Chủ nhật tuần rồi (7/8/16), khoảng 10 giờ tối,
thiếu tướng Quân đội CSVN Lê Xuân Duy đột ngột qua đời. Theo truyền thông nhà
nước VN, lý do là “lâm bệnh hiểm nghèo”.
Ba
tháng trước đó, ngày 6/5/16, tướng Duy được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh quân khu 2
có nhiệm vụ bảo vệ các tỉnh vùng Tây Bắc và nửa phía tây của miền Bắc VN, bao gồm
khu vực biên giới ba nước: VN, TQ và Lào. Đây là khu vực hết sức quan trọng
trong thời điểm hiện nay vì những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước
trong khu vực bao gồm Việt Nam. Tướng Duy đã từng tham chiến ở mặt trận Vị
Xuyên, Hà Giang. Sư đoàn 313 của tướng Duy đã đụng độ ác liệt với ít nhất hai
sư đoàn lính Trung Quốc và buộc phải rút khỏi cao điểm 1200, vào tháng 4/1984.
Điều
đáng chú ý là các tướng lĩnh đã trực tiếp tham chiến chống Trung Quốc, lần lượt
chết vì những lý do bất thường hay chuyển tới những vị trí không tương xứng:
Trung Tướng Đào Trọng Lịch (Tư lệnh QK2 1992-1997) và Trung Tướng Trần Tất
Thành (Tư lệnh QK2 1997-1998) cả hai đều thiệt mạng trong một tai nạn máy bay tại
Xiêng Khoảng, Lào, năm 1998. Những trùng hợp đó đã làm dấy lên những nghi ngờ về
sự thanh trừng, triệt hạ phe cánh, sau những đấu đá chính trị trong nội bộ Đảng
CSVN, và cũng không loại trừ có sự giật dây từ phía Bắc Kinh.
Quân đội
CSVN thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Đảng ủy Quân Khu, đứng đầu là Chính Ủy có
quyền hạn cao nhất. Nguyên tắc đó duy trì sự trung thành của quân đội với đảng,
nhưng cũng vì thế những tướng lãnh giỏi chỉ huy, giàu kinh nghiệm trận mạc, lần
lượt bị thay thế bởi những quân nhân biết đầu cơ, hiểu biết và nhiều thủ đoạn ở
hậu trường chính trị. Khi có sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo đảng, các tướng
lãnh chỉ huy trong quân đội cũng bị thay thế.
Ba năm
sau khi Hồ Chí Minh mất, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã bị thất sủng. Sau đó, từ
chức vụ Tổng Tư Lệnh QĐ, ông “được” chuyển sang làm nhiệm vụ của một Phó Thủ Tướng,
chủ tịch ủy ban dân số và sinh đẻ có kế hoạch, và đó là chức vụ cuối cùng của
ông trước khi về hưu. Gần đây hơn, sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng ra đi, Đại Tướng
Đỗ Bá Tỵ (nguyên Tư lệnh QK2 2007-2010) đang giữ chức Tổng Tham Mưu Trưởng QĐ
“được” thuyên chuyển sang làm Phó Chủ Tịch Quốc Hội, giúp việc cho bà CTQH Nguyễn
Thị Kim Ngân; và hình như để giúp cho ông Tỵ tập trung hơn vào công việc ở Quốc
hội, ngày 27/4/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bãi chức Thứ Trưởng
Bộ Quốc Phòng của ông Tỵ.
Ngược lại,
ở các nước dân chủ, các tướng lĩnh quân đội tuyệt đối không được dính líu tới
chính trị (cũng giống như các quan tòa). Nguyên tắc phi chính trị của quân đội
các nước dân chủ bảo đảm việc các tướng lãnh tài ba về quân sự và giàu kinh
nghiệm chiến trường luôn có cơ hội phát triển và được trọng dụng.
