Friday 13 January 2017

ĐỂ TRÁNH BỊ PHÁ SẢN, ĐẢNG CSVN SẼ BỊ BẮT BUỘC PHẢI CHỌN MỘT TRONG 2 MÔ HÌNH (Phong Uyên - Đàn Chim Việt)




04:12:pm 13/01/17

Ngay khi còn trứng nước, khi An Nam Cộng sản đảng bị Stalin bắt phải đổi tên là Đảng Cộng sản Đông dương, trong ĐCSVN đã có hai phái đối nghịch nhau : phái Trần Phú, Hà Huy Tập và phái Nguyễn Ái Quốc. Suốt thời gian sau đó, Nguyễn Ái Quốc mượn bàn tay Pháp, tiêu diệt khá nhiều đối thủ của mình. Nhưng sau khi cướp được chính quyền 19-8-45, ông Hồ khôn ngoan vẫn duy trì 2 phái, nhằm mục đích chia để trị và sau này tùy theo hoàn cảnh: Khi phải hòa hoãn với các đảng phái quốc gia thì đưa ra những nhân vật của phái có bộ mặt ôn hòa, mà ông Võ Văn Kiệt gọi là Hữu khuynh. Khi bị Stalin giao phó cho Mao, bắt buộc phải thi hành chính sách của Tàu cộng, thì đưa ra những nhân vật giáo điều thuộc phái Tả khuynh – cũng theo từ ngữ của ông Võ Văn Kiệt – , rồi giả vờ sửa sai sau.

Từ khi bắt buộc phải đổi mới kinh tế, 2 phái này trở thành 2 phái Bắc, Nam : Phái Bắc, thường được gọi là phái ” Lãnh đạo ” bảo thủ, giáo điều, nắm bộ máy Đảng ngồi chơi xơi nước. Phái Nam nắm bộ máy Chính phủ, cầm quyền, có tư tưởng thực tiễn về kinh tế hơn, đã tạo ra những tiến bộ về kinh tế, nên được coi là phái “Tiến bộ”. Những tiến triển về kinh tế, dù chỉ là nhờ trở lại kinh tế miền Nam khi trước, đã đem lại sự dễ thở cho người dân và rất nhiều lợi lộc cho những người trong Đảng, khiến 2 phái trong Đảng, tuy có đấu đá nhau trong bóng tối, cũng dễ dàng chia đều nhau mọi lợi quyền, không cần phải luôn luôn triệt hạ nhau như trong mọi đảng Cộng sản cầm quyền trên thế giới, dưới sự khống chế của một lãnh tụ độc tài mà điển hình là Stalin, Mao, Caucescu, Castro, cha con họ Kim hay như Tập cận Bình bây giờ.

Nhưng từ sau Đại Hội 11 ĐCSVN, tình hình kinh tế toàn thế giới mỗi ngày một khó khăn, tạo ảnh hưởng xấu mỗi ngày một lớn lên nền kinh tế Việt Nam, khiến miếng bánh kinh tế chia nhau mỗi ngày một nhỏ lại, 2 phái trong Đảng không thể cứ tiếp tục chia lợi quyền đều nhau như khi trước được nữa. Đó cũng là lí do khiến đã xẩy ra sự phái này tìm cách triệt hạ phái kia để giành mọi quyền hành quyền lợi cho phái mình.

Trong Đại hội 12 đầu năm 2016, sự mạt sát nhau, tìm cách triệt hạ nhau giữa 2 đầu “Lãnh đạo” Bắc, Nguyễn Phú Trọng và “Cầm quyền” Nam, Nguyễn Tấn Dũng, chưa bao giờ dữ dội như vậy.

Kết quả trái ngược với sự phỏng đoán của nhiều người : Phe Nguyễn Tấn Dũng bị đè bẹp, chức vụ Thủ tướng hái ra tiền được giao cho một tay chân của phái “Lãnh đạo” miền Bắc. Lần đầu tiên cả ba chức vị chóp bu Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, đều do người miền Bắc hay tay chân miền Bắc nắm giữ cả.

