Tuesday 10 January 2017

NHẬN ĐỊNH CỦA BÁO GIỚI PHÁP VỀ DI SẢN CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (RFI)




Thụy My – RFI
Đăng ngày 10-01-2017 

Tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ sẽ đọc bài diễn văn từ biệt vào tối nay, thứ Ba 10/01/2017. Ông Barack Obama còn mười ngày nữa để củng cố kết quả nhiệm kỳ, nhất là bốn hồ sơ lớn mà Donald Trump cố phá ngay sau khi lên nhậm chức.

Theo tờ Libération, nếu giống như đa số người tiền nhiệm, một ngày nào đó Barack Obama viết hồi ký kể lại thời kỳ làm tổng thống, có lẽ chúng ta sẽ biết được cảm xúc mà ông đã trải qua đêm 08/11/2016 khi chiến thắng của Donald Trump được loan báo. Và cũng hy vọng biết được hai ngày sau đó, khi tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ tiếp người kế nhiệm gây thất vọng cho ông tại Phòng Bầu dục, phía sau khuôn mặt tươi cười che giấu sự sững sờ, nỗi lo ngại hay sự giận dữ.

Hiện giờ, khi cựu thượng nghị sĩ tiểu bang Illinois tối thứ Ba phát biểu từ biệt tại thủ phủ của ông ở Chicago, trạng thái tâm lý của ông là cả một bí mật. Hai tháng gần đây, Barack Obama đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, nhưng chiếc áo giáp chưa bao giờ được xuyên thủng.

Sự chọn lựa người đối thoại cũng cho thấy ý định không muốn rời khỏi lãnh địa dễ chịu của mình. Tổng thống chủ yếu thổ lộ với những người trung thành : nhà văn da đen Ta-Nehisi Coates, chiến lược gia của cả hai chiến dịch tranh cử của ông là David Axelrod, hay một trong những người viết tiểu sử và tổng biên tập tờ New Yorker là David Remnick.

Nếu tin vào các bài phỏng vấn này và lời kể (thường là nặc danh) của những người thân cận, thì Barack Obama chỉ phản ứng nhẹ nhàng trước chiến thắng của Donald Trump, một người mà ông từng nhận định « không có năng lực » đảm nhiệm chức vụ tổng thống.

David Remnic cho biết sáng hôm sau ông Obama đã triệu tập ê-kíp tại Phòng Bầu dục. Theo một cố vấn, không khí « tang tóc » bao trùm. Nhưng trước những khuôn mặt thất vọng và những đôi mắt đẫm lệ, tổng thống tỏ vẻ an ủi. Ông nói : « Đây không phải là ngày tận thế », rồi giảng giải về dân chủ và những « zic zag » đôi khi phải thực hiện, với giọng điệu của một giáo sư đầy thông cảm.

Barack Obama không đoán trước được chiến thắng của ông Trump. « Tôi cũng ngạc nhiên như tất cả mọi người » - ông nói với Ta-Nehisi Coates khoảng hơn một chục ngày sau cuộc bầu cử. Ngạc nhiên, nhưng tin tưởng vào sự vững chải của nền dân chủ Mỹ : đó là khuôn mặt mà ông Obama muốn trưng ra trước thế giới, các công dân Mỹ và những người thân cận.

David Remnick hỏi, làm thế nào nói về kết quả bầu cử với hai cô con gái. Tổng thống trả lời : « Tôi nói với các cháu rằng con người, xã hội và văn hóa là phức tạp. Đó không phải là toán học, mà là sinh hóa, là những cơ thể sống, và khó thể hiểu được ».

Thái độ phân tích và giữ được khoảng cách trước cảm xúc là những nét chính của phong cách Obama. Phía sau vẻ ngoài dửng dưng, khó thể tưởng tượng rằng Barack Obama đang vô cùng xáo động. Đối với ông, chiến thắng của Donald Trump tương tự như hai cái tát.
Trước hết về mặt cá nhân, vì nhà tỉ phú địa ốc đã bắt đầu làm chính trị khi đại diện cho phong trào « birther », đặt lại vấn đề về quốc tịch Mỹ của ông Obama. Tiếp theo là về chính trị, khi Trump tỏ ra quyết tâm xóa bỏ các biện pháp đầy ấn tượng của người tiền nhiệm.

Cody Foster, nhà sử học ở trường đại học Kentucky nhận xét : « Barack Obama vẫn tin chắc rằng bà Hillary Clinton sẽ thắng cử, và di sản của ông sẽ được khắc ghi. Việc Donald Trump được bầu lên đã thay đổi tất cả. Đêm bầu cử, chỉ trong vài phút, Obama đã hiểu rằng tất cả những gì ông làm được suốt tám năm qua từ nay sẽ gặp nguy hiểm, như các biện pháp về nhập cư, cải cách bảo hiểm y tế…Di sản của ông bị đe dọa ».

Tuy bị nốc ao, nhưng Barack Obama vẫn muốn một sự chuyển giao êm ái. Hai ngày sau cuộc bầu cử, ông đã tiếp nhà tỉ phú khá lâu tại Nhà Trắng. Trước các ống kính, Obama nói : « Ưu tiên trước hết của tôi trong hai tháng tới là tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực, nhằm bảo đảm sự thành công của tổng thống được bầu ». Ông nhắc lại, năm 2008 chính quyền ông Bush đã làm tất cả để quá trình chuyển đổi được êm thắm. Tổng thống Dân Chủ yêu cầu ê-kíp của mình phải hành động tương tự để tỏ ra lịch sự với những người thân cận của ông Donald Trump.

Giữa hai nhân vật có ưu tiên chính trị và tính cách đối nghịch nhau, giọng điệu bắt đầu căng thẳng vào khoảng Noel. Đã vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ, Barack Obama rõ ràng đã quyết định sử dụng mọi công cụ có được để bảo vệ di sản chính trị và « thọc gậy bánh xe » người kế nhiệm. « Obama vẫn là tổng thống cho đến trưa ngày 20/1. Nếu muốn, ông ấy vẫn có thể ra quyết định trong buổi sáng » - Elaine Kamarck, nhà chính trị học tại Brookings Institution nhắc nhở. Tổng thống mãn nhiệm vẫn có thể đưa ra những sáng kiến vào phút chót, bất chấp ông Trump.

Củng cố nỗ lực về môi trường
Donald Trump « không phải là nhà tư tưởng, mà là một người thực dụng », ông Barack Obama tuyên bố như trên vài ngày sau khi ông Trump đắc cử. Chẳng hạn trong hồ sơ khí hậu, tổng thống tương lai khi nói thế này khi lại thế khác, trong khi tranh cử hứa sẽ rút khỏi hiệp định Paris nhưng sau đó lại cho biết « để ngỏ » trong chủ đề này. Những nhân vật được ông bổ nhiệm lại rất ủng hộ năng lượng hóa thạch, như Rex Tillerson, cựu tổng giám đốc Exxon Mobil và ngoại trưởng tương lai, hoặc Scott Pruitt, người phản đối kịch liệt các biện pháp chống ô nhiễm của Obama, sẽ lên làm giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA).

Trong bối cảnh đó, Barack Obama hôm 20/12 đã ra nghị định cấm mọi việc khoan tìm dầu khí trên hầu như toàn bộ vùng biển Hoa Kỳ và Bắc Băng Dương. Ông cũng biến một vùng rộng lớn của Đại Tây Dương có nhiều san hô thành khu vực bảo tồn, chạy dài từ Virginia đến Maine. Để làm được việc này, Obama sử dụng một luật có từ năm 1953, giao cho tổng thống Mỹ quyền bảo vệ vùng biển liên bang khỏi mọi tìm kiếm dầu khí. Luật này không cho phép quay lui. Và nếu Donald Trump vẫn tìm cách hủy bỏ quyết định của Obama, các tổ chức bảo vệ môi trường sẽ kiện ra tòa, việc kiện tụng sẽ kéo dài nhiều năm.

Nhấn mạnh sự can dự của Nga
Các cơ quan tình báo Mỹ chắc chắn rằng Vladimir Putin đã ra lệnh tung một « chiến dịch » tấn công tin học và tuyên truyền nhằm hạ uy tín của bà Hillary Clinton, giúp ông Donald Trump đắc cử. Những tuần lễ gần đây, Barack Obama đưa chủ đề nhạy cảm này lên hàng đầu trên mặt trận thông tin. Hôm 29/12, Nhà Trắng loan báo một loạt biện pháp trừng phạt Matxcơva, trong đó có việc trục xuất 35 nhân viên tình báo Nga. Cuối tuần trước, ông Obama lại còn cho phép công bố một báo cáo được giải mật của tình báo Mỹ trong hồ sơ này - đây là điều hiếm hoi.

Một cách gây khó khăn cho Donald Trump, người không hề giấu diếm ý định xích lại gần với Putin. Ông chủ Nhà Trắng hiện tại muốn làm đậm thêm sự chia rẽ trong phe Cộng Hòa, giữa các đại biểu quan ngại về sự can thiệp của Matxcơva và một chính quyền Trump tương lai có cảm tình với Kremlin. Theo chuyên gia Elaine Kamarck, Barack Obama có thể nhân bài diễn văn từ biệt tối thứ Ba ở Chicago để « cảnh báo người dân Mỹ về vai trò của Nga và tính dễ tổn thương của nền dân chủ Mỹ ».

Tố cáo các khu định cư Israel
Hôm 23/12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Israel « ngưng lập tức và toàn bộ » mọi hoạt động xây khu định cư trên lãnh thổ Palestine chiếm đóng. Văn bản này mang tính lịch sử : do lâu nay Washington luôn phủ quyết, Liên Hiệp Quốc không thể lên án Israel từ năm 1979 đến nay. Sự chọn lựa không bỏ phiếu của Obama chứng tỏ mối quan hệ tệ hại với thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou. Donald Trump hứa hẹn « mọi sự sẽ thay đổi sau ngày 20/1 ». Đại sứ Mỹ sắp tới tại Israel, David Friedman là người tích cực ủng hộ các khu định cư Do Thái, chống lại chính quyền Palestine.

Bảo vệ người Hồi giáo
Cùng ngày với việc thông qua nghị quyết tại Hội đồng Bảo an, chính quyền Obama loan báo hủy bỏ một chương trình thời ông Bush nằm giám sát người Ả Rập và Hồi giáo. Bị đóng băng từ năm 2011, kế hoạch mang tên NSEERS cho phép các cơ quan tình báo Mỹ lên danh sách trên 80.000 cá nhân. Lúc tranh cử, ông Trump nêu ra việc có thể sử dụng chương trình để thống kê những người đạo Hồi sống tại Mỹ. Tuy hồi cuối tháng 11, chánh văn phòng tương lai của Donald Trump có nói « Chúng tôi sẽ không lên danh sách dựa trên tôn giáo », nhưng trước thói quen tiền hậu bất nhất của nhà tỉ phú, Nhà Trắng muốn tránh mọi rủi ro.

*
*
Minh Anh – RFI
Đăng ngày 10-01-2017

Giờ đã điểm. Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama tối nay có bài diễn văn cuối cùng tại Chicago. Đấy cũng là lúc điểm lại những gì ông đã làm được và không làm được trong suốt tám năm cầm quyền. Theo Les Echos và Le Figaro hôm nay, 10/01/2017, ngoài việc công nhận những thành công kinh tế-tài chính, nước Mỹ dưới sự điều hành của ông Obama đã bị mất đi tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Les Echos trên trang nhất thông báo : « Sau tám năm ở Nhà Trắng, lời biện hộ cuối cùng của Obama ». Trong bài diễn văn cuối cùng tối nay tại Chicago, tổng thống Mỹ mãn nhiệm có thể tự hào về một nền kinh tế trong tình trạng tốt nhất. Mười một triệu việc làm đã được tạo ra (Le Figaro đưa con số 16 triệu). Tuy thấp hơn dưới thời Bill Clinton đến một nửa (23 triệu) nhưng cao hơn rất nhiều so với tám năm cầm quyền của G. Bush (chỉ có 1,3 triệu).
Dù vậy, sức tăng trưởng kinh tế vẫn rất thấp và mức thu nhập bình quân vẫn còn thua xa thời kỳ trước khủng hoảng. Điều nghịch lý là dưới tám năm cầm quyền của ông Obama, xã hội Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc, mà vấn đề chủng tộc ngày càng trở nên tồi tệ.

Nhưng có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất là chính trong tám năm đó, nước Mỹ đã mất dần tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Les Echos chua chát cho rằng giờ khó có thể tìm được một ai bảo vệ di sản kế thừa từ ông Obama trên phương diện ngoại giao, kể cả trong số các đồng minh và những người ngưỡng mộ ông.

Đương nhiên, không ai phủ nhận thành công của ông trong việc triệt hạ Ben Laden, bình thường hóa quan hệ với Cuba, hay thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran. Nhưng điều đó cũng không đủ xóa đi hai điểm chính yếu : tính nhu nhược và không kiên định. Mà ví dụ điển hình là việc ông thay đổi ý kiến vào giờ chót, quyết định không can thiệp vào Syria năm 2013, sau khi đã lên tiếng cảnh cáo tổng thống Bachar Al Assad về lằn ranh đỏ. Một quyết định đã gây bực bội cho nhiều nước đồng minh, đứng đầu là Pháp.

Tệ hơn nữa, người ta cáo buộc chính sách không can thiệp của ông Obama đã góp phần làm sa lầy cuộc khủng hoảng tại Syria. Việc chính quyền Damas chiếm lại được Aleppo khẳng định thất bại hiển nhiên theo như quan điểm này. Thượng nghị sĩ Bob Corker thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ : « Tôi không ủng hộ việc chúng tôi làm sen đầm quốc tế, nhưng việc vắng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đang tạo ra một khoảng trống mà ở đó mọi vấn đề đang bị dồn vào trong đó ».

Một điều sỉ nhục
Thái độ chần chừ của ông Obama trước những hành động phô trương thế lực của Trung Quốc (trên Biển Đông) và của Nga tại Ukraina, Syria.. đã làm cho nhiều quốc gia đồng minh thất vọng. Bị quốc tế cấm vận sau khi cho sáp nhập Crimée vào lãnh thổ Nga, tổng thống Vladimir Putin giờ đã lấy lại được hoàn toàn vị thế của mình trong chính trường quốc tế.
Cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga thành lập một liên quân chống Daech, cạnh tranh trực tiếp với liên quân do Mỹ dẫn đầu được cho là kém hiệu quả. Và việc Donald Trump vào Nhà Trắng có nguy cơ củng cố thêm vị thế này của ông Putin. Đến mức, nhật báo cánh hữu Le Figaro thốt lên rằng : « Tại Ukraina và Syria, Obama đã tạo cảm giác đang bị một Putin thắng thế dắt mũi ».

Nhưng đối với Obama, đó là một điều sỉ nhục, Les Echos nhận xét. Và từ một năm nay ông đã cố gắng khoác lên người vai trò lãnh đạo một liên quân quốc tế lớn trong cuộc chiến chống Daech tại Irak và Syria. Thế nhưng các cuộc oanh kích tại hai nơi này vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Các chiến dịch không quân đó chỉ tạm thời cản trở đà bành trướng, nhưng không ngăn chặn được quân thánh chiến.

Điều hối tiếc cuối cùng đó là Barack Obama vẫn không lật sang trang được cuộc chiến Irak và Afghanistan. Một lời hứa ông đã đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử và đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa Bình năm 2009. Hơn 8.000 binh sĩ Mỹ còn đồn trú tại Afghanistan để chống lại mối họa taliban. Và gần 4600 binh lính Mỹ đang được triển khai tại Irak.

Nói tóm lại, như nhận xét của Le Figaro, giấc mơ ra đi với khúc khải hoàn, mang vòng nguyệt quế đi vào lịch sử nước Mỹ của ông Obama đã bị người kế nhiệm Donald Trump làm cho phá sản. Với việc ông Trump kiên quyết hủy bỏ phần lớn các chính sách mà ông Obama đề ra trong tám năm qua, thời kỳ chuyển giao quyền lực đã biến trong con người ông, thành một cuộc chiến đấu nhằm khẳng định dấu ấn và bảo vệ bảng thành tích của mình. Đó cũng chính là « Cuộc chiến đấu cuối cùng của Obama cho về sau », như hàng tựa nhận định trên Le Figaro.

Và bài diễn văn giã biệt tối nay tại Chicago sẽ là điểm nhấn cho nỗ lực đó. Có điều, « Những lời giã biệt đó của Obama lại mang một hương vị cay đắng » như hàng tít lớn thông báo trên Le Figaro.

*
*
Thùy Dương – RFI
Đăng ngày 09-01-2017

Chỉ còn một ngày nữa là tới ngày ông Barack Obama đọc bài diễn văn cuối cùng trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ và cũng chỉ còn có hơn chục ngày nữa là diễn ra lễ nhậm chức chính thức của tổng thống Donald Trump. Trong bài viết có tiêu đề « Barack Obama là một tổng thống ngoại hạng dưới góc nhìn lịch sử », nhật báo Libération giới thiệu với độc giả bài phỏng vấn hai chuyên gia Pháp về vị trí của tổng thống Barack Obama trong lịch sử nước Mỹ.

Giáo sư Vincent Michelot, chuyên gia về lịch sử chính trị Hoa Kỳ tại Đại Học Khoa Học Chính Trị Sciences-Po Lyon và chuyên gia Romain Huret, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bắc Mỹ, đều có chung quan điểm là tổng thống Obama đã ghi được dấu ấn trong lịch sử chính trị Mỹ.

Giáo sư Vincent Michelot đánh giá ông Obama là tổng thống cấp tiến đầu tiên sau một thời gian dài nước Mỹ nằm dưới quyền lãnh đạo của những bộ óc bảo thủ. Trong suốt 40 năm, từ năm 1968 đến năm 2008, Hoa Kỳ chỉ có hai tổng thống thuộc đảng Dân Chủ là Jimmy Carter và Bill Clinton. Ba cuộc cải cách ghi đậm dấu ấn của Obama là kế hoạch phục hồi kinh tế, chương trình bảo hiểm y tế Obamacare và luật cải cách tài chính Wall Street.

Còn chuyên gia Romain Huret thì nhắc lại là ông Obama lên nắm quyền lãnh đạo trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn : cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và cuộc khủng hoảng về chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Dân chúng đã quá mệt mỏi, chán nản với chính sách can thiệp quân sự của tổng thống George Bush.

Từ thời Roosevelt, không có tổng thống nào, trừ tổng thống Obama, tìm ra giải pháp thoát khỏi những cuộc khủng hoảng ở quy mô lớn như vậy. Ở trong nước, tỉ lệ thất nghiệp giảm, kinh tế được hồi phục, tài chính ổn định. Còn ở nước ngoài, tổng thống Obama đã kết thúc các cuộc chiến mà chính quyền Georges Bush để lại. Cho dù Obama làm được ít hơn những điều ông ấy đã hứa khi ra tranh cử, nhưng điều quan trọng là ông ấy đã ổn định được đất nước.

Theo chuyên gia Vincent Michelot, có một điều chắc chắc là tổng thống mãn nhiệm Obama không để lại một vụ tai tiếng lớn nào. Trong lịch sử nước Mỹ, tổng thống Bush đã bị chỉ trích vì đã không kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão Katrina. Nhiều người dân có cảm giác Nhà nước không thể bảo vệ họ. Tổng thống Bill Clinton thì dính vào vụ bê bối tình dục Lewinsky, tổng thống Nixon lại vướng vào vụ Watergate. Còn tổng thống Obama thì « giữ mình » theo phương châm « Obama không tai tiếng », « Đừng làm gì ngu ngốc !». Đây cũng là phương châm ông dùng để lãnh đạo đất nước hàng ngày và cả trong chính sách đối ngoại.

Trong khi đó, chuyên gia Romain Huret thì nhận xét điều mới mẻ giúp vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đi vào lịch sử nước này là khả năng hùng biện và phân tích mang tính xã hội của Obama. Ông là một tổng thống trẻ, đã từng làm việc trong lĩnh vực xã hội chứ không theo lộ trình truyền thống, cổ điển như các tổng thống Mỹ khác. Ông hợp với giới trẻ và đã trở thành hình mẫu lý tưởng về đạo đức trong sạch trong con mắt một bộ phận giới trẻ Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đại diện cho một giai đoạn lịch sử Mỹ, một lãnh đạo hiện đại, hiện thân của phép lịch sự phù hợp với nhiều nền văn hóa. Theo giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bắc Mỹ Romain Huret, ông Obama đã mở ra một con đường mới và là tổng thống đầu tiên trong danh sách các nhà lãnh đạo đi theo con đường mới này.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là cho dù ông Obama đã ổn định được cuộc sống cho tầng lớp trung lưu nhưng lại không làm được điều gì lớn lao cho người nghèo và người da màu. Tổng thống Obama nhận thức được vấn đề kỳ thị sắc tộc tại Mỹ nhưng không thể giải quyết vấn nạn này.




No comments:

Post a Comment

View My Stats