Thursday 19 January 2017

2017, NĂM VÔ CÙNG BẤT ĐỊNH CỦA ASEAN (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
January 18, 2017

Tổ chức các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào Tháng Tám, 1967, do 5 nước đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.

ASEAN nhắm mục đích biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong khu vực, phát triển hòa bình, hợp tác kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên. Chương trình công tác kinh tế được xúc tiến từ sau hội nghị Bali năm 1976, nhưng phải đợi tới năm 1991 khi Thái Lan đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do thì khối mậu dịch ASEAN mới hình thành.

Việt Nam được gia nhập năm 1995 và hiện nay, ASEAN gồm 10 nước thành viên với tổng dân số khoảng hơn 600 triệu.

Sự phát sinh các tổ chức đa quốc gia là một xu hướng của thời đại toàn cầu hóa, chứng tỏ ý muốn cải tiến chính sách đối ngoại thông qua các diễn đàn liên quốc. Mặt khác, đây cũng là sự thể hiện những bất mãn đối với hệ thống tổ chức quốc tế hiện hữu.

Trong quá trình hoạt động, ASEAN đã phát triển lên tới cao điểm trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Nhưng sau đó, sự thiếu đoàn kết trong khối, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông, đã làm suy yếu vai trò của ASEAN theo ý nguyện của mục đích kết hợp. Với nhiều yếu tố và tác động từ trong và ngoài khiến các quan sát viên tin rằng 2017 sẽ là một năm vô cùng bất định cho số phận của tổ chức này.

Theo nhận định của ông Karim Rishan, một bình luận viên có uy tín của Malaysia chuyên về chính trị ASEAN, thì Trung Quốc sẽ nhảy vào khu vực này bằng vị thế của một cường quốc có trách nhiệm và nhiều tham vọng, trong khi nước Mỹ thời Donald Trump có lẽ không có quyết tâm và chủ trương vững chắc như chính quyền Barack Obama về chính sách Châu Á.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dự đoán ASEAN 5, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Phlippines và Việt Nam, sẽ có mức tăng trưởng 5.1% năm 2017 so với 4.8% năm 2016. Tuy nhiên ông Rishan cho rằng những bất ổn chính trị chưa thể dự đoán có thể làm suy giảm sự phát triển ổn định ấy. Ngoài ra giá dầu thô sẽ vẫn còn thấp và ảnh hưởng nặng nề đối với tăng trưởng kinh tế.

Một trong những yếu tố bất định của ASEAN là Tổng Thống Philippines Ricardo Duterte. Chủ trương ngả về Trung Quốc của ông, mặc dầu tuyên bố sẽ hòa hợp tốt với ông Trump hơn với Tổng Thống Obama, hãy còn là diều còn phải trông chờ chưa biết ra sao. Vả lại chính sách thương lượng đơn phương với Trung Quốc là sự làm gia tăng mất đoàn kết trong ASEAN với tính cách là một thực thể kinh tế, chính trị và an ninh.

Năm 2017 là năm Philippines giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN. Người ta thắc mắc chưa biết ông Duterte có chứng tỏ được với các đối tác quốc tế khả năng khôn khéo và tầm nhìn xa về giá trị của sự đoàn kết khu vực hay không.

Tranh chấp Biển Đông là nhân tố quyết định, vì hơn bất kỳ vấn đề gì khác kể cả kinh tế, an ninh khu vực đã là nguyên nhân cấu thành và lẽ sống của tổ chức ASEAN. Không giải quyết được chuyện này, ASEAN không giữ được tin cậy là một tổ chức khu vực có tầm vóc quốc tế, cũng như đảm bảo cho các nước thành viên về an ninh và thịnh vượng.

Thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Khối Minh Ước Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) được thành lập năm 1955 với mục đích tương tự như NATO, nhằm ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản tại Châu Á. Tới năm 1977, tổ chức này giải tán sau một thời gian đã không thi hành được biện pháp hữu hiệu gì trong nội chiến ở Lào và chiến tranh Việt Nam.

Năm 1991, Liên Xô tan rã, nhưng NATO đã tiếp tục tồn tại bằng sự duyệt xét quá trình, thành quả và tái xác định mục đích, bản chất, trách nhiệm trong thời đại mới ở Châu Âu. Tại Châu Á, sau Chiến Tranh Lạnh, mối đe dọa thay đổi bản chất nhưng tiếp tục tồn tại. Tới đầu thế kỷ này, chủ trương bành trướng của Trung Quốc là đe dọa ngày càng lớn mạnh, nhất là trên Biển Đông.

