Sunday, 22 January 2017

NGHĨ VỀ "THƯ GỬI VIỆT NAM" CỦA GSTS JONATHAN LONDON (Trần Phong Vũ)




Trần Phong Vũ
Posted by adminbasam on 23/01/2017

Trong “Thư gửi Việt Nam” do đài BBC giới thiệu, với tư cách một công dân Mỹ, GS Jonathan London công khai bày tỏ sự thất vọng của ông về sự kiện ông Donald Trump trở thành vị TT thứ 45 của Hoa Kỳ. Ông đồng ý với phần đông dư luận cho rằng: “… thế giới đang có nguy cơ rơi vào một cơn khủng hoảng sâu rộng chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến II. Riêng nước Mỹ thì rơi vào cơn khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ thời Nội chiến.”

Trong bài phân tích ngắn này, chúng tôi sẽ không đề cập quan điểm của ông về nội tình Hiệp Chủng Quốc sau cuộc bầu cử vừa qua. Chúng tôi cũng không bàn về quan điểm cá nhân của vị GSTS này đối với chủ nhân mới của tòa Bạch Ốc. Người viết sẽ dành mọi cố gắng tập chú vào tất cả những gì vị GS tự nhận là “người bạn của Việt Nam” muốn nhắn gửi nhân dân và nhà cầm quyền Việt Nam liên quan tới vấn đề Quốc phòng (trong đó nổi bật là tình hình Biển Đông hiện nay), vấn đề Kinh tế, Xã hội, đặc biệt là vấn đề Giáo dục và vấn đề đổi mới Chính trị.

1.- Trước hết về vấn đề Biển Đông

Theo tác giả thì dù TT Trump có vô số những động thái khác lạ, nhưng quan điểm an ninh ở Biển Đông khó có thay đổi lớn so với thời Obama và điều chắc chắn là không có chuyện Mỹ rút lui khỏi biển Đông và khoanh tay trước những đòi hỏi bất hợp pháp của Tập Cận Bình. GS London nhắc tới những khuôn mặt mới trong chính quyền Mỹ như tướng Mattis (nick Chó Điên) được đánh giá là có trí tuệ và được tôn trọng từ lính đến sĩ quan, đến ông Rex Tillerson, người được tân Tổng thống Mỹ chọn sắm vai trò ngoại trưởng hiện vẫn còn là một ẩn số trong vấn đề Đông Á.
Nhắc lại lời tuyên bố của ông Tillerson “cấm Bắc Kinh không được tiếp cận các đảo nhân tạo ở biển Đông” ông đánh giá là hơi thiếu thực tế dù có tín hiệu cho thấy ông ta không phải là người thuận theo Bắc Kinh. Câu hỏi ông London đặt ra là liệu Mattis và Tillerson (nếu được phê chuẩn) cùng với những nhân sự khác của “chế độ mới” Hoa Kỳ có đủ năng lực cáng đáng nhiệm vụ hay không, và không kém phần quan trọng là khi cần, họ có đủ ý chí lẫn trí tuệ để chống lại vị Tổng Thống mới nếu một mai ông ta biến thành một nhà độc tài hay không.

Sau chót ông nhấn mạnh tới trách nhiệm của chính người Việt Nam, bao gồm hơn 90 triệu dân chúng và những thế lực đang nắm quyền sinh sát hiện nay.

2.- Về vấn đề Kinh tế, Xã hội

Về mặt kinh tế, Ts Jonathan London cho rằng vì Việt Nam chưa có cơ hội gì mới trong thời kỳ hậu Obama, nên những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt vẫn y như cũ. Theo ông, khả năng lớn là sẽ không còn hiệp định thương mại đa phương nữa và điều này chính là một thách thức nghiêm trọng đối với Hà Nội.

Sau đây là nguyên văn những khuyến nghị chân thành của ông.

“* Muốn trở thành một thị trường hấp dẫn, VN hãy chọn con đường chính đại.
* Hãy dũng cảm và sáng suốt để bảo vệ người lao động Việt Nam.
* Hãy dứt khoát nói không với những dự án không đảm bảo môi trường.
* Hãy hiểu và biết quý trọng giá trị câu ‘dân cần nước sạch’”.
Ts London nhấn mạnh.
“Làm như thế thì Việt Nam mới có lực để ‘phát triển’ bền vững, và có chất lượng hơn so với những năm gần đây.”

3.- Về vấn đề Giáo dục.

Là một người hiểu rất rõ về tình trạng yếu kém và lạc hậu trong lãnh vực giáo dục ở Việt Nam do chế độ cộng sản điều hành theo kiểu rừng rú từ nhiều thập niên qua, Ts Jonathan London mạnh mẽ khuyến cáo Hà Nội cần:

“Cải cách giáo dục cách khác so với trước đây. Không chỉ nói suông mà không chỉ nhìn giáo dục qua góc cạnh hành chính: phải thực sự coi trọng, phát triển năng lực lẫn tinh thần sáng tạo của nhà giáo, nhà nghiên cứu, và toàn xã hội… Phải thực sự sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện, và thi hành với những phương cách giảng dạy hiện đại, phương pháp sư phạm mới.”

Ông nhấn mạnh, những cải cách này không thể mang tính ‘hành chính’ mà phải thấm nhập sâu xa vào tinh thần của giáo dục ở mọi bậc học, từ mẫu giáo tới đại học.

Nắm được bản chất tham lam luôn bị cám dỗ bởi khuynh hướng thực dụng của chế độ Hà Nội, Ts London không ngần ngại lên tiếng khuyến cáo.

“Thị trường dĩ nhiên có vai trò của thị trường, nhưng không có nghĩa là phải hy sinh giáo dục phi lợi nhuận như chúng ta đang thấy. Đừng lạm dụng làm giầu bằng thương mại hoá mọi thể loại giáo dụcViệc những trường đại học phi lợi nhuận có tôn chỉ hoạt động dựa trên giá trị của những vĩ nhân như Phan Chu Trinh đang bị đe dọa đóng cửa, đang bị đe dọa phát mãi là những sự kiện cực xấu.”

Là một trong những chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam, nơi ông từng sống và làm việc trong bốn năm, thành thạo ngôn ngữ địa phương, có dịp tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp xã hội, Ts Jonathan London hiểu rõ nhược điểm lớn nhất của giới lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam là quan niệm và cái nhìn cận thị của họ chỉ căn cứ vào những thành công cá nhân trong lãnh vực toán học mà thiếu hẳn cái viễn kiến về một nền giáo dục toàn diện trong thế giới ngày nay. Vì thế, ông lên tiếng cảnh cáo.

“Đừng lấy PISA hoặc đào tạo ra vài nhà toán học thực giỏi làm thước đo. Tinh thần sẵn sàng đầu tư cho giáo dục của con cái sẽ vô cùng lãng phí nếu chúng ta (tức là cộng đồng nhà giáo và người dân[2]không đòi hỏi và xây dựng được một hệ thống giáo dục thực sự phản ánh tinh thần cởi mở, phản biện khoa học. Nếu không thế, chúng ta không có cơ sở gì để kỳ vọng đất nước Việt Nam cất cánh.”

4.- Về chính trị: thời điểm đã chín mùi để “cởi trói”

Với niềm xác tín rằng: đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam”, Giáo sư London mạnh dạn nêu lên những quyền căn bản không thể thiếu đối với người dân Việt Nam lúc này. Đó là:
“Tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị.”

Sau khi xác định như trên, ông nêu lên câu hỏi rồi tự trả lời:
“Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được tôn trọng đúng mức? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết.”

TS Jonathan London, vị giáo sư Mỹ tự nhận là “người bạn của Việt Nam” đã kết thúc “Thư gửi Việt Nam” của ông bằng những lời tâm huyết sau đây.

“Trong tình trạng bất an hôm nay, tôi tin rằng người dân Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực học hỏi, tham gia đóng góp và ra sức thúc đẩy một xã hội dân chủ hơn, văn minh, minh bạch, công bằng, và có trật tự. Tôi nghĩ rằng dù ở Việt Nam hay ở Mỹ hay bất cứ ở nơi nào trên trái đất, những nỗ lực phát triển xã hội thể theo nguyện vọng dân chủ và nhân văn vẫn là vấn đề cốt lõi và cần được khuyến khích hơn bao giờ hết.”

5.- Vài nhận định của người viết

Nhìn lại quan điểm của Ts Jonathan London bộc lộ qua những bài viết, các cuộc phỏng vấn, những lời phát biểu trên diễn đàn trước nay và những gì ông tâm tình trong “Thư gửi Việt Nam” do BBC công bố trước giờ tân TT Donald Trump tuyên thệ nhậm chức hôm 20-01-2017, ta thấy hoàn toàn nhất quán. Đấy là sự đồng nhất trong quan điểm của một trí thức luôn tỏ ra quân bình trong mọi phê phán, nhận định về đường lối, chính sách của đảng và nhà nước CSVN cũng như khát vọng sâu xa của người dân, các nhà đấu tranh cho dân chủ và các tổ chức Xã hội Dân sự ở Việt Nam lâu nay. Điều này cho thấy đương sự là một trong số rất ít học giả có nhân cách và tư duy khác hẳn với phần đông trí thức Âu Mỹ sau một thời gian dài qua lại, thăm viếng, làm việc hoặc nghiên cứu ở Việt Nam thường có khuynh hướng gần gũi với nhà cầm quyền Hà Nội, một sự gần gũi thường tạo nên những tranh cãi.

Đọc lại chú thích 1 về tiểu sử, nhân thân và quan điểm của Gs London, người viết nhận ra thái độ thẳng thắn, dứt khoát, minh bạch của ông khi lên tiếng về hai vấn đề chủ yếu liên quan tới đường lối ngoại giao của nhà cầm quyền CSVN và chuyện hòa giải giữa hai bên thắng/thua trong mấy chục năm chiến tranh giữa hai miền Nam/Bắc mà hệ lụy của nó còn kéo dài cho tới ngày hôm nay.

Từ những khuyến nghị Hà Nội phải bảo vệ người lao động, theo đuổi việc phát triển kinh tế theo đường lối quang minh, chính đại, không vì lợi nhuận mà quên lãng việc bảo vệ môi trường, biết tôn trọng giá trị câu “dân cần nước sạch”… tới việc xác định thời điểm cấp bách phải “cởi trói” về chính trị, trong đó việc đầu tiên là phải đáp ứng những quyền năng thiêng liêng của người dân như, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị, người viết những giòng này không khỏi cảm phục ông. Điểm cần chú ý ở đây là vào thời điểm này, hơn ai hết ông biết rõ trong những quyền tự do kể trên đối với phần lớn các quốc gia trên thế giới là đòi hỏi tự nhiên thì với Hà Nội vẫn còn là điều cấm kỵ. Nhưng với trách nhiệm lương tâm ông vẫn phải lên tiếng, nhất là khi thấy đối với quảng đại quần chúng Việt Nam ngày nay, nó đã trở thành một khát khao tìm kiếm, một nhu cầu thâm sâu không thể thiếu.

Ý nghĩ cuối của người viết: Về nhiều phương diện, tâm tình thiết tha, thẳng thắn và đầy thiện chí của Ts Jonathan London gói ghém trong “Thư gửi Việt Nam” có thể coi như cây đũa thần, như chiếc phao cho đảng và nhà nước CSVN để tìm ra một sinh lộ, một lối thoát cho hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bế tắc hiện nay.

Vấn đề đặt ra là họ có đủ khôn ngoan và tỉnh táo để nắm lấy hay không?

Người xưa có câu “rượu mời không uống, thế tất sẽ lãnh rượu phạt!”

Khi cơ hội vàng bỏ mất và sự phẫn nộ của người dân đã vượt ngưỡng thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Lịch sử cổ kim, đông tây đã từng minh chứng.

Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem.

Một ngày cuối năm Bính Thân

------------------

[1] GSTS Jonathan London, người Mỹ gốc Do Thái, sinh năm 1969 là một nhà nghiên cứu chính trị chuyên về những vấn đề Việt Nam. Ông từng sống ở Việt Nam từ năm 1997 đến 2001, thông thạo ngôn ngữ Việt. Lá thư này ông tự viết thẳng bằng tiếng Việt, công bố trước giờ ông Trump tuyên thệ nhậm chức TT thứ 45 của Koa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ông lần lượt giảng dạy đại học ở Singapore và Hồng Kông. Quan điểm của London đối với Hànội khá minh bạch.

Nói về đường lối ngoại giao đi giây của VN ông cho rằng: “Việt Nam hiện theo chính sách nhiều bạn, nhưng lại chưa có bạn thân, bạn thân là Trung Quốc thì như thế là không được rồi. Bạn Nga thì để mua vũ khí, bạn Mỹ để tiếp cận thị trường, bạn Asean thì nói nhiều, làm ít.”

Đề cập vấn đề hòa giải, ông nói: “Thực sự tôi nghĩ rằng muốn hòa giải thì phải có dân chủ, và dân chủ đó phải do chính người dân tạo ra. Tôi nghĩ rằng xã hội dân sự đang phát triển ở Việt Nam là lực lượng cần thiết để đạt được một quá trình hòa giải thực sự. Vì muốn hòa giải thì sẽ phải có sự tham gia của mọi người ở đủ các bên. Và tất nhiên, nếu muốn hòa giải thì nhân quyền sẽ phải được bảo vệ và thúc đẩy từ mọi phía. Đó chỉ là những ý kiến cá nhân của tôi. Sau cùng, để có một quá trình hòa giải và hòa hợp người dân Việt Nam sẽ cần phải có những hành động cụ thể”

[2] Chi tiết này cho thấy TS Jonathan London không chỉ nói với những người lãnh đạo giáo dục trong hệ thống cầm quyền Hànội. Trái lại, ông còn khích lệ người dân, cách riêng các nhà giáo dục tư nhân có tâm có tầm phải lên tiếng đòi hỏi những cải cách trong lãnh vực quan trọng này.

--------------------------

Thứ Bảy, 01/21/2017 - 11:09 — nguyenthituhuy






No comments:

Post a Comment

View My Stats