Thursday, 12 January 2017

CHUYÊN GIA VN ĐÁNH GIÁ RẤT CAO DIỄN VĂN CHIA TAY CỦA TT OBAMA (Ngọc Anh - Soha)




Ngọc Anh | 12/01/2017 07:09

Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, PGS. TS Cù Chí Lợi, chia sẻ cảm xúc với Báo điện tử Trí thức trẻ sau sự kiện tổng thống Mỹ Barack Obama đọc diễn văn chia tay tại Chicago.

H : Theo cảm nhận của nhiều người, bài diễn văn chia tay của Tổng thống Obama tại Chicago không hẳn mang màu sắc "chia tay", mà giống một lời hiệu triệu hành động hơn. Cá nhân ông cảm nhận như thế nào?

TS Cù Chí Lợi : Theo tôi, đây là bài phát biểu mang đầy đủ tính chất một cuộc chia tay của nhà lãnh đạo quốc gia, một bài phát biểu "đủ màu sắc". Đó cũng là một bài phát biểu tương đối "sòng phẳng", công bằng, theo nghĩa là Tổng thống Mỹ đã nói về tất cả những vấn đề được và chưa được.
Ông cũng thể hiện mình vừa là một lãnh đạo quốc gia, vừa là một công dân của đất nước, đồng thời là một người đàn ông của gia đình. Đó là một con người bình dị, chân thành và tâm huyết với đất nước.
Đây là một sự chân thành có tầm nhìn, làm mọi người thấy rất cuốn hút. Có thể rất lâu nữa thì người dân nước Mỹ mới có thể lại được nghe một bài phát biểu như vậy.
Tất nhiên, khi một lãnh đạo đất nước nói lời tạm biệt, điều đó có nghĩa là sẽ có những khác biệt.
Trong bài phát biểu, ông Obama hiển nhiên muốn điểm lại 8 năm cầm quyền của mình đã diễn ra như thế nào. Từ đó, ông đặt ra những vấn đề, về kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, xã hội mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Với những vấn đề đặt ra trong bài phát biểu này, ông Obama đã thể hiện là một người dũng cảm, nhìn thẳng vào các vấn đề thật sự của đất nước, những điều nước Mỹ vẫn còn cần phải phấn đấu hơn để duy trì sự phát triển, đảm bảo vị thế lãnh đạo trên toàn cầu.
Đây có thể coi là một lời tri ân của ông Obama, đầu tiên là đối với nhân dân Mỹ - những người đã ủng hộ ông.
Trên cương vị của một tổng thống thì ông cũng kêu gọi quá trình chuyển giao quyền lực, hướng tới tương lai thế nào cho thật sự "gọn gàng" và đoàn kết.
Với những lập luận thuyết phục của một người rất "vì nước Mỹ", một nhà lãnh đạo chân thành, nỗ lực và muốn làm nhiều điều cho đất nước, bài phát biểu cũng rất truyền cảm hứng và có thể tác động tới hành động của người nghe, đó là điều dễ hiểu.


H : Trong các bài phát biểu chia tay của tổng thống Mỹ trước đây, số lần từ "dân chủ" được nhắc tới khá ít, tối đa là 4 lần. Còn trong hơn 50 phút phát biểu chia tay của mình, Tổng thống Obama đã nhắc tới "dân chủ" 20 lần. Theo ông vì sao lại như vậy?

TS Cù Chí Lợi : Khi nói tới "dân chủ" (democracy), thực ra ông Obama đang nói tới hệ thống chính trị của Mỹ.
Tôi cho rằng trong bài phát biểu này, ông Obama rất khách quan khi nói về nền dân chủ Mỹ. Ông đã nói rất nhiều. Về mặt chính trị, đây là vấn đề trọng tâm. Thực tế, ông Obama đã biến "nền dân chủ" thành điểm nhấn trong bài phát biểu.
Một mặt, ông Obama khẳng định nước Mỹ đã hình thành và phát triển trên nền tảng dân chủ, nhưng có một điều quan trọng ông đã nói ra, đó là ông thừa nhận nền dân chủ Mỹ vẫn chưa hoàn thiện và đang đứng trước nhiều thách thức.
Phải nói đây là điều tôi đánh giá rất cao ở Obama, khi ông đã nhìn thẳng vào các tồn tại.
Bình thường người ta vẫn nghĩ dân chủ là một đặc trưng của hệ thống chính trị Mỹ; nền dân chủ Mỹ đã rất tốt, rất hoàn thiện, chưa nói là tốt nhất thế giới, là chuẩn mực và tiên tiến. Tuy nhiên, ông Obama đã chỉ ra hệ thống này đang có nhiều vấn đề.
Bởi vì chính bản thân ông Obama, trong 8 năm qua, đã phải nếm trải những "đắng cay" của nền dân chủ Mỹ hiện hành, nên ông cảm nhận đủ những vấn đề của nó.
Đó là vấn đề hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) đối đầu quá mức cần thiết. Tuy chính trị bao giờ cũng là đối kháng, nhưng sự đối kháng của hai đảng gần đây đã tới mức đem đến những hậu quả tiêu cực cho xã hội Mỹ, không chỉ ở các vấn đề trong nước mà còn cả quốc tế.
Ông Obama đã không trốn tránh những tồn tại của hệ thống chính trị này.
Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm là: Nước Mỹ có thể "vĩ đại trở lại" hay không phụ thuộc vào việc giải quyết được các vấn đề trong hệ thống chính trị.
Cách mà ông Obama nói về hệ thống chính trị, mổ xẻ những thử thách nền dân chủ Mỹ đang đối mặt là cách đặt vấn đề một cách rất cơ bản, của một người có tầm nhìn, có tư duy chính trị và kiến thức.
Kinh tế có thể trồi sụt, nhưng sự trục trặc của hệ thống chính trị thì cần được giải quyết.
Nếu cứ bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề chính trị thì Mỹ sẽ không tìm được giải pháp cho các vấn đề khác, dù kinh tế hay khoa học công nghệ cũng là những lĩnh vực rất quan trọng.


