Wednesday 18 January 2017

BIỂN ĐÔNG TRONG TAM GIÁC VIỆT - TÀU - MỸ (tin tổng hợp)




Trương Nhân Tuấn
Nhà nghiên cứu ở Pháp
17 tháng 1 2017

Sau chuyến đi Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng vừa qua, BBC đăng bài có tựa đề: VN-TQ thỏa thuận 'kiểm soát bất đồng' Biển Đông

Bài báo cũng dẫn bình luận từ Tân Hoa Xã: "Hai bên tin rằng chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đã "đạt thành công to lớn" trong việc nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai bên, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".

Tôi thì không hề tin chuyến đi của ông Trọng "đạt thành công to lớn" như Tân Hoa Xã đã phóng đại.

Từ bao đời tổng bí thư, với biết bao nhiêu tuyên bố từ sau khi hai bên thiết lập lại bang giao 1991, hai bên luôn khẳng định những điều mà Tân Hoa Xã đã nói (là thắt chặt hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển...).

Nhưng những gì Trung Quốc hứa hẹn trên lý thuyết hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc đã làm trên thực tế.

Các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc đưa ra các năm 2011, 2013, 2015, 2016, 2017… luôn khẳng định hai bên "không tiến hành các hành động làm thêm phức tạp, hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc de dọa sử dụng vũ lực…".

Trong khi trên thực tế thì các việc như đặt giàn khoan 981 (tháng 5/2014) của Trung Quốc rõ ràng là hành vi "mở rộng tranh chấp và làm phức tạp tình hình".

Trung Quốc nhất quán trong lập trường là "không có tranh chấp ở Hoàng Sa". Nhưng vị trí giàn khoan 981 là đặt trên thềm lục địa của Việt Nam. Mặc dầu giàn khoan đặt cách đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) khoảng 20 hải lý, nhưng cái gọi là "đảo" Tri Tôn, thực tế chỉ là một thực thể địa lý nổi thường trực trên mặt nước biển, không có người sinh sống.

Mặt khác, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được khẳng định từ thời nhà Nguyễn. Nhà nước bảo hộ Pháp tái khẳng định lại hai lần, chủ quyền Hoàng Sa (và Trường Sa) thuộc Việt Nam, trước và sau Đệ nhị Thế chiến. Trung Quốc đã chiếm quần đảo này của Việt Nam bằng vũ lực vào tháng Giêng năm 1974.

Vì vậy hành vi đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc là "mở rộng tranh chấp", từ tranh chấp chủ quyền mở rộng qua tranh chấp về phân định biển (khu vực của vịnh Bắc Bộ).

Chưa hết, thái độ hung hăng của các tàu hải quân, hải cảnh… của Trung Quốc , lúc bảo vệ giàn khoan 981, đã đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam (gây tử thương cho nhiều người), cũng như tàu của các lực lượng này gây hấn đâm tàu hải cảnh của Việt Nam … gọi đúng là hành vi chiến tranh, nhẹ nhàng là gây hấn… "làm phức tạp thêm tình hình".

Sau đó Trung Quốc cho xây dựng các đảo nhân tạo và mở rộng chúng, ở các bãi đá ngầm chiếm (bằng vũ lực) của Việt Nam năm 1988. Sau đó xây sân bay với đầy đủ hạ tầng cơ sở cho không quân, hải quân, sau đó lại đặt các giàn hỏa tiễn địa không…

Hành vi của Trung Quốc cũng là "mở rộng tranh chấp". Bởi vì, như đã nói, chiếu Hiến chương LHQ, chủ quyền của Trung Quốc ở các bãi đá này không được nhìn nhận. Trong khi các thực thể này, một số là đá ngầm, không thể chiếm hữu, theo Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye. Việc chiếm hữu bằng vũ lực các bãi là vi phạm Hiến chương LHQ.
Việc xây dựng đảo và "quân sự hóa" chúng vừa làm "phức tạp thêm tình hình", lại vừa "đe dọa chiến lược" đối với các nước chung quanh. Hành vi của Trung Quốc cũng phạm Luật quốc tế, vì việc xây dựng đảo nhân tạo đã gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường biển.

Đồng thời cái gọi là "thỏa thuận kiểm soát bất đồng ở Biển Đông", theo như tựa đề bài báo thì có nhiều điều cần xét lại.

Thời ông Nông Đức Mạnh, tuyên bố chung năm 2011 đã có nội dung về kềm chế sự "bất đồng": "không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước".

Đến thời ông Nguyễn Phú Trọng, như Tuyên bố năm 2013 nói về việc "kiểm soát tốt những bất đồng trên biển". Tuyên bố 2015 nói đến việc "Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển". Tuyên bố 2017 thì nói "kiểm soát tốt bất đồng trên biển".

Từ việc "kiểm soát tốt" để đi tới việc ký kết thỏa thuận "kiểm soát bất đồng" là một bước dài. Người ta hoài nghi về sự hiện hữu của thỏa thuận này. Khoản 9 bản Tuyên bố chung 2017, nhiều thỏa thuận, kết ước hai bên đã được ký kết. Tuy nhiên không hề thấy thỏa thuận về "kiểm soát bất đồng trên biển".

Vấn đề độc lập quốc gia

Tháng Mười 2016 ông Đinh Thế Huynh (nghe đồn đoán là sẽ thay thế ông Trọng), có chuyến đi thăm Trung Quốc. Nhân dịp này Tập Cận Bình có nói với ông Huynh rằng : "Hai nước là một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai".

Vấn đề là, ý nghĩa của câu "một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai" chỉ dành cho nhân dân trong một nước. Chỉ có người dân trong một nước mới chia sẻ một tương lai chung.

Tuyên bố năm 2017 lặp lại ý kiến này : "Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời,... có chế độ chính trị tương đồng, ... có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung…. "

Ta không thấy ý kiến tương tự ở thời TBT Nông Đức Mạnh, hay các TBT tiền nhiệm.

Ý kiến này, nếu theo dõi nội dung các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, ta thấy là của Tập Cận Bình, biểu lộ lúc ông này sang thăm Việt Nam năm 2015.

Sau chuyến đi của ông Trọng, ý kiến của họ Tập trở thành "tuyên bố chung của hai nước".

Theo tôi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phạm những lỗi lầm vô cùng trọng đại, vì đã làm thương tổn nền độc lập của một quốc gia có chủ quyền.

Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ mong muốn "chia sẻ vận mệnh chung" với nhân dân Trung Quốc hết cả. Chưa bao giờ "tiền đồ" đất nước Việt Nam lại có mối "tương quan" với Trung Quốc hết cả.

Tiền đồ là gì ? Nghĩa tiếng Hán là "con đường phía trước, tương lai tốt đẹp phía trước".

Khi "chia sẻ vận mệnh chung", có "chung một tương lai", thì Việt Nam đã không còn "độc lập và tự chủ" trong những quyết định của mình (về tương lai) nữa.

Việc này đã phá vỡ "nguyên tắc độc lập tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau", đã được khẳng định theo Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc về hợp tác toàn diện 2000.

Nó cũng đi ngược tinh thần Hiến chương LHQ "bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia". Đồng thời đi ngược lại nội dung Tuyên bố "5 điểm chung sống hòa bình" của Trung Quốc.

Tillerson - cứu tinh của Việt Nam?

Vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tương lai, Rex Tillerson, ngày 11/1 nhân buổi điều trần tại Thượng viện, đã có những tuyên bố liên quan đến Biển Đông.

Trong chừng mực, nếu ý kiến của ông này được thực hiện, hầu hết các vấn đề ở Biển Đông sẽ tự động hóa giải.

Theo ông Tillerson, hành vi Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông tương đương với hành vi Nga chiếm Crimea. Ông này khuyến cáo Washington rằng phải gởi một tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh : 1/ Trung Quốc ngưng ngay các việc xây dựng đảo. 2/ Trung Quốc không được tiếp cận các đảo này nữa.

Câu hỏi đặt ra, Hoa Kỳ có thẩm quyền để phát biểu (như vậy) cũng như có khả năng làm việc này hay không ?

Theo tôi là Hoa Kỳ có thể phát biểu những lời như vậy.

Tillerson so sánh các đảo Biển Đông (mà Trung Quốc chiếm và xây thành đảo nhân tạo) với Crimea. Dĩ nhiên ai cũng biết Crimea thuộc Ukraine. Nhưng các đảo (mà Trung Quốc đã chiếm) thì không ai biết chúng thuộc chủ quyền nước nào.

Có ba giả thuyết để Tillerson củng cố cho lập trường của mình.

Thứ nhất, Trung Quốc không có chủ quyền ở các bãi đá, đơn giản vì họ xâm chiếm (của Việt Nam) năm 1988 bằng vũ lực. Ý kiến của Tillerson phù hợp tinh thần quốc tế công pháp.

Thứ hai, vịn vào yếu tố Mỹ có quyền quản lý các đảo ở Thái Bình Dương do Nhật chiếm đóng trước Thế chiến thứ hai (theo một điều ước của Hội Quốc liên trước 1945). Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Thái Bình Dương. Các đảo này bị Nhật chiếm đóng. Vì vậy Mỹ có quyền lên tiếng đòi quyền quản lý. Dựa trên lập luận này thì Mỹ có quyền "cấm" Trung Quốc léo hánh đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ ba, các đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Pháp. Vấn đề là Pháp "im lặng" về việc này từ sau khi rời Việt Nam cho đến nay. Pháp tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa, do "khám phá". Không quốc gia nào phản đối việc này. Sẽ là một sự "đảo lộn" về địa chính trị nếu bây giờ Pháp lên tiếng đòi Trường Sa và Mỹ ủng hộ yêu sách này.

