Tuesday, 10 January 2017

TỔNG HỢP CÁC TIN NÓNG LIÊN QUAN TỚI TRUMP, PUTIN, TIN TẶC NGA, TIN GIẢ & CUỘC BẦU CỬ MỸ (Việt Báo Online)




Việt Báo Online
09/01/201716:54:00

Tổng hợp các tin nóng liên quan tới TT đắc cử Trump, Putin, tin tặc Nga, ảnh hưởng của tin giả và cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2016

1/ Tình báo Mỹ giải mật cáo buộc Nga tấn công mạng để can thiệp và giúp ông Trump thắng cử
2/ Washington Post: Tin giả của Nga đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ

(Các nguồn tổng hợp bao gồm các cơ quan truyền thông Việt, Mỹ uy tín của Hoa Kỳ và thế giới)


I. Tình báo Mỹ giải mật cáo buộc Nga tấn công mạng để can thiệp bầu cử và giúp ông Trump

Các cơ quan tình báo Mỹ CIA, FBI và NSA, với sự đồng thuận của tổng cộng 17 cơ quan tình báo và an ninh quốc gia, đã công bố bản báo cáo giải mật dài 14 trang ngày 6-1-2017, mang tên “Đánh giá chiến lược.” 
Báo cáo đã viết: “Chúng tôi đánh giá rằng Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh nhắm vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Mục tiêu của Nga là làm suy yếu niềm tin của công chúng vào tiến trình dân chủ Mỹ, bôi nhọ bà Clinton, gây ảnh hưởng xấu lên uy tín và khả năng giành chiến thắng của bà. Chúng tôi cũng cho rằng Putin và chính quyền Nga đã giúp đỡ để ứng viên Trump giành chiến thắng cuối cùng.”
Phần giải mật được công bố này là một phần của bản báo cáo mật đầy đủ, dài hơn 50 trang do cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu tháng 12-2016 - và đã được nộp cho TT Obama ngày 5-1-2017.

Báo cáo giải mật này - được công bố ngay sau khi các lãnh đạo tình báo Mỹ gặp Tổng Thống đắc cử Trump hôm 6-1-2017 để nói về các phát hiện - đã khẳng định những điểm sau:
  • Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tạo chiến dịch gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ 2016.
  • Mục tiêu của Nga là làm giảm niềm tin của công chúng vào tiến trình dân chủ Mỹ, bôi nhọ bà Hillary Clinton với hàng loạt tin giả để gây hại cho khả năng đắc cử của bà.
  • Putin nhũng loạn cuộc bầu cử Hoa Kỳ vừa vì lý do chính trị vừa vì tư thù cá nhân đối với bà Clinton từ năm 2011, khi bà trong tư thế ngoại trưởng Hoa Kỳ đã tuyên bố cuộc bầu cử tại Nga năm đó là “không công bằng cũng không dân chủ.” Đánh giá của các cơ quan giám sát độc lập cũng đã kết luận là Putin đã gian lận bầu cử. Nhiều cuộc biểu tình chống đối đông đảo tại Nga đã nổ ra, và Putin đã đổ tội cho bà Clinton đã “xúi giục” những cuộc biểu tình này.  
  • Tổng thống Putin và chính phủ Nga ưa chuộng ông Donald Trump hơn. Khi Moscow thấy bà Clinton có thể thắng cử, chiến dịch của Nga đã tập trung vào việc tấn công uy tín của bà và ca tụng ứng viên Trump.
  • Từ tháng Bảy 2015, tình báo Nga đột nhập được vào mạng của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và chiếm quyền tiếp cận cho đến ít nhất là tháng Sáu 2016. Tình báo quân đội Nga (GRU) đã chuyển tư liệu lấy từ DNC và giới chức đảng Dân chủ cho WikiLeaks để phát tán.
  • Moscow sẽ áp dụng các bài học từ chiến dịch này cho các nỗ lực gây ảnh hưởng trên thế giới, chống các đồng minh của Mỹ và tiến trình bầu cử tại các nước này

Báo cáo nói rõ “chính Nga chứ không phải Trung Quốc hay một hacker nặng 400 pound nào đã can thiệp vào bầu cử (như cáo buộc của ông Trump), và Nga đã nhắm vào một số tiểu bang quan trọng.”
TT Nga Vladimir Putin thoạt tiên tìm cách phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tuyên truyền làm mất uy tín cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong một chiến dịch “chưa từng có tiền lệ” để gây ảnh hưởng, và rốt cuộc đã quyết định tăng cơ may thắng cử cho ông Donald Trump.
Phúc trình giải mật của cộng đồng tình báo nói: “Chúng tôi đi đến quan điểm là ông Putin và chính quyền Nga dần dà hy vọng và đã rõ rệt muốn ông Trump đắc cử, do đó họ tìm cách đẩy mạnh cơ may thắng cử cho ông Trump, bất cứ khi nào họ có thể làm được.”
Các chuyên gia chính trị nhận định tác động nhũng loạn của Nga có ảnh hưởng rất lớn và gây tổn hại nghiêm trọng cho uy tín của bà Clinton. Ngoài ra, rất nhiều tin tức mạo danh được gửi đi nhằm làm méo mó hình ảnh của bà cựu ngoại trưởng, phúc trình giải mật nhấn mạnh.
Mỹ khẳng định một trong những hãng tin Nga hoạt động tích cực nhất cùng WikiLeaks là RT. Trước đây, giám đốc hãng tin RT từng gặp mặt ông chủ WikiLeaks là Julian Assange năm 2013.
Dù vậy, phúc trình tình báo đã không chỉ rõ ai là người cung cấp tin mật và bằng cách nào. Một quan chức cấp cao nói với đài NBS rằng Mỹ nghi ngờ một số diễn viên Nga đã tham gia vào quá trình tiết lộ tin cho WikiLeaks.

Báo cáo với Quốc Hội
Trong một tuyên bố chung tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện (UBQVTV) vào hôm 5-1-2017, ba lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ đã tố cáo Nga đứng sau vụ tấn công mạng, nhằm lũng đoạn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đánh bại ứng viên tổng thống Hilary Clinton và tấn công vào nền dân chủ Hoa Kỳ.
Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Rogers và Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về tình báo Marcel Lettre, đã trả lời những câu hỏi của các thượng nghị sĩ trong UBQVTV.
Ông Clapper nói ông tin tưởng cao độ rằng Nga đã tấn công tin tặc (hack) các định chế và các nhân vật bên đảng Dân chủ cũng như phổ biến tin giả với mục đích tuyên truyền giúp ông Trump và gieo rắc nghi ngờ vào cuộc bầu cử ngày 8-11-2016
“Đánh giá của chúng tôi hiện nay còn quả quyết hơn” hôm 7/10 khi chính phủ lần đầu tiên tố cáo Nga nhúng tay vào việc này, ông Clapper nhấn mạnh tại buổi điều trần.
“Tôi nghĩ chúng ta chưa từng gặp một chiến dịch nào can thiệp vào tiến trình bầu cử của chúng ta trực tiếp và táo bạo như trường hợp này.” 
Moscow luôn bác bỏ các cáo buộc về tin tặc. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần rồi ra lệnh trục xuất 35 người Nga bị tình nghi làm gián điệp và ban hành chế tài đối với hai cơ quan tình báo Nga mà ông cho là có dính líu trong vụ tấn công tin tặc nhắm vào các tổ chức chính trị Mỹ như Ủy ban Dân chủ Toàn quốc.
Thượng nghị sĩ John McCain, người chủ trì buổi điều trần, cho rằng “mọi người Mỹ cần được cảnh báo về một cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ của chúng ta” do Mạc Tư Khoa tiến hành. Một hành vi mà ông gọi là “gây chiến.”
Ông Clapper cũng khẳng định “rất tự tin” về các phát hiện, ông cho biết:
“Người Nga từ lâu đã can thiệp vào nhiều cuộc bầu cử. Nhưng chúng ta chưa bao giờ đối mặt với một chiến dịch can thiệp trực tiếp như lần này. Đó là chiến dịch nhiều phương diện mà tin tặc chỉ là một phần trong đó, bên cạnh các phương thức tuyên truyền cổ điển, bóp méo thông tin, tung tin giả.”
  
Phản ứng của ông Trump
Tuy TT Obama đã áp đặt trừng phạt với Nga, và các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng đã kêu gọi phải gia tăng biện pháp trừng phạt, nhưng Tổng Thống đắc cử Trump luôn cho rằng không có bằng chứng về việc Nga đứng sau các vụ tin tặc ăn cắp emails của đảng Dân Chủ, tiếp tục đưa ra những phê bình mang tính coi thường tình báo Hoa Kỳ, ca tụng Putin và hack thủ Julian Paul Assange, chủ nhân WikiLeaks, là một kẻ tội phạm đối với thế giới và Hoa Kỳ hiện đang trốn tại Ecuador.
Đêm giao thừa, ông Trump khẳng định nắm trong tay nguồn tin riêng mà không ai có để chứng minh Nga không can dự vào bầu cử Mỹ. Sau đó, bằng chứng duy nhất mà ông Trump đưa ra là đoạn tweet ca tụng hacker Julian Assange như một kẻ đáng tin cậy, với lời tuyên bố của Assange: “ngay cả một đứa trẻ 14 tuổi cũng có thể hack vào email của ông Podesta. WikiLeaks đã không nhận được các bản tin hacked từ Nga."
Vài giờ trước khi gặp lãnh đạo các cơ quan tình báo để được báo cáo chi tiết ngày 6-1, ông Trump gọi cuộc điều trần trước UBQVTV là một cuộc “săn phù thủy” chính trị nhằm  hạ bệ chiến thắng bầu cử của ông. Đây có vẻ là lý do mà ông Trump quan ngại nhất tới độ không màng gì đến nguy cơ Hoa Kỳ và thế giới tự do bị tình báo Nga xâm nhập và lũng đoạn, nguy cơ về an ninh quốc gia khiến quốc hội Hoa Kỳ và TT Obama đang phải đưa ra những biện pháp điều tra, ngăn ngừa và trừng phạt. 
Ngày 6-1-2017, ông Trump đã có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (DNI) James Clapper, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Rogers, Giám đốc FBI James Comey và Giám đốc CIA John Brennan để nghe báo cáo chi tiết về cuộc điều tra sự can thiệp của Nga trong bầu cử. 
Tuy phải chấp nhận một cách miễn cưỡng (qua phát biểu của Chánh văn phòng Reince Priebus ngày 8-1-2017) sự can dự không thể chối bỏ của Nga vào cuộc bầu cử sau khi gặp các giới chức tình báo, nhưng ông Trump vẫn không lên tiếng buộc tội Nga hay Putin, vẫn khẳng định kết quả bầu cử không bị ảnh hưởng vì “các máy bầu không bị tấn công tin tặc,”  ngược lại lên tiếng chỉ trích đảng Dân Chủ đã quá hớ hênh để tin tặc có thể xâm nhập.
Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết một số nhân vật đảng Cộng Hòa cũng bị tin tặc tấn công, nhưng Nga chỉ đưa ra những tin tức nội bộ của đảng Dân Chủ. Ngoài ra, báo cáo của tình báo Mỹ cũng nói rõ là “chính phủ Nga ưa chuộng Tổng thống tân cử Donald Trump hơn," và tuy không thể đánh giá những ảnh hưởng của tin tặc Nga và các tin giả trên kết quả bầu cử một cách chính xác, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã có thể kết luận động lực của Putin là để giúp Trump.
Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa Lindsey Graham kêu gọi: “Trong vài tuần nữa, ông Donald Trump sẽ trở thành người phải bênh vực cho thế giới tự do và nền dân chủ. Ông Trump cần cho mọi người Mỹ biết, dù Cộng Hòa hay Dân Chủ, rằng ông sẽ bắt Nga phải trả giá cho việc can thiệp vào nội tình nước Mỹ.”
Điều đáng e ngại là các cơ quan tình báo Mỹ còn đoán là Nga sẽ còn tiếp tục nhúng tay vào chính trị và các chính sách của Hoa Kỳ. Ngay sau ngày bầu cử mồng 8-11-2016, Nga đã bắt đầu ngay một chiến dịch “spear-phishing” nhắm vào các nhân viên chính phủ, các cơ quan an ninh, quốc phòng, cố vấn và chính sách đối ngoại, để ăn cắp passwords. Nga cũng sẽ rút tỉa các kinh nghiệm kỳ bầu cử này để can thiệp vào các cuộc bầu cử tương lai tại Mỹ và các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ. 
Tối ngày 6-1-2017 sau khi gặp các lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ về các hoạt động tin tặc của Nga, , ông Trump thay vì chỉ trích Putin và Nga về chuyện can thiệp vào bầu cử Mỹ, đã tải lên một tin nhắn trên Twitter tuyên bố rằng “chỉ có những người ngu hay điên mới nghĩ rằng mối liên hệ mật thiết hơn với Nga là xấu.”
Trước đó, ông Trump miêu tả cuộc họp với lãnh đạo tình báo Mỹ là “có tính cách xây dựng”, nhưng ông vẫn một mực giữ lập trường rằng bất cứ cố gắng nào của Nga hay của các nước khác để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ “tuyệt đối không có ảnh hưởng gì tới kết quả bầu cử.”
Ông Trump hứa sẽ bổ nhiệm một toán công tác để đề ra một kế hoạch chống các vụ tấn công mạng nhắm vào Hoa Kỳ, dù là đến từ Nga hay Trung Quốc, hay các nước hoặc thực thể khác, nội trong 90 ngày từ khi lên nhậm chức.
Một tháng trước ngày bầu cử, ông Trump liên tục nói về WikiLeaks và những emails mà WikiLeaks đã tung ra. Theo tổ chức truyền thông ThinkProgress tại Washington phân tích: “Ông Trump đã nói đến WikiLeaks emails ít nhất là 164 lần từ ngày 10-10-2016 tới ngày bầu cử, nói tới chữ WikiLeaks 124 lần, tức trung bình nhắc đến WikiLeaks hơn 5 lần mỗi ngày.”
Có 3 ngày trong tháng 10-2016, ông Trump đã bày tỏ “tình yêu” với WikiLeaks trong các buổi vận động tranh cử, tự ca tụng khả năng của ông đã truyền tải đi những thông tin rò rỉ mà WikiLeakes đã hacked được và khuyến khích những người ủng hộ ông ta lên các trang mạng để đọc.
Tại buổi vận động ở Ocala, Florida ngày 12-10-2016, ông Trump khoe: “Một trong những lợi điểm của tôi là có một microphone lớn, có nghĩa là nhiều người có thể nghe tôi nói về WikiLeaks, nói trực tiếp. Thật đáng kinh ngạc. Boom, boom, boom.”
Vài tiếng sau đó tại buổi vận động ở Lakeland, ông Trump ca tụng: “Thú thật với các bạn, WikiLeaks thật tuyệt vời. Nó nói lên từ nội tâm – các bạn phải đọc nó.”
Các giới chức tình báo Hoa Kỳ e ngại rằng việc ông Trump công khai bày tỏ nghi ngờ với những điều mà họ khui ra đã phần nào làm phương hại đến sự  quan tâm của quần chúng.
Chia sẻ với tờ New York Times hôm 7-1-2017, ông Michael Morell, cựu quyền giám đốc CIA quan tâm là những tấn công của ông Trump đối với cộng đồng tình báo, và việc ông Trump cho rằng cơ quan CIA đã “nhào nặn những phân tích về vụ Russia để hạ bệ ông ta” không khác gì việc cáo buộc các giới chức CIA là những người “không thành thật” và là “một cú đấm vào nội tạng” của những người đã hy sinh để phục vụ đất nước trong những hoạt động tình báo nguy hiểm.

Trump: Chỉ có người ‘ngu’ hoặc ‘điên’ mới xem quan hệ tốt với Nga là xấu
January 7, 2017
.
Bảng cổ xúy quan hệ Trump-Putin do nhóm ủng hộ phong trào ly khai Serbian treo tại Danilovgrad (Hình: SAVO PRELEVIC/AFP/Getty Images)
.
Ông Trump từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin như là một nhà lãnh đạo đầy quyền năng và muốn cùng hợp tác để đối phó với nhiều vấn đề như chống lại tổ chức khủng bố ISIS. Những người mà ông Trump đề nghị cho nội các của ông cũng như ban điều hành cuộc tranh cử 2016 đã có những liên hệ mật thiết hay buôn bán với Nga và Putin.
Dân Biểu Devin Nunes thuộc đảng Cộng Hòa, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, đã từng cảnh báo ông Trump là 3 vị tổng thống tiền nhiệm của ông Trump cũng đã từng có hy vọng cải thiện mối bang giao với Nga, nhưng đều đã thử và thất bại trước tham vọng xâm lược của Putin, một kẻ xấu.
Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell cũng đồng ý “Nga vẫn là một kẻ thù lớn, và họ đã thực hiện điều này khi nỗ lực lũng đoạn cuộc bầu cử của chúng ta.”
 
Giới chức cao cấp Nga ăn mừng chiến thắng của ông Trump
.
Các nghị sĩ Duma Nga vỗ tay chúc mừng Donald Trump (Nguồn: RT)
.
Theo tờ Moscow Times, các đại biểu Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) ngày 9-11-2016 đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay khi nghe tin ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, sau khi đánh bại đối thủ của đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Trong phiên họp được truyền trực tiếp trên đài RT, các nghị sĩ Duma đã đứng dậy vỗ tay hoan nghênh kết quả được cho là sẽ góp phần khôi phục quan hệ Nga-Mỹ, vốn bị đóng băng từ nhiều thập niên nay.

Cũng theo Moscow Times, thủ lĩnh đảng Dân chủ tự do Nga Vladimir Zhininovskiy thậm chí đã mở champaigne ăn mừng việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ ngay sau buổi họp của Duma.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẵn sàng đóng góp để tái thiết mối quan hệ với Mỹ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống.

Ông Putin cũng là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gửi điện chúc mừng ông Trump. 

Trong khi đó, các vị dân cử thuộc lưỡng viện và lưỡng đảng Hoa Kỳ đều bày tỏ mối quan ngại trước thái độ thân thiện của ông Trump đối với Putin, một kẻ độc tài, vi phạm nhân quyền, tham lam và xâm lược mà TNS John McCain gọi là “kẻ giết người.”


II. Washington Post: Tin giả của Nga đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ

(Nguồn Washington Post: Russian propaganda effort helped spread ‘fake news’ during election, experts say. By Craig Timberg November 24, 2016)

27-11-2016

Trận lụt* “tin giả” (fake news) trong mùa bầu cử này đã được một chiến dịch tuyên truyền tinh vi* của Nga hỗ trợ bằng cách tạo ra và lan truyền những bài báo sai lệch trên mạng với mục đích trừng phạt* ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton, giúp cho ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump, và làm mất lòng tin vào hệ thống dân chủ của Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu độc lập theo dõi những hoạt động này cho biết.

Bộ máy tuyên truyền ngày càng tinh vi của Nga – gồm hàng ngàn “máy ma” (botnet), những đội dư luận viên (troll) được trả lương, và hệ thống các trang mạng hay những tài khoản xã hội truyền thông, đã lập lại và khuyếch đại* tiếng nói của những trang mạng cực hữu trên Internet khi những trang này vẽ lên hình ảnh bà* Clinton như là một tội phạm đang che dấu vấn đề sức khoẻ nguy cập và đang chuẩn bị giao quyền điều khiển quốc gia lại cho một nhóm nhỏ mờ ám gồm những nhà tài chánh toàn cầu. Nỗ lực (bôi nhọ) này cũng tìm cách phóng đại* những căng thẳng quốc tế, và khêu dậy nỗi lo sợ về sự thù nghịch đang lù lù đến* với một nước Nga có vũ khí hạt nhân.

Hai nhóm những nhà nghiên cứu độc lập đã tìm thấy rằng Nga khai thác những diễn đàn* công nghệ do Mỹ tạo ra để tấn công nền dân chủ Mỹ vào một thời điểm nhạy cảm đặc biệt, trong lúc một ứng viên nổi dậy lợi dụng hàng loạt bất bình (từ dân chúng) để chiếm lấy toà Bạch Ốc. Các chiến thuật tinh vi của Nga đã phá rối những nỗ lực của Facebook và Google khi hai công ty này hứa hẹn sẽ ra tay dẹp tan những “tin giả” sau khi nhận được nhiều tố cáo về vấn đề này.

Không thể biết được chiến dịch (phá rối) của Nga có tạo ra hậu quả rõ rệt giúp Trump thắng cử hay không, nhưng những nhà nghiên cứu cho nó là một phần của một chiến lược hữu hiệu rộng rãi để gieo rắc nghi ngờ đối với* nền dân chủ Mỹ* và những nhà lãnh đạo nước này. Các chiến thuật bao gồm xâm nhập vào các máy điện toán của những giới chức tranh cử tại nhiều tiểu bang* và công bố hàng nghìn email làm cho bà Clinton mất mặt trong những tháng cuối tranh cử của bà*.

Clint Watts, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, người đã từng theo dõi hoạt động tuyên truyền của Nga từ năm 2014 cùng với hai người khác, cho biết: “Về cơ bản, họ muốn làm suy tổn lòng tin vào chính quyền Mỹ hay những vấn đề đáng quan tâm của chính quyền. Đây là tiêu chuẩn* hành động của Nga từ thời chiến tranh lạnh. Tuy nhiên , trước đây thì việc này khó làm hơn vì chưa có truyền thông xã hội.” 

Bài báo cáo của Watts về hoạt động này, với sự cộng tác của Andrew Weisburg and J. M. Berger, đã ra mắt tháng này trên tờ báo mạng chuyên về an ninh quốc gia “War on the Rocks” dưới tên “Dư luận viên giúp Trump*: Nga đang phá hoại nền dân chủ của chúng ta như thế nào”. Một nhóm khác mang tên PropOrNot, gồm những nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại, có kiến thức quân sự và công nghệ, không theo phe đảng chính trị, đã dự định ra mắt nghiên cứu của mình vào ngày thứ sáu, trình bày (cho công chúng) thấy mức độ xâm nhập và sự hữu hiệu của những chiến dịch tuyên truyền của Nga.

Những nhà nghiên cứu dùng những công cụ phân tích internet để lần ra gốc gác của nhiều tin nhắn tweets và truy ra mối liên hệ giữa các tài khoản truyền thông xã hội chuyên đều đặn đưa ra những thông điệp đồng bộ với nhau. Khi cố gắng nhận diện những mật mã của các trang web này, thỉnh thoảng họ thấy được chúng là của cùng một chủ. Trong những* trường hợp khác, người ta bắt gặp những đoạn hay nguyên câu* được các trang mạng hay các tài khoản truyền thông xã hội chuyển tải* y hệt nhau, đưa ra liên tục thật nhanh, cho ta thấy chúng ở trong cùng hệ thống hay được điều khiển bởi một thực thể duy nhất.

Bài báo cáo theo dõi của nhóm PropOrNot được chia sẻ với báo Washington Post trước khi cho ra mắt công chúng, đã nhận diện hơn 200 trang mạng chuyên tuyên truyền cho Nga trong mùa bầu cử, với số lượng độc giả không dưới 15 triệu. Trên Facebook, PropOrNot ước tính rằng những câu chuyện được cài đặt hay quảng bá bởi chiến dịch tung tin thất thiệt này đã được xem 213 triệu lần.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng có những tay chơi trong phòng dội âm mạng* này chính là một phần của chiến dịch tuyên truyền (Nga), còn nhiều tay khác chỉ là những “kẻ ngu ngơ có ích”, danh từ dùng trong chiến tranh lạnh để chỉ những người hay những cơ sở vô tình hỗ trợ cho những nỗ lực của bộ máy tuyên truyền Xô Viết.

Cả hai nhóm nghiên cứu đều cho biết chiến dịch của Nga trong mùa bầu cử này hoạt động bằng cách khai thác sự đam mê của thế giới mạng đối với những đề tài lùm xùm, gây ngạc nhiên và cảm xúc mạnh, và kết hợp với thuyết âm mưu đang phổ biến để cho biết những lực lượng bí mật đang khuynh đảo sự kiện trên thế giới như thế nào.

Các nhà nghiên cứu cho biết một số các câu chuyện này xuất xứ từ RT (Russia Today) và Sputnik, họ là những cơ quan thông tin được nhà nước Nga đài thọ, tuy bắt chước phong cách và giọng văn của những cơ quan thông tin độc lập, nhưng thỉnh thoảng lại chêm vào những câu chuyện không có thật hay sai lệch trong các bài báo của mình. Trong những trường hợp khác, RT, Sputnik, và những trang mạng Nga khác dùng những tài khoản truyền thông xã hội để khuếch đại những câu chuyện sai lệch đang được lan truyền trên mạng, khiến cho những công thức phân tích tin tức nghĩ rằng đó là những đề tài đang được chú ý, và làm cho các tổ chức thông tin luồng chính* của Mỹ cũng mang về phổ biến theo.

Tốc độ làm việc và kết nối những nỗ lực này thật nhanh nên đã giúp cho những tin tức giả được Nga dấy lên cạnh tranh cướp mất độc giả từ những cơ quan thông tin truyền thống. Chẳng hạn như, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những tweets đầu tiên và có tính rúng động cao về việc bà Clinton ngã bệnh trong buổi lễ tưởng niệm ngày 9 tháng 11 tại New York là do máy ma và những dư luận viên của Nga tạo ra. (Bà được chữa bệnh sưng phổi và đã tiếp tục tranh cử trở lại vài ngày sau đó).

Trước sự kiện này đã có những câu chuyện sai lệch khác vào tháng 8 về vấn đề sức khoẻ (được giả đoán là không được tốt) của bà Clinton. Tờ Daily Beast đã vạch trần tính sai lệch của một bài báo được nhiều người đọc. Bài của Daily Beast đã được nhắc đến trong 1700 tài khoản Facebook, và được đọc trên mạng trên 30 nghìn lần. Tuy nhiên , các nhà nghiên cứu thấy rằng phiên bản được truyên truyền Nga dùng đã lên đến 90 nghìn tài khoản Facebook và được đọc trên 8 triệu lần. Các nhà nghiên cứu nói rằng bài báo nêu lên sự thật của tờ Daily Beast chỉ làm được việc tương đương với “tiếng hét trong cơn bão*” của câu chuyện dỏm đang được Nga chống lưng.

Bộ máy tuyên truyền (Nga) cũng giúp đưa lên câu chuyện là những người đi biểu tình chống Trump đã được trả hàng nghìn đô la, dù rằng lời kết tội này lúc đầu chỉ được một người tự phong cho mình là nhà châm biếm lan truyền, và sau đó được ban vận động bầu cử của Trump liên tục lập lại trước công chúng. Các nhà nghiên cứu của cả hai nhóm đã truy nguồn một số các câu chuyện sai lệch khác nhau, như chuyện đảo chính tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ nhĩ Kỳ, và những câu chuyện về việc Mỹ sẽ tạo một cuộc tấn công quân sự rồi sau đó vu vạ cho Nga ; các câu chuyện này đều xuất xứ từ nỗ lực tuyên truyền của Nga.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết trong những tuần cuối của cuộc tranh cử đã xuất hiện nhiều tin đồn về sai sót trong thủ tục bầu cử và kiểm phiếu, gian lận trong bầu cử, và cơ nguy sẽ có bạo loạn nếu Clinton thắng cử.

Giám đốc điều hành của PropOrNot đã cho biết, trong điều kiện không tiết lộ danh tính để tránh bị làm mục tiêu cho quân đoàn* hacker Nga, rằng: “Cách bộ máy tuyên truyền (Nga) hỗ trợ Trump cũng tương đương với trường hợp chi tiền thật nhiều để mua phút trên truyền thông. Nó giống như Nga đã lập một ủy ban vận động bầu cử Super PAC cho Trump vậy... Và đã thành công.*”

Ông (giám đốc điều hành) và các nhà nghiên cứu khác tỏ mối quan ngại rằng chính quyền Mỹ không có đủ công cụ để phát hiện và đánh bại tổ chức tuyên truyền (của Nga). Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng công trình nghiên cứu của họ, trình ra chi tiết về sức mạnh của bộ máy tuyên truyền Nga, sẽ làm dấy lên phản ứng từ chính quyền (Mỹ).

Michael A. McFaul, cựu* đại sứ tại Nga, cho biết ông sửng sốt bởi việc Sputnik ủng hộ Trump ra mặt trong thời gian tranh cử khi dùng ngay cả dấu hiệu #Crooked Hillary mà Trump đã dùng.

Ông McFaul cho biết rằng bộ máy tuyên truyền của Nga thông thường nhắm làm suy yếu đối thủ và những kẻ chỉ trích họ. Sự thắng trận của ông Trump, mặc dù nghe nói là đã được Putin và đồng minh ăn mừng tại Moscow, nhưng đã được lợi bất ngờ từ những hoạt động nhằm gia tăng sự chia rẽ tại Hoa Kỳ*. McFaul, ngày nay là giám đốc của Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại đại học Stanford, nói: “Họ không cố gắng thắng cuộc tranh luận. Họ chỉ làm cho mọi việc xem có vẻ tương đối. Đó là cách tạo ra sự nghi ngờ.*”

Điện Kremlin đã nhiều lần chối bỏ là đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hay hack tài khoản của các viên chức phụ trách bầu cử. Dmitry Poskov , người phát ngôn cho Putin, đã nói rằng: “Đây là một câu chuyện phi lý” khi các viên chức Mỹ kết tội Nga đã xâm nhập vào máy điện toán của Ủy ban quốc gia đảng Dân Chủ và các tổ chức chính trị khác vào tháng trước.

Trong một email gửi đi ngày thứ sáu, RT đã phủ nhận các điều phát hiện của các nhà nghiên cứu, cho rằng họ không hề giữ vai trò nào trong việc tạo ra hay khuếch đại những tin giả liên quan đến bầu cử Mỹ. Anna Belkina, giám đốc giao tiếp cho biết: “Cực kỳ mỉa mai khi bài viết về tin giả được xây dựng trên những cáo buộc giả tạo và không chứng cớ. RT cực lực bác bỏ tất cả và bất cứ cáo buộc hay ám chỉ nào rằng cơ quan chúng tôi đã làm ra, chỉ một tin giả thôi, liên quan đến bầu cử Mỹ.”

Những phát hiện về cung cách hoạt động của bộ máy tuyên truyền Nga cho biết là họ phần nhiều dùng những nghiên cứu trước đó của Rand Corp và khoa Quan hệ quốc tế Elliott của trường đại học George Washington (GWU).

Robert Ottung, giáo sư nghiên cứu Nga tại đại học GWU, cho biết: “Họ đã dùng những công nghệ và giá trị của chúng ta để gieo rắc nghi ngờ. Nó đã bắt đầu phá hủy hệ thống dân chủ của chúng ta.*”

Báo cáo Rand gọi nỗ lực tuyên truyền của Nga là “vòi rồng phun điều dối trá*” vì nó nhanh cấp kỳ, mạnh mẽ, và liên tục. Bài viết của Rand đã truy nguồn thế hệ tuyên truyền trên mạng hiện tại bắt đầu từ chuyện xâm lược xứ láng giềng Georgia năm 2008, khi ấy Nga đã tìm cách làm nhòa phê phán quốc tế đối với việc xâm lấn bằng cách đẩy mạnh lối giải thích khác trên mạng.*

Những nhà nghiên cứu cho biết cũng những chiến lược này đã giúp Nga ảnh hưởng đến ý kiến quốc tế đối với việc sáp nhập Crimea năm 2014 và vào việc can thiệp quân sự tại Syria năm vừa rồi. Ban điều hành tuyên truyền Nga cũng hoạt động để quảng bá cho Brexit, tách Anh ra khỏi cộng đồng Âu châu.

Vài nhà nghiên cứu còn nhận định rằng một thời khắc quan trọng khác nữa xảy ra năm 2011 khi đảng của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị cáo buộc đã gian lận bầu cử, gây ra những chống đối mạnh mẽ trong quần chúng*, và Putin đã kết tội họ bị xách động bởi chính quyền Obama và ngoại trưỏng Mỹ lúc bấy giờ là bà Clinton.

Putin, một cựu sĩ quan KGB, trong một cuộc viếng thăm RT (tên trước đó là Russia Today) vào năm 2013, đã tuyên bố rằng ý muốn của ông ta là bẻ gẫy sự độc quyền của giống Anglo Saxon trong “dòng chảy truyền thông toàn cầu.”

Susan Zhemukhob, một cựu phóng viên Nga, hiện đang nghiên cứu tại đại học GWU, cho biết: “Đối với họ, đó là một cuộc chiến thật sự, một cuộc chiến ý thức hệ, một sự đụng độ giữa hai hệ thống*. Trong đầu họ, họ cho rằng họ chỉ làm những gì mà Tây phương đã làm đối với nước Nga.”

RT phát thanh tin tức trên toàn thế giới bằng nhiều thứ tiếng, nhưng việc họ làm hiệu quả nhất đối với độc giả Mỹ là qua mạng Internet*.

Theo báo cáo của trường GWU trong tháng này thì chương trình YouTube tiếng Anh hàng đầu của RT được tung ra năm 2007, hiện nay đã có 1.85 triệu người đăng ký và đã được 1.8 tỷ lượt xem, khiến cho nó được xem nhiều hơn cả chương trình YouTube của CNN*.

Mặc dù được xem là công cụ tuyên truyền, nhưng mạng Nga này đã gây được lòng tin đối với người Mỹ thủ cựu. Tháng 9 vừa rồi Trump đã ngồi cho RT phỏng vấn. Tướng về hưu Michael T. Flynn, người vừa được Trump đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, đã sang Nga năm rồi để dự một dạ tiệc do cơ quan RT bảo trợ. Sau đó ông so sánh RT với CNN.

Những nội dung tin tức của các trang mạng Nga đã tạo nhiều đề tài cho những trang mạng Mỹ chuyên đưa lên những thông điệp cực hữu. Một nhân viên hợp đồng cho Next News Network, một trong những trang mạng này, cho biết ông đã được Gary S. Franchi Jr., người sáng lập trang mạng, ra chỉ thị cho ông kết hợp những tin tức từ những nguồn truyền thống như Associated Press và Los Angeles Times với những tin từ RT, Sputnik và các trang mạng khác chuyên cung cấp những tin tức (có khuynh hướng) nổ bùng trên mạng.

Dyan Bermeo cho biết lúc trước ông giúp Next News Network kết hợp các bài viết và mời khách đến nói chuyện, nhưng sau thì rời cơ quan này vì bất đồng ý kiến về tiền lương và quan ngại rằng “tin giả” đã lấn chiếm “tin thật”. Ông cho biết: “Độc giả thường có khuynh hướng truyền bá tin giả (hơn tin thật), và tin giả tạo ra nhiều lợi nhuận hơn”.

Theo công ty phân tích Turbular Labs, chỉ trong vòng 90 ngày qua, một thời gian bao gồm cả những tuần kết thúc chiến dịch tranh cử, ngày bầu cử, và hậu quả sau đó, khán giả YouTube của Net News Network đã tăng vọt từ vài trăm ngàn mỗi ngày sang vài triệu. Chỉ trong tháng 10, videos của Next News Network được xem 56 triệu lần.

Franchi viết trong một email rằng Next News Network vừa tìm “một viễn cảnh toàn cầu” vừa cung cấp lời bình nhắm đến khán giả Mỹ, nhất là về hoạt động quân sự của Nga. Ông cho biết: “Hiểu biết mối nguy của chiến tranh toàn cầu là bước đầu để ngăn ngừa nó, và chúng tôi tin rằng tin tức do chúng tôi trình bày đã giúp ngăn ngừa kịch bản chiến tranh thế giới thứ 3.”
  
Gordon Thúy lược dịch
Bài gốc trên Washington post
(bản dịch đã được người chuyển bài là Lệ Lan nhuận lại đôi chút nơi có dấu * với sự tôn trọng người dịch và bản chính của Washington Post)
Đính chính của Washington Post: Phiên bản ấn hành trước đây đã thông báo sai lầm là cơ quan truyền thông RT đã sử dụng dấu “#CrookedHillary” do ứng cử viên Trump đưa ra. Thật ra thì có một cơ quan truyền thông khác của Nga là Sputnik đã dùng dấu này, nhưng RT thì không.


Bài gốc của Washington Post:





No comments:

Post a Comment

View My Stats