Thật ra vấn đề của ĐCSVN không phải là Bắc hay Nam mà là cái cơ cấu “Một đảng 2 phái” như tôi đă nói trên.

Chính cái cơ cấu này đã tạo ra 2 bộ máy chồng chéo nhau: Bộ máy lãnh đạo cầm đầu bởi ông Tổng bí thư và bộ máy Cầm quyền (Quản lý) nằm trong tay người nắm chức vụ thủ tướng.

Thời ông Hồ cơ cấu này trở thành một giáo điều ” Bác Đảng và Chính phủ ” giống như thuyết Ba ngôi ( Cha, Con và Thánh thần ) trong Ki Tô giáo.

Phải nói dưới thời bao cấp 2 bộ máy này bổ túc cho nhau : Bộ máy Lãnh đạo có nhiệm vụ kiểm soát tư tưởng, xác định lí lịch thành phần để căn cứ vào đó phân phối những nhu cầu trong đời sống mỗi người dân. Bộ máy Cầm quyền có nhiệm vụ quản lý kinh tế và hành chánh. Ngay cả những đơn vị nhỏ nhất như phường, xã, cũng bị đặt dưới sự điều khiển của 2 guồng máy này, thông qua chức vị Bí thư, chức vị Chủ tịch UBND, mỗi xã mỗi phường.
Nhưng ở thời buổi hội nhập kinh tế thị trường, sự tồn tại của bộ máy “lãnh đạo” hoàn toàn vô ích và trở thành ký sinh trùng ăn bám vào ngân quỹ quốc gia tạo ra tham nhũng. Gánh nặng tài chính phải nuôi báo cô một bộ máy vô dụng, đã đè nặng lên kinh tế, khiến nền kinh tế mỗi ngày một èo uột và nguy cơ đi đến phá sản mỗi ngày một gần, đe dọa luôn sự sống còn của Đảng.

Vấn đề là chỉ có phái Lãnh đạo “thắng cuộc” mới tự phá bỏ được bộ máy “lãnh đạo’ của mình, đồng thời cũng phải triệt hạ tận gốc phái Cầm quyền để độc chiếm quyền xử dụng bộ máy “cầm quyền”.

Và muốn làm được như vậy, phe “thắng cuộc” phải đủ bản lãnh thay đổi triệt để cơ cấu Đảng và lấy mô hình Tàu cộng làm khuôn mẫu.

Mô hình Tàu cộng

Theo mô hình này, người nắm chức vụ Tổng bí thư Đảng sẽ nắm luôn chức vụ Chủ tịch Nước. Tuy về hình thức Tổng bí thư là người duy nhất được sự chỉ định của bộ Chính trị ra ứng cử chức vị Chủ tịch nước trước Quốc hội và sẽ đương nhiên được bầu, nhưng thật ra trước khi giành được chức vị Tổng bí thư , đã phải là một tay đầy thủ đoạn, loại trừ được mọi đối thủ của mình trong Đảng để độc nắm toàn quyền. Bởi vậy gọi chế độ cộng sản Tàu là chế độ độc đảng toàn trị không đúng vì đảng chỉ là công cụ cầm quyền của chủ tịch nước.

Thật ra mô hình này chỉ dập lại cái cơ cấu trung ương tập quyền của các vua chúa Tàu ngày xưa, Thiên tử trở thành Chủ tịch nước, Đảng chỉ là triều đình và hàng quan lại của Chủ tịch.
Trong số những chóp bu ĐCSVN hiện nay, chả thấy ai có đủ bản lãnh và khả năng để dập khuôn ĐCSVN theo mô hình này. Dầu sao cũng phải đợi đến Đại hội 13 năm 2021 coi người hiện nay được cho là có nhiều bản lãnh,Trần Đại Quang, có làm nên trò trống gì không.

