Thursday, 5 January 2017

NGƯỜI DÂN VIỆT NAM CỨ CAM PHẬN CHẾT DƯỚI TAY CÔNG AN "CÒN ĐẢNG CÒN MÌNH" MÃI SAO ? (Phạm Đình Trọng)





...Người dân Việt Nam hôm nay phải nhận những cái chết đột ngột, bất thần, mau lẹ, dễ dàng dưới tay công an như cái chết của con vật nuôi trong trại gia súc dưới tay chủ trại. Và người dân Việt Nam cứ cam phận cay đắng chấp nhận nỗi đau, nỗi nhục của thân phận con vật nuôi trong trại gia súc cộng sản mãi sao?... 

*

Trên thế giới có ở đâu như ở Việt Nam công an được hưởng lương cao, bổng hậu từ tiền thuế của dân lại chỉ biết có đảng, ngang nhiên phũ phàng, bội bạc, vô ơn với dân trong lời nói, trong nhận thức: “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình”! Ngang nhiên coi dân như cỏ rác, giết dân như giết kiến, đánh, giết dân như đánh, giết kẻ thù trong hành động. 

Công an đánh chết dân trong trại tạm giam. Công an đánh chết dân ở đồn công an. Công an đánh chết dân giữa phố đông. Công an đánh chết dân trên đường làng. Chết dưới tay công an rồi lại chính công an điều tra, công an làm án để rồi những cái chết đó trở thành vụ tự sát, vụ bị bạn tù đánh chết, vụ chạy quá sức mà chết! 

Đứa trẻ 13 tuổi bị chết trong trại tạm giam của công an với những vết thâm tím phù nề khắp người. Dấu tích của những trận đòn diễn ra liên tiếp, dai dẳng nhiều ngày bởi công cụ bạo lực cầm tay. Dấu tích trận đòn của quyền lực mà kẻ chịu đòn chỉ biết cam chịu, không thể tự vệ, không được phản kháng. Công an điều tra làm án và phiên tòa lập ra chỉ để tuyên bản án theo kết quả điều tra của công an: Đứa trẻ bị tạm giam trong phiên trực phải rửa bát đã rửa bát không sạch bị bạn tù đánh chết và công an ngoại phạm trong cái chết đó! Cùng là bạn tù thì bình đẳng, bị đánh phải đánh lại. Đánh nhau tay đôi, không ai có công cụ bạo lực hỗ trợ làm sao có thể dính đòn phù nề khắp người, làm sao lại chỉ một người dính đòn đến chết, còn người kia không hề hấn gì! 

Báo chí của cả nhà nước công an trị đồng loạt đưa tin về bản án được tuyên ở phiên tòa nhưng những người còn chút lương tri thì chẳng ai còn tin những phiên tòa như vậy. Họ chỉ càng ngậm ngùi cho thân phận dân đen trong nhà nước độc tài đảng trị, pháp luật chỉ để bảo vệ đảng. Không được pháp luật bảo vệ, thân phận người dân quá mong manh, bèo bọt, người dân có thể bị công an bắt giam, công an đánh chết bất cứ lúc nào công an muốn bắt, bất cứ lúc nào công an muốn đánh. 

Những vụ công an đánh chết dân không thể xí xóa được thì viên công an giết người dân lương thiện phải đứng trước vành móng ngựa cũng chỉ phải nhận bản án tượng trưng, một bản án diễu cợt pháp luật, thách thức người dân. Viên trung tá công an đánh gãy cổ dân dẫn đến cái chết đau đớn cho ông Trịnh Xuân Tùng chỉ phải nhận bản án nhẹ hều 4 năm tù. 

Những phiên tòa như vậy không chỉ làm cho người dân nhận ra một nền tư pháp bất minh, không vì công lý, không vì lẽ phải, nền tư pháp mà đảng cầm quyền đứng ngoài và đứng trên pháp luật và bản án không được phán quyết bằng tranh tụng tìm ra sự thật ở phiên tòa mà phán quyết theo nghị quyết của cấp ủy đảng đã có từ trước phiên tòa. Những phiên tòa bao che cho tội ác của quyền lực giết dân lành còn là nỗi ô nhục của cả nền tư pháp mang tên nền tư pháp xã hội chủ nghĩa. 

Ở những nước văn minh, có dân quyền, quyền lực của người dân quyết định sự hình thành và tồn tại bộ máy nhà nước vì thế một vụ tai nạn xe lửa làm thiệt mạng chỉ một người dân, lập tức bộ trưởng bộ Giao thông nhận trách nhiệm về mình, liền xin từ chức. 

Quyền lực của người dân Việt Nam đã bị đảng hữu hóa bằng điều 4 Hiến pháp: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Trắng tay về quyền làm người, quyền công dân và trần trụi trước pháp luật, người dân không quyền lực, không được pháp luật bảo vệ trở nên quá bé nhỏ và tội nghiệp như thân phận của con vật nuôi trong trại gia súc. Người dân bị gạt ra bên lề trong đời sống chính trị đất nước. Việc sắp đặt quan chức trong bộ máy nhà nước, việc đưa người của đảng ra nắm giữ các vị trí trong bộ máy đó hoàn toàn là chuyện nội bộ của đảng cộng sản cầm quyền. Người dân cầm lá phiếu bầu quốc hội, bầu hội đồng hàng tỉnh, hàng quận, huyện chỉ là những rô bốt làm thủ tục hợp thức hóa việc chia ghế, chia quyền của đảng. Những chiếc ghế quyền lực trong bộ máy nhà nước đã được đảng phân chia xong cho những cán bộ của đảng trước khi người dân cầm lá phiếu bầu quốc hội và các hội đồng hàng tỉnh, hàng quận huyện. Những chiếc ghế quyền lực của dân của nước đã bị đảng chiếm đoạt và giao cho cán bộ của đảng trước khi quốc hội và các hội đồng hàng tỉnh, hàng quận huyện thực hiện màn diễn bầu cử các chức danh đó! 

Ở đất nước có dân quyền, ngành giao thông chỉ để xảy ta tai nạn làm chết một người dân, ngài Bộ trưởng Giao thông lập tức xin từ chức để nhận trách nhiệm với dân. Ở Việt Nam, công an vô cớ đánh chết hàng trăm dân lành thì đồng chí bộ trưởng bộ công an không những không chịu trách nhiệm, không từ chức mà còn được đảng vinh thăng đưa lên chức cao chót vót: Chủ tịch nước. Hóa ra tội ác công an vô cớ đánh chết dân lành là tội lớn với dân, với nước, với lương tâm con người và với đạo đức xã hội nhưng với đảng lại là thành tích, là công trạng! 

Pháp luật của đảng cộng sản nương nhẹ, bao che cho tội ác công an đánh chết dân. Tội ác công an đánh chết dân diễn ra từ năm này qua năm khác, diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam đau thương nhưng bộ trưởng bộ công an lại được đảng ghi nhận công trạng, được tin cậy trao cho trọng trách đứng đầu nhà nước độc tài đảng trị để phát huy mô hình trị dân, duy trì nhà nước cộng sản bằng bạo lực ở mức cao hơn, rộng hơn và triệt để hơn! 

Và dân lành bị công an đánh chết cứ tiếp diễn cùng sự tồn tại của nhà nước cộng sản Việt Nam. Theo thú nhận của ngành công an với cơ quan thường vụ quốc hội thời ông tướng công an Trần Đại Quang làm bộ trưởng bộ công an, chỉ trong ba năm, từ 10. 2011 đến 9. 2014 đã có 226 người dân chết trong nhà giam của công an. Công an chỉ dám công khai thú nhận số người dân chết trong trại giam do công an quan lí chứ công an không dám thống kê và công bố số dân lành bị công an đánh chết. Trong khi số dân lành chết dưới tay công an cũng không ít hơn ba hàng số, cũng phải tính tới hàng trăm. Và cái chết của người đàn ông 29 tuổi đang tràn trề sức lực Phạm Đăng Toàn ở Tuy Phước, Bình Định đêm 3.1.2017 là cái chết thứ mấy trăm dưới tay công an nhà nước cộng sản? 

Người dân Việt Nam hôm nay phải nhận những cái chết đột ngột, bất thần, mau lẹ, dễ dàng dưới tay công an như cái chết của con vật nuôi trong trại gia súc dưới tay chủ trại. Và người dân Việt Nam cứ cam phận cay đắng chấp nhận nỗi đau, nỗi nhục của thân phận con vật nuôi trong trại gia súc cộng sản mãi sao? 

06.01.2017





No comments:

Post a Comment

View My Stats