Từ năm 1961, Malaysia, Philippines, Thái Lan với sự trợ lực của Mỹ và Anh, đã thành lập Tổ Chức Đông Nam Á (ASA). Đến năm 1967, ASEAN hình thành với 5 nước đầu tiên đều là đồng minh thân cận với Mỹ. Và do đó mục tiêu về an ninh có mô hình tương tự như thời Chiến Tranh Lạnh. Chỉ cho đến giữa thập niên 1990, chú trọng tới yếu tố phát triển kinh tế, ASEAN mới kết nạp các nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cambodia, Lào và Miến Điện.

Trong những năm đầu thế kỷ mới, khi nước Mỹ giảm sức mạnh quân sự ở Châu Á vì vướng bận với cuộc chiến chống khủng bố, ASEAN trở thành tập hợp chính trị chủ yếu để đương đầu với tham vọng của Trung Quốc. Đến đầu thập niên 2010, khi chính quyền Obama chủ trương chính sách “chuyển trục về Châu Á,” thì những nước Đông Nam Á có thể trông đợi vào sự hiện diện của Mỹ để kiềm chế bớt hành động lấn chiếm của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy vậy, sự thiếu đoàn kết trong nội bộ đã khiến ASEAN không thể đạt đến một Quy Luật Ứng Xử trên Biển Đông, Cambodia và Lào không có quyền lợi trực tiếp gì ở Biển Đông, dễ dàng tách ra ngoài tranh chấp để đổi lấy những trợ giúp về kinh tế của Trung Quốc. Việt Nam và Philippines là hai quốc gia trực tiếp đối đầu Trung Quốc, nhưng gần đây Tổng Thống Duterte của Philippines thay đổi lập trường và chủ trương thương lượng song phương với Bắc Kinh.

Như tất cả mọi tổ chức liên quốc gia nào khác, mọi khó khăn xuất phát từ các thành viên. Nếu mỗi nước đặt lợi ích riêng của mình trên nghĩa vụ tập thể thì ASEAN dù vẫn tồn tại nhưng vô hiệu quả. Các nước ASEAN có quan hệ kinh tế với Trung Quốc ở chừng mực khác nhau. Năm 2013 thâm thủng mậu dịch của 10 nước ASEAN với Trung Quốc là $45 tỷ.
Năm 2014, mặc dầu tranh chấp gay gắt trên Biển Đông, 30% nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc và tiếp tục tăng. Để quân bình nhập khẩu, Việt Nam tìm cách gia tăng quan hệ với Mỹ và các nước Tây phương, nhưng không thể nào hoàn toàn hạ thấp mậu dịch với Trung Quốc.

Một nguy cơ khác của tình hình tranh chấp biển đảo là việc tất cả các nước bên bờ Biển Đông đều âm thầm phát triển lực lượng quân sự trong đó Việt Nam là nước có tỉ lệ gia tăng ngân sách lớn nhất, 113% trong vòng 10 năm từ 2004, lên tới $3.4 tỷ năm 2013. Tuy nhiên, những vũ khí mới chỉ nhằm làm phương tiện phòng thủ và mang tính tính cách răn đe, xung đột vũ trang ở quy mô đáng kể chưa có nguy cơ xảy ra trong một tương lai gần, với đường lối ngoại giao khôn khéo của tất cả các bên cho đến nay.

Nhưng do đó, có một thực trạng không giải quyết được về sự khiêu khích có chừng mực giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN thông qua chiến lược coi ngư dân như lực lượng tiền tiêu. Tất cả các nước liên hệ ở Biển Đông đều khuyến khích ngư dân tiếp tục hoạt động trên những vùng biển có tranh chấp, nhằm làm một sự xác nhận mặc nhiên chủ quyền của mình. Cho đến bây giờ, ASEAN chưa có một cơ chế chính thức nào để theo dõi kiểm kê và điều tra về những va chạm xung đột ấy. Vì vậy đã luôn luôn có những tin tức về việc tàu Trung Quốc, hầu hết là tàu đánh cá và thỉnh thoảng có sự can dự của những tàu hải giám hay hải tuần lớn, đụng độ với ngư dân ASEAN, trong đó có những trường hợp gây thiệt hại vật chất hay tổn thất nhân mạng.

Nếu chưa thể có giải pháp gì về toàn bộ tranh chấp biển đảo, giải quyết vấn đề an ninh trên biển cho công dân của mình cũng là một sứ mạng để ASEAN có lý do để tồn tại, nếu không, năm 2017 có thể là năm tổ chức liên quốc gia này tan rã.

Trong tương lai gần, chính sách mới của Hoa Kỳ và thái độ của Philippines, nước giữ vai trò chủ tịch năm nay, sẽ cho chúng ta hiểu được viễn ảnh của ASEAN.





No comments:

Post a Comment

View My Stats