Nhưng cũng không phải vì vậy mà không nghĩ có nhiều khả năng ĐCSVN sẽ bị Tàu bắt phải theo mô hình này. Từ nay đến Đại hội 13, có thể sớm hơn nữa, ngay kỳ bán Đại hội Đảng 1 năm rưỡi nữa, Tàu dư thời giờ kiếm người dễ bảo nhất phong cho làm chủ tịch Đảng, chủ tịch cái nước Ố Nàn XHCN này. Trong ĐCSVN hiện nay thiếu gì những người như Trần Ích Tắc như Lê Chiêu Thống. Chứng cớ là hết Đinh Thế Huynh lại đến Ngô Xuân Lịch, Phạm Minh Chính và ngay đến ông già Trọng Lú cũng sẽ chống gậy qua Tàu xin (làm) việc. Ngày xưa vua Tàu phong cho ai làm An Nam quốc vương thì người đó được làm, tuy chỉ là hình thức. Ngày nay Tàu có thể chỉ cần phẩy bàn tay, nhất là khi biết ý Trump bỏ TPP là đã có ý vứt Việt Nam cho Tàu để đổi lấy Đài Loan.

Mô hình Mỹ cách đây 200 năm

Phải nghĩ là sự hiện hữu 2 phái trong ĐCSVN đã nằm trong cơ cấu từ khi sinh ra đảng và cũng có phần tích cực dưới thời ông Hồ và ngay cả sau 75. Cũng nhờ có phái “Cầm quyền” có tư tưởng tiến bộ mà có Đổi Mới và những người cộng sản miền Nam có tiếng nói. Cái tiêu cực không phải là sự một đảng 2 phái mà là sự tha hóa trong Đảng đã biến 2 guồng máy thành những cỗ máy tạo quyền hành chức vị để làm tiền, sách nhiễu người dân, gây tham nhũng, làm thiếu hụt ngân sách và làm kinh tế đi đến lụn bại.

Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này, những lãnh đạo bậc trung, những nhà kỹ trị, những trí thức đã phải gia nhập ĐCSVN vì vấn đề học hành, vì công ăn việc làm, phải tự vấn : Không thể cứ tiếp tục giữ cái cơ cấu một đảng 2 phái với 2 guồng máy chồng chéo nhau được. Cũng không thể phó mặc Đảng cho những chóp bu chỉ lo bán nước cho Tàu, theo mô hình đảng của Tàu cộng để có chức phận, để có miếng ăn. Phải biết nhìn xa, biết lo cho chính thân phận mình, biết lo cho tương lai con cháu sau khi du học ở các nước Tây phương về có thể làm được gì cho đất nước. Không có cách nào khác là phải hợp nhau lại, tách ĐCSVN ra làm 2, đặt một tên khác, theo gương đảng Dân chủ-Cộng hòa Mỹ cách đây 200 năm :

Năm 1792, Thomas Jefferson và James Madison thành lập một đảng lấy tên là Dân chủ-Cộng hòa để làm hậu thuẫn chống lại phái Liên bang (les Fédéralistes) muốn tăng cường chính quyền trung ương liên bang, hạn chế sự tự chủ của các tiểu bang. Jefferson là vị tổng thống đầu tiên của đảng này được bầu năm 1801, giữ 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Sau đó là Madison rồi đến Monroe mỗi người cũng giữ 2 nhiệm kỳ. Jefferson là vị tổng thống thứ ba của Hoa kỳ và được coi là một nhà lập quốc đứng hàng thứ hai sau Washington.

Đảng Dân chủ-Cộng hòa là đảng độc nhất cầm quyền trong một thời gian tương đối khá lâu dài, từ nhiệm kỳ của Jackson năm 1801 cho tới sau nhiệm kỳ của John Quincy Adams năm 1829.

Ngay từ khởi đầu trong đảng Dân chủ-Cộng hòa Mỹ đã có 2 xu hướng: Xu hướng thứ nhất muốn thống nhất quyền hành trong tay chính quyền liên bang, bênh vực lợi quyền những doanh thương miền Bắc, đa số là người da trắng theo đạo Tin Lành. Xu hướng thứ hai đại diện cho những tầng lớp nhân dân miền Nam và miền Tây gồm những cộng đồng thiểu số, sắc tộc cũng như tôn giáo, và những thành phần trí thức , văn nghệ sĩ. Năm 1824 xẩy ra sự tranh giành giữa 2 ứng cử viên tổng thống, Andrew Jackson, đại diện xu hướng miền Nam và John Quincy Adams, đại diện xu hướng doanh thương miền Bắc. Cả 2 đều không đạt được đa số tuyệt đối, nhưng Adams lại được Quốc hội bỏ phiếu chọn. Phe theo Jackson tự li khai ra khỏi đảng , thành lập một đảng mới mang tên là đảng Dân chủ. Phe Adams cũng thành lập một đảng khác lấy tên là đảng Whip. Andrew Jackson, người đầu tiên của đảng Dân chủ được bầu 2 nhiệm kỳ liền. Năm 1854 đảng Whip đổi tên là đảng Cộng hòa với danh nghĩa tranh đấu chống sự một tiểu bang miền Bắc muốn hợp pháp hóa chế độ nô lệ.

Có thể nói, nhờ sự đảng Dân chủ-Cộng hòa Mỹ tự tách ra làm 2 đảng mà Hoa Kỳ đã trở thành nước dân chủ đầu tiên trên thế giới với chế độ lường đảng thay phiên nhau cầm quyền tùy theo sự lựa chọn của người dân qua phổ thông đầu phiếu.

Kết Luận

Có người nói, dù có đấu đá nhau, thậm chí có chém giết nhau vì tranh giành nhau lợi quyền, nhưng đầu óc những bè phái trong Đảng đều hệt như nhau thì dẫu có chia làm 2 cũng chả có gì thay đổi và dân lại càng khổ hơn vì trước chỉ có một đảng ức hiếp mình nay lại có 2 đảng.

Tôi thì nghĩ ngược lại:

1- Một khi đã tự phân ra làm 2 đảng thì công an và quân đội bắt buộc phải đứng trung lập, chỉ tuân theo lệnh chính quyền nào được dân bầu thôi.

2- Khi đã thành 2 đảng thì 4 triệu đảng viên ĐCSVN hiện nay có quyền lựa chọn đảng mới tách ra, hay vẫn theo đảng cũ, tùy bản lãnh và sức lôi kéo của lãnh tụ mỗi đảng và nhất là chính sách đối ngoại của mỗi đảng, thiên về Tàu hay về Tây phương hơn thì lôi kéo được nhiều đảng viên hơn và được nhiều phiếu của dân hơn.

3- Khi có 2 đảng thì tất nhiên không còn 2 hệ thống song song nhau trong mỗi đảng, người nào được dân bầu thì người đó cầm quyền, trong lập pháp cũng như trong hành pháp. Khi không còn 2 hệ thống bí thư và chủ tịch UBND chồng chéo lên nhau thì ngân quỹ đã bớt đi được một nửa tiền nuôi báo cô, bí thư lãnh đạo.

4- Số người cầm quyền cũng bớt đi một nửa vì khi được tách ra làm 2 đảng thì chỉ có đảng nào có người thắng cử thì người đó lên cầm quyền thôi. Đảng thất cử trở thành đảng đối lập và nguyên tắc “check and balances” (kiểm soát và đối trọng) trong tam quyền phân lập của Mỹ, dầu muốn dầu không cũng được áp dụng một phần nào giữa 2 đảng để kiểm soát lẫn nhau, cân bằng nhau.

5- Khi có 2 đảng thì tất nhiên là có tự do báo chí dù trong số những tờ báo có tờ thiên về đảng này hay đảng kia, nhưng không thể trở thành cơ quan tuyên truyền cho một đảng vì sẽ chả ma nào mua báo. Tham nhũng cũng không nẩy nở được vì sẽ bị báo chí phanh phui ra.

Nhưng muốn ĐCSVN tách ra làm 2, phải có một người như Andrew Jackson, người thành lập đảng Dân chủ Mỹ. Việt Nam những loại như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thì nhiều nhưng kiếm ra được một Andrew Jackson thì khó lắm.

Phong Uyên





No comments:

Post a Comment

View My Stats