Monday, 2 January 2017

PUTIN - "CAO THỦ VÕ LÂM" XƯA NAY HIẾM ! (Tô Văn Trường)




Tô Văn Trường
03/01/2017
.
Vladimir Putin

Nhiều người có chung nhận định năm 2017 là năm bất thường, bất ổn và bất định, trong đó đặc biệt chú ý đến vai trò, vị thế của nước Nga và Tổng thống Putin.

Lịch sử nước Nga

Nước Nga có hơn nghìn năm lịch sử, khởi nguồn từ thế kỷ thứ IX với cái tên đầu tiên là Russ - Kiev tại khu vực thành phố Kiev ngày nay, còn cái tên Ukraina đươc Nga gọi sau này khi vùng Kiev trở thành vùng lãnh thổ (thuộc địa) vùng biên của Nga (khoảng hơn 400 năm trước). Vào thế kỷ 12-13, Nga bị đế chế Nguyên - Mông đô hộ. Sau thời kỳ này, nước Nga của các Sa hoàng không ngừng lớn mạnh và luôn là mối đe doạ với cả châu Âu và vùng Trung Á. Người Nga có tôn giáo riêng, đó là Chính thống giáo, tôn giáo này không công nhận giáo hội của Công giáo. Lãnh thổ của Đế chế Nga luôn được mở rộng trong cả tiến trình 700 năm trở lại đây, và đây cũng là thời kỳ hình thành nền văn hoá Nga rất độc đáo và khác biệt với các phần còn lại của thế giới.

Bản năng “bầy đàn” và “đầu đàn” của dân tộc Nga cực mạnh, và đây chính là nguyên nhân gây ra thứ văn hoá “sợ Nga” của người châu Âu, và đây cùng câu trả lời cho mọi “ẩn số” về nước Nga và về Putin.

Trong quá khứ và trong cả tương lai, nước Nga đã và sẽ mãi như vậy, vì đó là bản năng của họ, mà đã là bản năng thì không có “tốt hay xấu” mà chỉ có “yếu hay mạnh”.

Dân tộc Nga và nước Nga trong lịch sử đã qua nhiều thăng trầm cũng như nhiều dân tộc và quốc gia khác. 2/3 lãnh thổ Nga là thuộc châu Á. Bởi vậy văn hóa và văn minh Nga là sự hòa trộn Âu và Á. Tính cách của nguời Nga cũng định hình trên nền của hai nền văn hóa, văn minh đó.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng là Nga mang cả đặc điểm châu Âu, chủ yếu hình thành do giao tiếp với Tây Âu và củng cố bền vững hơn khi có Piotr Đại đế và cả những nét cố hữu của chế độ toàn trị, nông nô châu Á. Piotr Đại đế đã phục hưng nước Nga, bởi thế, dân coi Piotr Đại đế là anh hùng dân tộc, là ông vua vĩ đại nhất. Có vẻ như Putin muốn làm như thế!

Những khi nào nước Nga phát triển theo hướng thoát Á, hướng Âu thì xã hội đạt những thành quả rạng rỡ bởi dân tộc Nga vốn có tư chất thông minh, giỏi chịu đựng khó khăn (có lẽ bởi khí hậu khắc nghiệt) và hào phóng như thiên nhiên Nga rất bao la và giàu có.

Nếu như Nga đi con đường dân chủ từ sớm và không bị mất 74 năm xây dựng cái thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng kiểu Xô Viết, quản trị quốc gia kiểu “hình thức xã hội chủ nghĩa, nội dung phong kiến” thì thế giới chắc còn ngạc nhiên nữa, trước những điều kỳ diệu của nó. (Bàn về khái niệm chủ nghĩa xã hội, mời đọc bài “Tản mạn đón xuân Đinh Dậu” tác giả Tô Văn Trường đăng trên Bauxite Việt Nam và blog Kim Dung/Kỳ Duyên).

Tuy vậy, thế giới luôn là đấu trường của các siêu cường nên sự nổi lên của Nga sau 1917 đã dẫn tới cuộc bao vây từ Tây phương khiến Nga ngày càng dấn sâu vào con đường phát triển đối nghịch với phương Tây, mặc dù trong thời gian đầu tỏ ra rất hiệu quả do huy động được các nguồn lực một cách nhanh chóng nhờ thể chế toàn trị và lợi thế của kẻ đi sau nên không phải mò mẫm tìm sản phẩm cũng như mô hình kinh tế phù hợp. Càng về sau, khi mà Liên Xô gần đuổi kịp phương Tây về sản lượng và trình độ chuyên môn hoá (còn chất lượng phát triển thì ngày càng tụt xa so với phương Tây) thì nhà nước này tỏ ra bế tắc trong việc xác định hướng phát triển tiếp theo do sự cản trở ghê gớm của thể chế độc tài, toàn trị và do không còn lợi thế của người đi sau nữa.

Như vậy, tự thân nước Nga bị thiếu khả năng tự định hướng cạnh tranh hiệu quả. Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này nằm ở truyền thống phát triển thiếu dân chủ (cả kinh tế và xã hội) kế thừa từ lịch sử nước Nga châu Á.

“Ẩn số” Putin

Putin có công là đã khôi phục được Nga suy tàn sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng cũng do gặp đúng dịp giá dầu cao, tuy nhiên ngoài xuất khẩu tài nguyên và vũ khí thì Nga chưa sở hữu những công nghệ nguồn và nhiều thương hiệu toàn cầu.

Cái dở của Obama là đã đẩy Nga vào thế cùng đường phải liên minh với Trung Quốc nên những chính sách ủng hộ Bắc Kinh ở Biển Đông là điều dễ hiểu. Xét theo góc độ chiến lược thì Trump bắt tay Putin sẽ làm cho Trung Quốc bị giảm lợi thế rõ rệt.

Rất nhiều ca khúc Nga và Liên Xô, rất nhiều tác phẩm văn học Nga và Liên Xô đã trở nên vô cùng quen thuộc với các thế hệ người Việt Nam Bởi thế, người Việt Nam, nhất là những người đã từng sống, học tập và làm việc ở Nga so với những người ở phương Tây có cái nhìn thông cảm hơn trước những khó khăn mà nước Nga gặp phải khi gánh chịu đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu, trước những động thái quyết liệt của nước Nga mà Tổng thống Putin chủ trì tiến hành.

Từ chiều sâu của lịch sử Nga và Ucraina là chị em ruột thịt (gọi là “chị em” vì trong tiếng Nga “Rossia” và “Ucraina” thuộc giống cái), rằng thủ đô Kiep của Ucraina được chính dân Nga gọi là “Mẹ của các thành phố Nga” (мать русских городов). Nước Nga từng sở hữu Crime rồi bị Ottoman chiếm. Sau này, Nga đã đánh chiếm lấy lại và Crime trở thành một phần của Ucraina là do Khrutsov khi là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, vốn là người Ucraina quyết định cắt vùng này cho quê hương mình.

Ông Putin và dân Nga hiểu điều đó nên không thể không cay cú khi Ucraina trở cờ và chạy theo sự lôi kéo của phương Tây. Với lý do “châu về hợp phố” và bảo vệ an ninh sống còn của Nga, việc hợp nhất Crime của Putin được đa số người Nga ủng hộ. Tuy nhiên, về hành xử giống kẻ độc tài “khôn ngoan” của ông Putin khi đưa quân xâm phạm lãnh thổ Gruzia, chiếm Crime và nhất là hậu quả chiến tranh mà nó gây ra cho nhân dân trong vùng phía Đông Ucraina cho đến hiện nay, thì mục tiêu dù rõ ràng nhưng không thể biện minh cho hành động”!

Cũng không nên quên rằng ông Putin là cựu Trung tá KGB (cơ quan tình báo sức mạnh khủng khiếp của Liên Xô cũ). Ông còn là võ sĩ Judo đai đen và tay chơi thể thao có hạng. Bởi vậy, ông Putin cũng chế ra rất nhiều miếng võ hiểm trên vũ đài chính trị! Nhưng cơ bắp của võ sĩ Judo hay nói rõ hơn uy lực bộ ba vũ khí hạt nhân không phải là lựa chọn duy nhất của Putin!

Putin còn cái đầu lạnh của một nhà tình báo chuyên nghiệp sinh ra và lớn lên trên nền văn hóa hỗn hợp Âu - Á như phân tich ở trên. Bằng chứng là ông vừa phản ứng lại đòn trừng phạt tất niên của ông Obama một cách không thể thông minh hơn. Không những ông Putin không trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga như ông Obama đã làm, mà ông còn mời các nhà ngoại giao Mỹ và gia đình họ đến dự lễ giao thừa ở điện Kremlin!

Quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn

Tôi hiểu tình cảm mà nhiều thế hệ người Việt từng được đào tạo ở Liên Xô cũ dành cho nước Nga và Putin, tuy vậy không thể để trái tim lên trên đầu khi suy xét những vấn đề chính trị. Không phải ngẫu nhiên giới chính khách luôn tôn thờ một thứ thôi, đó là quyền lợi quốc gia.
Chính người Nhật đã ứng xử như thế khi biết vượt qua hận thù để kết thân với Mỹ ngay sau khi kết thúc chiến tranh và nhanh chóng trở thành cường quốc thứ hai thế giới chỉ sau ba thập kỷ.

Lịch sử đã sang trang từ lâu. Mặc dù mô hình nhà nước “Xô viết” đã bị lịch sử xóa bỏ cách đây hơn ¼ thế kỷ, nhưng người dân Việt Nam trong tâm khảm đều hiểu sâu sắc giá trị của hoà bình và tình hữu nghị, sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả của những người lao động Nga trong những năm tháng gian khó của cuộc chiến tranh và xây dựng đất nước là cao hơn tất cả. Trước những phũ phàng của thời cuộc, người dân Việt Nam vẫn luôn trân trọng, giữ gìn chân giá trị ấy với tình cảm lẫn lộn cả tình yêu và trách móc.

Người dân Việt Nam, cũng không quên mặc dù có ký Hiệp ước hợp tác tương trợ Liên Xô – Việt Nam trước việc Trung Quốc đe dọa Việt Nam nhưng khi Trung Quốc xua quân xâm lược VN tháng 2/1979 thì Liên Xô cũng chỉ chuyển quân và lên tiếng cực lực phản đối thôi chứ cũng không làm gì hơn. Và cách đây không lâu, chính ông Putin tuyên bố ủng hộ thái độ của Trung Quốc đối với phán quyết Tòa án thường trực quốc tế đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về những việc nêu trên. Nhưng đừng quên câu nói nổi tiếng của anh hùng thế chiến thứ hai, cố Thủ tướng nước Anh W. Churchill về quan hệ giữa các nước, và giữa con người với nhau: “Không có đồng minh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn!”.

Thay lời kết

Như vậy, nước Nga và ông Putin đâu có khó hiểu, khó đoán với những ai yêu thích món xalat và votka Nga cũng như những ai đã từng mê mẩn những giai điệu “Chiều Mạc Tư Khoa” (đúng ra là “Chiều ngoại ô Mạc Tư Khoa”), “Đôi bờ”, “Chiều hải cảng”, “Triệu bông hồng” và ngẩn ngơ trước các nàng Lena, Tanhia thướt tha ra sông Đông lấy nước giặt áo như Sôlôkhôp miêu tả trong bộ tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” vĩ đại của ông.

Đánh giá về Tổng thống Putin nước Nga cũng như ông Trump Tổng thống mới đắc cử ở Mỹ, có nhiều góc nhìn khác nhau cũng không có gì lạ nhưng chắc chắn rằng cả hai ông đều là những “cao thủ võ lâm” xưa nay hiếm!

Tác giả gửi BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:29





No comments:

Post a Comment

View My Stats