Wednesday 18 January 2017

CÓ THỂ CỨU VÃN CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TOÀN CẦU HAY KHÔNG ? (Alexander Friedman - Project Syndicate)




Alexander Friedman  -  Project Syndicate
Biên dịch: Lâm Minh Đạt | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 18/01/2017 by The Observer

Lo lắng về các vấn đề kinh tế trong tình hình chính trị hiện nay đã khiến cho các cử tri của Vương quốc Anh và Hoa Kỳ rơi vào tay của những người theo chủ nghĩa dân tuý. Phải chi, như người ta vẫn thường nói, nền kinh tế có thể trở lại với một tốc độ tăng trưởng GDP và năng suất “bình thường”, cuộc sống sẽ cải thiện cho nhiều người hơn, sự chống đối chính phủ sẽ suy yếu dần, và chính trị cũng sẽ trở lại “bình thường”. Lúc đó, chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa, và dân chủ có thể tiếp tục tiến về phía trước.

Nhưng những suy nghĩ như vậy được ngoại suy từ một khoảng thời gian nhìn chung khác thường trong lịch sử. Quãng thời gian đó đã qua, và các thế lực duy trì thời kỳ đó khó có thể tập hợp lại được trong tương lai gần. Sự đổi mới công nghệ và nhân khẩu học là một cơn gió ngược, không phải là cơn gió xuôi giúp  thúc đẩy tăng trưởng, và những thủ thuật tài chính vẫn không thể cứu được tình trạng này.

Giai đoạn khác thường trong lịch sử là quãng thời gian khoảng hơn trăm năm từ sau cuộc Nội chiến Mỹ, khi mà những đột phá trong năng lượng, điện khí hoá, viễn thông và giao thông vận tải về cơ bản đã tái định hình xã hội. Cuộc sống con người trở nên hiệu quả hơn, và tuổi thọ trung bình đã tăng lên đáng kể. Dân số thế giới đã tăng hơn 50% trong giai đoạn 1800 – 1900, và sau đó tăng hơn gấp đôi trong vòng 50 năm tiếp theo, cùng với các nền kinh tế phát triển nhanh hơn rất nhiều so với những thế kỷ trước.

Đến cuối những năm 1970, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển ở phương Tây bắt đầu chậm lại, và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan đã mở ra một chu kỳ nợ làm tăng mạnh hoạt động kinh tế. Mỹ, cho tới khi đó vẫn là chủ nợ của thế giới, đã trở thành con nợ, trong khi Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác hưởng lợi từ sự gia tăng thâm hụt thương mại của nước Mĩ. Đòn bẩy tài chính đã thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm gần 30 năm nữa.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 mang lại một kết thúc đột ngột đối với thời đại của những thủ thuật tài chính. Nhưng các nhà hoạch định chính sách không thích tăng trưởng chậm lại, và các ngân hàng trung ương đã trưng dụng cạn kiệt các công cụ của họ trong một nỗ lực để kích thích hoạt động kinh tế mặc dù nhu cầu không cao. Với việc lợi tức của các tài sản thu nhập cố định truyền thống ngày càng thấp, các nhà đầu tư đã đâm đầu vào các tài sản rủi ro dưới nhiều hình thức khác nhau làm đẩy giá lên; những người giàu trở nên giàu hơn và tầng lớp trung lưu đã bị bỏ lại phía sau. Sự trì trệ của tăng trưởng kinh tế đã làm bùng phát sự giận dữ và chủ nghĩa dân túy dẫn đến hậu quả là Brexit và Trump đắc cử tổng thống.

Bất chấp tất cả những gì mà các ngân hàng trung ương đã thực hiện để vực dậy tăng trưởng kinh tế, yếu tố nhân khẩu học và các cải tiến công nghệ đã chống lại chính họ. Vấn đề dân số lão hóa ở các nền kinh tế tiên tiến đang gây nên gánh nặng ngày càng lớn đối với mạng lưới an sinh xã hội. Và Trung Quốc cũng đang già đi. Sự gia tăng dân số mạnh nhất hiện nay (và trong tương lai) là ở châu Phi, nơi mà tăng dân số không thúc đẩy năng suất toàn cầu như các nơi khác.

Hơn nữa, làn sóng đổi mới công nghệ hiện nay không phải là cứu cánh cho tất cả mọi người. Ngay cả những thứ như Uber và Amazon, hay cơ bản hơn như người máy, giúp mọi thứ trở nên tiện lợi hơn nhưng chúng lại loại bỏ các công việc lao động chân tay và/hoặc làm giảm tiền lương.

Đây là điển hình của quá trình “phá hủy sáng tạo” mà Joseph Schumpeter đã mô tả như là “nàng hầu” của tăng trưởng trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Làn sóng đầu tiên của sáng tạo đột phá chủ yếu mang lại lợi ích cho một số ít các doanh nhân. Rồi đến một làn sóng gây biến động việc làm, khi công nghệ được điều chỉnh để phù hợp với các ngành công nghiệp hiện hữu. Ba thập niên trước, chính Wal-Mart đã sử dụng hệ thống máy tính và dịch vụ hậu cần để càn quét các cửa hàng nhỏ; nhưng ngày hôm nay, họ đang phải gồng mình chống lại Amazon.

