Friday, 20 January 2017

DÂN LITTLE SAIGON NHẬN XÉT VỀ 8 NĂM CỦA OBAMA (Đằng-Giao & Hà Tường Cát/Người Việt)




Đằng-Giao & Hà Tường Cát/Người Việt
January 19, 2017

WESTMINSTER, California (NV) – Hôm nay, Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng, Hoa Kỳ có một tân tổng thống, ông Donald Trump, và có thêm một cựu tổng thống, ông Barack Obama.
Ông Obama bắt đầu làm tổng thống ngày 20 Tháng Giêng, 2009, sau đó ông tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ, và hôm nay là ngày ông mãn nhiệm.

Để biết một tổng thống thành công hay thất bại là điều không phải dễ. Có lẽ, vấn đề này để cho các sử gia quyết định.

Tuy nhiên, người Việt Nam ở Little Saigon nhận xét ra sao về tám năm dưới thời ông Obama làm tổng thống, cũng nói lên được phần nào.

Có người khen ông làm được chuyện lịch sử, đó là giúp hàng triệu người có bảo hiểm y tế, qua Đạo Luật “Affordable Care Act,” thường gọi là Obamacare.
“Tôi rất cảm ơn ông Obama. Nhờ ông tôi có Obamacare. Trước đây, tôi phải trả mấy trăm đô la tiền bảo hiểm mỗi tháng. Có Obamacare, tôi chỉ trả có mấy chục thôi,” ông Nguyễn Tâm, cư dân Westminster, nói.

Ông Hoàng Hùng, cư dân Westminster, nói: “Ông Obama là người tốt. Không có chương trình bảo hiểm sức khỏe của ông thì tôi rất mệt. Tôi vừa bị mổ đầu, nhờ chương trình của ông mà tôi hết bệnh mà không mang công, mắc nợ.”

Ông Đặng Văn, cư dân Westminster, cho rằng, kinh tế Mỹ khởi sắc trong tám năm ông Obama cầm quyyền.
Ông nói: “Tổng Thống Obama là người có tài. Ông đưa nước Mỹ thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế năm 2007. Lúc ông vừa nhậm chức, chỉ số Dow Jones chỉ có 6,000 điểm. Hôm nay, số điểm này lên tới gần 20,000. Đã vậy, ông còn được giải Nobel Hòa Bình năm 2009.”

Thế nhưng, bà Ngô Lan Chi, cư dân Westminster, lại cho rằng, chính vì giải thưởng này làm ông Obama làm cho nước không mạnh nữa.
Bà nói: “Tôi nghĩ ông Obama làm sức mạnh quân sự Mỹ suy giảm trên thế giới. Chính vì nhận giải Nobel Hòa Bình này mà ông như bị trói tay, không dám làm gì, để quân đội Nga thao túng, tung hoành ở Ukraine.”

Cô Vi Vi Ngô, sống ở Westminster, cho rằng, tình hình căng thẳng chủng tộc gia tăng trong thời gian ông Obama làm tổng thống.
Cô nói: “Trong thời ông Obama làm tổng thống, căng thẳng giữa dân da trắng và da đen lên cao. Sau vụ một người da đen bị chết vì cảnh sát bắn mười mấy viên đạn, bốn cảnh sát da trắng, trong đó có hai ở NewYork, bị dân da đen bắn chết. Tôi nghĩ chỉ trong thời Obama mới có chuyện này trong mấy mươi năm gần đây.”

Một người khác cho rằng, ông Obama “yếu” trước Trung Quốc.
“Tôi chê ông Obama đã để cho Trung Quốc chiếm dần biển Đông. Mình bị mất Trường Sa cũng vì thế lực Hoa Kỳ sút kém,” ông Tự Chế, cư dân Garden Grove, chia sẻ.

Ông nói thêm: “Vẫn biết đảng Dân Chủ lúc nào cũng yếu về quân sự, nhưng chính quyền Obama lại để cho bọn tin tặc Nga xâm nhập vào hệ thống Internet để gây thiệt hại cho bà Clinton vì Nga ủng hộ ông Trump. Như vậy từ nay trở đi, ai muốn đắc cử tổng thống Mỹ thì cứ tâng bốc Nga hay sao?”

Dù sao đi nữa, với thành tích lãnh đạo gồm cả thành công và không thành công trong những chương trình đề ra, giữa hoàn cảnh phức tạp của chính trị nước Mỹ, và tình hình bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới, ông Obama cũng để lại một số di sản.

Obamacare
Di sản được xem như quan trọng nhất của Tổng Thống Obama là cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe cho dân chúng. Đây là ước nguyện mà đảng Dân Chủ qua nhiều thập niên chưa bao giờ đạt tới, mặc dù không thể nào là hoàn hảo và còn cần nhiều sự điều chỉnh căn cứ theo thực tế áp dụng sau này. Nhưng thành tích của Obamacare là, cho đến nay, đã có 20 triệu người ghi danh gia nhập và tỷ lệ dân chúng không có bảo hiểm y tế giảm từ 16% năm 2011 xuống 9% năm 2016.

Ngay từ đầu, sau khi Tổng Thống Obama ký ban hành thành luật ngày 23 Tháng Ba, 2010, những người Cộng Hòa đã công kích dữ dội. Họ gọi là “đạo luật nguy hiểm nhất từng được thông qua,” “có tác động phá hoại tới các quyền tự do con người và cá nhân giống như đạo luật xử lý nô lệ bỏ trốn,” và là một thứ giết chết phụ nữ, trẻ em và người già.

Đảng Công Hòa viện dẫn rất nhiều lý do khác để tiến hành hơn 60 cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện hầu hủy bỏ đạo luật, nhưng không thành công. Trong lịch sử hãy còn ngắn ngủi của đạo luật, Tối Cao Pháp Viện nhận được kháng kiện, và buộc phải đưa ra xét xử bốn lần, và cuối cùng Obamacare vẫn y nguyên.

Sự thù ghét của đảng Cộng hòa đối với Obamacare tồn tại vì các lý do tư tưởng, kinh tế và lịch sử. Bắt đầu là với lý do tư tưởng. Giới bảo thủ, xem việc thúc đẩy chính sách bảo hiểm toàn dân như là bằng chứng về sự can thiệp của chính phủ vào mối quan hệ riêng tư giữa bác sĩ và bệnh nhân. Nguyên tắc cơ bản phía sau Obamacare – rằng những người Mỹ có đủ khả năng mua bảo hiểm trực tiếp từ nhà cung cấp phải trả phí cao hơn để giúp chi trả cho các khoản trợ cấp dành cho những người mua bảo hiểm từ các thị trường do chính phủ quản lý – là loại chính sách kinh tế mang tính tái phân phối thu nhập, một hình thức “xã hội chủ nghĩa,” bị một đảng theo quan niệm chính phủ nên nhỏ và ít can thiệp ghét bỏ.

Ông Donald Trump, trong thời gian tranh cử, đã nhiều lần hứa hẹn sẽ hủy bỏ Obamacare. Quốc hội mới do đảng Cộng Hòa nắm đa số đã coi việc hủy bỏ Obamacare là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, ông Trump cũng như đảng Cộng Hòa không dễ dàng thực hiện mong muốn của họ vì phải đối đầu với nhiều trở ngại trước thực tế làm thế nào giải quyết số phận 20 triệu người đã ghi danh vào chương trình bảo hiểm Obamacare. Họ cũng khó có thể đồng ý về một kế hoạch thay thế, do đó có lẽ Obamacare sẽ còn tồn tại trong nhiều năm nữa, và chưa biết cái gì mới sẽ hoàn hảo hay tốt đẹp hơn không.

Môi trường
Hơn bất cứ tổng thống nào từ trước đến nay, ông Barack Obama đem đến những nỗ lực lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống khí hậu địa cầu thay đổi. Chính quyền ông đóng góp thành công cho Hiệp Định Paris của Liên Hiệp Quốc, được 185 quốc gia ký kết. Ông Obama cũng là tổng thống giữ được hơn 200 triệu mẫu đất làm các khu vực bảo tồn thiên nhiên, nhiều hơn bất cứ tổng thống nào khác. Chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái sinh đã có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động công kỹ nghệ và ngành giao thông vận tải.