H : Như vậy có phải ông Obama muốn gửi lại thông điệp về "dân chủ", về giải quyết các vấn đề chính trị, sự đối đầu quá mức của 2 đảng,... cho người kế nhiệm là ông Donald Trump?

TS Cù Chí Lợi : Tôi cho rằng ông Obama muốn gửi lại thông điệp, không chỉ cho ông Trump hay hệ thống chính quyền mới, mà là toàn thể người dân Mỹ, và ở mức độ nào đó là cả cộng đồng quốc tế.
Tôi thấy một thông điệp, đó là vấn đề của hệ thống chính trị Mỹ không thể chỉ được giải quyết bởi một đảng. Tuy xã hội Mỹ có các nguyên tắc và giá trị dân chủ, nhưng phải có nền tảng là một sự hòa thuận, đồng cảm và đoàn kết.
Trong chính trị thì bao giờ cũng tồn tại sự đối kháng, nhưng sự đoàn kết là cần thiết để hệ thống chính trị hoạt động tốt hơn.


H : Có ý kiến cho rằng, qua bài phát biểu, có vẻ như ông Obama đang kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu vào cuộc bầu cử giữa kỳ tới đây (2018). Ông có đánh giá như thế nào về nhận định này?

TS Cù Chí Lợi : Ông Obama là người có tài trong việc diễn thuyết trước công chúng. Ở bài diễn văn này, ông không tách mình ra khỏi dân chúng và nói với tư cách người của quần chúng, sức thuyết phục của ông rất cao. Mọi người đều cảm nhận được chia sẻ của ông hơn là nghe thấy thông điệp một chiều.
Suy diễn rằng ông Obama đang nói tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ qua bài phát biểu chia tay này, tôi cho rằng chưa được rõ nét, nổi bật lắm. Thông điệp của ông ấy là người dân phải tham gia vào nền dân chủ, vào hệ thống chính trị này như thế nào để nó được cải thiện và hiệu quả hơn, phát huy được sức mạnh của Mỹ.
Đây là một tầm nhìn xa hơn, cho cả tương lai và xã hội Mỹ, chứ không chỉ cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.


H : Ngoài ra ông có nhận thấy các ý "gửi gắm" gì qua nhưng câu chữ mà dường như ông Obama có ý"phê phán" về cách tiếp cận vấn đề của người kế nhiệm Donald Trump (như vấn đề biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc, y tế, giáo dục,...)?

TS Cù Chí Lợi : Ông Donald Trump có thể có cách tiếp cận mọi vấn đề một cách thực dụng, muốn đạt được kết quả nhanh, muốn nước Mỹ mau chóng trở lại vị thế, bằng cách hy sinh, đánh đổi một số lợi ích khác, ví dụ bảo vệ môi trường, các vấn đề về công bằng xã hội, đồng minh,....
Ông Obama thì cân bằng hơn. Là người chuẩn mực, ông Obama muốn nước Mỹ phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế,... một cách bền vững. Nhìn về dài hạn thì cách tiếp cận của ông Obama rất bài bản. Tôi nhận thấy rằng "Phát triển cân bằng và bền vững" cũng là một thông điệp ông ấy muốn gửi lại cho chính quyền mới.
Ông Obama là người tế nhị nên không đưa ra những gì quá "gay cấn", phê phán trực diện đối với ông Trump, nhưng tôi cho rằng những lý lẽ ông đưa ra cũng không vì thế mà kém mạnh mẽ đi. Thực ra ưu tiên của ông Trump chủ yếu là kinh tế, đối ngoại, chứ không phải hệ thống chính trị.


H : Trong bài diễn văn của ông Obama, có một câu duy nhất nhắc tới Nga và Trung Quốc, chỉ để khẳng định Mỹ sẽ rất mạnh mẽ, không có đối thủ nào có thể làm lu mờ ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Ông bình luận gì về việc này?

TS Cù Chí Lợi :  Ông Obama muốn khẳng định vị thế của nước Mỹ và nhắc nhở tất cả về vị thế này. Về cơ bản thì ông Trump cũng có cùng suy nghĩ này, ông ấy muốn "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" đó thôi.
Tuy nhiên, trong cách tiếp cận, về tổng quát thì Trump đã phát biểu tranh cử là muốn "giảm bớt các căng thẳng trên thế giới", nên sẽ phải chờ xem ông ấy thực hiện thông điệp đó như thế nào, nhất là trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Trump có vẻ muốn làm hòa với Nga. Tôi thì cho rằng một mối quan hệ hữu nghị giữa Nga và Mỹ là điều tốt, nhưng có lẽ cần điều kiện cả hai bên phải "xuống thang" và bớt căng thẳng. Nếu cả hai bên làm được, điều đó tốt thôi.
Còn mối quan hệ Mỹ - Trung, dưới thời Trump, thì có thể sẽ dựa vào phản ứng của Trung Quốc là nhiều hơn. Cho đến bây giờ thì hai bên mới chủ yếu là "thăm dò" nhau. Ông Donald Trump chưa nhìn Trung Quốc như một thách thức về mặt quân sự hay chính trị, mà câu chuyện hướng vào mặt kinh tế nhiều hơn, ngoại trừ vấn đề liên quan tới Triều Tiên.
Đề cập đến Nga hay Trung Quốc, điều tổng thống Obama muốn khẳng định chính là vị thế của Mỹ.


H : Nhiều người Mỹ và cả người Việt Nam không khỏi có cảm giác tiếc nuối khi ông Obama kết thúc nhiệm kỳ. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về 2 nhiệm kỳ và vai trò thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ của ông Obama?

TS Cù Chí Lợi : Có lẽ Obama là tổng thống lên nắm quyền trong tình hình đất nước khó khăn nhất trong số những tổng thống của lịch sử hiện đại Mỹ.
Năm 2008, nước Mỹ đứng trước thách thức của chủ nghĩa khủng bố, uy tín của nước Mỹ suy giảm mạnh mẽ, khủng hoảng kinh tế,.. Trong bối cảnh đó mà chèo lái được đất nước thì đã là một thành công.
Mặc dù ai đó, thậm chí là bản thân tôi, đã kỳ vọng và chờ đợi nhiều hơn từ ông Obama, nhưng phải nói rằng trong bối cảnh gặp khó khăn về đối ngoại, đối nội, mâu thuẫn chính trị hai đảng nặng nề nhất trong nhiều thập niên gần đây,... thì những gì ông Obama đã làm được là thành quả lớn.
Đến nay, Mỹ vẫn là nước phát triển hàng đầu thế giới, kiểm soát và ổn định an ninh đất nước tốt khi thậm chí châu Âu cũng phải trải qua nhiều vụ tấn công. Trong các chính sách xã hội, mặc dù về mặt chính trị thì ông Obama bị chỉ trích rất nhiều nhưng những chính sách đó có lợi cho nhiều người dân.
Ông Obama đã phải rất can đảm và tâm huyết khi đưa ra các chương trình và chính sách như thế, trong bối cảnh hai đảng đối kháng của chính trị của Mỹ.
Sau 8 năm lãnh đạo, có thể nói ông Obama đã chèo lái thành công cả hai nhiệm kỳ, nước Mỹ đã vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Điều quan trọng nhất, ông ấy đã để lại tình cảm lớn trong lòng nhiều người dân Mỹ.
Trong quan hệ Việt – Mỹ, có thể nói chưa bao giờ quan hệ hai nước lại tốt đẹp như trong thời kỳ ông Obama làm tổng thống. Rất nhiều những thay đổi trong quan hệ song phương - về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh - đã có những thay đổi tích cực.
Ông Obama đã để lại dấu ấn lớn trong quan hệ Việt Nam – Hòa Kỳ, là một trong số không nhiều tổng thống Mỹ có chuyến thăm riêng, chính thức tới Việt Nam.
Với một lãnh đạo như vậy thì chắc hẳn nhiều người Việt Nam sẽ muốn chúc mừng ông Obama vì hai nhiệm kỳ thành công, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn mà ông ấy đã trải qua. Tất nhiên ai cũng hy vọng mối quan hệ hai nước sẽ tiếp nối hướng phát triển tốt đẹp khi Mỹ có chính quyền mới.


theo Trí Thức Trẻ




No comments:

Post a Comment

View My Stats