Ngày
14/6/16, một máy bay quân sự SU-30 MK2 biến mất khỏi màn hình radar trên vùng
biển Diễn Châu, cách đất liền 26 hải lý sau khi xuất phát từ sân bay Thọ Xuân,
Thanh Hóa. Sau đó, khoảng 1 giờ chiều ngày 16/6/16, chiếc máy bay tuần thám
CASA 8983 bị phá hủy trong khu vực gần đảo Bạch Long Vĩ thuộc vịnh Bắc Bộ, sau
khi xuất phát từ sân bay Gia Lâm, Hà nội, mang theo sinh mạng của 9 người bao gồm
3 người thuộc phi hành đoàn có nhiệm vụ đi tìm chiếc máy bay quân sự bị mất
liên lạc trước đó. Hai vụ
rơi máy bay trong vòng hai ngày có vẻ như một phép thử về khả năng chiến đấu của
không quân VN, nhiều hơn là những tai nạn; đặc biệt là cho đến hiện nay, chính
phủ CSVN vẫn chưa công khai tiết lộ nguyên nhân thật sự của hai “tai nạn” máy
bay rất đáng ngờ này. Lãnh đạo ĐCS vẫn còn nợ họ, những quân nhân đã mất,
và thân nhân của họ một câu trả lời rõ ràng, minh bạch, và khả tín về nguyên
nhân cái chết của họ.
Lịch sử
dân tộc Việt Nam đã ghi nhận sự hy sinh của những chiến sĩ VNCH trong trận hải
chiến cô đơn năm 1974, cũng sẽ tô những vết son máu đối với những nhiều ngàn
anh hùng đã ngã xuống, mười năm sau đó trên mặt trận Vị Xuyên để giữ gìn từng cột
mốc biên giới ở vùng cực bắc của đất nước trước hỏa lực tràn ngập của quân đội
Trung Cộng. Họ, tất cả đều là chiến sĩ Việt Nam, họ có cùng một nhiệm vụ: bảo vệ
đất nước, và cùng một kẻ thù: quân xâm lược Trung Cộng. Cũng vậy, lịch sử sẽ chỉ ghi dấu những vết nhơ cho
những phí phạm xương máu mà đảng CS đã dùng để bảo đảm sự thống trị của họ như
những chủ nô trên đất nước quá đau thương này.
Tám (8)
tiếng đồng hồ, sau cái chết đột ngột của tướng Duy, “phụ trách” tư lệnh quân
khu 2, ông Nguyễn Xuân Phúc, với một đoàn xe sang trọng đen bóng sầm sập tiến
vào phố cổ Hội An. Ông Phúc không nhắc một chữ nào, cho dù chỉ là một sự chia sẻ
giả vờ, về sự ra đi đột ngột của tướng Duy, ngược lại ông thong thả chụp hình tự
sướng, và đùa vui rằng ông đang quảng cáo cho ngành du lịch ở đây. Trong cương
vị Thủ Tướng, ông không được thông báo về cái chết của Tướng Tư Lệnh quân khu
2? Trong tình cảm đồng chí, cái chết của tướng Duy không bằng chiều dày của một
tấm hình tự sướng? Ông Thủ tướng đã về quê như một quan chức cộng sản giàu
sang, tự cho mình cái quyền đổ bộ lên những con đường di sản mong manh của tổ
tiên bằng những đoàn xe bọc thép.
Trong
bài viết “Đoàn xe tang trên đường phố Hội An“, Trần Trung Đạo đã
có những câu hỏi nhức nhói và xúc động:
“Khi ngồi trên xe, Nguyễn Xuân Phúc và đám
quan quyền CS có để ý ánh mắt đầy giận dữ của người dân Hội An đứng nhìn đoàn
xe nặng nề đang lăn bánh trên con đường mỏng manh sau mấy trăm năm chịu đựng lụt
lội, nắng mưa?
“Khi ngồi trên xe, Nguyễn Xuân Phúc và đám
quan quyền CS có để ý đôi mắt ngạc nhiên và khinh bỉ của các du khách ngoại quốc
đứng bên đường nhìn lãnh đạo cao cấp của một quốc gia đang vi phạm luật lệ do
chính các lãnh đạo đó ban hành?”
Hôm nay
(12/8), vận động viên bơi lội người Mỹ Michael Phelps đã giành được chiếc huy
chương vàng thứ 22, trong số 26 huy chương Thế Vận Hội mà anh có được. Dĩ
nhiên, báo chí Mỹ và nhiều nước khác ca ngợi anh, một người có thành tích quá
xuất sắc trong thể thao. Xin được nhấn mạnh: Thể Thao – một cách rõ ràng, chính
xác, và nghiêm chỉnh. Năm ngày trước đó, anh Hoàng Xuân Vinh đã giành được một
huy chương vàng đầu tiên trong môn bắn súng hơi. Sẽ là quá khập khiểng nếu so
sánh Mỹ và Việt Nam về một điều gì đó, kinh tế chẳng hạn; nhưng, nếu so sánh
thành tích Thế Vận giữa hai vận động viên thể thao sẽ không có gì quá đáng.
Người
viết không hề coi thường chiếc huy chương vàng duy nhất trong lịch sử Thế Vận
mùa hè mà anh Vinh đã đem về cho tất cả các tuyển thủ Việt Nam tại Thế Vận Hội,
trong 60 năm qua. Anh cũng là vận động viên duy nhất của Việt Nam nhận được hai
huy chương trong một mùa Thế Vận (anh Vinh cũng giành được một huy chương bạc,
cũng trong môn bắn súng, nhưng dưới hình thức thi đấu khác).
Cũng sẽ
rất cập kênh, nếu không nói tới sự quan tâm của chính phủ Mỹ đối với phong trào
thể thao nói chung và đối với tuyển thủ Olympic đại điện cho nước Mỹ, khi so
sánh với sự thiếu thốn về dụng cụ, hỗ trợ chuyên nghiệp của huấn luyện viên, và
việc các quan chức của đảng bộ thể thao VN đã giành lấy cơ hội để đi du lịch mà
tước đi sự trợ giúp về y tế và huấn luyện mà các tuyển thủ Việt Nam cần phải
có.
Điều
khôi hài là báo chí của đảng lại chạy những hàng tít quá nhột nhạt như “phát
súng vang năm châu bốn biển”. Con người của thế kỷ tin học hôm nay không dễ bị
bốc thơm như vậy. Điều thực sự chấn động năm châu bốn biển là hàng vạn tấn cá
chết dọc suốt bờ biển miền Trung, hàng triệu ngư dân đang điêu đứng, mỗi ngày
đau đáu nhìn biển mờ dần trong nước mắt. Sự nhức nhối đó thấm thía trong từng bửa
ăn mỗi ngày của nhiều người Việt và bạn bè của họ ở khắp năm châu bốn biển.
Hoàng
Xuân Vinh sinh năm 1974, năm 20 tuổi anh tốt nghiệp trường công binh. Anh thường
đạt giải trong các cuộc thi bắn súng trong quân đội. Năm 1999, anh được Câu Lạc
Bộ Quân đội rút về, và sau đó thường được cử tham dự các cuộc tranh tài về môn
bắn súng ở SEA Games (Giải Thể Thao Đông Nam Á), và vì các thành tích đạt được
trong môn thể thao này, anh được thăng chức Đại Tá.
Có thể
anh Vinh sẽ có chút lúng túng khi ngồi chung với những Đại Tá đã chứng kiến
xương máu của đồng đội mình trên những cao điểm của mặt trận Vị Xuyên, Lão Sơn.
Xin nhường sự lúng túng đó cho những người đã gắn lon Đại Tá cho anh.
Nguyên
Đại
12/8/16
No comments:
Post a Comment