Mặc dù trong thời đại của ông, nước Mỹ đã khai thác và sản xuất dầu khí tới mức kỷ lục, nhưng lại không khuyến khích sử dụng năng lượng từ hầm mỏ, nhất là ở thời gian hai năm gần đây, khi sản lượng dầu lửa trên thế giới dư thừa và giá xuống thấp.

Tuy vậy, Tổng Thống Obama và đảng Dân Chủ đã bỏ lỡ cơ hội đưa ra một đạo luật về năng lượng, thay thế những quy định không có giá trị lâu dài. Ngược lại, đảng Cộng Hòa và tổng thống tân cử Donald Trump, với chủ trương bênh vực kỹ nghệ Mỹ, vẫn coi trọng vai trò của năng lượng cổ điển, hứa hẹn sẽ đảo ngược đường lối phát triển năng lượng sạch và những quan tâm về khí hậu biến đổi.

Kinh tế
Khi ông Barack Obama vào Tòa Bạch Ốc, kinh tế Mỹ đang rơi tự do, tỷ lệ thất nghiệp gần 10%, ngành địa ốc khủng hoảng trầm trọng và nền tài chính bên bờ vực sụp đổ. Đến nay, nền kinh tế đã tốt đẹp và phát triển ở mức ổn định, mức thất nghiệp dưới 5%. Chính quyền Obama đã cứu đại công ty sản xuất xe hơi General Motors thoát khỏi phá sản, vào thời điểm có thể làm công kỹ nghệ Mỹ suy sụp. Ngành địa ốc đã hoạt động bình thường trở lại, và nói chung, nước Mỹ không trải qua một cuộc khủng hoảng kéo dài như nhiều quốc gia kỹ nghệ phát triển ở Châu Âu và Châu Á.

Ông Obama đã phải qua nhiều giai đoạn đối phó gay go với đảng Cộng Hòa về chính sách thuế và ngân sách quốc gia. Những việc này phần nào làm giảm khả năng đương đầu giải quyết các vấn đề quan trọng khác trong lãnh vực đối nội cũng như đối ngoại. Thu nhập bình quân của các gia đình dân Mỹ vẫn còn thấp, giống như trước nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Obama, và chưa được cải thiện đáng kể.

Đảng Cộng Hòa và Tổng Thống Tân Cử Donald Trump hứa hẹn một chính sách kinh tế mới, cải cách thuế cùng nhiều chính sách khác. Chưa thể biết kết quả và ảnh hưởng của đường lối này trong những năm sắp đến.

Quan hệ quốc tế
Tổng Thống Obama đã hoàn thành lời hứa khi tranh cử là chấm dứt chiến tranh Iraq và giảm mức độ hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan, trong khi tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Có thể coi ông Obama xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình mà ông nhận được, trước khi hoàn thành hai nhiệm vụ ấy. Trong tám năm ông cầm quyền, nước Mỹ không vướng mắc vào một cuộc chiến tranh lớn nào ở hải ngoại cũng như không có nguy cơ xảy ra xung đột với các nước lớn như Trung Quốc và Nga.

Hai thành tích được chú ý nhất của chính quyền Obama là tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và bình thường hóa quan hệ với Cuba sau nửa thề kỷ đoạn giao và cấm vận không đem lại kết quả gì rõ rệt. Thỏa hiệp về nguyên tử với Iran là một kết quả đáng kể sau nhiều năm nước Mỹ đã nỗ lực tìm kiếm. Tuy vậy, những người Cộng Hòa đối lập mạnh mẽ chỉ trích thỏa hiệp này, và nó có thể bị hủy bỏ trong thời tổng thống kế nhiệm.

Ông Obama là một trong những tổng thống Mỹ đã công du đến nhiều quốc gia trên thế giới, thăm viếng chính thức hay tham dự hội nghị quốc tế. Thái độ thân thiện và tác phong bình dị của ông đã thu hút được cảm tình của chính quyền và dân chúng nhiều nước, tạo điều kiện tốt trong những vấn đề thương lượng ngoại giao. Chuyền thăm Việt Nam của ông Tháng Năm, 2016 đã lưu lại ấn tượng tốt đẹp lâu dài về một nhà lãnh đạo nước Mỹ trong lòng dân chúng quốc gia này.

Nhưng do hoàn cảnh phức tạp của thế giới, chính quyền Obama đã phải can thiệp vào rất nhiều các cuộc khủng hoảng khu vực từ Trung Đông tới Á Châu, Âu Châu, và Phi Châu, nhiều hơn các vị tổng thống tiền nhiệm.

Trách nhiệm về tình thế bất ổn trên toàn cầu không thể quy lỗi cho Tổng Thống Obama. Tuy nhiên, đường lối đối ngoại của ông là một đề tài bị chỉ trích và phê phán nhiều hơn hết. Những người bảo thủ cho rằng Tổng Thống Obama yếu kém khi đã quá nhân nhượng không có đối sách và phản ứng cần thiết trong nhiều trường hợp.

Với những cá tính mà người ta nhận thấy ở ông Donald Trump, chính sách bang giao quốc tế của chính quyền mới chắc chắn sẽ khác biệt hẳn và có thể chờ đợi nhiều thay đổi cũng như các sự kiện bất ngờ.

Xã hội và di dân
Từ căn bản gốc gác của mình Tổng Thống Obama là người mạnh mẽ chủ trương bênh vực di dân. Tuy vậy, ông đã không thi hành được kế hoạch cải tổ toàn diện một đạo luật di trú, và di sản lưu lại ở lãnh vực này được coi là gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Việc trục xuất di dân bất hợp pháp được thi hành chặt chẽ nhất dưới thời chính quyền Obama, từ 2009 đến 2015, hơn 2.5 triệu di dân – phần lớn là tội phạm hình sự và người mới nhập cảnh trái phép – đã bị trục xuất khỏi nước Mỹ.

Không đạt được một đạo luật cải tổ đầy đủ như đã dự tính, Tổng Thống Obama vào năm cuối của nhiệm kỳ đã sử dụng sắc lệnh hành pháp để ban hành mốt số quy định về di dân mà có lẽ người kế nhiệm ông sẽ bãi bỏ giá trị của những sắc lệnh ấy.

Một điểm đặc biệt đáng chú ý dưới thời ông Obama là sự xác định giá trị, bênh vực quyền của giới đồng tính, lưỡng tính, và đổi tính (LGBT), đã có bước tiến mạnh mẽ và được Tối Cao Pháp Viện công nhận.

Tổng Thống Obama cũng là người mạnh mẽ bênh vực những giá trị của nước Mỹ về dân chủ và tự do, tôn trọng nhân quyền. Nhưng do những giới hạn của thực tế, ông không thực hiện được nhiều điều trong lý tưởng ấy. Ông đã không thể đóng cửa trại tù binh Guantanamo, không thể có áp lực cụ thể gì để ảnh hưởng đến những đồng minh cũng như đối tác, bao gồm Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Hàn, và nhiều quốc gia khác.

Cuối cùng và trên hết, sự kiện ông Barack Obama là người da màu đầu tiên đắc cử tổng thống qua lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ, đã là nguồn gốc của những bất mãn tiềm ẩn, nhưng không thể biểu lộ của thành phần bảo thủ cố cựu trong cộng đồng dân da trắng. Hệ quả của phản ứng ấy là những chống đối triền miên từ phía đảng Cộng Hòa trong suốt tám năm, và tiếp đó tới quyết tâm xóa bỏ bằng mọi di sản mà ông này muốn lưu lại.

Có lẽ hơn, mọi mục tiêu gì khác, nạn nhân hiển nhiên nhất ở đây chính là bà Hillary Clinton.

-----------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats