Monday, 16 January 2017

CHUYẾN ĐI TRIỀU KIẾN PHƯƠNG BẮC CỦA ÔNG TRỌNG (Trung Điền)




Trung Điền
Cập nhật: 16/01/2017

Nhìn vào danh sách 15 văn kiện hợp tác giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng được ký kết vào ngày 12 tháng 1, dưới sự chứng kiến của ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng, cho thấy chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng không khác gì một cuộc triều kiến thiên triều vào đầu năm Đinh Dậu.

Núp dưới chiêu bài hợp tác để cùng phát triển, Tập Cận Bình đã thành công trong việc khuyến dụ ông Trọng và Bộ chính trị tiếp tục ngoan ngoãn đi theo quỹ đạo Bắc Kinh, sau chút khựng lại do vụ giàn khoan HD 981 xảy ra vào tháng 5, 2014.

Nếu Hội nghị Thành Đô vào năm 1990 đánh dấu thời kỳ CSVN quay đầu khấu tấu Bắc Kinh trong bối cảnh Liên Xô tan rã, chuyến triều kiến vào đầu năm 2017, đánh dấu thời kỳ cả Bắc Kinh lẫn CSVN phải cứu nhau để cùng tồn tại trước những chuyển biến của tình hình thế giới trong năm 2016 vừa qua. Đó là sự trổi dậy chủ nghĩa dân tộc ở Âu Châu và khuynh hướng chống Tàu - bỏ rơi TPP của Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump.

Nói cách khác, Trung Quốc và CSVN đã qua rồi thời kỳ lợi dụng nền kinh tế của Mỹ để củng cố bộ máy ngoại thương và gia tăng phương tiện đàn áp nội địa. Nay Liên Âu và Hoa Kỳ dưới thời ông Trump tìm cách xóa bỏ những hiệp ước thương mại đa phương, quay trở về củng cố nội lực, đặc biệt là đối với nước Mỹ, Bắc Kinh và Hà Nội khó mà tiếp tục thủ lợi.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu như Mỹ hòa dịu với Trung Cộng, CSVN sẽ thủ lợi vì đu dây được cả hai bên; nhưng khi Hoa Kỳ chọn thế đối đầu với Bắc Kinh, CSVN bị đẩy vào tình huống phải chọn một trong hai, và Trung Cộng luôn được CSVN coi là chỗ dựa quan trọng, để bảo vệ nền móng độc tài.

Thế đứng của CSVN đã được biểu hiện một cách khá rõ rệt qua chuyến viếng thăm Việt Nam cuối cùng của Ngoại trưởng John Kerry. Được đánh giá là ân nhân và là cầu nối quan trọng cho CSVN tái lập mối quan hệ với Mỹ từ giữa thập niên 90 cho đến nay, nhưng trong chuyến đến thăm cuối cùng vào ngày 13 tháng 1, Ngoại Trưởng John Kerry đã không gặp được ông Trọng và cả người cùng cấp là ông Phạm Bình Minh. Cả hai lúc đó đang đi triều kiến ở Bắc Kinh.

Qua nội dung của 15 văn kiện, Hà Nội và Bắc Kinh đã tập trung hợp tác trên 4 lãnh vực:

Thứ nhất, có đến 5 hợp tác liên quan đến mặt huấn luyện, đào tạo cán bộ cấp cao, xuất bản tài liệu, dân vận và thực hiện những loại phim tuyên truyền của cả hai phía. Trung Quốc có 1,4 tỷ dân trong khi Việt Nam chỉ non 100 triệu dân. Hợp tác huấn luyện cán bộ có nghĩa là phía Trung Quốc sẽ huấn luyện để đi đến chỗ “đồng hóa” những cán bộ cao cấp của CSVN trở thành những tân thái thú phục vụ cho quyền lợi Trung Cộng tại Việt Nam.

Thứ hai, có 2 hợp tác liên quan đến an ninh quốc phòng, biên giới kéo dài đến năm 2025. Đây là lãnh vực chú trọng nhiều vào biên giới phía Bắc, cho thấy là Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều rất lo ngại những động loạn xảy ra ở vùng biên giới và nhất là nạn tẩu tán tài sản đi ra nước ngoài. Sự kiện Trịnh Xuân Thanh đào thoát ra nước ngoài, không đi theo con đường chính thức mà đã trốn sang Trung Quốc và từ đó mới bay sang Âu Châu là trường hợp điển hình.

Thứ ba, có 4 hợp tác liên quan đến nghiên cứu về kinh tế, ngân hàng, công nghệ và kỹ thuật quy hoạch đường sắt. Chủ yếu của hợp tác này là việc Trung Cộng tài trợ tài chánh và cho vay song phương trung và dài hạn để giúp cho CSVN giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách, không đủ tiền trả nợ đáo hạn các khoản vay ODA trước đây. Trong thực tế, qua những hợp tác này Bắc Kinh từng bước đẩy Cộng sản Việt Nam gắn chặt với cái gọi là dự án “một vành đai, một con đường” nằm dưới sự chủ đạo của Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Thứ tư, có 5 hợp tác dưới nhiều góc độ khác nhau từ du lịch, nuôi trồng thủy sản, y tế cho đến Hội Thập Đỏ. Những hợp tác này tuy mang tính chất giao lưu dân sự, nhưng trong thực tế nó từng bước đẩy các hoạt động nói trên nằm trong khuôn khổ chỉ đạo của Bắc Kinh.

Sự kiện Tập Cận Bình mời Nguyễn Phú Trọng thăm viếng Trung Quốc, trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 1, là một kế hoạch có tính toán. Đó là dùng sự lo ngại của CSVN về mối quan hệ quá mới đối với ông Trump và sự cạn kiệt ngân sách hiện nay để biến Hà Nội trở thành chư hầu mới của Bắc Kinh.

Nói tóm lại, chuyến thăm Bắc Kinh hôm 12 tháng 1 của ông Trọng là nhằm xác định với thiên triều phương Bắc về sự phục tùng vô điều kiện, để được họ Tập cứu khẩn cấp vì hết tiền và giáo dục hàng ngũ cán bộ cao cấp khả năng “hợp tác” trong khuôn khổ chỉ đạo của Bắc Kinh.

Trung Điền
16/1/2017





No comments:

Post a Comment

View My Stats