Chủ
Nhật, 5 tháng 2, 2017
Vua Hàm Nghi
Tôi
đến không gian nghệ thuật Bétonsalon thuộc Viện Đại Học Paris 7 để xem 5 tác phẩm
Hội họa và Điêu khắc của vua Hàm Nghi triển lãm từ 14-9 đến 5-11-2016. Đây là
cuộc triển lãm chung với nhiều tác giả khác, mang tên Anywhere but here.
Tôi ngồi trầm ngâm suốt buổi chiều trước các tác phẩm. Không khí trầm buồn của
các bức tranh vắng lặng không một bóng người và bức tượng đồng Eve bị
đuổi khỏi thiên đường (Femme à la coloquinte) đã gợi cho tôi những cảm
thông sâu thẳm.
Bức Coteaux de Saint Paterne, vẽ năm 1920, sơn dầu.
Trong bức tranh Tử Xuân Hàm Nghi, qua màu sắc ánh sáng buổi chiều, khơi rộng
tầm nhìn ngọn đồi, cùng trên một bức tranh những ánh sáng hiền hòa, ánh sáng sống
động và ánh sáng tương phản mặt trời. Xuyên qua những ngôn ngữ của trường phái ấn
tượng, họa sĩ đã diễn tả những cảm giác ấn tượng mình trước ánh sáng. Ông mượn
những kỹ thuật của Claude Monet (1840-1926) những vết màu chấm phá. Trong tác
phẩm này những sắc độ được làm tăng lên bởi độ dày của mảng màu làm cho cây cỏ
thêm sống động. Tử Xuân Hàm Nghi vẫn mang trong tâm hồn trầm buồn người Á Đông
vẽ tranh thủy mặc. Nhưng người họa sĩ Á Đông ngày xưa, như người đứng trên đỉnh
núi cao, như bay bổng trên không nhìn xuống cảnh vật và không có kỹ thuật hội
họa để diễn tả ánh sáng. Một bức tranh khi vẽ buổi sáng, buổi trưa buổi chiều,
buổi tối người Á Đông vẽ tranh nghệ thuật phẳng giống nhau, một màu mực tàu đen
đậm nhạt pha loãng thành các sắc độ màu xám. Vài màu sắc đơn sơ khác được
pha bằng cây cỏ, đất đá, vỏ ốc, bột vàng, nhựa thông, nhựa cây sơn Phú Thọ... Hội
họa Tây phương cùng một cảnh bến nước, một cảnh nhà thờ Rouen đã vẽ bốn bức
tranh cùng một cảnh, màu sắc, ánh sáng khác nhau. Khác biệt với hội họa Trung
Quốc và Ấn Độ vẽ trên mặt phẳng, không phân biệt xa gần, ánh sáng, Trung Quốc vẽ
tranh và đề thơ tứ tuyệt ‘thi trung hữu họa‘, người Việt Nam ngày
xưa vẽ tranh thờ, tranh nhân gian : mặt các vị thần hay vua chúa to hơn mặt
người thường... Hội họa Tây phương phân biệt trên 500 màu sắc khác nhau, và cả
một lý thuyết căn bản các quy luật về hội họa, xa, gần, màu sắc từ Léonard de
Vinci thế kỷ 15. Có thể nói hội họa cũng như âm nhạc Tây phương là những bộ môn
nghệ thuật hoàn toàn mới đối với người Việt Nam. Tử Xuân Hàm Nghi đã diễn tả
tâm hồn mình bằng những nghệ thuật hoàn toàn mới. Người Việt Nam chỉ có thi sĩ,
hoặc thợ vẽ, nghệ nhân điêu khắc, thợ cả làm tượng thờ, đình chùa, hay khắc mộc
bản tranh nhân gian. Tử Xuân Hàm Nghi cùng Lê Văn Miến tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật
Paris năm 1894 là những họa sĩ tranh sơn dầu, điêu khắc gia gửi gấm
tâm sự mình qua tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam.
Bức
Falaise du Port Blanc, sơn dầu ký tên chữ Nho : Tử Xuân , 1912, vua Hàm
Nghi vẽ ở Bretange vùng Saint Lunaire mùa hè năm 1911, bức này có trong cuộc
triển lãm tại Paris năm 1926.
Bức
Rochers de Sidi Ferruche vẽ năm 1916 tại Algérie sơn dầu cũng có trong danh
sách các tranh triển lãm năm 1926. Kỹ thuật vẽ tranh với những mảng màu
ánh sáng lướt qua gợi cho ta những cảm giác các tác phẩm các họa sĩ trước thời
kỳ trường phái ấn tượng.
Bức
Le vieil olive, vẽ năm 1905 sơn dầu, cây ô liu già nằm giữa, các mảng màu
sắc mang ảnh hưởng Gauguin (1848-1903) ánh sáng và ánh phản chiếu tối sáng bức
này cũng có mặt trong cuộc triển lãm tại Galerie Mantelet năm 1926.
Bức Chân dung tự họa năm 1896, vẽ bút chì trên giấy, nhà
vua vẽ lại ảnh chụp năm 1891 tại hiệu ảnh Geiser ở Alger. Bức ảnh này có tặng
cho Auguste Rodin năm 1891 và Charles Gossselin đăng đầu tiên trong sách Le
Laos et le protectorat française. Nhà vua vẽ theo sự chỉ dẫn của họa
sĩ Marius Reynaud (1860-1935).
Trận hỏa hoạn tại biệt thự Tùng Hiên năm 1962 đã
làm mất đi khá nhiều tác phẩm. Hiện nay Vua Hàm Nghi còn lại khoảng trên 100
tác phẩm do gia đình gìn giữ, Tiến sĩ Lịch sử Mỹ Học Amandine Debat, người
cháu 5 đời của vua Hàm Nghi, còn đang chuẩn bị sách nghiên cứu về
vua Hàm Nghi của cô nên chưa tiết lộ hết các tác phẩm.
Vua Hàm Nghi đã học Điêu khắc với bậc thầy hàng đầu các
nhà điêu khắc thế giới thế kỷ 19-20, Auguste Rodin (1840-1917), và là nhà
điêu khắc vĩ đại nhất nước Pháp, sau khi Rodin mất, nhà vua học với Léon
Fourquet (1841-1939). Về Hội họa nhà vua học với họa sĩ Marius Reynaud
(1860-1935), giải nhất Hội Họa giải thưởng Rôma, nhà vua đã tiếp xúc với tác phẩm
các bậc thầy trường phái ấn tượng như Paul Gauguin (1848-1903), Claude Monet
(1840-1926) và một tờ báo tại Alger từng đăng ảnh chụp chung vua Hàm Nghi với Foujita
một họa sư Nhật Bản danh tiếng tại Paris. Được gọi thân mật là “Hoàng tử
Annam“, vua Hàm Nghi đã tiếp xúc sâu rộng với giới văn học, nghệ thuật hàng đầu
tại Paris. Tài năng nghệ thuật và cuộc triển lãm tại Thủ đô văn hóa
nghệ thuật thế giới Paris của Tử Xuân Hàm Nghi đã khẳng định nhà
vua một nghệ sĩ tầm vóc, cùng với họa sĩ Lê Văn Miến, từng du học
trung học tại Alger và tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Paris năm 1894 mở đầu việc
người Việt Nam bước vào lãnh vực Hội họa Điêu khắc Việt Nam tiếp xúc với thế giới.
Từ năm 1887 Rodin được xem là bậc thầy điêu khắc tài năng
tầm vóc quốc gia và quốc tế. Ông được nhiều đơn đặt hàng chính phủ Pháp, cũng
như các nước. Cơ sở điêu khắc của ông trở thành một công xưởng lớn, nơi làm việc
thường xuyên với từ 5 đến 26 phụ tá và hàng chục học trò đến học tập. Ông trả
lương từ 10 đến 12 francs mỗi ngày cho người tập sự và 20 francs cho phụ
tá bậc cao. Món tiền ấy khá lớn so với thời giá lúc bấy giờ. Rodin là một trong
những nghệ sĩ hiếm có, có đời sống sung túc giàu có. Các môn sinh của ông ngày
nay nhiều người được có những viện bảo tàng riêng, xếp vào hàng bậc thầy,
và một trong những người thư ký riêng của Rodin, lại là nhà thơ, nhà văn
danh tiếng nước Áo: Rainer Maria Rilke với tác phẩm được mọi người biết đến
là Lettre à un jeune poète, 1903 - Thư gửi một thi sĩ trẻ. Rodin có
mối quan hệ mật thiết với hoàng tử An Nam. Vua Hàm Nghi thường được mời tham dự
những bữa tiệc gia đình hay chiêu đãi của Rodin. Vua Hàm Nghi có tặng cho
Rodin bức ảnh năm nhà vua 30 tuổi, bức ảnh được Rodin trân trọng gìn giữ và lưu
lại trong Viện bảo tàng Rodin.
Rainer Maria Rilke (1875-1926) sinh tại Prague, người Áo,
có vợ là Clara Westhoff, và người bạn thân là Paula Modershon Becker đều là học
trò của Rodin. Năm 2016 có một cuộc triển lãm dành riêng cho P. M. Becker tại
Viện Bảo tàng Nghệ Thuật Hiện Đại Paris. Tử Xuân Hàm Nghi đến học với Rodin,
trong khoảng thời gian Rilke làm việc nơi đây. Năm 1907 Rilke có sang Alger
chơi với vua Hàm Nghi. Cũng trong thời gian đó nhà điêu khắc danh tiếng Antoine
Bourdelle làm phụ tá cho Rodin.
Tử Xuân Hàm Nghi là một nhân vật danh tiếng tại Alger và
tại Pháp, và có một mối quan hệ rộng rãi với giới trí thức Âu Châu đương thời.
Công việc tìm kiếm khám phá về cuộc đời và mối quan hệ vua Hàm Nghi sẽ còn nhiều
điều để nói.
Từ năm 1894, cứ hai năm một lần, mỗi mùa hè nhà vua được
đến Paris 3 tháng. Nhà vua gần như ít cơ hội gặp gỡ người Việt, ngoài thì giờ
du lịch vua Hàm Nghi thường đến học điêu khắc với Rodin tại xưởng điêu khắc
Dépôt des Marbres, đường Université. Paris quận 7 và tại Villa des
Brillants thành phố ngoại ô Meudon, nơi đây Pavillon Rodin tại cầu
d’Alma, sau cuộc Triển Lãm Hội Chợ Hoàn Cầu năm 1900, được dỡ về dựng lại tại
khu đất Biệt thự Brillants trở thành xưởng điêu khắc Rodin. Từ năm 1906 Rodin dọn
về Hotel Biron, với khu vườn rộng, nay là Viện Bảo Tàng Rodin, một địa chỉ văn
hóa không thể không viếng thăm khi đến Paris.
Bức tượng đồng Femme à la coloquinte, đúc năm 1925 diễn tả Eve tay còn cầm
trái táo, che mặt xấu hỗ, thân thể trần truồng bị Thượng Đế đuổi khỏi thiên đường.
Tượng cao 52 cm.
Bức họa được đánh số 2 trong cuộc triển lãm năm 1926 tại Galerie
Mantelet – Collette Weil đường Boétie. Quận 8 Paris. Tác phẩm mang ảnh hưởng
cách diễn tả Người suy tư của Auguste Rodin. Eve được diễn tả
từng bắp thịt, từng đường gân, mái tóc xõa quyến rũ, thân hình điều đặn tuyệt mỹ.
Trình độ nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của Tử Xuân Hàm Nghi không kém gì các học
trò hàng đầu của Rodin như Antoine Bourdelle, Jean Escoula, Camille Claudel
(1864-1943), Brancusi, Aristide Maillol, Raphaël Diligent, Vincent Cruz, Louis
Cornu... tác phẩm họ chiếm số lượng khá nhiều trong các Viện Bảo tàng
Pháp, các công viên, quảng trường Tây phương.
Đề tài Eve được Rodin điêu khắc bằng đá cẩm thạch năm
1882, Jean Escoula cũng có tác phẩm Eve, Antoine Bourdelle có tượng Eve
au rocher… diễn tả cái đẹp thân thể phụ nữ. Nhưng riêng Tử Xuân Hàm Nghi, nhà
vua muốn gửi gấm tâm sự gì trên bức tượng đồng, khi tả Eve ăn trái cấm bị đuổi
khỏi thiên đường, phải chăng là tâm sự nhà vua bị bắt sau cuộc khởi nghĩa Cần
Vương thất bại, bị đày đi lưu vong xứ người, không còn tìm thấy lại quê
hương ?!
Rodin và các học trò ông thường sáng tác các tác phẩm với
ý nghĩa ẩn dụ. Xem tượng Eve bị đuổi khỏi thiên đường, tôi không quên tượng l’Âge
Mûr, Tuổi chín muồi, của Camille Claudel, học trò và cũng là người tình của
Auguste Rodin, em gái văn hào và cũng là nhà ngoại giao, Hàn Lâm Viện sĩ
Paul Claudel.
Nhóm tượng gồm ba nhân vật : một cô gái quỳ xuống
đưa tay cầu khẩn, một người đàn ông vừa dứt tay ra đi, nhưng bên cạnh đó
là một người đàn bà lớn tuổi dìu đôi vai ông đi. Cô gái xinh đẹp ấy là Camille
Claudel, người đàn ông là Auguste Rodin và người đàn bà là Rose Beuret. Camille
Claudel đã yêu đến mức điên loạn khi Rodin từ chối cưới nàng, từ năm 1913 gia
đình đưa nàng vào dưỡng trí viện và sống trong dưỡng trí viện hết cả cuộc
đời, mất năm 1943. Cuộc đời Camille Claudel nhà điêu khắc tài năng đã được dựng
thành phim được đóng bởi Isabelle Adjani năm 1988.
Bức tượng Eve bị đuổi khỏi thiên đường, vua Hàm Nghi muốn
nói lên điều gì ? Chúng ta thử đọc Chương Sáng Thế Kỷ trong Thánh Kinh đoạn
Eve bị đuổi khỏi Thiên Đàng, Adam và Eve là tên chung chỉ đàn ông và đàn
bà :
« Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một
xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-ho-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy
nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam. A-đam nói rằng : Người
này là bởi xương sườn tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người này sẽ được gọi là
người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ
mà dính líu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt.
Và, A-dam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn.
Và trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã
làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng :
Mà chi ! Đức Chúa Trời há có phán dặn các người không được phép ăn trái
cây trong vườn sao ? Người nữ đáp rằng : Chúng ta được ăn các trái
cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán
rằng : Hai ngươi chẳng nên ăn đến, và cũng chẳng nên đá động đến, e khi
hai người phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng : Hai người chẳng
chết đâu, nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó, mắt
mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện điều ác.
Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và
quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng bên mình, chồng cũng
ăn nữa. Đoạn mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy cây lá và
đóng khố che thân. Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua
vườn. A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A đam đến mà phán hỏi rằng :
Ngươi ở đâu ? A-đam thưa rằng : Tôi có
nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình. Đức Chúa
Trời phán hỏi : Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lõa lồ ? Ngươi có ăn
trái cây ta đã dặn không nên ăn đó chăng? Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần
bên tôi cho tôi ăn trái cây đó và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán hỏi
người nữ rằng: Người có làm điều chi vậy ? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ dành
tôi và tôi đã ăn rồi.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn phán cùng con rắn rằng : Vì mầy
đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú
đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời. Ta sẽ làm cho mầy cùng người
nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ dày đạp đầu
mày, còn mày sẽ cắn gót chơn người. Ngài phán cùng người nữ rằng : Ta sẽ thêm
điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén, người sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh
con, sự dục vọng của ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi.
Ngài lại phán cùng A đam rằng : Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã
dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi, trọn đời phải chịu khó nhọc mới
có vật đất sinh ra mà ăn. Đất sẽ sanh ra chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ
ăn rau của đồng ruộng, người sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày
nào người trở về đất, là nơi có người ra, vì người là bụi, người sẽ trở về bụi.
A đam gọi vợ là Ê va, vì là mẹ của cả loài người.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ
chồng A-đam và mặc lấy cho.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng : Nầy, về sự phân biệt
điều thiện điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta
hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được
sống đời đời chăng ? Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vười E
đen, đặng cày cấy đất, là nơi có người ra.”
Chuyện Sáng Thế Ký là một cổ tích thần thoại
của dân tộc Do Thái, nhằm giải thích cuộc sống con người từ thời kỳ hái lượm
sang thời kỳ chăn nuôi, trồng trọt, vì đâu con người phải cực khổ mới có được
miếng ăn. Thiên đàng trong cổ tích nằm trong vùng đất Lưỡng Hà hai con
sông Tigre và Euphrate vùng Turquie, Syrie, Irak ngày nay. Sông Tigre
dài 1900 km bắt nguồn từ Taurus, cao nguyên Arménien, chảy qua Syrie,
Irak từ bắc xuống nam. Hợp lưu cùng sông Euphrate dài 200km và chảy vào vịnh
Persique. Sông Euphrate dài 2780 km. Vùng này ngày xưa trù phú, có nhiều cây
trái, trở thành cái nôi quan trọng của nền văn minh nhân loại.
Thời hái lượm, con người không phải lao động cực nhọc,
loài người ít, cây trái xum xuê, chim thú cây rừng. Nhưng rồi mặt đất trải qua
những thời kỳ hạn hán, con người thích ứng biết phát cỏ gai làm rẫy, diệt rắn độc,
gieo hạt, trồng cây, và mang nước về tưới cây. Con người bắt đầu biết thuần hóa
những động vật hoang dã : nuôi trừu, nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà vịt, nuôi
ngựa... Con người phải đổ mồ hôi mới làm nên thức ăn, phải trồng bông dệt vải để
may áo mặc. Các bộ lạc đơn sơ, người sinh ra không biết cha là ai, người phụ nữ
khi sanh sản họ đứng vịn cành cây và sinh con một mình. Bước sang thời kỳ định
cư, chăn nuôi trồng trọt, biết che lều làm nhà, con người ít di chuyển hơn thời
hái lượm, sinh nở khó hơn, sinh nằm, đau đớn phải có bà mụ giúp đỡ.
Con người biết chiếm hữu, người đàn bà này của riêng mình, vườn cây trái, đàn
súc vật này của riêng mình. Con người biết tạo dựng thành từng gia đình riêng
biệt. Con rắn trở thành sinh vật để con người trút hết mọi tội lỗi, là nguyên
nhân sự thay đổi của đời sống mình. Qua chuyện kể vì biết điều thiện điều
ác, mà Adam và Eve bị trừng phạt, đuổi khỏi thiên đàng. Người tiên tri sáng tác ra câu
chuyện này muốn dành hết sự hiểu biết thiện ác về phần mình để độc quyền thần
thánh, độc quyền tư tưởng, muốn cho mọi người ngu dốt, tuân thủ trật tự,
hầu chế ngự mọi người trong cộng đồng. Nó hé lộ con đường ánh sáng
chính nhờ sự ăn trái cấm con người mới khôn ngoan tiến bộ, dù phải trả giá bằng
sự làm việc cực nhọc mới có miếng ăn, phải tranh đấu với rắn rết, thú dữ, chông
gai. Nếu con người cứ tuân theo lời Chúa Trời thì chắc bao nhiêu thế kỷ sau vẫn
tiếp tục trần truồng, chẳng có gì để ăn hai người phải chia nhau một trái táo,
sống trong nghèo đói. Thi hào Homère của dân tộc Hy Lạp đã bác bỏ thiên đường
này trong sử thi Odyssée. Ulysse từ một dũng sĩ mưu trí thành Troie, được
Calypso cứu sống sau cơn bão, nuôi dưỡng làm chồng, làm người tình
tù trong thiên đường suốt bảy năm chỉ ăn ngon mặc đẹp và làm tình với tiên nữ,
chán quá chiều chiều ra bờ biển ngồi khóc, cầu các thần Olympe can thiệp
cho về quê hương trần gian, dù phải trải qua bao giông bão, bao chiến đấu
gian nguy.
Nếu Adam và Eve không biết hổ thẹn, chì chắc loài người vẫn
tiếp tục sống trần truồng nơi thiên đường cho đến ngày nay. Hóa ra nhờ có hổ thẹn,
xấu hổ loài người mới tiến bộ. Chúa tạo loài người theo hình ảnh của ngài. Chúa
lấy da thú che thân cho người hổ thẹn, thì ra Chúa chỉ ăn mặc bằng da thú, loài người vì biết hổ
thẹn nên biết dệt vải, trồng bông, nuôi tằm tạo ra bao gấm vóc, ăn mặc đủ mốt,
đủ kiểu cách tùy theo các dân tộc, qua các thời đại, còn Chúa Trời thì vĩnh cửu bất biến nên muôn
đời vẫn mặc bằng da thú.
Nhìn pho tượng Eve hổ thẹn của nhà vua Tử Xuân Hàm
Nghi tôi thầm nghĩ đến bao nỗi hỗ thẹn người Việt Nam ngày nay. Hỗ thẹn những
bao cao su vất nổi lềnh bềnh trắng cả mặt hồ Linh Đàm Hà Nội, bị người nước
ngoài chụp ảnh. Các ông quan địa phương đâu, sao không để được những thùng rác
nhỏ khắp nơi cho mọi người bỏ rác ? Quăng rác ra đường là một tập tục xấu
của người Việt Nam đáng hỗ thẹn. Các nước họ dạy trẻ em từ mẫu giáo biết nhặt
rác, lượm rác thì mới hy vọng hai mươi năm sau đất nước mới biết sạch sẽ.
Nước ta ngày nay đã mua sắm được tàu ngầm hàng tỉ đô la,
lên kế hoạch sản xuất điện hạt nhân, mà chỉ có việc xả nước đập thủy điện đã
gây nên lũ lụt hàng trăm ngàn đồng bào Nghệ Tĩnh màn trời chiếu đất. Khi xây dựng
một công trình lớn, một nhà máy, một hãng xưởng, một đập thủy điện , một lò điện
hạt nhân, phải có những kế hoạch cho những tình huống xấu có thể xảy ra. Một
vụ vỡ đập thủy điện, một vụ nổ nhà máy hạt nhân, phải cấp cứu như thế
nào ? sản xuất sắt thép hay luyện nhôm các chất độc phải xử lý như thế
nào ? có đâu thải ra biển tôm cá chết hàng trăm cây số, mọi người sống
chết mặc bây.
Hỗ thẹn có vai trò tích cực, thái độ của người nhìn
thấy sai lầm và sửa đổi để tiến bộ, trái với thái độ tư kiêu, tự mãn, tự tâng bốc
mình chỉ làm mình ngủ quên trong sai lầm.
Đức Gê-hô-va (Yahvé) của dân tộc Do Thái, có nguồn
gốc là một lãnh tụ bộ tộc tựa như Lạc Long Quân, như vua Hùng Vương nước ta. Thời
cổ đại, mọi dân tộc đều có những tiên tri, thầy mo, pháp sư, bà đồng...
là những người tự cho mình có mối quan hệ mật thiết với thần thánh,
họ là những kịch sĩ đầu tiên của nhân loại, bên đống lửa thiêng liêng buổi
tối, họ dùng rượu hay các loại cỏ cây kích thích, múa may quay cuồng theo
nghi lễ, họ nhập vai thần thánh, ban lời giáo huấn, hay kể lại những sự
tích, các ẩn dụ, mắng những kẻ phạm tội trong cộng đồng. Ghê-hô-va được thần
thánh hóa qua nhiều đời thành bậc thánh nhân lại thêm những quyền phép sáng tạo
vũ trụ, sáng tạo con người, tiên tri tương lai, lại được xuất hiện qua lời
các tiên tri. Từ thế kỷ thứ IV, thứ V trước Công Nguyên, do nhu cầu lịch
sử dân tộc Do Thái, và do ảnh hưởng Ai Cập đương thời vua Akénaton chủ
trương bỏ 600 vị thần và thờ một thần duy nhất là Thần Mặt Trời, là cha của vị
vua huyền thoại sáng lập Ai Cập. Giê hô va trở thành vị thần duy nhất. Năm 587
TCN đền Jérusalem bị phá hủy bởi quân đội vua Nabuchodonosor nước
Babylone. Dân Do Thái (Judéens) bị lưu đày khắp nơi từ Babylonne, đến Ai Cập và
các nước khác. Trước nguy cơ tan rã và biến mất, các người ghi chép bị lưu đày
tại Babylone, đã viết lại lịch sử thần thánh hoá Yahvé (Gê hô va).
Lên đồng được gọi bằng những tên khác nhau có mặt trong tất
cả mọi nền văn minh nhân loại. Lên đồng nhập vào các tôn giáo Đạo Lão ở Trung
Quốc, đạo Phật tại Tây Tạng. Sự thần thánh hóa các lãnh tụ bộ tộc thời nguyên
thủy là một hiện tượng tự nhiên trong các nền văn minh. Vua Nghiêu ,Thuấn của
Trung Quốc thực sự chỉ là một lãnh tụ bộ tộc vài chục ngàn dân.
Tại nước ta, bài thơ Nam Quốc sơn hà nam đế cư của Lý Thường
Kiệt xuất hiện chắc chắn không phải là một bài diễn văn Tuyên Ngôn Độc Lập như
ngày nay, mà qua một buổi lễ cầu hồn nơi đền Trương Hống, Trương Hát bên bờ
sông Như Nguyệt, vị Pháp sư Phật Giáo nghi lễ ảnh hưởng Phật Giáo Mật Tông nhảy
múa nhập hồn thần đọc lên bốn câu thơ tiên tri: Nam Quốc Sơn hà nam đế
cư, Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng
hành khan thủ bại hư. Phù Đổng Thiên Vương, xuất hiện có lẽ trong thời
đại thế kỷ thứ 7 do nhu cầu thành hình nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí,
Lý Phật Tử. Thiên Vương, tướng nhà trời hoàn toàn xa lạ với tín ngưỡng nhân
gian Việt Nam đương thời, có nguồn gốc từ một vị Thiên Vương trong kinh điển Phật
Giáo, được các Pháp sư Mật Tông cho xuất hiện tại làng Phù Đổng Bắc Ninh.
Ngày nay các nhà nghiên cứu cho rằng năm 620 dưới triều
vua Josias, nước Do Thái từ chủ nghĩa đa thần đã bước sang Độc Thần Giáo.
Yahvé, một vị thần như bao thần khác trở thành vị thần Duy Nhất của dân tộc Do
Thái. Trong cộng đồng Do Thái tại Éléphantine (một đảo phía nam sông Nil) cho đến
thế kỷ thứ IV tr TL, Yahvé cùng Nữ Thần Anat và thần thứ ba là
Ashim Béthel là Ba Ngôi được thờ chung.
Tác phẩm của Tử Xuân Hàm Nghi, Eve vừa mới ăn trái cấm,
tay còn cầm trái cấm giấu phía sau, tay trước che mặt xấu hổ biết mình trần truồng
nhà vua đã gửi lòng mình một lần bị lưu dày xa quê hương. Ngai vàng và quê
hương đã xa lìa vĩnh viễn trong cuộc đời vua Hàm Nghi và cũng là nhà điêu khắc,
họa sĩ Tử Xuân.
Paris
cuối năm-2016
Phạm
Trọng Chánh
No comments:
Post a Comment