Làn sóng thứ ba là sự phổ biến rộng rãi của đổi mới theo những cách làm tăng năng suất nói chung và mức sống. Điều này tốn thời gian hơn nhiều. Hoặc, như Robert Solow, người đã đoạt giải Nobel kinh tế học, nhận xét vào năm 1987, “Bạn có thể nhìn thấy thời đại máy tính ở khắp mọi nơi trừ trong các thống kê về năng suất.”

Robert Gordon từ Đại học Northwestern đã lập luận rằng các tác động kinh tế lên các cải tiến công nghệ hiện nay không có tác động tốt bằng những cải tiến về ống nước hoặc điện trước đây. Có lẽ chúng ta đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ kiểu Schumpeter về cải tiến (làm giàu cho một số ít) và hủy diệt (tạo ra sự lo lắng trong các lĩnh vực đang bị đe doạ). Rốt cuộc, năng suất trung bình và thu nhập thực tế có thể sẽ được hưởng lợi khi các đột phá về công nghệ tạo nên những dạng tăng trưởng kinh tế mới.

Vấn đề ở đây là có thể mất một thập niên hoặc lâu hơn trước khi công nghệ robot và những thứ tương tự có thể giúp tăng năng suất nói chung. Và dù Schumpeter hay Gordon đúng thì cũng không liên quan đến việc các chính trị gia phải đối mặt với sự giận dữ từ các cử tri do các tiêu chuẩn sống đã đi xuống. Hôm nay, những cử tri chán ngấy đang chống đối toàn cầu hóa; ngày mai, họ có thể trở thành những người chống đối việc tự động hoá, thay thế nhân công bằng máy móc.

Câu hỏi được đặt ra là liệu sự thay đổi trọng tâm từ chính sách tiền tệ phi chính thống sang quản lý cầu theo lí thuyết của Keynes có thể cứu được tình hình hiện nay hay không. Nhìn chung người ta nhìn nhận rằng các chính sách tiền tệ đã hết tác dụng ở Mỹ và Châu Âu, và kích thích và mở rộng tài khóa – ví dụ như thông qua cắt giảm thuế và đầu tư cơ sở hạ tầng – phải được sử dụng để thay thế. Nhưng việc này đòi hỏi các hệ thống chính trị ổn định để có thể duy trì một chiến lược tài khóa dài hạn. Những diễn biến gần đây, đặc biệt là ở châu Âu, chỉ ra rằng những chiến lược này sẽ rất khó thực hiện.

Tại Mỹ, chiến thắng của Trump, cùng với Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế tại lưỡng viện Quốc hội, đã mở đường cho việc cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu quốc phòng. Các máy bơm tiền có vẻ như đã sẵn sàng. Nhưng việc mở rộng tài khóa sẽ nhiều khả năng gặp phải kháng lực từ chính sách tiền tệ, với việc Fed sẽ “bình thường hóa” (tức tăng) lại lãi suất.
Tuy nhiên, người ta vẫn hy vọng là tăng trưởng nhanh hơn và tiền lương cao hơn tại Mỹ sẽ chế ngự sự nổi loạn của các cử tri dân túy. Trớ trêu thay, nhiệm vụ này sẽ phụ thuộc vào việc Fed có “làm điều tốt” hay không – cụ thể là có bình thường hóa lãi suất một cách hết sức thận trọng hay không, cùng lúc cho phép thu nhập lao động trong cơ cấu GDP tăng lên, cho dù điều đó có đồng nghĩa với sự tăng vọt của lạm phát.

Nói theo cách nói của Dylan Thomas, những người tin tưởng vào thị trường (tự do) không nên âm thầm bước trong đêm tối của chủ nghĩa dân túy. Chúng ta nên chiến đấu chống lại sự lụi tàn ánh sáng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu với mọi công cụ chúng ta có thể có. Tăng trưởng chậm lại và phản ứng chính trị dữ dội của ngày hôm nay không phải là “tình trạng bình thường mới”. Thay vào đó, nó gợi nhó đến “tình trạng bình thường cũ” mà chúng ta từng trải qua trong những năm 1930. Cho dù con đường đúng đắn hướng về phía trước của nền kinh tế toàn cầu là gì thì chúng ta đều biết rằng đó không thể là con đường quay trở lại chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ của thời kỳ đó.

----------
Alexander Friedman Là Giám đốc Điều hành (CEO) của GAM. Ngoài ra, ông còn giữ chức vụ Giám đốc Đầu tư Toàn cầu của UBS, Giám đốc Tài chính của Quỹ Bill & Melinda Gates, và nghiên cứu viên tại Nhà Trắng dưới thời tổng thống Clinton.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Can global capitalism be saved?

Nguồn: 
Alexander Friedman, “Can global capitalism be saved?”, Project Syndicate, 11/11/2016.



No comments:

Post a Comment

View My Stats