Về khả năng, câu trả lời bỏ ngỏ.

Trung Quốc có dám "mất tất cả" những gì đã tạo dựng lên, từ thập niên 1980 đến nay, (có thể còn mất thêm nhiều thứ quí giá khác như vấn đề ly khai…) để khai chiến với Mỹ hay không ?

Và Mỹ có dám "chấn thương nội tạng lâu dài" để gây chiến tranh với Trung Quốc vì những hòn đảo mà Mỹ không có (hay có mà ít) lợi ích chiến lược hay không ?

Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, nhà nghiên cứu ở Pháp.


----------------------

(VienDongDaily.Com - 16/01/2017)

Nhận xét về câu tuyên bố của ông Rex W. Tillerson, ngoại trưởng được chỉ định trong tân chính phủ Donald Trump, là Hoa Kỳ nên ngăn cấm không cho người Tầu ra vào những hòn đảo họ cưỡng chiếm rồi xây dựng tại Biển Đông, giáo sư chính trị học Carlyle A. Thayer, trường University of New South Wales, Úc Châu, ví von so sánh câu nói của Tillerson với việc Tổng Thống John F. Kennedy ra lệnh phong tỏa Cuba, vì người Nga đem hỏa tiễn liên lục địa sang đặt trên lãnh thổ Cuba.

Dĩ nhiên so sánh này tạo vinh dự cho tân chính phủ Donald Trump; cũng như thái độ cương quyết đã tạo vinh dự cho Tổng Thống Kennedy năm 1962, khi ông nhất định bắt người Nga phải tháo gỡ giàn hỏa tiễn họ đặt tại Cuba.

Không khí căng thẳng đến nghẹt thở kéo dài suốt 13 ngày -từ 14 đến 28 tháng 10, 1962; căng thẳng vì từ vị trí đặt hỏa tiễn đến bờ biển Hoa Kỳ chỉ có 90 miles. Ngày 22 tháng 10, 1962, Kennedy lên truyền hình trình bày với công chúng việc Nga đặt hỏa tiễn, và việc ông ra lệnh phong toả Cuba, đòi người Nga phải tháo gỡ hỏa tiễn xuống và đem trở về Nga, nếu không, ông sẽ tấn công để tiêu diệt mầm hiểm họa này.

Tổng Thống Kennedy công bố phong tỏa lãnh hải Cuba

Bất cứ lúc nào Mỹ cũng có thể dùng hải pháo tấn công hỏa tiễn Nga, và bất cứ lúc nào dàn xạ thủ Nga cũng có thể nhấn nút khai hỏa bắn hỏa tiễn vào lãnh thổ Mỹ; hỏa tiễn lại có thể chuyên chở một đầu đạn nguyên tử.

Cuối cùng, lãnh tụ Nga Nikita Khrushchev đồng ý tháo gỡ hỏa tiễn để đánh đổi với việc Hoa Kỳ cũng tháo gỡ giàn hỏa tiễn đã đặt sẵn tại Thổ.

Điểm giống nhau giữa hai diễn biến cách nhau 55 năm này, là Hoa Kỳ sử dụng lực lượng Hải Quân phong tỏa những hải đảo bị đối phương sử dụng làm căn cứ hỏa lực; đe dọa của giàn hỏa tiễn Nga sát cận lãnh thổ Mỹ nên xúc động của quần chúng Mỹ mạnh hơn, hiện thực hơn; tuy nhiên đề nghị của “chuẩn” ngoại trưởng Tillerson cũng lập tức gây sóng gió dư luận, tạo công phẫn cho người Tầu, và khiến người Á Châu phấn khởi hy vọng.

Tờ báo Anh ngữ Global Times, cơ quan ngoại vận của Bắc Kinh, viết, “Trung Quốc đủ sức mạnh và quyết tâm để phá vỡ toan tính huênh hoang của ông ta.”

Ngăn cấm không cho người Tầu vào Biển Đông -vào những hải đảo nhân tạo mà họ đã thiết lập phi trường, quân cảng, đã bố trí hỏa tiễn phòng không, phòng duyên- dĩ nhiên không phải là chuyện dễ; nhưng lại cũng không khó đến mức vượt quá khả năng của Hải Quân Hoa Kỳ.

Để thực hiện một cuộc phong tỏa như vậy, chỉ cần một trong bảy hạm đội Hoa Kỳ -Đệ Thất Hạm Đội- hiện đang thả neo tại quân cảng Yokosuka cũng thừa khả năng đảm trách.

Hạm Đội 7 có khoảng 70 chiến hạm, 300 phi cơ chiến đấu, 40,000 thủy thủ và Thủy Quân Lục Chiến; tháng Ba 2016, Hạm Đội 7 đã gửi một lực lượng gồm chiếc hàng không mẫu hạm John C. Stennis, hai khu trục hạm Chung-Hoon và Stockdale, hai tuần dương hạm Antietam và Mobile Bay, cùng với chiếc soái hạm Blue Ridge vào Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris -tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương- trình bày với Quốc Hội Hoa Kỳ là người Tầu đang công khai quân sự hóa Biển Đông.

Điểm khác biệt quan trọng là đề nghị của “chuẩn” ngoại trưởng Tillerson đưa Hải Quân Hoa Kỳ từ thế thủ sang thế công; chiến hạm Mỹ không chạy quanh các hòn đảo Trung Cộng lấn chiếm trên Biển Đông nữa, mà sẽ bố trí hỏa lực quanh đó, rồi lập vùng “phi quân sự” không cho hải quân Trung Cộng xâm nhập nữa.

Chuẩn ngoại trưởng Tillerson đưa Hải Quân Hoa Kỳ từ thế thủ sang thế công. (Alex Wong/ Getty Images)

Giáo sư Su Hao, giảng dạy tại viện đại học Ngoại Giao Trung Quốc (China Foreign Affairs University) tại Bắc Kinh nhận định, “Trung Quốc sẽ không điều chỉnh lại chính sách ngoại giao cho phù hợp với quan điểm của tân chính phủ Mỹ; chúng ta sẽ tiếp tục hành xử theo quan điểm của chúng ta và phục vụ quyền lợi của đất nước chúng ta.”

Nói cách khác, nếu ông Tillerson được Quốc Hội tấn phong vào chức vụ ngoại trưởng, và nếu ông thực hiện quan điểm của ông “cấm Tầu vào Biển Đông” thì liệu chiến tranh Mỹ-Trung Cộng sẽ xảy ra?

Không hẳn như vậy, hoặc tối thiểu, viễn ảnh một cuộc phong tỏa quân sự trên Biển Đông cũng chưa đủ hiện thực để tạo ra những quan tâm, như người Mỹ đã quan tâm đến dàn hỏa tiễn của Nga năm 1962.

Ông Anders Corr, giám đốc tổ chức Corr Analytics -một tổ chức nghiên cứu tình hình chính trị, cơ sở đặt tại New York- cho là, “người Tầu chỉ nói cứng để dọa các chính khách và doanh nhân Mỹ, chứ họ không đủ sức mạnh quân sự để đối phó với cuộc phong tỏa ông Tillerson đề nghị.”

Corr chỉ đúng trong phần cuối của câu nói “Trung Cộng không đủ sức mạnh quân sự để đối phó với cuộc phong tỏa,” nhưng họ đang đối phó bằng cách bắt Việt Cộng hùa theo họ.

Hôm thứ Năm 12 tháng Giêng, 2017, chủ tịch đảng Việt Cộng Nguyễn Phú Trọng được gọi sang Bắc Kinh để ký thông cáo chung với chủ tịch đảng Trung Cộng Tập Cận Bình; đài VOA loan báo là Trọng ký cùng một lúc 15 văn kiện cam kết hợp tác với Trung Cộng.

Trọng được gọi sang Bắc Kinh để nhận chỉ thị

Vai trò của Trọng cũng như vai trò của Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte trong phiên họp của Liên Minh Á Châu năm ngoái: ông ta tuyên bố thẳng thừng là “ly dị” với Hoa Kỳ, không nhận viện trợ kinh tế hay quân sự của Mỹ nữa, mặc dù Mỹ mới vận động được tòa Trọng Tài Quốc Tế lên án Trung Cộng lấn chiếm lãnh hải Phi Luật Tân.

Trung Cộng đang tìm cách đối phó với chính sách “cấm Tầu vào Biển Đông” của ông Tillerson bằng chiến thuật “tạo khoảng trống chính nghĩa”: bắt cả hai nước vùng Bắc Biển Đông -Việt Nam và Phi Luật Tân- không nước nào nhờ Hoa Kỳ can thiệp cả.

Trong lúc Tillerson chưa tìm được cớ để “cấm người Tầu vào Biển Đông,” Trung Cộng sẽ thương lượng với Trump -bằng cách để yên cho Đài Loan và bà Thái Anh Văn, người đã điện đàm cầu cứu ông Trump.

Dù sao cũng phải nhìn nhận là, chưa nhậm chức nhưng Tillerson đã tỏ ra là một ngoại trưởng sắc bén, biết sử dụng uy thế của Hải Quân Hoa Kỳ. Ít nhất điều đó vẫn đáng mừng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats