyễn Xuân Khoát, được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi với những bản nhạc cho tuổi thơ: Cô Bán Bánh, Con Mèo Trèo Cây Cau, Thằng Bé Tí Hon, Ông Nhang Bà Nhang, Truyền Kỳ Việt Sử, Học Sinh Hành Khúc… Thời VNCH ông cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Nổi tiếng hơn cả là bài Thằng Cuội:

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói Cuội nghe
"Ở cung trăng mãi làm chỉ"
Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ

Một bản nhạc lời ca ngây thơ và ngộ nghĩnh:

Ông Ninh Ông Nang:
Ông Nỉnh ông Ninh, ông ra đầu đình
Ông gặp ông Nảng ông Nang
Ông Nảng ông Nang, ông ra đầu làng
Ông gặp ông Nỉnh ông Ninh
Nang Ninh đầu đình
Và Ninh Nang đầu làng…

Một bản nhạc rất phổ thông ở các trường trung tiểu học là bài Học Sinh Hành Khúc:

Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao.
Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập.
Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu.
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên!
Học Sinh là mầm sống của ngày mai.
Nung đúc tâm hồn để nối chí lớn.
Theo các thanh niên sống vì giống nòi.
Liều thân vì nước, vì dân mà thôi…

Ông dạy sử địa tại một số trường trung học tại Sài Gòn và trở thành công chức, làm việc tại Trung Tâm Học Liệu, bộ Quốc Gia Gíao Dục của Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời dạy nhạc sử tại trường Quôc Gia âm Nhạc Và Kịch Nghệ Sài Gòn. Ngoài âm nhạc, Lê Thương còn gia nhập vào ban kịch của Thế Lữ năm 1930, và ban kịch Sầm Giang của Trần Văn Trạch ở Sài Gòn. Lê Thương đã sáng tác ca khúc cho nhiều kịch bản, và viết nhạc phim cho hảng phim Mỹ Vân. Ông còn tham gia đóng phim Đất Khổ, trong vai vị Linh Mục. Phim của đạo diễn Hà Thúc Cần quay từ 1971-1973, Trịnh Công Sơn thủ vai chính.

Lê Thương lập gia đình cùng một phụ nữ học ở Pháp về và họ có 9 người con. Ông cũng có hai người tình, người tình đầu là một cô hát ả đào nổi tiếng ở Hà Nội. Người thứ hai là một vũ nữ tại Chợ Vườn Chuối Sài Gòn. Ông mất vào ngày 17-9-1996 thọ 82 tuổi.

II. Ba bài Hòn Vọng Phu

Nhạc sĩ Lê Thương( Hình chụp năm 1948)

Trong sự nghiệp sáng tác của Lê Thương, vượt hơn trên tất cả là 3 bài Hòn Vọng Phu được giới âm nhạc cho rằng về nhạc thuật, các trường ca nổi tiếng của Việt Nam như trường ca Con Đường Cái Quan (Phạm Duy), trường ca Sông Lô (Văn Cao), Khúc Hát Sông Lô (Đỗ Nhuận) và trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) khó sánh bằng. Ba bài Hòn Vọng Phu có thể nói là một bi hùng ca được viết rất đa dạng về tiết tấu, cung bậc, âm giai. Ông khéo léo phối họp một cách rất nhuần nhuyễn giữa thang âm 7 bậc của phương tây và ngũ cung của Việt Nam để diễn tả một câu chuyện dân gian với hình ảnh người đàn bà bế con chờ chồng với tấc lòng son sắt để rồi hóa đá. Ông tâm sự: 

Lý do khác thôi thúc tôi viết Hòn Vọng Phu là do cảm mến thân phận người chinh phụ qua Chinh Phụ Ngâm khúc nổi tiếng… Không có gì đẹp hơn bằng cách chuyển cuộc ra đi của người chồng vì mối tình ngang trái thành cuộc ra đi vì đại nghĩa, và hình ảnh người đàn bà cũng trở nên hợp hơn, đúng hơn với người chinh phụ! Người đàn bà luôn luôn chịu thiệt thòi. Cần phải trả lại cho họ cái chức phận thiêng liêng, cao quý ”. (theo Vương Trùng Dương)

Ngôn ngữ trong Hòn Vọng Phu là thứ ngôn ngữ được thăng hoa đầy tính thẩm mỹ. Lời hát quyện chặt với nốt nhạc, ăn chắc với tiết tấu trên từng quãng nhạc; nhịp điệu khi nhanh, khi chậm, khi hiền hòa, khi quặn đau thắt lòng, khi hùng tráng, khi dồn dập để diễn tả chính xác đến mức tài tình từng nội dung của từng đoạn ca từ.

*- Hòn Vọng Phu 1: Đoàn Người Ra Đi (Hương Mộc Lan xuất bản lần đầu vào năm 1946)

– Hoàn cảnh và nguồn cơn sáng tác:

Theo lời kể của chính Lê Thương trong thư gửi cho nữ Bác sĩ Phương Hương năm 1987 (người từng giúp đỡ ông qua cách quà biếu gửi về từ Mỹ) chúng ta thấy được hòan cảnh sáng tác Hòn Vọng Phu 1 là lúc ông đi vào Nam, ngang qua tỉnh Phú Yên bị thu hút bởi tượng Vọng phu cùng quang cảnh non nước “man rợ” (sic) ở vùng này để rồi ông hình thành “lệnh vua hành quân trống vang dồn…” Có thể nói rằng hình ảnh tượng đá Vọng Phu ở Phú Yên là hình ảnh chính, động lực chính ảnh hưởng mạnh nhất trong trường ca Hòn Vọng Phu so với những tượng đá Vọng phu ở nhiều nơi trên nước Việt nam. Ông giải thích:

Núi Vọng phu ở Phú Yên tại một vùng địa lý hơi man rợ, thâm u là đá đẹp nhất, xem từ biển nhìn vào làm cho tôi cảm mến.

… Nhớ lại năm 1470 đầu niên hiệu Hồng Đức tại vùng này có "thạch bi sơn" làm biên giới Việt Nam và Chiêm Thành còn sót lại… Cảnh trí đường đèo quanh co, cây cỏ um tùm man rợ làm cho dân gian ghi tạc mấy câu vè siêu thực đầy tính bí hiểm: “Mưa Đồng Cộ, Gió Tu Hoa, Cọp ổ Gà, Ma Hòn Lớn”
Lời sơ giải của dân gian kể là: Trên một cao nguyên nhỏ vùng đèo, thường có mây dày đặc chỉ cần gọi nhau trên đó là có mưa rớt xuống (còn nhiều di tích dân cổ Chiêm Thành trên đó)
Đường lên ngọn cao nơi đó, sườn núi bị soi mòn, gió biển thổi qua các khúc quanh co, nghe như tiếng hú âm u. Đó là Mưa Đồng Cộ, gió Tu Hoa…”

“Còn Hòn Lớn thì nghe như một cái đảo âm u ngang vùng Phan Rang gì đó, có rất nhiều “ma hời” đêm cứ lập lòe nhát các ngư phủ ghé thuyền tránh gió đến đó qua đêm!
Quang cảnh hú vía của thiên nhiên, trộn vào ảnh cảm địa lịch qua từng bước đường nam tiến vẫn ám ảnh tâm hồn tôi, một cậu trai giàu tưởng tượng để lúc sống bên bờ kinh Chẹc Xậy (tỉnh Bến Tre thân mến) phải thể hiện thành bài Hòn Vọng Phu 1.
Lệnh vua hành quân trống kêu dồn…”

Đó là những hình ảnh tác động trực tiếp đến ông, và, phần sâu xa nhất trong tâm thức ông là tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Ông đã trả lời cho tác giả Lê Phương Chi như sau:

Đồng thời, một xúc tác sâu xa trong tâm hồn tôi là ảnh hưởng những câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm, đã in sâu vào tiềm thức khi còn ngồi ghế nhà trường:

“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung”

Tất cả những ấn tượng đó nằm sâu trong tâm thức đã từ lâu thôi thúc tôi thai nghén tạo nên ba tác phẩm Trường ca nhạc cảnh Hòn Vọng Phu.”

Và:

Cũng xin thú thật là tôi còn chịu ảnh hưởng sâu xa trong Chinh Phụ Ngâm, cụ thể là:
“Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt”
Thì trong Hòn Vọng Phu I tôi biến thành:
Lệnh vua, hành quân, trống … kêu dồn…
Ngoài sườn non cuối thôn…

Và câu:
“Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San”
vào nhạc phẩm tôi đã biến nó thành:
Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn.

Với câu:
“Tới Man Khê bàn sự Phục Ba …”
tôi biến nó thành:
Bến Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng.
Bến Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng …

Có thể nói, những câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm đã in sâu vào tiềm thức những ngày tôi còn học ở nhà trường. Rồi với những ấn tượng thắng tích đá Vọng Phu qua truyền thuyết thiếu phụ ôm con mòn mỏi trông chồng đến nỗi hóa đá, đã hằn sâu trong tâm tư tôi, nay gặp ngoại cảnh núi sông hùng vĩ hiện ra trước mắt, đó là môi trường thuận lợi tác thành những giai điệu trong nhạc phẩm Hòn Vọng Phu I.”

Vậy là Hòn Vọng Phu 1 được ra đời năm 1943 tại Bến Tre, nơi ông dạy học.

– Nội Dung:

Nhạc sĩ Lê Thương muốn xây dựng hình ảnh người chinh phu, chinh phụ tuyệt đep, là biểu tượng cho sự hy sinh nên trong Hòn Vọng Phu ông đã bỏ đi những chi tiết không phù họp với truyền thống phương Đông. Ông chỉ xây dựng hình ảnh hào hùng của người ra đi vì chinh chiến và sự son sắt chờ chồng của người chinh phụ. Ông nói:

Tất cả luân lý đông phương hầu như căn cứ trên lẽ tiết trung của Con Người các thế hệ, các giai cấp trong một nhân sinh quan sâu đậm Tình và Nghĩa.
Người Mẹ ôm con đợi chồng rồi hóa đá quả là một truyện ly kỳ tuyệt đẹp. Thành đá đây là thành “chứng quả tình thâm, tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt. Tình cha con chưa từng ôm ấp đã chia ly, tình đồng loại chưa sum vầy đã tan rã.”(Thư gửi P.H.)

Ở Hòn Vọng Phu 1 có 4 câu sau đây mà tôi đồ rằng đó chính là cái “chìa khoá” để mở và dẫn dắt hành trình tâm lý cho cả bài trường ca:

Chiêng trống khua trăm hồi,
ngần ngại trên núi đồi,
rồi dậy vang khắp nơi
thắm bao niềm chia phôi…”

Cuộc xuất binh đấy thanh thế, trống đánh chiêng khua, cờ bay phất phới, nhưng, trước khi âm thanh ấy bừng bừng sấm dậy vang dội khắp nơi thì nó lại có một khoảng thời gian “ngần ngại” như một dấu lặng. Lê Thương đã hết sức tinh tế, tả chân cái tình huống vừa hùng tráng của phút ra quân, vừa nỗi lòng trước cảnh chia ly không hẹn ngày trở lại. “thắm bao niềm chia phôi” của kẻ chinh phu và người chinh phụ. Bài hát viết bằng điệu Nhịp đi, (có thể dùng điệu Fox) nhanh, hùng tráng, thuộc ton Re thứ; từng cụm âm thanh liên tục, dồn dập, xô đẩy nhau diễn tả thật trọn vẹn cái khí thế trong lúc xuất binh… đến phần kết thúc bằng 2 câu: “Người tung hoành bên núi xa xăm, Người mong chồng còn đứng muôn năm” thì nhạc chậm lại và dứt bằng nốt re âm vang kéo dài. Âm vọng của tiếng “muôn năm” trầm hùng tỏa lan bất tận khiến người nghe lòng đầy bồi hồi thương cảm.

*- Hòn Vọng Phu 2: Ai Xuôi Vạn Lý (Hương Nam xuất bản vào tháng 10 năm 1946)

– Hoàn cảnh sáng tác:

Trong thư gửi bác sĩ Phương Hương, nhạc sĩ Lê Thương cho biết: 

“Bài Ai Xuôi Vạn Lý ( Hòn Vọng Phu 2) là cuối năm 1945 sang 46, tôi theo kháng chiến tỉnh Mỹ Tho đi từ Cai Lậy, thuộc Nhiêu, Vĩnh Kim qua sông, đi với các em phần đông là học sinh Petrus Ký mà tôi là trưởng đoàn Ca Nhạc với những bài thanh niên lịch sử và riêng Hòn Vọng Phu 1 nghêu ngao qua các làng dừa từ Thành Triệu, An Khánh, Phú An Hòa, Quới Sơn, Giao Long, Giao Hòa, cho đến Dòng Sầm, gần Bình Đại…
Bỗng Tây đem tàu tấn công 3 Cù Lao, Minh, Bảo, An Hóa. Tiếng Canon 75 bắn tủa vào các bờ sông có dừa, máy bay phun lửa “spitfire” từ trời bắn xuống. Đoàn phải tan rã các em trong đoàn chạy hầu hết về gia đình, chỉ còn tôi và người bạn Ánh (nay đã chết) trốn được vào vùng lá Dòng Sầm cách Bình Đại 4 cây số.
Chúng tôi được vài gia đình người Cao Đài làm đầu tộc đạo nơi đó thương xót giấu trong bìa lá và giúp lương thực sống trong sự khủng khiếp hằng ngày vì tên Pháp lai Leroy và bọn lính Partisans đầu đỏ xục xạo làng xóm gieo khủng khiếp. Lúc đầu chúng tôi còn trốn vào sâu trong ruộng, đem gạo cơm đi ăn tối về nằm trong kho lúa. Sau vì còn thấy nguy hiểm nên anh Tư- bà con với ông đầu tộc đạo dẫn chúng tôi vào bìa lá dòng Sầm dày 4,5 trăm thước sát cửa biển Bình Đại.
Tại nơi yên tĩnh này chúng tôi được sống bên bờ rạch dày đặc lá dừa nước! May mà còn chiếc mùng “Tuin” (tulle) để tránh muỗi, đêm đêm nghe dế than, cá thòi lòi đập đuôi lạch bạch dưới sình và tâm hồn lo âu vô vọng. Tôi hay nghĩ đến sự chết thê thảm cô đơn và lẩn vẩn trong trí óc sự tiếc nuối mênh mang như lòng người chinh phụ trong giang san Đèo Cả.
“Thôi đứng đợi làm chi. Thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly.”
Nhờ cây viết máy Kao lo khô mực và nước rạch nhỏ vào cho ướt lại, tôi viết mấy ô nhịp trên.
Tâm hồn rạo rực trong mỗi buổi chiều tà làm bốc lên những tiếng mới của bài Hòn Vọng Phu 2, tức Ai Xuôi Vạn Lý, được ghi vội vã lộn xộn nhưng cuồng nhiệt như tâm hồn tôi ghì lấy sự sống.”

Qua lời tỏ bày của Lê Thương, chúng ta thấy được nhờ sự gian nan, thiếu thốn mà ông bật lên những cung nhạc tài hoa trong Hòn Vọng Phu 2. Những lần chạy trốn hiểm nguy, cái chết cận kề, cái chết luôn lảng vảng trước mặt, bằng sự cảm nhận thiết tha với sự sống, ông đem hòa nhập những điều này vào nỗi lòng chinh phụ.

-Nội Dung

Hòn Vọng Phu 2 hay cả 3 bài đều là những bản Ballad. “Ballad là một bài ca có cấu trúc tự nhiên đơn giản, thường ở hình thức kể chuyện hay diễn tả. Một ballad thường có một vài đoạn có cấu trúc tương tự và có thể có một đoạn điệp hoặc không. Nói cách khác, ballad là một câu chuyện, thường là một bài tường thuật hoặc bài thơ, được ngâm hoặc hát lên. Bất cứ hình thức chuyện nào cũng có thể được kể như là một ballad, chẳng hạn như những miêu tả mang tính lịch sử hay chuyện thần tiên theo hình thức đoạn. Nó thường rút gọn lại, luân phiên giữa các dòng theo nhịp 3 và 4 (nhịp ballad) và các vần lặp lại đơn giản, thường kèm theo một đoạn điệp. Nếu ballad dựa trên đề tài chính trị hay tôn giáo thì có thể là một bài tụng ca (hymn).” (nhaccodien.info)

Phần đầu ông viết theo thể điệu Espressivo để người hát diễn tả cảm xúc của mình được tự do thoải mái. Chính vì vậy 2 câu:

“Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ, Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ, cho đến bây giờ đã thành / đoàn cổ thụ già” nhờ một dấu nghỉ giữa 2 chữ “thành” và “đoàn” nó đã làm cho ta cảm nhận được cái dài đằng đẵng của thời gian. Từ lúc xuất chinh, cỏ cây chỉ là thơ trẻ mà giờ đây chao ôi đã trở thành một khu rừng cổ thụ!

Bài Vọng Phu 2 là bài đặc biệt nhất trong 3 bài. Đặc biệt vì 2 bài kia chỉ thuần là kể chuyện; riêng bài này Lê Thương, trong lúc xuất thần ông thấy mình đang là chứng nhân của cảnh người vọng phu cương quyết trơ gan cùng phong nguyệt, đứng lặng nhìn về phía trời xa, một dạ đợi chồng. Ông không còn đóng vai kể chuyện nữa mà nhập vào câu chuyện, hiện diện trong cổ tích để nói lên nỗi lòng thương cảm của mình với nàng chinh phụ. Ông năn nỉ người vọng phu, xin nàng hãy thắp nén hương cho chàng rồi hãy về đi. Về, để cái xuân sẽ tàn mà thời gian sẽ không bao giờ đúng hẹn.

Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng, Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng.Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly…” 

Sự thương cảm đã được đẩy lên cao độ, ông quý yêu nàng, khâm phục nàng bằng tất cả tấm lòng nên tôn xưng nàng là “Bà”. Chữ bà được trịnh trọng viết hoa trong bản nhạc. Bà là danh xưng tôn quý dành cho những người phụ nữ có công đức, tài ba giúp đỡ dân lành. Được thờ tự trong am miếu. Lê Thương, với tấm lòng đạo đức, nhân hậu đã tôn vinh người vọng phu như thế!

Một chi tiết mà có lẽ ít người để ý đến là “Trời chuyển mưa trong tiết tháng ba, Suốt năm nước nguồn tuôn đổ xuống "Bà", hình hài người bế con nước chảy chan hòa”. Dân gian có câu “Tháng Ba bà già đi biển” ý nói thời tiết vào tháng Ba ở vùng biển rất là tốt, biển êm sóng lặng, không hề có mưa giông gió bão. Thế nhưng lòng son sắt của người đàn bà chờ chồng kia đã động đến thiên đình, dù theo thông lệ không cho mưa vào tháng ba, trời làm mưa như thác đổ, để giúp nàng quên đi cái nắng đổ lửa, cái gió cát xốn xang lòng mắt. Và cũng để

“Thấm vào đến tận tâm hồn đứa con”. 

Ở bài này sự nhân cách hóa của nhạc sĩ Lê Thương đáng xưng tụng là “xuất quỷ nhập thần”. Nhìn tượng vọng phu đứng trên dãy Trường Sơn, ông lãng mạn giải thích, núi non thương tình nên kéo nhau đến kính cẩn quì trước mặt nàng tung hô tình yêu bất diệt, và, từ đấy, núi non không đi nữa cùng ở lại với nàng, trở thành dãy Trường sơn của nước Việt.

Nên núi non thương tình, kéo nhau đi thăm nàng Nằm thành Trường Sơn vạn lý xuyên nước Nam.” 

Ô! Lê Thương đã sinh đẻ ra dãy Trường Sơn của chúng ta một cách thơ mộng và đáng yêu như vậy! 

Còn nữa. Nhiều đồi núi khác cũng động lòng, vội vã ra đi đến tận ngàn khơi để tìm giùm nàng, xem chàng về hay chưa. Và, vì chưa có câu trả lời nên quyết tâm đứng đấy, chết đi, thoát thai thành những hòn đảo rải rác nhiều nơi trên biển cả.

Nhiều đồi rủ nhau kéo thành đảo xa, ra tới tận khơi ngàn…Xem chàng về hay chưa, về hay chưa?”

Cũng vậy, sức liên tưởng, tưởng tượng của Lê Thương thăng hoa đến nỗi ông biến dòng sông Cửu Long vì muốn đem tin đến nàng nhưng bị núi non dựng chắn, đành phải nằm kêu ca dưới miệt đồng bằng, đợi chờ nhiều ngàn năm nữa “Chín con long thật lớn, muốn đem tin tới nàng, Núi ngăn không được xuống, chúng kêu ca dưới ngàn.”Mới mong tới gặp được người vọng phu. Ôi! núi, sông, chim chóc, cây cỏ đều động lòng trước tình yêu của nàng chinh phụ, đều liều thân để giúp nàng!

Cũng trong bài 2 có 4 câu sau đây, tưởng cũng nên lạm bàn đôi chút:

Có con chim nhỏ bé
Dám ca câu sấm thề
Cuối thu năm Mậu Tý
Tướng quân đem kiếm về…”

Tại sao “Cuối thu năm Mậu Tý”?

Về cái thời gian này, tôi cố công tra cứu rất nhiều nhưng chưa thấy có lời giải đáp, nên mạo muội lý giải theo thiển kiến của mình, xin quý bậc cao minh chỉ giáo, thêm.

Trong sấm Trạng Trình và các sấm ký khác không hề tiên tri có một năm Mậu Tý nào có xảy ra biến đổi cho Việt Nam. (Danh xưng Việt Nam để chỉ nước ta được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến từ lúc ông sinh tiền (1491-1585) như: "Việt Nam sơn hà hải động thưởng vịnh" (Vịnh về non sông đất nước Việt Nam; Tiền trình vĩ đại quân tu ký/ Thùy thị phương danh trọng Việt Nam" (Tiền đề rộng lớn ông nên ghi nhớ/ Ai sẽ là kẻ có tiếng thơm được coi trọng ở Việt Nam?)… (theo Hải Thanh/Pháp Luật Việt Nam). Vậy, khi Lê Thương nói “có con chim nhỏ bé, dám ca câu sấm thề, cuối thu năm Mậu Tý, tướng quân đem kiếm về”, tôi đồ rằng vì muốn cho người vọng phu tin tưởng ngày về của chồng đã đến, không còn mờ mịt xa nữa nên ông bèn hô lên có câu sấm! (đây là trận tâm lý chiến của Lê Thương, biết đàn bà thường hay tin tưởng sự siêu nhiên) mà ông tự đặt ra (xin để ý đến chữ “dám”) và “bán cái” qua cho “con chim nhỏ bé” để an ủi nàng.

Nhưng tại sao Mậu Tý mà không là một năm Dần, Mẹo nào đó? Chúng ta hãy quay về thời gian sáng tác bài Hòn Vọng Phu 2. Lê Thương viết bài này vào cuối 1945 sang đến 1946, năm 1946 là năm Bính Tuất, như vậy ông muốn bảo với người vọng phu thời gian ngắn nhất là 2 năm nữa, là năm Mậu Tý (1948). Nhưng sao không là năm Bính Tuất (1946) hay Đinh Hợi (1947) cho gần hơn? Xin thưa, vì hai năm này không đúng theo nốt nhạc!

Vậy thì chỉ có năm Mậu Tý là năm gần nhất và khả thi trong âm nhạc để tướng quân đem kiếm về!

*- Hòn Vọng Phu 3: Người Chinh Phu Về (Dân Tộc xuất bản lần đầu vào năm 1949)

– Hoàn cảnh sáng tác:

Thời điểm năm 1947 là lúc nhạc sĩ Lê Thương trở về lại Sài Gòn, cũng là thời gian ông viết bài Hòn Vọng Phu 3 để hoàn tất một trường ca bất hủ. Ông nói về HVP3 như sau: “Người Chinh Phu về (HVP3) với tình nghĩa vợ chồng đổi sang tình nghĩa non sông, nhìn đứa con để trao cho nó thanh kiếm sơn hà. “Trao nó đi gây lại cơ đồ”. Linh tính làm người Việt Nam giữa thời khói lửa vẫn đinh ninh là Hạnh Phúc vẫn là mục tiêu không kỳ hạn mà dân tộc phải tìm lâu dài cho đến khi quân bình được những cảm tình trái ngược mà lẽ đời sôi động của cuối thế kỷ đã lôi cuốn bao lớp người vào lãng phí sinh mạng như vào hận tủi bi thiết của nhân sử nòi Việt.”

Năm 1947 này, bài HVP 1 và 2 được dân chúng đón nhận thật nhiệt liệt. Tất cả những niềm vui này đã làm Lê Thương phấn chấn tinh thần thêm lên trong bài HVP 3 với niềm vui trở về.

– Nội Dung

Trong phần mở đầu, Lê Thương dùng điệu Largo (chậm và trang nghiêm) để diễn tả sự xao xuyến, bồi hồi của người chinh phu trở về vì liên tưởng đến vợ mình vẫn đang trông ngóng. Tiếp theo nhạc đổi qua điệu To di Marcia (Tempo I Marcia) tức nhip điệu hành khúc. Đoạn nhạc này thật dồn dập, quãng trước thôi thúc đuổi quãng sau. Không cần phải có hòa âm, phối khí gì cả, chỉ cần khi xướng âm  chúng ta vẫn nghe thấy được tiếng vó câu dồn dập, tiếng ngựa hí vang trời của đoàn quân trở về trong niềm vui chiến thắng: 

Đường chiều/ mịt mù/ cát bay/ tỏa bước ngưa phi…

Điệu nhạc cứ dập dồn như thế để diễn tả hết đoạn tả cảnh người chinh phu bắt đầu hăng hái, phi ngựa trở về. Đến đoạn tả cảnh đường xa, qua biết bao núi rừng, sông ngòi, thôn xóm… thì ông dùng điệu Ritardando để chậm lại, diễn tả mối thương tâm của người chinh phụ khi phải chứng kiến cảnh hoang tàn của mộ bia của đình làng như một sử tích:

“…Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đình trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang động trong lòng…”

Đến đây, Lê Thương lại nẩy sinh một ý kiến mới, một ý kiến tích cực hơn trong câu chuyện có nhiều phần tiêu cực là hướng đến sự thiêng liêng cao cả của truyền thống chống ngoại xâm, khác đi huyền thoại nhân gian kể về sự tích Hòn Vọng Phu. Trong truyện kể khi người chinh phu trở về, người vợ Tô Thị bồng con lên núi chờ chàng và đã hóa đá. Nhưng Lê Thương vì muốn nêu cao tinh thần yêu nước, cương quyết chống ngoại xâm cho đến cùng, từ thế hệ này sang thế hệ khác của dân tộc Việt Nam. Thanh gươm báu là tượng trưng cho lòng yêu nước được kế thừa nên ông đã kể lại chuyện rằng: Nàng chinh phụ nhắn, xin lỗi chồng phải nhờ người khác trông nom đứa con, để mình nàng đến tận mỏm núi cao mà vời vợi trông chàng

Hỡi người chinh phu, anh hùng non sông
Trao người con quý cho người trông nom,

Thiếp xin lỗi thề”.

Nên chi, khi người chồng trở về: “Thấy đứa con xanh ngắt nỗi hùng còn trong đó Cầm chiếc gươm chinh phụ di truyền Chàng bế con trao lại gươm bền Rồi chỉ vào sơn hà biến cố Trao nó đi gây lại cơ đồ”.

Vâng, ngọn đuốc thiêng yêu nước phải được di truyền thắp sáng.

*
Trường ca Hòn Vọng Phu quả thật là một trường ca trác tuyệt. Đã hơn 70 năm qua Hòn Vọng Phu luôn luôn được trình diễn từ những ca sĩ lừng danh như Thái Thanh, Duy Khánh, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Hồng Vân… cho đến các ca sĩ nổi tiếng hiện nay, từ những ban hợp ca chuyên nghiệp cho đến nghiệp dư, các trường học. (Người viết bài này cũng từng hân hạnh đứng trong ban hợp ca trường học của mình để tập hát HVP).

Những nhạc sĩ lớn như Phạm Duy đã viết trong hồi ký rằng: “Trong số những bạn đồng nghiệp, tôi yêu nhất nhạc sĩ Lê Thương…” và, "…Tôi cũng cho rằng trong làng tân nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất. Mỗi bài nhạc, mỗi giai đoạn nhạc của anh đều chứa đựng thông điệp…” Cũng trong Hồi ký, Tập 3, chương 2, Nhạc sĩ Phạm Duy nói về sự châm biếm trong bài Hòa Bình 48 của Lê Thương là khi đó “người ta lấy hình ảnh con chim bồ câu ngậm chiếc lá trông rất khỏe mạnh. Nhưng anh Lê Thương của chúng ta cho rằng con chim đó đang bị đau nặng:

“Con chim hòa bình đang đau nặng.
Ngày và đêm càng thêm lo lắng
Đang lo chùi mài dao gươm đặng
Ngày mai đem ra chém giết nhau…”

Rồi Phạm Duy đưa ra môt cái nhìn so sánh rất thành thật: “Với bài hát phổ biến năm 1948, trước hết, Lê Thương đã nhìn ra quốc tế trước tôi. Phải đến thập niên 60 tôi mới soạn những bài hát như Người Lính Trẻ, Chuyện Hai Người Lính…”

Không chỉ Phạm Duy mà có nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác đều tỏ lòng quý mến, khâm phục tài năng âm nhạc của Lê Thương. Một cây cổ thụ trong nền âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Văn Cao cũng thừa nhận ông đã ảnh hưởng Lê Thương trong việc học tập và kế thừa nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

III. Vài kỷ niệm với nhạc sĩ Lê Thương

Tôi hân hạnh được quen biết nhạc sĩ Lê Thương khoảng năm 1984 hay 1985, không nhớ rõ. Ông dáng người có vẻ phốp pháp, bụng hơi phệ, Cặp mắt kính dày cộm, giọng nói có hơi khàn của người lớn tuổi nhưng trầm, ấm, âm vang xa. Trong khoảng 2 tiếng đồng hồ chuyện trò, ông làm tôi cảm mến rất nhiều. Nói năng giản dị nhưng ân cần, điểm giữa là những tiếng cuời, có khi thật hiền, có khi thật sảng khoái; ông làm người nghe cuốn hút theo. Hiểu biết của ông về âm nhạc, về lịch sử, về văn chương thật mênh mông. Đây là lần đầu tiên tôi mới biết bài Học Sinh Hành Khúc mà tác giả chính là ông. Những học sinh trước năm 1975 hầu như ai cũng quen thuộc, từng hát bài này, quen thuộc đến độ đã không ít người hát “chế” câu đầu thành “Học sinh là người hủ tiếu ăn hai ba tô”. Tôi nhớ mãi câu nói thật vui, thật hóm hỉnh của ông mục đích là dặn tôi nhớ số để sau này trở lại chơi. “ Thuốc ba con 5 thì dễ nhớ rồi phải không, vậy thì nhớ ông Lê Thương chỉ hút 2 con 5 thôi nhé” (Nhà ông ở số 55 đường Bùi Viện.) Những năm tháng về sau tôi thường đến nhà ông, để được nghe ông hết lòng trình bày những gì tôi muốn thỉnh giáo. Để nghe những lời nói, những câu chuyện thật hóm hỉnh nhưng sâu sắc của ông. Lúc nào ông cũng rất lịch sự lắng nghe tôi nói, đối xử với tôi như người ngang hàng. Đây là một đức tính rất hiếm hoi ở người lớn đối với hậu sinh nhỏ thua mình trên 30 tuổi.

Sau 1975 ông có soạn một tập sách, đặt tên là Tạp Sự, ghi lại những chuyện đời của các ca nhạc sĩ cải lương, tân nhạc miền Nam được khoảng trên 300 trang viết tay. Khi Lưu Hữu Phước vào Nam, ghé thăm ông, biết cuốn này, muốn xin ông đem in, ông hẹn trả lời sau. Mấy hôm sau khi nhà thơ Huy Trâm đến chơi ông đem việc này hỏi ý, Huy Trâm nói in nguyên văn thì cũng tốt nhưng sợ là họ thêm bớt chi đó làm hại đến công trình tâm huyết của mình. Sau đó Lê Thương không nhắc đến việc này nữa.

Tượng bán thân của nhạc sĩ Lê Thương do người bạn thân là nhạc sĩ Lê Cao Phan điêu khắc.

Những văn nghệ sĩ thường lui tới nhà ông giai đoạn này mà tôi thỉnh thoảng gặp là các nhạc sĩ: Lê Cao Phan, Nguyễn Hữu Thiết, Châu Kỳ, Đức Quỳnh, Bắc Sơn … các nhà thơ như Huy Trâm, Tô Như, Hải Phương…Ông lúc nào cũng niềm nở, ân cần và khiêm tốn với tất cả mọi người. Ông luôn nói với những người nhỏ thua ông nhiều tuổi, trong đó có tôi, là hãy cứ gọi ông bằng anh cho thân tình văn nghệ.

Đã ngoài 70 tuổi nhưng Lê Thương rất khỏe, ông đạp xe đạp đến tận Gò Dưa để thăm mộ Hoàng Trúc Ly. Nhiều lần ông và tôi mỗi người một chiếc xe đạp, cót két đạp từ Sài gòn xuống Thủ Đức, đều đi về trong ngày. Ở Thủ Đức có chị Kiêm Lang là một người rất yêu thích văn chương, ca nhạc thường mời anh chị em văn nghệ sĩ xuống nhà chơi, đãi đằng, văn nghệ, có cả lén nhảy đầm. Nhạc sĩ Đức Quỳnh là người có những bước nhảy rất đẹp, thường nhảy biểu diễn, được mọi người vỗ tay tán thưởng thật nhiều.

Khoảng năm 1988, nhạc sĩ Lê Thương, một hôm bảo tôi rằng ông đượcThông Tin Văn Hóa Sài Gòn, qua nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, cho phép tổ chức Đêm Nhạc Lê Thương. Tôi rất vui mừng khi nghe tin này, và, tôi thật ngạc nhiên khi ông bảo là nhờ tôi viết script cho chương trình. Tôi hơi hoảng, xin từ chối vì không đủ khả năng. Ông cười tuềnh toàng, nói tôi đã nghĩ rồi, anh làm được mà, gắng giúp tôi đi nhé. Sau đó ông sắp xếp đưa tôi đi gặp một số ca sĩ như Thanh Lan, Hồng Vân … và ca đoàn nhà thờ ở Ngã Tư Bảy Hiền. Việc chưa đi vào đâu thì ngoài Hà Nội gửi điện vô báo là cho phép tổ chức Đêm Nhạc Lê Thương với điều kiện chỉ được trình diễn nhạc của Lê Thương từ trước năm 1945. Ông báo tin cho tôi bằng giọng nói thật bình thường chẳng chút buồn bã. Ông nói thêm là anh biết đấy trước 45 tôi đâu có đủ nhạc để trình diễn một chương trình dài như vậy. Rồi ông cười khè khè. Thế là “Đêm Nhạc Lê Thương” im lìm hủy bỏ.

Năm 91 tôi đi Mỹ, khoảng ba bốn năm sau, hay tin ông bị mất trí nhớ nặng. Ông mất vào năm 1996 trong sự bàng hoàng thương tiếc của anh chị em trong giới văn nghệ và cả dân chúng nữa.

Căn nhà của nhạc sĩ Lê Thương hiện nay (2016) Phần mặt tiền cho thuê.

Lê Thương, một nhạc sĩ tài ba, một vị thầy giáo tài giỏi, đức độ, một người nặng lòng với nước non, một nghệ sĩ lãng mạn với tâm hồn bay bổng thanh cao. Tình yêu trong âm nhạc của ông là một loại tình yêu không đắm chìm trong thân phận, dang dở yêu thương của đời thường, mà ông hướng về sự cao cả, trong sáng như trăng rằm, keo sơn son sắt như “Bà” Tô Thị. Ông phả vào tâm hồn thanh niên học sinh những câu ca “vì dân, vì nước”. Nói về tính hài hước của Lê Thương, những người quen biết với ông đều nhận thấy. Trong đời sống thường hằng, cũng như qua những bài nhạc như: Hòa Bình 48, Đốt Hay Không Đốt… Lê Thương đã cho chúng ta những nụ cười mỉm nhẹ nhàng nhưng nhiều khi nôn cả ruột. Nhưng nếu tôi dược chọn một trong hai từ ngữ “hài hước” và “dí dỏm” để chỉ về ông, tôi sẽ chọn “dí dỏm”. Vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc. Vừa thâm trầm vừa trí tuệ. Vừa hóm hỉnh vừa chừng mực. Không có sự nhố nhăng, hời hợt hay quá khích trong tinh thần hài hước của Lê Thương.

Sinh thời ông không bon chen, lặng lẽ giữ cho mình một thái độ sống thật chuẩn mực cho nên dù nhạc của ông được phổ biến khắp nơi nơi, từ thành phố đến thôn quê, từ các em nhi đồng cho đến người lớn tuổi ai cũng biết, cũng thích, nhưng thanh danh ông lại ít được nhắc đến. Nếu tôi không lầm thì ông chưa hề được những tổ chức về âm nhạc từ trong nước đến hải ngoại vinh danh, dù một lần. Về trường ca Hòn Vọng Phu, tôi bỏ thời gian tìm tòi rất nhiều thì tất cả những phần của các ca sĩ, các ban hợp xướng chưa có người nào hát đủ cả 2 lời của bản trường ca. Ngay cả các lời của bài hát cũng chưa có bài nào được đầy đủ. Ước mong trong tương lai có người đứng ra tổ chức một chương trình vinh danh nhạc sĩ Lê Thương, trình diễn thật đầy đủ bản trường ca bất hủ này để tỏ lòng biết ơn sâu xa người nhạc sĩ sáng như sao Bắc Đẩu trên vòm trời âm nhạc Việt Nam.

Phu nhân của nhạc sĩ Lê Thương đứng cạnh bàn thờ của ông (2016)

Hiện nay, căn nhà số 55 đường Bùi Viện Q. 1 Sài gòn của nhạc sĩ Lê Thương may mắn chưa đổi chủ. Bà Lê Thương năm nay 86 tuổi, vẫn còn sống nhờ sự chăm sóc của người con gái tên Thủy trong căn nhà giữ y như ngày xưa. Chị Thủy cho biết là khoảng 10 năm qua, chị đại diện cho gia đình hằng quý nhận được tiền tác quyền nhạc của ông khoảng vài triệu đồng (gần 100 Đô Mỹ) từ Hội Bảo Vệ Tác Quyền Âm Nhạc Việt Nam tại Sài Gòn.

Thật là tình cờ, tôi viết những dòng chữ cuối cùng này vào ngày 17-9- 2016, đúng hai mươi năm ngày qua đời của nhạc sĩ Lê Thương và cũng là đêm hội tết Trung Thu của miền Nam California. Trên TV đang trình chiếu cảnh tết TrungThu cho các em nhi đồng tại khu một khu thương mại. Các thiếu nhi ăn mặc quốc phục, có em còn đội khăn đóng nữa, tay cầm lồng đèn đi tung tăng, hát ngọng ngịu: Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ…” Lòng tôi không khỏi cảm hoài nhớ đến tác giả của nó, một nhạc sĩ biểu tượng cho bước tiên phong, sự hiến dâng cho nền âm nhạc Viêt Nam, giờ đây đã “mờ mịt thức mây” (Chinh Phụ Ngâm).

Đặng Phú Phong
Trung Thu năm Bính Thân – 2016.


Tài liệu tham khảo:
– Nhaccodien.info
– Zin.vn.com
– amnhac.fm
– cafevannghe.wordpress.com
– http://motgoctroi.com
– langmai.org
– Wikipedia.org
– Khanly.net
– Hồi Ký Phạm Duy (NXB Trẻ-2008)
– Đặc biệt cảm ơn Sư cô Chân Không, nhà thơ Huy Trâm, nhà thơ Hải Phương, cô Sen Nguyễn, nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Trần Dạ Từ đã giúp nhiều chi tiết cũng như khích lệ tôi hoàn tất bài viết này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats