Saturday, 14 January 2017

ÔNG TRUMP SẼ LÀM GÌ ? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
January 13, 2017

Chưa đầy một tuần nữa ông Donald Trump sẽ tuyên thệ làm tổng thống Mỹ. Nhưng tới giờ, dân Mỹ vẫn chưa biết chắc chính quyền ông sẽ làm gì, trên rất nhiều lãnh vực. Cũng không biết rõ về con người ông, đời tư và việc kinh doanh của ông có thể ảnh hưởng trên cương vị tổng thống hay không.

Thí dụ, Obamacare, luật bảo hiểm y tế của ông Obama. Ngày Thứ Tư, ông Donald Trump họp báo nhấn mạnh rằng ông muốn đạo luật đó phải được xóa bỏ và thay bằng luật mới “trong cùng một ngày hay cùng một tuần, có thể cùng một giờ.” Nhưng các đại biểu Cộng Hòa trong Quốc Hội có thể làm như vậy, hay chỉ lo xóa luật cũ trước, khi chưa có luật mới? Trong hai ngày liên tiếp, Thượng Viện và Hạ Viện đã thực hiện bước đầu xóa Obamacare bằng thủ tục “biểu quyết ngân sách.”

Theo cuộc nghiên cứu dư luận của hãng Kaiser, trong số những người Mỹ muốn xóa bỏ Obamacare, có 8 trên 10 người không muốn xóa bỏ đạo luật này nếu chưa có đầy đủ chi tiết về các biện pháp thay thế. Nhiều người muốn giữ các điều khoản, như cho con cái được theo bảo hiểm của bố mẹ cho tới khi 26 tuổi, và cấm các hãng bảo hiểm từ chối thân chủ đang có bệnh. Obamacare trợ cấp tiền đóng bảo hiểm cho những người nghèo và trung lưu thiếu tiền, cũng là một điều không ai muốn bỏ. Hàng triệu người nhờ Obamacare được hưởng thêm Medicaid (Medical ở Calofornia) cũng không muốn bị mất. Các đại biểu Cộng Hòa đã bảo đảm những người đang có bảo hiểm nhờ Obamacare sẽ không bị mất. Một điều bị ghét nhất trong Obamacare là bắt buộc mọi người đều phải mua bảo hiểm, dù họ nghĩ mình không cần vì hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu xóa bỏ điều này đi, hàng triệu người trẻ sẽ ngưng mua bảo hiểm, các hãng bảo hiểm sẽ phải tăng giá mới khỏi lỗ lã, lúc đó chính phủ sẽ tài trợ ra sao? Tất cả các lời hứa hẹn đều tốn tiền! Các đại biểu Cộng Hòa chống thâm thủng ngân sách có chấp nhận chi tiêu thêm hay không? Ðó còn là một câu hỏi chưa ai biết câu trả lời.

Ngoài những thắc mắc về Obamacare, nhiều điều khác ông Trump đã hứa không biết sẽ thi hành được không. Mấy người được ông đề cử vào trong chính phủ bắt đầu nói ngược lại các ý kiến ông nói trước cũng như sau khi đắc cử.

Ông Trump đã lên án Thỏa Hiệp Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) là tai hại kinh khủng cho nước Mỹ, và ông hứa sẽ xé bỏ TPP trong ngày đầu tiên khi nhậm chức. Nhưng ông Rex Tillerson, ngoại trưởng tân cử, khi ra trước Quốc Hội để được phong nhậm, đã nói rằng ông không chống Hiệp Ước TPP (do bà Clinton và ông Obama đề xướng).
Ðối với ông Putin, ông Trump luôn tỏ ra kính trọng và thân thiện. Nhưng ông Tillerson cũng tuyên bố trước Quốc Hội là Mỹ phải viện trợ vũ khí cho Ukraine, để chống kế hoạch bành trướng của Tổng Thống Putin. Các tướng lãnh và cơ quan tình báo Mỹ đều biết ông Putin đã đưa lính qua Ukraine khuấy đảo chính phủ nước này suốt mấy năm qua. Trong khi đó, ông Trump luôn bênh vực ông Putin, tỏ ý nghi ngờ không có quân Nga ở Ukraine. Mười nghị sĩ thuộc hai đảng, trong đó có hai nghị sĩ Cộng Hòa mạnh là John McCain và Lindsey Graham đang chuẩn bị một quyết nghị xác định các biện pháp cấm vận Nga mà ông Obama đã ban ra, và đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới. Liệu ông Trump có thể giữ mãi cảm tình với chính quyền Nga được hay không trong khi dư luận dân Mỹ rất ghét ông Putin?

Một lời hứa đã giúp ông Trump đánh bại các đối thủ trong đảng Cộng Hòa, vì ông được nhiều cử tri ủng hộ, là xây bức tường ngăn biên giới Mexico, và bắt chính phủ nước đó trả tiền. Nhưng chính phủ Mexico mới nói lại lần nữa rằng họ sẽ không bao giờ chi tiền xây bức tường đó. Ngày Thứ Tư, ông Trump họp báo, đã thay đổi ý kiến, cho biết chính phủ Mỹ sẽ bỏ tiền xây tường, rồi bắt Mexico bồi hoàn! Thứ Ba vừa qua, ra điều trần trước Quốc Hội, ông John Kelly, người được cử làm bộ trưởng Nội An, đã nói rằng việc xây bức tường biên giới không thể ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp. Nghĩa là việc xây cất tốn tiền này có thể được trì hoãn không biết tới bao giờ! Ông Kelly còn hứa trước Quốc Hội rằng sẽ không bao giờ sử dụng việc tra tấn những người bị tình nghi là khủng bố vì trái với tinh thần đạo lý của nước Mỹ, mà chính ông Trump đã nói là có thể tra tấn.

Tiếp theo ông Kelly, ông Jeff Sessions, người được ông Trump đề cử làm bộ trưởng Tư Pháp, cũng nói ngược lại với một ý kiến của ông chủ. Ông Trump đã kêu gọi cấm chỉ những người theo Hồi Giáo vào nước Mỹ. Ông Sessions nói với các đại biểu Quốc Hội rằng sẽ không cấm, vì, “Người Mỹ tin tưởng vào quyền tự do tín ngưỡng và quyền hành trì tôn giáo của mọi người.”

Một điều không ai đoán trước được, là Tổng Thống Tân Cử Donald Trump sẽ làm gì với các công ty của ông. Ông hứa sẽ trao cho hai con trai quản lý các tài sản đó. Nhưng ông không dứt khoát “giải tư,” vẫn tiếp tục làm chủ và hưởng lợi tài chánh trên những cơ sở kinh doanh của mình. Một nguyên tắc quan trọng nhất trong đạo lý chính trị ở nước Mỹ là phải tránh quyền lợi công, tư xung khắc.

Một vị tổng thống có quyền đặt ra những quy luật, thi hành các biện pháp, nói những lời gây ảnh hưởng trên việc kinh doanh của hàng triệu người dân – trong đó có chính ông ta. Tất cả những người giữ địa vị quyết định trong guồng máy chính quyền, hành pháp, lập pháp đều có thể sống trong tình trạng này. Vì vậy, những người đó đều có thể lâm vào cảnh làm những việc giúp chính mình được lợi, dù cố ý hay vô tình. Muốn tránh cảnh quyền lợi xung khắc, họ phải lựa chọn. Hoặc là chấm dứt không dính dáng gì tới những công việc kinh doanh nữa, giao cho những nhóm quản lý chuyên nghiệp không liên hệ gì với mình. Hoặc là mỗi khi phải quyết định về một điều có thể ảnh hưởng tới lợi lộc kinh doanh của mình thì tự ý từ chối, để cho người khác, hoàn toàn độc lập, quyết định thay mình. Giống như một vị giám khảo kỳ thi thấy con mình cũng dự thi thì phải từ chối việc chấm thi, tiếng Việt xưa gọi là “hồi tị.”

Một vị tổng thống khó chọn giải pháp “tự ý từ chối” hay “hồi tị,” vì hầu như quyết định nào của ông ta cũng ảnh hưởng tới tất cả mọi người! Cho nên, thông thường họ chọn giải pháp thứ nhất: Trao tài sản kinh doanh của mình cho những chuyên viên độc lập quản lý. Cho tới nay, người ta chưa biết ông Trump sẽ làm gì với các cơ sở kinh doanh của ông.

Có nhiều điều mà ông Trump đã hứa nhưng dân Mỹ vẫn chưa biết ông sẽ làm gì. Nhưng còn một thứ họ không biết, là ông Trump có làm gì trong quá khứ có thể ảnh hưởng tới vai trò cai trị của ông bây giờ hay không!

Câu hỏi này mới được “nổ lên” sau cuộc họp báo của ông Trump ngày Thứ Tư vừa qua, một cuộc họp báo được gọi là “náo loạn” (chaos). Sau khi Jim Acosta, một phóng viên đài CNN đứng lên đặt câu hỏi, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump đã từ chối không cho ông Acosta nói. Acosta cứ tiếp tục làm công việc nghề nghiệp, thản nhiên hỏi tiếp khiến ông Trump càng giận dữ. Ông lớn tiếng mắng vào mặt nhà báo, và công ty CNN của ông ta, “Các anh làm tin bịa đặt!”

Tại sao ông Trump mất bình tĩnh như vậy?

Khi tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện người dân Mỹ mới biết ông Trump lên án CNN “bịa đặt tin tức” chỉ vì họ là đài ti vi đầu tiên loan báo các viên chức an ninh trong chính quyền Mỹ đã trình bày một bản báo cáo với hai người, tổng thống đương nhiệm Obama và tổng thống tân cử Trump sắp nhậm chức. Phúc trình tin tình báo cho hai vị tổng thống là công việc các cơ quan an ninh vẫn phải làm thường xuyên; nhưng trong bản báo cáo gần đây có đính kèm một phụ lục trong đó nêu ra những tin mật có hại đến thanh danh của ông Trump. Những tin này các cơ quan an ninh đã nhận được từ lâu, rất đáng theo dõi, và họ đang tiếp tục điều tra, nhưng cần cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết.

Những tin mật thế nào mà quan trọng như vậy? Ðó là bản tóm tắt, dài hai trang, nói về kết quả một cuộc điều tra của một cựu gián điệp người Anh, được một công ty Mỹ thuê từ năm 2015. Mục đích là tìm tòi xem chính quyền Nga đã làm gì để gây ảnh hưởng trên nhà kinh doanh Donald Trump từ nhiều năm trước, và quan hệ ra sao trong cuộc tranh cử năm ngoái. Người đứng ra “mua dịch vụ điều tra” này là một người thuộc đảng Cộng Hòa chống ông Trump. Quý vị độc giả có thể đọc bài của Lê Phan, trên Người Việt cuối tuần này để biết thêm chi tiết. Ðiều cần nêu lên ở đây là bản báo cáo của cựu điệp viên trên cho biết mật vụ Nga có những hình ảnh của ông Trump trong một căn phòng khách sạn ở Nga, khi ông đi Nga lo việc kinh doanh trước đây.

Ðài CNN có đầy đủ bản báo cáo của cựu điệp viên này, nhưng họ không kể chi tiết trong đó, vì không thể kiểm chứng thật hay giả. CNN đã tự kiềm chế, không nói gì đến nội dung mà chỉ loan tin tóm tắt. Nhưng sau đó, một cơ sở truyền thông khác là BuzzFeed đã loan tin với đầy đủ những chi tiết trong bản báo cáo của điệp viên người Anh, dù không thể kiểm chứng được là đúng hay sai. Chính việc tiết lộ này khiến ông Trump nổi giận, và ông đã trút hết tội lỗi lên đầu CNN.

Thái độ giận dữ của Trump đối với một nhà báo khiến cho bao nhiêu người Mỹ thắc mắc không biết ông nổi nóng về chuyện gì. Dân Mỹ càng tò mò khi nghe tin cựu điệp viên người Anh đã phải trốn khỏi nhà ở London, vì sợ mật vụ Nga trả thù. Người ta đi tìm hiểu và biết hầu hết cả câu chuyện, với những chi tiết giật gân, không thể kiểm chứng nhưng ai muốn tin thì cứ việc tin là sự thật!

Ðài CNN có lý khi nói rằng việc thông tin cho người dân biết về những gì liên quan đến việc điều hành chính quyền, thí dụ như tin về bản phúc trình an ninh cho hai vị tổng thống, là một bổn phận của nhà báo. Ông giám đốc an ninh quốc gia cũng xác nhận rằng những điều cựu điệp viên người Anh viết cần được thông báo cho giới lãnh đạo và điều tra đến cùng, vì có ảnh hưởng tới an ninh của nước Mỹ.

Một vị tổng thống có trách nhiệm trả lời các câu hỏi của báo chí, dù ông ta yêu hay ghét nhà báo và cơ sở truyền thông của họ nhiều hay ít. Từ chối không nghe nhà báo hỏi, và lăng mạ báo hay đài của người ta, là một hành động không xứng đáng của một người nắm quyền tổng thống. Ông Trump đã không theo quy ước đó.

Trong một tuần lễ nữa, ông Donald Trump sẽ chính thức là tổng thống nước Mỹ. Người dân Mỹ sẽ có nhiều cơ hội để biết ông sẽ làm gì và hiểu rõ con người của ông hơn. Kinh nghiệm quan trọng nhất trong đời ông là kinh doanh các khách sạn và sòng bài. Khi làm chủ một xí nghiệp, người ta có thể chuyên đoán và cương quyết trong mọi hành động, cấp dưới chỉ biết vâng lời. Nhưng khi đứng đầu chính phủ một nước dân chủ, hành vi phải thay đổi. Một tổng thống Mỹ không nắm nhiều quyền bằng vị chủ tịch một công ty thương mại. Ðó là bài học đầu tiên của ông Donald Trump.

------------------------

Lê Mạnh Hùng
January 11, 2017
.
Ngọc Thu
Posted by adminbasam on 13/01/2017
.
FB Đinh Ngọc Thu  -   10-1-2017
Posted by adminbasam on 11/01/2017
.
Donald Trump’s ‘first attempt to ignore the law’
By Aaron Blake January 10 
President-elect Donald Trump intends to name his son-in-law, Jared Kushner, as a senior adviser to his White House — a move that would put to the test a 1967 anti-nepotism law and provide a Trump White House already rife with ethical questions a bona fide legal showdown.
……





No comments:

Post a Comment

View My Stats