Thursday 19 January 2017

CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM : LẼ NÀO THẾ HỆ NAY HÓA THÂN THÀNH ÔNG TỔNG ? (Mẫn Nhi)




Mẫn Nhi

(VNTB) Một gia đình nhiều quá là 3 thế hệ. Nhưng một Việt Nam thì có bao nhiêu thế hệ.

Năm một ngàn 8 trăm 8 tư (1884) triều đình Nhà Nguyễn và Pháp Quốc ký hòa ước mang tên Patenotre - chính thức đặt Việt Nam vào vòng bảo hộ.Đó có thể là mở đầu cho câu chuyện về những thế hệ…

Chúng ta có một thế hệ văn thân - chí sĩ, là thế hệ mà những nhà nho yêu nước đã vứt bỏ cuộc sống vương giả “Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ” để đối phó với những tàu chiến bằng sắt, súng bắn đạn liên hồi, mà làm nên những trận “Súng giặc đất rền”. Là thế hệ cởi bỏ tư duy nhà nho, cắt búi, mặc đồ Tây như cụ Châu, cụ Trinh, Cụ Kháng mà làm nên một cuộc “duy tân” cho đất nước, đặng khiến cho “Lòng dân trời tỏ”.

Chúng ta có hẳn một thế hệ hận thù giặc Tây, nơi mà tiếng súng và ám sát (hay nôm na là chủ trương vũ lực cách mạng) được nhắm vào những kẻ “ông đầm, bà Tây” để gióng lên tiếng chuông “đền nợ nước, trả thù nhà”. Thế hệ này vang lên tiếng bom ám sát toàn quyền Đông Dương của Phạm Hồng Thái; gầm rống lên tiếng thét “không thành công cũng thành nhân” với cuộc cách mạng Yên Bái của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học.

Chúng ta cũng có một thế hệ học sinh-sinh viên miền Nam, những người được hưởng nền dân chủ ít ỏi của nền đệ nhất và đệ nhị VNCH. Những người dám căng khẩu hiệu và “đòi dân sinh, dân chủ”. Một thế hệ “dấn thân dân chủ”, thế hệ mà báo Tuổi Trẻ cách đây ít ngày đã miêu tả họ - những con người đã “chuẩn bị cuộc bãi khóa, từ vẽ bích chương trên giấy dày khổ lớn, vẽ băng rôn trên vải trắng để treo đến lo vũ khí tự vệ như bom xăng, gậy gộc”. Thế hệ “dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” về mặt đòi dân chủ, quyền được sống và quyền được làm người trong 1 thể chế dân chủ đầy non trẻ.

Chúng ta cũng có một thế hệ “phụng sự lý tưởng”, là những nam thanh nữ tú của các trường đại học bị quyến rủ bởi “chủ nghĩa Mác - Lê nin; lời kêu gọi của Bác”, hình thành những quân đoàn xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Đó là thế hệ “hành quân qua hàng ngàn thôn xóm cháy rụi, những cánh đồng khô héo vì chất độc”; những người “không mơ gì hơn là diệt được thật nhiều giặc Mỹ, anh không cần gì cho bản thân, kể cả tình yêu và sự nghiệp”; đó là thế hệ của “ngọn lửa căm thù”; là thế hệ với quan điểm “chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí”, thế hệ của sự “hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Anh sinh viên Nguyễn Văn Thạc; chị Y sĩ Đặng Thùy Trâm; binh đoàn sinh viên - trí thức miền Bắc năm 1968; là thế hệ trẻ miền Bắc nằm xuống với con số 10.333 phần mộ ở chỉ một nghĩa trang liệt sĩ mang tên Trường Sơn.

Chiến tranh qua, đổ nát và hoang tàn; nền kinh tế thị trường ập đến xóa bỏ những thứ chắp vá, rách rướm của thời bao cấp, nó cũng đổ xô màu áo quân phục - chiến tranh - ý thức hệ hình thành nên một “thế hệ bỏ đi”. Đó là tên thế hệ mà ông chủ ga-ra trong tiểu thuyết Hội hè miên man quát một anh thợ là “tất cả những người như ông, những người đã phục vụ trong chiến tranh. Các ông là thế hệ bỏ đi”. Vâng, 1 thế hệ bỏ đi với những ông quan quân đội đâu đâu cũng là đất - mà đất lại là vàng - cái “quân đội nhân dân” đã ăn hết 100 hecta đất để làm sân golf mà mãi giờ đây mới “tạm” trao lại cho dân 21 hecta, trong khi máy bay không còn chỗ đậu; là thế hệ vứt đi với thẻ đảng viên rẻ rúng - quan chức trở thành một nghề kiếm tiền dễ dàng nhất - dù chỉ là một anh địa chính đất ở xã; là một thế hệ vứt đi khi đâu đâu trong nhóm người trở về từ chiến tranh nay trở thành những lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước trở thành những ông vua tập thể; là thế hệ bỏ đi với những ai đã và đang mải miết “ăn mày dĩ vãng” như cách nhà văn Chu Lai sử dụng. Họ ăn - ăn và ăn đến nỗi, có người thốt lên: giá như không có cái dĩ vãng chết tiệt đấy thì đất nước không lầm than đến thế này; ăn mày đến độ - họ tử hình ngầm những Trần Phú - Nguyễn Văn Cừ - Hà Huy Tập và hàng triệu thanh niên miền Bắc thông qua tiếng rủa của người đời.

Nhưng đấy không phải là thế hệ tôi nhắc đến, bởi đó là thế hệ của quá khứ, thế hệ của sự ăn hại… Tôi đang muốn nói nhiều hơn về một thế hệ, một thế hệ trí thức và biết dấn thân.
Nhưng hiện nay, cái chúng ta đang thấy là một thế hệ trẻ chỉ mải miết gào thét khi sao Hàn đến và liếm ghế họ đi; một thế hệ trẻ nghiêu ngao vô tư những bài ca bolero buồn đến não và đắm mình trong “phận người con gái”; một thế hệ ngày đêm sẵn sàng chịu đựng để nghe những Dương Minh Tuyền chửi rủa trên mạng facebook hay cười phá lên bởi những hài tục tĩu của Phong Lê; một thế hệ click vào trang web sex để quay tay lấy động lực ngày mới, tìm kiếm các tin sao A hở vú; sao B độn mông,… một thế hệ “sáng uống café/ tối bàn nhậu”… Một thế hệ trẻ chỉ biết hưởng thụ và một thế hệ chỉ biết “du học, đi đi, đừng về”.

Công an đánh chết người - kệ mẹ nó; ông quan chức đòi hối lộ - chuyện thường thôi; lãnh đạo làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng - có gì đâu, thực phẩm bẩn chứa chất ung thư trôi nổi - ôi dào, sống nay chết mai; kẹt xe 12 giờ trưa - ai cũng thế chứ mỗi ta đâu… Chúng ta, thế hệ trẻ đồng lõa với chính những thực tại bất công trong xã hội này, vậy chúng ta có tư cách gì để phê phán ông Tổng bí thư, Giáo sư chuyên ngành Đảng - người nối tiếp tạo ra những chuyện mà chúng ta tặc lưỡi, nhún vai, bĩu môi đại khái rồi phủi đít đi làm chầu nhậu, nghe nhạc bolero cho qua ngày?

Ai trong chúng ta nhục với nỗi nhục lạc hậu; ai trong chúng ta vỗ ngực rằng chúng ta tin tưởng mình làm đúng mà nói không với tiêu cực và tham nhũng; ai trong chúng ta tin rằng mình sống sẽ không bao giờ hối tiếc với tuổi xuân; và ai; ai ai dám làm nên những thế hệ dám đòi dân sinh, dân chủ như cách mà ông bà, bố mẹ chúng ta từng làm. Hay tất cả chỉ biết “hưởng thụ và bỏ chạy”? Như cái cách mà môi trường thực phẩm - chính trị ngày càng bẩn, nhưng người Việt ta vẫn mãi chìm trong gần 4 tỷ lít bia trong năm?

Chúng ta không “phụng sự” cho ý thức hệ nào, chúng ta chỉ phụng sự cho sự bình yên và tốt đẹp cho chính chúng ta, cho con cháu chúng ta? Hãy nuôi ngọn lửa căm thù với bất công và tiêu cực trong xã hội; từ câu chuyện gian thương Việt với thực phẩm bẩn đến quan chức với quản trị nhà máy “lỗ theo kế hoạch”, nhỏ hơn là nói không với chuyện anh công an nào đó làm luật với chúng ta.

Không ai xúi giục bạn dấn thân rồi phải bị tù đầy, hay tử hình. Nhưng điều khủng khiếp là hãy đừng để tuổi trẻ trở thành những ông cụ già ngồi an phận với những sự trắng đen đổi dời, hãy bắt đầu phòng tránh sự “xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí” trong tương lai. Hãy nghĩ đến 1 ngày người thân bạn bị bức cung, nhục hình; bạn bị móc hết nhiều đồng tiền trong túi vì làm luật; và phải gánh nợ đầy vô lý bởi thói tiêu hoang của quan chức nhà nước.

Hãy trở thành một thế hệ kiến tạo - kiến tạo tương lai của bạn - gia đinh bạn - con cái bạn bằng việc đọc 19 quyền dân sự và chính trị, và từng bước thực hành.

Một lần nữa, tôi tin bạn sẽ làm được. Vì tuổi trẻ là thứ quý giá nhất của 1 đời người cho sự dấn thân và cống hiến.

M.N.




No comments:

Post a Comment

View My Stats