Monday, 6 February 2017

PHÚT GIÂY LỊCH SỬ NƯỚC MỸ ĐƯỢC SOI SÁNG (Eliot Asher Cohen - The Atlantic)



Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Không có gì đáng ngạc nhiên về những gì Donal Trump đã làm trong tuần lễ đầu nắm quyền – tuy nhiên, ông ta đã đánh giá sai khả năng đề kháng của dân tộc và các định chế quốc gia của Hoa Kỳ. 

Lời giới thiệu:
Eliot Asher Cohen là một đảng viên Cộng Hòa và học giả hàng đầu về các vấn đề quốc tế. Nguyên là cố vấn tại Bộ Ngoại giao thời Ngoại trưởng Condoleezza Rice dưới thời Tổng thống George W. Bush (Con), từ 2007 tới 2009, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về đối ngoại và quân sự, trong đó có cuốn “The Big Stick: The Limits of Soft Power and the Necessity of Military Force” (2017) và “Military Misfortunes” (1990). Hiện là giám đốc của chương trình Strategic Studies Program thuộc Đại học John Hopkins University, ông là chuyên gia về các vấn đề Trung Đông, Vịnh Persian, Iraq, kiểm soát vũ khí, và Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Trong thời kỳ tranh cử vừa qua, ông Cohen là một trong những tên tuổi trong giới bảo thủ thuộc đảng Cộng hoà đã ký hai lá thư ngỏ, cảnh báo về sự nguy hiểm của việc ông Trump có thể trở thành tổng thống vì tính khí và cá tính của ông ta.[*] Sau một tuần lễ quan sát việc làm của ông Trump, ông Cohen viết bài bên dưới, đúng ra là một hồi kèn thúc quân đặc biệt nhắm vào các giới chức bảo thủ và các đảng viên Đảng Cộng Hoà nói riêng, và toàn dân Mỹ nói chung. Nếu những điều ông viết ra bên dưới đến từ một ngưòi thuộc đảng Dân Chủ, hay ngay cả từ một người không thuộc đảng phái nào, tức nonpartisan, như người dịch bài này, chắc chắn sẽ không hiệu lực bao nhiêu. Vì thế tôi chọn dịch lại toàn bài, gần như từng chữ. Mời độc giả theo dõi. -- Trùng Dương 

---------------------

Trái, Tổng thống Donald Trump (Ảnh Kevin Lamarque/Reuters). Phải, hình bìa tạp chí The New Yorker, tháng 2, 2017. (Ảnh newyorker.com)

Tôi không ngạc nhiên trước những trò hề của Donald Trump trong tuần lễ vừa qua. Không ngạc nhiên vì những tuyên bố nhằm gây chú ý như việc bức tường mà ông sẽ buộc Mexico tài trợ, ngay cả trong lúc ngoại trưởng Mễ đang đàm phán với các viên chức tại Washington [về hợp tác kinh tế, an ninh giữa hai quốc gia trong bối cảnh hợp tác tốt đẹp đã diễn ra trong 25 năm qua – Chú thích của người dịch (CTCND)]. Không ngạc nhiên vì những lệnh nội bộ tuy âm thầm nhưng không kém phần nguy hiểm, như việc loại viên chủ tịch Liên Tư Lệnh – Joint Chiefs of Staff ra khỏi các buổi họp của Ủy Ban Các Thành Viên Cao Cấp, một nhóm chuyên viên thâm niên và phi chính trị trong việc bàn thảo chính sách đối ngoại dưới quyền tổng thống, và đưa viên trùm ý thức hệ của ông ta, Steve Bannon, vào ban này [Bannon là một nhà báo cực hữu, người điều khiển cuộc tranh cử của ông Trump, từng bị một nhà báo khuynh hữu khác gọi là “một cơn ác mộng” và ví ông ta với trùm tuyên truyền Nazi Joseph Goebbels – CTCND]. Nhiều chuyên viên chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia đã thấy sự nguy hiểm đó vào mùa Xuân và mùa Hè vừa rồi, và đấy là lý do chúng tôi đã cùng ký những thư ngỏ tố giác không phải chính sách của ông Trump mà là tính khí của ông ta; không phải chương trình mà là cá tính của ông ta. [*]

Chúng tôi đã đúng. Nhiều bằng hữu, những vị từng khuyên chúng tôi nên dịu giọng, nên làm hoà với ông Trump, nên ngưng lớn tiếng rằng “đây là điều bất thường,” nên hoà giải với ông ta, nên nghĩ rằng ông ta và các cố vấn sẽ thuần hoá, họ đã sai. Trong tuần lễ lịch sử bắt đầu bằng một bài diễn văn nhậm chức u ám và đầy chia rẽ, những tấn công vô tiền khoáng hậu vào tự do báo chí, một chuyến viếng thăm tại tổng hành dinh CIA, nơi ông ta nhục mạ đài tưởng niệm các anh hùng vô danh đã hy sinh cái quý giá tối hậu là đời mình, và bây giờ là nỗ lực cấm những một số nhóm người Hồi (kể cả các thông dịch viên đã phục vụ quân đội ta tại Iraq và những người mang thẻ xanh, ngoại trừ những người tới từ các quốc gia nơi có khách sạn Trump, hay từ những quốc gia không thể thay thế như Saudi Arabia), ông ta đã dẵm đạp lên mọi kỳ vọng.

Trọng tâm của vấn đề phát xuất từ tính khí và cá tính của ông ta, cho nên tình thế sẽ không thể khá hơn. Nó sẽ chỉ tệ hơn, khi quyền hành ngày càng làm ông ta và những người bao quanh thêm hăng máu. Có thể tình cảnh này sẽ kết thúc trong thảm hoạ — trong bạo động và phản kháng quốc nội ngày một gia tăng, sự tan rã trong các liên hệ kinh tế quốc tế, sự sụp đổ của những liên minh quan trọng, hoặc có thể sẽ có một hay hơn cuộc chiến mới (có khi cả với Trung Hoa) thêm vào những cuộc chiến chúng ta hiện có. Sẽ không ngạc nhiên tị nào nếu nhiệm kỳ của ông Trump sẽ không kết thúc trong bốn hay tám năm, mà sớm hơn, với tiến trình kết án/impeachment hoặc cách chức qua Tu chính án thứ 25.[**] Dân Mỹ nên làm quen với những điều có thể xẩy ra này càng sớm càng tốt.

Câu hỏi cần đặt ra là, người Mỹ chúng ta phải làm gì trong tình thế này?  Xin các bằng hữu còn hy vọng được đề cử vào những chức vụ trong chính quyền của ông Trump hãy lưu ý: Khi quý vị bán linh hồn cho quỷ sứ, lão ta sẽ thu tiền mua linh hồn của quý vị trong một chương trình trả nợ dài hạn. Việc Trump nghe theo lời khuyên của các cố vấn riêng của ông ta trong Toà Bạch ốc mà coi thường Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis hoặc Bộ Trưởng Ngoại Giao đề cử Tillerson qua hàng loạt các chính sách thê thảm tuần qua đã cho quý vị thấy rõ ai mới thực sự là người có quyền lực tối hậu. Liên kết với những loại người này, sẽ chỉ là một tiến trình đưa đến chỗ tự hủy đạo đức, trừ phi quý vị là những người có cá tính cực mạnh.

Với giới chuyên gia và triết gia bảo thủ, và quan trọng hơn cả, các chính khách bảo thủ, đây là thời gian thử thách. Hoặc quý vị đứng lên bảo vệ những nguyên tắc và điều quý vị cho là cách xử sự tử tế, hoặc quý vị nằm xuống, không bây giờ, thì cũng trong nhiều năm tới kể từ giờ, như những kẻ hèn nhát hay cơ hội chủ nghĩa. Thanh danh của quý vị sẽ không bao giờ phục hồi, hoặc không đáng được phục hồi.

Hố chia cách đã mở ra giữa bằng hữu không thể lấp được. Phong trào bảo thủ của Ronald Reagan và Jack Kemp, của William F. Buckley và Irving Kristol [là những nhà lãnh tụ trong giới bảo thủ, thuộc đảng Cộng Hoà – CTCND], luôn luôn là đa dạng, nhưng ít nhiều có cùng một giềng mối. Giờ thì khác. Những dòng tư tưởng mới, liên minh mới, liên kết chính trị mới sẽ xuất hiện. Sự chia cách lớn nhất sẽ là giữa những ai vạch ra một giới hạn và những kẻ mang bệnh quyền lực — những người mong được tiếp xúc với quyền lực, ảnh hưởng quyền lực, hoặc nắm lấy quyền lực — sẽ hy sinh một cách không tiếc thương giá trị của chính mình. Với nhiều người khác thì đây sẽ là một cách biệt giữa những kẻ bị ám ảnh bởi lo lắng, hận thù, ghét bỏ, và những ai còn có thể nghe được lời kêu gọi của [tổng thống] Lincoln tới tính bản thiện của chúng ta, những người mà đối với họ đất nước này không chỉ toàn chiến địa mà là một thành phố trên đồi. [“A City upon a Hill” là cụm từ rút ra từ ngụ ngôn về lời Chúa Giêsu giảng trong bài giảng trên Đồi, ghi lại trong sách Matthew 5:14, khi ngài dậy các môn đệ, rằng, “Các con là ánh sáng của thế giới. Một thị trấn dựng trên đồi không thể bị che lấp.” Câu nói đã trở thành thông dụng đối với các chính khách Mỹ. – CTCND].

Đây là một trong những giây phút soi sáng của lịch sử Mỹ, và giống như những giây phút tương tự, nó đến vào lúc ta không thể ngờ được, mặc dù các sử gia sau này sẽ có thể vạch ra nguyên nhân sâu xa và ngẫu nhiên đã đưa đẩy chúng ta tới ngày hôm nay. Không có gì phải sợ hết; đúng hơn, những người yêu nước nên ôm lấy nó. Câu chuyện của Hiệp Chủng Quốc, như Lincoln đã miêu tả, là câu chuyện chuyển biến không ngừng của “sự tái sinh của tự do” và không chỉ là điều chúng ta thừa hưởng từ thế hệ sáng lập nên quốc gia.

Một số trong chúng ta có thể chống lại sự nhũng lạm quyền thế và các chính sách thảm hoạ một cách trực tiếp — tại các toà án, trong các văn phòng dân biểu, trên báo chí. Song tất cả đều có thể đưa tâm huyết mình vào việc vãn hồi các giá trị mà nền cộng hoà này đã đặt làm nền tảng, như trong mọi nền cộng hoà khác: đó là sự tôn trọng sự thật; lòng yêu nước đặt trọng tâm vào tinh thần trách nhiệm, tính trung dung, thượng tôn luật pháp, thiết tha với truyền thống, hiểu biết lịch sử của chúng ta, và một tinh thần phóng khoáng rộng mở.

Đây là những giá trị ngược lại với những thứ đang hiển hiện nơi vị tổng thống hiện nay và các cố vấn của ông. Trump, trong vòng có một tuần lễ ngoạn mục, đã tự chứng tỏ là một trong những vị tổng thống tệ hại nhất của chúng ta, một người coi thường sự thật (đúng ra là khinh mạn sự thật), người mà lòng yêu nước là một chủ nghĩa quốc gia khiêu chiến, người mà kinh nghiệm phục vụ công ích nằm trong việc trốn quân dịch và trốn thuế, người không hề biết Hiến Pháp là gì, không đọc và do đấy không hiểu gì về lịch sử của chúng ta, và người mà vào lúc thành công nhất lại bị ám ảnh bởi các con số thống kê về bao nhiêu người đồng ý với việc mình làm hay con số bao nhiêu người tới nghe bài diễn văn nhậm chức của mình, và kẻ thù của mình.

Ông Trump sẽ còn gây nhiều tai hại trước khi ông rời khỏi sân khấu chính trị, và sẽ trở thành một đề tài kinh dị có tầm cỡ trong sử sách mà con cháu chúng ta sẽ học sau này. Để sửa chữa sự tàn hại này người Mỹ chúng ta cần đặt nhiều quan tâm tới việc giáo huấn lớp trẻ, không phải về tinh thần yêu nước mà là sự quân bình trí tuệ; không chỉ dậy chúng các tiến trình dân chủ mà cả giá trị dân chủ. Chúng ta, trong cộng đồng của mình, có thể tìm thấy những quan điểm chung với những ai mình từng nghĩ là người đối nghịch về chính trị. Chúng ta có thể cố gắng để làm mới một nền văn hóa chính trị đã bị hệ thống giáo dục công dân và sự hoài nghi của họ làm hư hỏng.

Những biến cố trong tuần qua có thể cho chúng ta cảm đoán được những điều sẽ tới. Chúng ta chưa thấy điều gì sẽ diễn ra khi ông Trump dùng tới Sở Thuế/IRS hay cơ quan điều tra liên bang/FBI để sát hại đối thủ của mình. Ông ta nghĩ là đã thành công trong việc bắt chẹt các công ty, và ông ta không ngần ngại bắt nạt cá nhân, kể cả những ai ít quyền hạn hơn ông ta. Cố vấn của ông từng đòi tống cổ các nhà báo chỉ trích ông ta: Hãy chờ thêm những trả thù cá nhân khác. Ông ta đã cho thấy ông ta có ý định cai trị bằng lệnh hành pháp/executive orders, thay thế cho luật ban hành bởi cơ quan lập pháp đại diện dân.

Tuy nhiên cuối cùng ông sẽ thất bại thôi. Ông ta sẽ thất bại vì các xảo thuật của ông ta, cho dù tinh vi tới đâu, cũng không che giấu được thực tại là chiến lược của ông rất tệ hại. Báo The New York Times, cơ quan tình báo CIA, dân Mỹ gốc Mễ, và tất cả những nhóm khác từng bị ông tấn công sẽ vẫn còn đó. Mỗi động tác của ông đều tạo thêm kẻ thù mới và khiến quyết tâm của họ thêm son sắt; ông ta có nhiều người hỗ trợ, nhưng đã không tạo được thêm bạn mới. Ông ta sẽ thất bại vì không thể làm suy đồi toà án, và bởi vì ngay cả vị nghị sĩ nhát gan nhất sớm muộn gì rồi cũng sẽ tuyên bố “như thế đủ rồi.” Ông ta sẽ thất bại bởi vì chung cuộc thì hầu hết dân Mỹ, ngay cả những người đã bỏ phiếu cho ông, đều là những người tử tế không mong muốn sống trong một nước Mỹ là ấn bản phụ của một Thổ Nhĩ Kỳ thời Tayyip Erdogan, hay một Hung Gia Lợi của Viktor Orban, hay một nước Nga của Vladimir Putin.

Không có cái gì gọi là bất ngờ hết trong tuần lễ bất ổn vừa qua của chính quyền ông Trump. Tình trạng sẽ không khá hơn. Do đấy dân Mỹ chúng ta cần tự rèn thép mình, và đòi các vị đại diện mình phải đứng lên nhận lãnh trách nhiệm. Những ai đang có chức vị phải bước tới, và những ai không ở trong các địa vị có thể làm việc đó thì phải bắt đầu chuẩn bị nền móng cho một ngày mai tốt hơn. Không có gì gọi là vĩ đại về một nước Mỹ mà Trump tin là ông ta đang xây dựng; song cuối cùng tất cả, chính cái vĩ đại của nước Mỹ sẽ ngăn chặn ông ta.

[Dịch thuật: TD, 02/2017]

Nguyên tác:



Chú thích:

[*] “A Letter From G.O.P. National Security Officials Opposing Donald Trump - Dozens of the nation’s most senior Republican national security officials, many of them former top aides or cabinet members for President George W. Bush, have signed a letter saying they will not vote for Mr. Trump, the Republican nominee,” Aug. 8, 2016. https://www.nytimes.com/interactive/2016/08/08/us/politics/national-security-letter-trump.html
“Open Letter On Donald Trump From GOP National Security Leaders,”  March 2, 2016,https://warontherocks.com/2016/03/open-letter-on-donald-trump-from-gop-national-security-leaders/

[**] Tu chính án thứ 25 được Quốc hội chuẩn nhận vào năm 1967, bốn năm sau vụ Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Hiến pháp Hoa Kỳcó qui định về việc kế nhiệm khi một tổng thống đương nhiệm bị chết, song mơ hồ. Tu chính thừ 25 định rõ hơn, trong đó có thêm điều khoản IV định rằng nếu Quốc hội nhận thấy một vị tổng thống không còn sáng suốt hành xử công vụ nữa nhưng không thể hay không chịu từ nhiệm thì quốc hội hay chính nội các của ông có thể cách chức ông và đưa vị phó lên thay. Xem thêm tạihttp://fusion.net/story/366156/congress-remove-trump-from-white-house-25th-amendment/, và tạihttps://www.law.cornell.edu/constitution/amendmentxxv






No comments:

Post a Comment

View My Stats