10.01.2017
Nếu bạn là con gái, đến tuổi đôi mươi, đã lập gia
đình, hẳn là đã và đang suy nghĩ hoặc bị hối thúc chuyện sinh con đẻ cái. Quan
trọng hơn, có một niềm mong mỏi thường được nhắc nhở là sinh được bé trai kháu
khỉnh cho họ nhà chồng. Nguyên do thì đơn giản và dễ hiểu là để nối dõi tông đường,
gia phả họ hàng có người chăm sóc, cha mẹ không lo sợ cô đơn khi đến tuổi gần đất
xa trời. Nàng nào sinh con trai đầu thì được khen là con dâu khéo. Các cô gái cứ
đến tuổi cưới xin là nơm nớp lo sợ, nhưng liệu rằng đó chỉ đơn giản là nỗi phiền
muộn bị người đời đánh giá hay lo lắng tủn mủn của bản thân? Liệu có ai thực sự
quan tâm về môi trường, xã hội mà đứa con mình sinh ra sẽ lớn lên và trưởng
thành?
Sáng sớm nay thức giấc, ngay lập tức đập vào mắt tôi
là bản tin thời sự về một cô bé gái 3 tuổi bị một ông cụ tuổi gần 80 xâm hại
tình dục. Vụ này được phát hiện từ tháng 3 năm 2015 nhưng cho đến nay, bước
sang đầu năm 2017, sau những cố gắng không ngừng của người cha cô bé, lão già
kia mới chính thức bị khởi tố. Trong suốt cuộc điều tra, bị cáo đã khước từ đơn
gọi điều tra với lý do bệnh tật liệt giường. Khi gia đình nạn nhân sang tận nhà
để hỏi thăm thì lại viện cớ đi vắng. Thời gian từ đó đến nay đủ để một danh hài
nổi tiếng Việt Nam sang xứ tư bản bày trò ấu dâm, đã bị bắt giữ và trở về quê
hương kịp ăn Tết.
Còn nhớ một vụ tương tự tại Vũng Tàu mà người mẹ
cũng cố hết sức mình để giành công lý cho con gái 6 tuổi của mình sau khi em bị
xâm hại bởi một người hàng xóm 76 tuổi nhưng không có kết quả. Tới nay gia đình
đã chuyển sang nước ngoài sinh sống. Có thể thấy xã hội chúng ta vẫn còn hết sức
coi nhẹ vấn đề xâm hại tình dục. Việc một cô gái bị đụng chạm giữa chốn đông
người ngay lập tức bị cáo buộc rằng do cô ăn mặc quá mỏng manh, bắt mắt, không
một câu hỏi nào được nêu lên về nhân cách của con yêu râu xanh kia. Trên thực tế,
đây là một vấn đề xã hội chung trên toàn thế giới, nhưng sự khác biệt là ở chỗ
xã hội nào đặt vấn đề và đấu tranh đến cùng. Tôi dùng cụm từ “đấu tranh đến
cùng” để nhấn mạnh vào sự quyết liệt bền bỉ, không khoan nhượng, không tha thứ
và lãng quên.
Tại Hàn Quốc, các kênh truyền hình quốc gia đã cho
chiếu đi chiếu lại Silenced, một bộ phim dựa trên một câu chuyện
có thật về một số giáo viên lạm dụng tình dục các em học sinh có khuyết tật tại
một ngôi trường ở thành phố Gwangju và che giấu hành vi đó trong một thời gian
dài, làm dư luận hết sức phẫn nộ. Hope cũng là một bộ phim
cùng đề tài, nhưng tập trung vào nỗi đau người cha dành cho cô con gái bị xâm hại
của mình. Được biết trước khi bắt tay vào làm bộ phim này, đạo diễn Lee Joon-ik
đã bị nhiều người phản đối vì họ cho rằng không nên khơi lại một vết thương
trong quá khứ. Hai bộ phim đều được sản xuất trong thời gian gần đây, ngay lập
tức được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc về đề tài hiện thực
xã hội tại Hàn Quốc.
Năm 2015, tại Mỹ, Brock Turner, một sinh viên đại học
Stanford, đã bị khởi tố vì có hành vi đồi bại với một nữ sinh khác khi nạn nhân
bị bất tỉnh. Mức phạt 6 tháng tù giam và 3 năm tại ngoại vì lý do là vận động
viên bơi tiềm năng của đội tuyển quốc gia đã gây nên một làn sóng phản đối từ
người dân bang Calilornia cũng như toàn nước Mỹ.
Đó là cách mà người dân ở những xã hội tiên tiến phản
ứng với nạn xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em - gay gắt, quyết liệt và không
môt chút khoan dung mà không cần biết kẻ phạm tội là ông già lụ khụ, nghèo nàn
hay nhân tài trẻ sáng giá của đất nước. Khi một vấn đề xã hội được đánh giá có ảnh
hưởng nhân văn, luật pháp không phải là hình thức giải quyết duy nhất. Điện ảnh,
báo chí, truyền hình, mạng xã hội cùng các tổ chức quốc gia và Liên Hiệp Quốc
đóng một vai trò tích cực để truyền tải thông tin đến công chúng.
Thử ngẫm lại vụ về Minh Béo khi danh hài này vĩnh viễn
bị ghi tên trong sổ đen của sở xuất nhập cảnh Mỹ, bị trục xuất vĩnh viễn khỏi
quốc gia này. Nhưng kỳ lạ thay, sau khi về tới Việt Nam, một tội phạm lại được
chào đón như minh tinh màn bạc và được kêu gọi tha thứ cũng như ủng hộ hết
mình, khiến anh này phần nào phấn khởi, ngỏ lời cảm ơn sâu sắc.
Chúng ta, không hề có một ý niệm đấu tranh, thay vào
đó là thái độ tung hê, thậm chí là trục lợi khi các trang báo đói tin liên tục
cập nhật từng hình ảnh, từng lời nói, ngay từ cái bước chân đầu tiên của Minh
Béo tại sân bay. Từ đó tôi chợt ngẫm ra một điều, không sinh con trên đất nước
này là một điều may mắn, cho cả những người phụ nữ và cả những đứa trẻ, bởi để
chúng lớn lên trong một xã hội bại hoại về nhân phẩm như vậy là điều tàn nhẫn.
---------------
* Blog ‘Trong lòng Hà Nội’ của
Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý
của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment